Có một trò chơi, hai bên cầm bài rồi thay phiên đoán chất bài của đối phương, người bị đoán trúng phải ngửa bài ra, còn đoán sai thì vẫn che lại, tiếp tục cho đến khi có một bên bị lộ hết toàn bộ quân bài trong tay và trở thành kẻ thua cuộc.
Tôi và Cam Linh đang chơi một ván bài vô hình, tôi thử cô ta ra kết quả sai, còn vấn đề cô ta thử tôi lại có kết quả chính xác. Tôi lần lượt xòe bài, không còn bao nhiêu bí mật trong tay. Đầu ngón tay tôi lướt trên những bí mật, không dám đẩy chúng ra ngoài, mà Cam Linh ăn chắc từng bước một, toàn bộ bài trong tay vẫn còn nguyên.
Tôi bực dọc, ném bài xuống gào lên tôi không chơi nữa.
Cam Linh đi guốc trong bụng tôi, nhẹ nhàng hy sinh một lá tiểu tốt.
Cô ta có chốn ở, không ngủ vạ vật trên sa lông ngoài đường.
Nước bài này gần như là dụ dỗ tôi ngồi vào bàn lần nữa để tiếp tục trò chơi này với cô ta, xem ai có thể moi thông tin từ người kia ra trước.
Tôi bắt đầu nóng ruột.
Bảy năm qua tôi sống yên tĩnh như dòng nước lặng, công chính và ôn hòa hệt chén canh gừng, mà sự xuất hiện của Cam Linh làm tôi cả ngày bực bội lo âu không có cách nào giải tỏa. Không phải là tôi thật sự nổi đóa lên, chỉ là cảm giác rối loạn này thật là kỳ lạ, và kinh nguyệt không đều là một biểu hiện trong số đó.
Lúc tôi lần đầu đến kì, mẹ tôi vô cùng hoảng hốt: "Sao lại đến sớm vậy chứ!" Cả ngày hôm đó bà ấy mất bình tĩnh và dễ bị kích thích cực độ, lấy ra bao băng vệ sinh xong thì quên cho chó ăn, liên tục tưới nước cho chậu hoa làm nó suýt chết úng. Tiếng sủa điên cuồng vì đói của chú chó trong nhà hòa lẫn với tiếng la hét chói tai của mẹ tôi lúc cố cứu lấy chậu hoa, còn tôi thì ngồi lọt thỏm trong góc không biết phải làm gì. Ngày đèn đỏ tôi đến bất ngờ làm bà ấy rối trí, mãi sau đó tôi mới biết được, kinh nguyệt đến là dấu hiệu biểu trưng cho giai đoạn tuổi dậy thì xốc nổi của tôi đã bắt đầu.
Để ổn định tâm tình của bản thân lại, thứ bảy tôi sắp xếp thời gian đến siêu thị, ấn miếng dán mụn dưới cằm trong lúc chờ lượt đỗ xe.
Tôi đỗ xe ngoài siêu thị Gia Hưng, từng hàng xe điện rực rỡ đầy sức màu sắp hàng cạnh nhau, với đủ loại kiểu dáng, thương hiệu và hình dạng kính chắn gió. Ông chú già què chân coi xe đòi tôi một đồng tiền, tôi đang móc tờ tiền lẻ từ túi ra, bỗng có cánh tay từ phía sau nắm chặt tay tôi.
Cam Linh xuất quỷ nhập thần đứng cạnh tôi, cô ta vừa xuất hiện, ông chú lập tức xua tay ý bảo tôi rời đi.
Tôi nói rằng nếu tôi không cho ông ta tiền, ông ta sẽ xịt lốp xe tôi, nhưng tôi nhớ lại là Cam Linh cũng từng làm điều này, nên ngậm miệng lại.
Cam Linh cầm điện thoại, nhét vào túi quần, rút lại bàn tay nắm cánh tay tôi.
"Không đâu, tôi biết ông ấy." Cam Linh trấn an.
"Ồ, thế sau này tôi tới đây sẽ được đậu xe miễn phí à?"
"Cô tới đây mua đồ hả?"
"Đúng rồi."
Màn hỏi đáp kết thúc, tôi chợt cảm thấy lạ lùng vô cùng, sao tôi bắt chuyện với Cam Linh hay vậy? Cứ y như chúng tôi là đôi hàng xóm ngẫu nhiên thấy nhau, rồi nắm tay đi mua sắm... thật là kỳ lạ. Tôi không khỏi tránh sang một bên xa xa, Cam Linh nói nếu gặp rồi thì tiện thể theo tôi cũng được, con đường tôi đi nhất định là chỗ không có hung thủ, đỡ mất công cô ta chụp nhiều hình.
Bụng tôi đầy một bồ thắc mắc, có điều cô ta dính như keo con chó (1) đuổi mãi không đi, tôi cũng không phí nước bọt nữa, đeo cái túi vải bạt đi vào siêu thị.
Tôi nhìn xuống, thấy cái bóng dưới đất kéo dài ra, phần đỉnh cái bóng của tôi đụng vào cái bóng của Cam Linh, hệt như xiếc nhào lộn. Bóng cô ta đè lên cái của tôi làm tôi khó chịu thấy rõ, tôi nhanh chân vòng ra sau lưng Cam Linh, dẫm mấy cái lên cái bóng cô ta.
Khuôn mặt lãnh đạm của Cam Linh không có biểu cảm gì, nhưng tôi cảm thấy trong lòng cô ta hẳn là đang mắng tôi trẻ con.
Cô ta trề môi, bước về cổng siêu thị, tiện tay vớt cái xe đẩy để dễ bề giả vờ giả vịt, còn con mắt như cái đèn pha quét tới quét lui, hễ bắt gặp được người đàn ông nào cỡ ba bốn mươi tuổi là soi người ta một lần, đồng thời chú ý hành động của tôi mọi lúc.
Tôi lấy bịch bánh sơn tra, kẹo, một hộp trò chơi ghép hình, nửa nải chuối, hai lốc sữa chua, một hộp bánh quy ngón tay (2), còn chọn thêm cái bút bi có nắp hình con thỏ. Khi nhấn đầu con thỏ sẽ được bút màu đỏ, tiếp tục nhấn sẽ ra màu xanh, thêm lần nữa sẽ được màu đen. Tôi ấn cái bút tanh tách, tô tô vẽ vẽ trên tờ giấy thử bút, vẽ đầu một chú thỏ, rồi đổi thành màu đỏ tô đôi mắt cho nó.
Vẽ giải stress.
Gần khu rau quả, trái cây là quầy bán ngũ cốc và dầu ăn, tôi nhìn chằm chằm vào những hạt gạo trắng ngà mập mạp một lúc lâu, cố nhịn cơn thèm khát muốn thò ngón tay vào. Dù sao hôm nay là thứ bảy, tôi đã dạy mấy đứa nhỏ không được chọt tay vào bịch gạo trong siêu thị, nhỡ đâu lúc tôi gây án bị phát hiện thì sao.
Bộ dáng tần ngần bên đống gạo của tôi có lẽ đã bị Cam Linh bắt tận mặt, chúng tôi đều đang đeo khẩu trang, trên mặt đầy vẻ bình thản ngây thơ. Tôi tay xách nách mang đầy thắng lợi trở về, còn hai tay Cam Linh vẫn trống trơn, cùng tôi rảo từ tầng trệt qua toàn bộ siêu thị. Đến khi tôi sắp đồ đạc vào giỏ xe thì Cam Linh mới ngừng bước, rẽ ngoặt đi, lần này cái bóng của tôi đè lên của cô ta một cách tự nhiên.
Bỗng dưng tôi đâm tò mò, đổi đầu xe theo đuôi Cam Linh.
Dường như Cam Linh không thấy tôi, ông chú giữ xe khập khiễng đi tới. Cô ta không lễ phép gọi ê một tiếng, ông ấy xoay qua, thì thầm cái gì đó.
Tiếng Cam Linh lại rất dễ nhận biết, có lẽ do cổ họng không có nhiều đàm, với cả cô ta cũng phát âm rõ ràng: "Chưa đâu, tôi còn phải tìm nữa."
Ông chú đề nghị: "Vậy tôi cũng phụ cô một tay."
"Sao chú biết mà tìm?"
"Tôi nhìn mấy đứa ăn trộm trúng phóc luôn, ai tốt ai xấu tôi nhìn ra được hết đó."
Cam Linh vẫn bất lịch sự khịt mũi một tiếng, đấm đấm vai ông chú, rồi đi về phía tôi.
Tôi tựa vào tay lái, lom lom nhìn Cam Linh.
Cam Linh đứng một lát, nhận ra tôi không có ý định rời đi: "Cô làm gì vậy?"
"Tôi đi theo cô."
Việc rình mò lén lút này đã trở nên quang minh chính đại, nhà tôi ở số năm lẻ hai, tòa nhà thứ hai khu Giai Hưng đã không phải là bí mật nữa, Cam Linh cũng cần vạch cái khăn che mặt thần bí ra cho tôi xem cô ta là người hay quỷ, dẫu sao phải có thông tin khác ngoài vụ cô ta không ngủ ở sa lông ra chứ.
Hiển nhiên là Cam Linh không ngờ đến việc tôi tự dưng đảo khách thành chủ đòi theo cô ta, lông mày nhíu lại, kéo kéo khẩu trang, thấy tôi vẫn ỳ ra trên xe, túi đồ cũng không có cái gì có thể chảy ra dưới ánh mặt trời.
Người phụ nữ điên này cho cái kính chắn gió vừa sửa của tôi ăn một cú đá rân trời. Rắc, nó vỡ ra, lần này thương thế nhất định thảm hơn lần trước nhiều, phần bị vỡ còn nối với chỗ lành bằng miếng băng keo, đung đưa qua lại cọt kẹt. Cú đá này mạnh bạo lắm, suýt nữa là cái xe ngã chỏng gọng.
Nhưng vẫn không đá tôi đi được, Cam Linh nhận thua, nhấc chân ngồi vào yên sau: "Đi đi."
"Tôi đi hướng nào?" Tôi không để tâm việc cô ta coi mình là con ngựa miễn phí.
"Phía Nam."
"Đi thẳng hướng nam hả?"
"Tôi kêu quẹo thì cô quẹo."
Tôi đèo Cam Linh, thông qua mức độ xe chìm xuống, tôi đưa ra kết luận rằng tuy cô ta gầy gò nhưng lại rất có trọng lượng.
Cam Linh ngồi sau lưng tôi, bảo tôi cứ nhằm hướng nam đi tới, gần như không quẹo chỗ nào, băng qua một mảnh đất hoang rồi đến một cái sân.
Nơi này lạ hoắc với tôi, bốn phía không một bóng người. Nếu đằng sau xe là đàn ông, tôi chắc như bắp rằng mình sắp bị giết người vứt xác tới nơi.
Xe ngừng trước cửa, Cam Linh xuống xe. Trên sân có một cái cửa gỗ nhỏ hẹp, khóa treo lủng lẳng.
Nhưng mà đây chỉ là trưng cho có, cô ta chạm nhẹ là khóa bật mở, cầm nó lên, dùng khuỷu tay đẩy cửa ra, để lộ khoảnh sân mọc đầy cỏ dại.
Giữa đám cỏ dại có ngôi nhà tàn tạ đã sụp một nửa, gồm hai căn phòng.
Bên trong căn phòng còn lành lặn có một cái giường đất nho nhỏ không để gần cửa sổ (3), một cái kệ gỗ đỏ thật dài, trên đó đặt di ảnh Trịnh Ninh Ninh.
Lớp cửa sổ có vẻ đã lâu chưa được lau chùi, mờ mịt đầy bụi đất. Tôi đứng ngoài cửa sổ, Cam Linh thì không biết lấy đâu ra được cái liềm hoen rỉ, xén bớt đám cỏ trong sân, ném ra một góc.
Cái sân này không có đường ống dẫn nước, chỉ có cái giếng nước rỉ sét loang lổ, bên cạnh là cái xô nhựa sũng nước.
Cam Linh múc một gáo nước từ cái xô, tiếp tục lấy thêm mấy xô nước từ cái giếng, rồi hắt nước vào tay, bắt đầu rửa mặt đầy mạnh bạo.
Bên cạnh cái giếng còn có một cái hộp nhựa, hẳn là đựng xà bông giặt đồ rẻ tiền, loại ba đồng rưỡi một thanh (4). Cam Linh quẹt tay trên đó mấy cái, bôi lên cái cổ mướt mồ hôi, lại dội thêm mấy gáo nước, làm cổ áo, quần áo ướt nhèm.
Giống như còn chưa đã ghiền, cô ta vén vạt áo hoodie lên, tôi vội vàng xoay lưng lại, kéo cửa nhà chui vào, thấy đống gạch đá đè lên cái tủ cũ nát, và một cánh cửa dẫn đến căn phòng lành lặn. Tôi đẩy cửa vào, trên giường đất có một cái chăn bông cũ mèm rách rưới, được xếp lại rất gọn gàng.
Lại ngoái nhìn cái sân qua lớp cửa sổ bụi bặm, tôi thấy Cam Linh đã ném cái áo hoodie vào thùng giặt sạch, rồi treo cho ráo nước trên cọng dây thép đơn sơ.
Lúc này tôi mới phát hiện Cam Linh tuy gầy, nhưng cơ bắp trên người hiện ra rõ rệt, tựa như có thói quen tập thể hình vậy, đường cong trên cánh tay và cơ bụng nhìn rất đẹp mắt.
Cam Linh chợt lôi xô nước tạt vào đống cửa sổ, làm tầm mắt tôi nhòe cả đi.
Không bao lâu sau, cô ta đẩy cửa tiến vào, để di ảnh Trịnh Ninh Ninh lên đầu tủ.
Tôi đã chú ý tới bức ảnh này từ trước, trong tang lễ Trịnh Ninh Ninh, lúc tôi quỳ xuống thì thấy nó đặt trước quan tài, màu sắc đen trắng không nhìn rõ cảnh vật xung quanh, khuôn mặt trẻ con ngây thơ của Trịnh Ninh Ninh nổi bật trên đó.
"Trước khi tôi rời huyện Năng có ở chỗ này một thời gian, qua bảy năm nó sụp một nửa, bên đây còn có thể ở được."
Cam Linh mặc cái áo ngực thể thao để lộ vòng eo thon chắc, tôi vô thức hóp bụng mình lại.
"Cô nói tôi chết rồi, không phải, tôi vẫn còn sống." Cam Linh nghiêng người ngồi xuống mép giường, duỗi hai chân ra, nhìn xuống mũi giày, đôi tay vẫn cắm vào túi, tóc tai đẫm nước rơi lõa xõa trên bờ vai.
"Cô còn muốn biết gì nữa?"
Đối phương nhướng mày, tựa như tôi mới là kẻ vô cớ gây rối vậy. Cái khẩu trang nhét vào túi quần lòi ra, Cam Linh lấy ngón tay móc móc, không hiểu sao tôi nhớ tới Lộ Kim Thời.
Khi tôi quyết định chia tay bạn trai cũ Lộ Kim Thời, anh ấy vẫn trong điệu bộ cà lơ phất phơ, lấy ngón chân cái ngoáy ngoáy ngón trỏ, đôi tay cắm trong túi, làm như dáng vẻ này ngầu như Hanazawa Rui (5) lắm.
Lộ Kim Thời nói: "Anh không có gì để nói, nhưng em không muốn hỏi anh điều gì à?"
Tôi trả lời: "Không có."
Đối mặt với Cam Linh tôi suýt chút nữa vuột cái từ "không có" ấy ra, nhưng vẫn kiềm lại được.
"Tôi chưa bao giờ thấy cô đón Trịnh Ninh Ninh, con bé ở trong lớp tôi được nửa năm... Lúc ghi danh vào trường tiểu học Hồng Chí vẫn là bà nội con bé làm, bình thường con bé chỉ đi học một mình..."
Tôi lựa lời nói giảm nói tránh, Cam Linh bỗng giơ tay ngừng mấy lời dài dòng của tôi: "Ý cô muốn nói tôi là người mẹ vô trách nhiệm bỏ bê con mình, thậm chí còn có khả năng ích kỷ chạy theo người khác không thèm quan tâm cuộc sống con bé, bảy năm sau mới biết tin nó mất, bây giờ lại làm bộ đạo đức giả tìm hung thủ báo thù..."