Cúc Cu Cúc Cu - Thiên Lương Vĩnh Động Cơ

Chương 16: Báo nguy



Buổi học vẽ kết thúc khi chuông báo thức reo vào lúc 5 giờ chiều. Ôn Linh nhặt tờ giấy nháp của Kha Diệc Từ, dán nhãn ngày tháng lên góc phải rồi cất vào tập hồ sơ. Cậu đưa máy tính bảng cho Kha Diệc Từ, trên màn hình là trang web mua vé xem phim. Ôn Linh nói: "Chọn đi."

Kha Diệc Từ đang nghĩ tối nay rảnh rỗi, liền cúi xuống lướt qua danh sách các bộ phim đang chiếu. Phim tình cảm thì quá nhàm chán, phim trinh thám lại quá căng thẳng, không tiện để tạo cơ hội gần gũi, còn phim hoạt hình thì quá trẻ con. Sau một hồi cân nhắc, cuối cùng cậu chọn một bộ phim chủ đề thảm họa.

Hy vọng khi đến cảnh thảm họa xảy ra, cậu có thể tự nhiên mà nắm tay Ôn Linh.

Ôn Linh không phản đối, cậu chọn ghế ngồi giữa rạp và thanh toán. Cậu ra dấu: [Tôi muốn chuyển tầng dưới thành phòng vẽ.]

"Ba mẹ cậu đồng ý chứ?" Kha Diệc Từ hỏi.

[Họ giờ mê sưu tầm huy hiệu kim loại, chẳng cần chỗ để mấy món đồ cũ nữa.] Ôn Linh ra dấu.

Thấy Ôn Linh gọi bộ sưu tập của ba mẹ là "đồ cũ", Kha Diệc Từ bật cười. Thì ra những đứa con ngoan ngoãn đôi khi cũng lén phàn nàn về sở thích kỳ lạ của cha mẹ. Anh hỏi: "Vậy số đồ đó cậu định để ở đâu?"

Ôn Linh suy nghĩ một lúc rồi ra dấu: [Chuyển lên tầng ba hoặc vứt đi.]

Lúc này đây, Sư Nhung và Ôn Đức Trạch hoàn toàn không biết rằng đứa con cưng của họ đang âm thầm lên kế hoạch dọn dẹp tất cả những món đồ mà họ đã sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới. Sư Nhung vừa cầm lên một huy hiệu nhỏ hình xác ướp, cảm thấy nó rất hợp để gắn lên ba lô của con trai. Ôn Đức Trạch dùng dao cắt thanh long thành từng miếng nhỏ, cắm hai cây tăm rồi đặt đĩa trái cây trước mặt Sư Nhung, nói: "Chỉ còn một tuần nữa là Tiểu Vũ và Tiểu Tuyết phải đi học lại rồi."

"Ài." Sư Nhung ăn một miếng thanh long, thở dài, "Trước đây còn có một đứa bạn chơi với Tiểu Vũ, giờ hai đứa chia tay, Tiểu Vũ lại phải ăn trưa một mình rồi."

"Trẻ con mà, chuyện tình cảm chia tay hợp lại là chuyện thường thôi." Ôn Đức Trạch an ủi. Do chấn thương tâm lý trong thời thơ ấu của Ôn Linh, hai vợ chồng hiếm khi can thiệp vào sở thích của con. Họ không kỳ vọng cậu thành công rực rỡ, chỉ mong cậu bình an.

Sư Nhung xuất thân từ một gia đình kinh doanh trang sức, gia tộc đã nhiều đời thiết kế và buôn bán trang sức và cái tên Sư rất có uy tín tại Bắc Kinh. Bản thân Sư Nhung cũng là một nhà thiết kế trang sức hàng đầu trong nước. Ôn Đức Trạch, người gốc Thiên Tân, làm việc trong lĩnh vực phục chế cổ vật tại Cố Cung, một công việc đặc trưng của các cơ quan sự nghiệp nhà nước. Sư Nhung bận rộn với công việc, nên Ôn Đức Trạch có nhiều thời gian hơn để chăm sóc Ôn Linh và hiểu rõ tính cách của con. Đứa trẻ này bên ngoài mềm mỏng nhưng bên trong rất cứng cỏi, nhìn thì dễ bảo nhưng thực chất lại vô cùng cứng đầu.

Ôn Linh từ nhỏ đã có tính cách bướng bỉnh, điều này Ôn Đức Trạch đã được cảm nhận sâu sắc. Những đứa trẻ khác thường là không ăn cứng chỉ ăn mềm hoặc là bắt nạt kẻ yếu, nhưng Ôn Linh thì mềm cứng gì không ăn nốt. Trong gia đình, chỉ có một "cục vàng" như cậu, không thể đánh, không thể mắng, cũng không thể dùng lý lẽ để thuyết phục, khiến Ôn Đức Trạch đôi khi tức giận mà phải đi đi lại lại trong phòng.

Ông cũng cảm thấy may mắn vì Ôn Linh có tính cách như vậy. Nếu không, cậu bé sẽ không cùng một cô gái và một chú chó trốn khỏi vùng quê kia, phải đi bộ hàng chục km, bán câu chuyện thương tâm và xin ăn để tới được thành phố gần nhất tìm sự giúp đỡ từ báo chí, cuối cùng mới trở về bên họ.

"Tiểu Vũ vừa kết bạn mới nhìn có vẻ ổn đấy." Ôn Đức Trạch nói, "Cậu bé dẫn Tiểu Vũ đi chơi khắp nơi, tình cảm của hai đứa rất tốt."

"Nghe Tiểu Tuyết nói cậu thanh niên đó biết ngôn ngữ ký hiệu." Sư Nhung nói, "Không lạ gì khi Tiểu Vũ thích chơi với cậu ta. Bạn bè mà, càng thay đổi càng tốt." Bà gặm một miếng thịt từ quả thanh long, lơ đãng nói: "Yêu đương đâu phải yêu người đầu tiên là thành cái rụp, phải so sánh nhiều một chút, chọn người tốt nhất."

Ôn Đức Trạch lắng nghe những lời nói "vô tâm" của vợ, cảm thấy đồng tình, bởi vì năm xưa, chính ông cũng đã thành công nắm được tay của Sư Nhung giữa hàng loạt người theo đuổi nhờ vào ngoại hình và tài năng.

Ôn Linh giống mẹ mình về ngoại hình, nhưng tính cách lại giống ba, cậu vừa lòng gia đình Ôn vừa được vừa lòng gia đình Sư, dù có chiều chuộng cũng không kiêu ngạo, điều này có lẽ một phần cũng là do tuổi thơ trắc trở kia của Ôn Linh.

Giai đoạn đó đã mang đến những nỗi đau khôn nguôi, như một vết bỏng in sâu vào linh hồn Ôn Linh, nhân tính vặn vẹo đáng ghê tởm, thiện lương mềm mại, trong giai đoạn hỗn loạn đầu đời của một đứa trẻ đã tiêm vào cho cậu một liều thuốc thúc đẩy sự trưởng thành.

Trong những ngày đã tìm về được Ôn Linh, Ôn Đức Trạch và Sơ Nhung đã nhận nuôi cô bé và chú chó vàng tên Hoàng Đậu, chỉ để tạo cho Ôn Linh một môi trường ấm áp, thoải mái, bảo vệ cậu lớn lên an ổn.

*Năm đó Ôn Linh dắt Ôn Thuỵ Tuyết và Hoàng Đậu về, sau đó ba mẹ Ôn nhận nuôi cả 2.

Ôn Linh thực sự đã làm đúng như mong đợi của cha mẹ, thông minh và khéo léo, cậu đã dần dần kìm nén tính bướng bỉnh, trở nên ngoan ngoãn biết chăm sóc em gái, thể hiện đầy đủ phong thái của một người anh lớn.  Sư Nhung và Ôn Đức Trạch cố gắng đối xử công bằng với hai đứa trẻ, việc nuôi dạy hai đứa nhỏ với bối cảnh gia đình Sư Nhung thì hoàn toàn không phải là vấn đề gì khó khăn. Người lớn trong nhà đối xử với cô bé như cháu gái ruột, tạo điều kiện giáo dục tốt và môi trường đầy đủ, tài năng kinh doanh của Ôn Thuỵ Tuyết đã bắt đầu lộ diện, cô đã thi đỗ vào trường học kinh tế, điều này khiến Sư Nhung bắt đầu cân nhắc khả năng giao công ty cho con gái nhỏ.

"Ông là ai?" Ôn Thuỵ Tuyết cảnh giác nhìn người đàn ông trung niên ngồi bên bàn cà phê.

"Cháu tên Ôn Thuỵ Tuyết, đúng không?" Người đàn ông trung niên hỏi.

Ôn Thuỵ Tuyết gật đầu.

"Cháu nên được gọi là Trương Vọng Nam." Người đàn ông trung niên nói, "Ta là chú của cháu."

"Ông bị điên à?" Ôn Thuỵ Tuyết rút điện thoại ra và bấm số 110, "Tôi không biết ông, tôi sẽ báo cảnh sát."

"Cô bé, cháu biết ba mình không phải họ Ôn." Người đàn ông trung niên bình tĩnh nói, giọng nói của ông mang đậm dấu ấn người Hà Nam, "Đi về nhà với ta đi, bố mẹ của cháu rất nhớ cháu."

Ôn Thuỵ Tuyết tắt cuộc gọi báo cảnh sát, người đàn ông trung niên biểu cảm vui mừng, tưởng rằng đã thuyết phục được cô bé, ông nói: "Cháu không phải là con ruột của họ thì làm sao họ có thể đối xử tốt với con được, những năm qua cháu đã phải sống rất khổ sở đúng không?"

Ôn Thụy Tuyết mở ứng dụng máy ảnh, chụp một bức hình người đàn ông trung niên trước mặt. Gương mặt người đàn ông lập tức biến sắc, vội đứng dậy định giật lấy điện thoại từ tay cô. Ôn Thụy Tuyết hét lớn: "Báo cảnh sát! Có ăn cướp!"

Nhân viên quán cà phê nghe thấy liền hoảng hốt, vội vàng nhấc máy gọi cảnh sát. Nhân lúc ấy, Ôn Thụy Tuyết nhanh chóng chạy ra khỏi quán, trong khi một số khách hàng nhiệt tình đã giữ chân người đàn ông ở cửa, không cho gã ta rời đi. Cô chạy qua hai ngã tư, tim đập thình thịch, thở dốc sau cuộc chạy trốn đầy kinh hoàng. Cô đến điểm hẹn này vì nhận được một cuộc điện thoại lạ. Người trong điện thoại nói rằng bố mẹ ruột của cô muốn gặp cô một lần. Vì tò mò, Ôn Thụy Tuyết đã đến nhưng không ngờ lại gặp phải tình huống kỳ lạ như vậy.

Ôn Thụy Tuyết từ khi còn bé đã sống trong một ngôi làng hẻo lánh ở An Huy. Mẹ nuôi của cô hiếm khi bày ra vẻ mặt tốt, ả có một đứa con trai lớn hơn cô một chút. Dựa trên những lời chế giễu từ lũ trẻ trong làng, Ôn Thụy Tuyết đoán rằng mẹ nuôi của cô đã bỏ ra một nghìn tệ để mua cô về, dự định làm vợ cho con trai mình khi lớn lên.

Từ lúc ba tuổi, cô đã phải gánh vác việc giặt giũ trong nhà. Do phải ăn cháo loãng từ nhỏ nên cơ thể cô thiếu chất dinh dưỡng khiến vóc dáng nhỏ bé. Khi cô ngồi bên chậu giặt đôi tay nhỏ bé không thể với tới trung tâm chậu nước. Mẹ nuôi thường xuyên quát mắng cô vì làm việc chậm chạp, thậm chí còn chửi bới cô bằng những lời lẽ cay độc, con trai bà cũng học theo luôn miệng nói ra những từ ngữ xúc phạm.

Kể từ khi cô mang tên Ôn Thụy Tuyết, cô đã cố gắng không nghĩ về quá khứ tồi tệ đó, luôn nỗ lực để trở nên vui vẻ lạc quan. Cô đã xác định rằng cái tên Ôn Thụy Tuyết thuộc về cô, không ai có thể lấy đi tên đó.

Khi nghĩ vậy, cô ngẩng đầu lên đi tới trụ sở cảnh sát ở bên đường. Cô bước vào với dáng đi đầy quyết tâm, tiến đến bàn trực ban nói: "Tôi muốn báo án."

"Có chuyện gì xảy ra vậy?" Anh cảnh sát hỏi.

"Tôi muốn báo về một vụ buôn bán người xảy ra cách đây 13 năm. Tôi chính là người bị buôn bán." Ôn Thụy Tuyết nói. "Tôi tên Ôn Thụy Tuyết, tên thật là Trương Vọng Nam. Tôi nghi ngờ rằng cha mẹ ruột đã bán tôi đến làng Tào Diêu, thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy để làm con dâu nuôi từ bé."

Anh cảnh sát sững người lại, hỏi: "Cha mẹ ruột của cô ở đâu?"

"Ở Hà Nam, nhưng tôi không biết chính xác là ở đâu." Ôn Thụy Tuyết đáp.

"Vụ việc xảy ra đã lâu, tôi khuyên cô nên đến đồn cảnh sát ở Phụ Dương để báo án." Anh cảnh sát nói, rút ra một tấm danh thiếp đưa cho cô. "Chuyện xảy ra 13 năm trước có thể khó lập án, nhưng cô hãy giữ liên lạc với chúng tôi. Nếu cần giúp đỡ, hãy gọi cho chúng tôi."

"Vâng, cảm ơn anh." Ôn Thụy Tuyết năm nay vừa tròn 18 tuổi, việc báo án đã tiêu tốn hết sự can đảm của cô. Cô nhận lấy danh thiếp và đề nghị thêm một yêu cầu: "Tôi có thể ngồi lại đây một chút không? Tôi cần bình tĩnh lại."

"Được, cô ngồi nghỉ một lúc đi." Anh cảnh sát nói, "Có cần tôi gọi cho gia đình cô không?"

"Tôi sẽ tự gọi, cảm ơn anh." Ôn Thụy Tuyết đi đến một hàng ghế dựa vào tường, ngồi xuống, đầu tựa vào tường, nhắm mắt lại, nét mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt cô. Cô không muốn nhớ lại quá khứ đen tối đó, chỉ có một điều duy nhất khiến cô cảm thấy được an ủi, đó là Ôn Linh.

Lần đầu tiên cô gặp Ôn Linh là khi đang giặt quần áo. Một con chim ác lào mập mạp đậu trên tường kêu lên hai tiếng. Cô ngẩng đầu lên, thấy một cái đầu tròn tròn lấp ló phía trên bức tường đất thấp. Một cậu bé với gương mặt thanh tú, làn da trắng trẻo, rõ ràng không phải người ở thôn quê, cậu bé kia đang ngó nghiêng từ trên tường vẫy tay chào cô.

-