Đại Ca

Chương 34



Ngụy Khiêm gọi về một cú điện thoại, một tuần sau liền quay về đúng như hứa hẹn.

Có điều không phải tự mình đi về, chẳng biết Lão Hùng thuê xe từ đâu, chạy thẳng tới nhà gã.

Đó là một buổi chiều mùa hè nắng gắt, Tam Béo đang một mình ở nhà ăn bữa trưa muộn: một tô mì ăn liền.

Đài truyền hình địa phương đang phát mấy tin tức vô bổ – ví dụ như – người quản lý kho trái luật say rượu, vào nhầm kho lạnh, đồng sự thay ca khóa cửa như thường lệ, nhốt thủ kho này trong đó dẫn đến cái chết.

Tiểu Bảo bị Ngụy Chi Viễn ép tự mình làm bài tập hè vò đầu bứt tai toát mồ hôi hột, chốc chốc lại nghĩ vẩn vơ, ngẩng đầu nghe tin tức này, không nhịn được hỏi: “Kho lạnh là gì ạ?”

Ngụy Chi Viễn chẳng buồn ngẩng lên đáp: “Là một cái tủ lạnh to.”

Tống Tiểu Bảo lại hỏi: “Trách nhiệm thuộc về ai?”

Ngụy Chi Viễn cười lạnh lùng: “Người ta khóa đúng giờ, lão tự vào kho lạnh quá giờ, đương nhiên là trách nhiệm của chính lão do làm trái quy định.”

Tống Tiểu Bảo không tài nào hiểu nổi: “Thế ổng chui vào cái đó… ừm… cái tủ lạnh to đó làm chi?”

Ngụy Chi Viễn một lời hai ý nghĩa: “Ai biết được? Chắc bị bệnh.”

Tống Tiểu Bảo nghĩ ngợi rồi bình luận: “Ôi, lần đầu tiên em nghe nói con người còn có thể chết cóng đó, nhảy một chút không phải hết lạnh sao?”

Ngụy Chi Viễn rốt cuộc ngẩng đầu nhìn con bé, dùng điều khiển từ xa tắt ti vi.

Tiểu Bảo thè lưỡi, cúi đầu tiếp tục hằn thù giải quyết số bài tập.

Ngụy Chi Viễn nhìn nó giây lát, không thể tưởng tượng nổi, nghĩ bụng: “Con nhỏ đó mà cùng một mẹ với anh hai hả?”

Cũng chính lúc này, tiên sinh Hùng Anh Tuấn dãi nắng thành một cục phân dê đen bóng bước xuống xe, đứng dưới nhà Ngụy Khiêm, mới đầu khom lưng soi cửa kính xe chỉnh lại quần áo tóc tai, sau đó đứng thẳng dậy gọi với lên trên lầu: “Đàm tiên sinh có nhà không? Đàm Ngư Đàm tiên sinh có nhà không?”

Cửa kính xe bên cạnh bị kéo xuống, tiếng Ngụy Khiêm từ bên trong truyền ra, sự tôn kính với “đường tiền tài” tương lai đã bị mài sạch bong kin kít trong hành trình mấy tháng chết giẫm, gã chẳng thèm khách sáo: “Gọi ổng làm gì? Đỡ tôi một chút khiến anh mệt chết hả, đồ đần?”

Đồng chí Lão Hùng nhỏ nhẹ trả lời: “Anh tiếp thu đề nghị về sau rèn luyện thân thể nhiều hơn, nhưng với thể lực của anh trước mắt, chỉ sợ ngay cả cái bình ga cũng không khiêng nổi, nói chi quý ông đây.”

Ngụy Khiêm phát nản, một lúc lâu gã mới nói yếu ớt: “Đừng gọi thẳng tên ổng, coi chừng ổng nổi khùng đó.”

Lão Hùng lịch sự hỏi: “Ồ, vậy xin hỏi nên xưng hô thế nào?”

Ngụy Khiêm: “… Tam Béo.”

Lão Hùng gật đầu, đoạn đứng thẳng dậy, nho nhã lễ phép gọi với lên trên lầu: “Xin hỏi Tam tiên sinh có nhà không ạ?”

Ngụy Khiêm trong xe lặng lẽ quay đầu đi.

May mà Tam Béo có thiên phú, đang ở nhà ăn trưa, nghe thấy mấy tiếng “Tam tiên sinh” lại hiểu ngay, ném đũa thò đầu ra cửa sổ: “Gọi tôi hả?”

Ngụy Khiêm uể oải mở cửa xe phất tay gọi hắn: “Ông Tam, xuống đỡ tôi coi.”

Tam Béo híp đôi mắt vốn đã ti hí, chăm chú nhìn một lúc lâu mới giật mình: “Ối mẹ ơi! Anh em! Nhóc Khiêm! Không phải mày bảo đi buôn thuốc với một ‘thằng cha cá mè hoa ngu xuẩn lắm tiền’ hả? Sao anh thấy giống đi nướng thịt dê với Mô-ha-met(1) hơn vậy? Sao lại thành ra thế này hả?”

“Thằng cha cá mè hoa ngu xuẩn lắm tiền” cứ thế im lặng đứng bên lắng nghe.

Bỗng nghe cửa sổ tầng 3 bị đẩy mạnh ra, người mở cửa quá mạnh tay, cánh cửa đập vào tường cái “cốp” rồi dội ngược lại.

Ngụy Chi Viễn: “Anh hai!”

Giọng cậu bé trong thời kỳ vỡ tiếng gần như không thành âm, Ngụy Khiêm liếc nó: “Gọi hồn hả?”

Gã cũng chẳng khá khẩm gì hơn Lão Hùng, cả khuôn mặt chỉ còn hai chỗ trắng – răng với tròng trắng, nhưng trong mắt Ngụy Chi Viễn, sự xuất hiện của cục than này hệt như cây đèn thần của Aladin vậy, thoáng chốc chiếu sáng cả cuộc đời nó… Đương nhiên, bởi cơn ác mộng lạ lùng kia mà giờ đây dưới cây đèn thần này đã xuất hiện một bóng mờ be bé.

Bà Tống ban ngày không ở nhà, Ngụy Chi Viễn, Tiểu Bảo và Tam Béo vội vàng chạy xuống, giờ mới biết vì sao Ngụy Khiêm cứ ngồi im ở đó, vì một chân gã đã bị bó bột.

Tam Béo trợn tròn mắt: “Cái… cái này sẽ không ảnh hưởng đến việc nhập học chứ? Có nặng không hả?”

Ngụy Khiêm còn chưa kịp đáp thì cá mè hoa Lão Hùng đã mở miệng như tụng kinh: “Không đâu, thương gân động cốt một trăm ngày, chắc chỉ còn khoảng năm mươi ngày thôi, tôi thấy cậu ta da dày thịt béo, hẳn tháng sau là tháo bột được liền.”

Ngụy Khiêm vịn Tam Béo đứng dậy, phất tay đuổi Lão Hùng: “Được rồi, anh xéo được rồi đó, đồng hồ đếm ngược.”

Lão Hùng ngại ngùng nói: “Nể chúng ta cùng vào sinh ra tử, cho tôi ở lại nghỉ ngơi vài ngày đi.”

Ngụy Khiêm: “Nhà anh xảy ra động đất cục bộ hả?”

Lão Hùng càng thêm ngại ngùng: “Xấu hổ quá, nhà có sư tử Hà Đông, bao nhiêu lâu không gọi một cú điện thoại về cho vợ nên hơi sợ bà xã cắn.”

Tam Béo buồn cười: “Ông anh, tránh được mùng một đâu tránh khỏi mười lăm, dũng sĩ đích thực phải có gan đối mặt với cuộc đời tăm tối, thôi về quỳ bàn chà trước lãnh đạo đi!”

Lão Hùng mỉm cười bảo: “Tôi không phải dũng sĩ đích thực, tôi chỉ là ‘thằng cha cá mè hoa ngu xuẩn lắm tiền’.”

Tam Béo: “…”

Ngụy Khiêm: “…”

Tam Béo bấy giờ mới kịp phản ứng, tái hết cả mặt, ho một tiếng trừng mắt lườm Ngụy Khiêm – thằng lỏi này không chịu nhắc nhở gì hết!

Hắn dồn khí xuống đan điền khom chân trung bình tấn, vỗ vai mình bảo Ngụy Khiêm: “Chú mày… ôi, thôi lên đi.”

Tam Béo cõng Ngụy Khiêm, vẫn phẫn nộ chửi bới: “Bờ vai rộng lớn của anh hãy còn gin, để lại cho bà xã tương lai đó, chỉ làm lợi cho thằng oắt con nhà mày… chao ôi!”

Nói rồi hắn cúi đầu nhìn tay Ngụy Khiêm, định tìm chút cảm giác vượt trội từ màu da như quét sơn của gã, liền chế giễu: “Anh Tam hỏi nè, lát nữa mày tắm rửa, có phai màu được không?”

“Sao lại không được?” Ngụy Khiêm dửng dưng nói, “Còn rút nước nữa kìa.”

Gã vẫn còn tâm trạng để đùa giỡn, tim Tam Béo hoàn toàn thả xuống ngực – đủ thấy bị thương không nặng, chỉ bị giật mình thôi chứ chưa nguy hiểm.

Lão Hùng nhát cáy cuối cùng vẫn không dám vác xác về.

Nhưng nhà Ngụy Khiêm thật sự không còn dư chỗ, thêm nữa Ngụy Khiêm cho rằng Ngụy Chi Viễn có thể do bóng ma tâm lý lúc nhỏ quá nặng nên vẫn hơi “sợ người lạ”, ví dụ như ánh mắt nhìn Lão Hùng thoáng có sự thù địch.

Cuối cùng Lão Hùng sang nhà Tam Béo ở nhờ – cha mẹ Tam Béo đi nhập hàng, đêm nay không về.

Hai tên mồm mép tía lia bỗng như lưỡng long hợp thể, y chang hai con heo trắng đen đối lập rõ rệt, thân thiết sóng vai lên lầu hội ngộ tư tưởng.

Ngụy Khiêm ngay cả cơm cũng không kịp ăn, ném hành lý cắm đầu ngủ mê mệt, thật sự không hề nhúc nhích, chẳng buồn trở mình luôn.

Giờ cơm tối bà Tống suy đi tính lại, mới quyết định gọi gã dậy ăn vài miếng rồi ngủ tiếp, Ngụy Khiêm đã mệt đến mức độ nhất định, biết có người gọi mình nhưng không sao tỉnh nổi, cuối cùng nhờ vào ý chí kiên cường sau khi chịu đựng Lão Hùng từng ấy ngày, Ngụy Khiêm như xác chết biết đi, nuốt đại vài miếng rồi lại bò về giường làm xác chết.

Đêm hôm đó, Ngụy Chi Viễn làm bài tập đến một giờ sáng.

Nó vốn định dùng tiền trại hè mua quần áo cho Tiểu Bảo, còn bản thân không đi nữa, bây giờ hiển nhiên cần thay đổi kế hoạch, nhất định phải đi trại hè, kẻo anh hai không bằng lòng, nó đành phải làm hết bài tập toán Olympic mấy hôm trước đã bỏ xó – khi đến đó giáo viên sẽ kiểm tra.

Về phần con nhóc Tống Tiểu Bảo kia, xem ra tạm thời khỏi cần nó lo lắng. Anh hai vừa trở về, con bé liền thoát khỏi trạng thái hiểu biết trong cảnh khổ ngắn ngủi, lại vui vẻ hẳn, chiều đó chạy ngay đi chơi với bạn, tiền tiêu vặt cũng không tích góp nữa, mua luôn cái váy mới bằng tốc độ ánh sáng.

Nó gấp sách lại, lẳng lặng ngồi trên ghế ngắm Ngụy Khiêm một lát, bộ dạng khỉ gió của anh hai trước mắt đương nhiên chẳng dính xíu nào tới dáng vẻ trong mơ khiến nó rung động không thôi, Ngụy Chi Viễn định thần lại, bốn ngón gập vào, luân phiên dùng những móng tay cắt cụt ngủn bấm lòng bàn tay.

“Một giấc mơ thôi mà, chẳng có nghĩa lý gì hết,” Cậu thiếu niên mới lớn bình tĩnh nghĩ, “Người mơ thấy mình cởi truồng chạy rông chẳng lẽ thật sự sẽ cởi truồng chạy rông? Người mơ thấy mình lật tung ô tô chẳng lẽ thật sự có sức mạnh lật được ô tô? Không thể nào, nếu mơ mà không vớ vẩn thì người ta đã chẳng dùng hai chữ ‘nằm mơ’ để thay cho chữ ‘cút’… Anh hai nằm tư thế này từ trưa đến đêm, tay không tê à?”

Nghĩ vậy, Ngụy Chi Viễn liền chậm rãi bước lại, nhẹ nhàng lật bả vai Ngụy Khiêm, cẩn thận tránh chân bị thương, giúp gã trở mình, lại đỡ đầu gã ngay vào giữa gối.

Nhịp thở ổn định của Ngụy Khiêm không mảy may bị quấy nhiễu, lướt qua cổ tay Ngụy Chi Viễn, tạo thành một làn gió nhẹ tênh ấm áp.

Đường nét của gã trong bóng đêm khiến tim Ngụy Chi Viễn đập thót, nó cuống quýt rụt tay lại, ngoan ngoãn nằm sát mép giường như một cương thi.

Ngụy Chi Viễn rơi vào một trạng thái lạ lùng – Ngụy Khiêm trở về giúp tinh thần căng như dây đàn buông lỏng, theo bản năng sinh ra cảm giác vừa mệt mỏi vừa vui vẻ, vốn nên chạm gối là ngủ ngay, nhưng nó lại bị sự phấn khích khó nói thành lời thao túng, trong mỗi một mạch máu đều là dòng máu chảy rất nhanh, lẳng lặng xuyên thấu qua mạch máu đem sự ấm áp của động thái đó truyền lên da.

Nó không sao nhắm được mắt.

Khi nó dùng thị giác tuổi nhỏ ngước nhìn thiếu niên bên cạnh, từng cảm thấy anh cao lớn và không gì không làm được, nhưng giờ đây sự ngưỡng mộ đó đã mất sạch theo thay đổi của thị giác.

Nó phát hiện, anh hai nó cũng chỉ là một con người xác thịt thai phàm mà thôi.

Mà xác thịt thai phàm nhỏ bé như sâu kiến trong chúng sinh, dãi nắng thành một xác ướp Châu Phi này, lại tựa như một ngọn gió lốc, thoáng chốc quét sạch mây đen và mưa dầm trong thế giới tinh thần của nó, chớp mắt đã là đồng không bao la và trời cao mây trắng.

Ngụy Chi Viễn ngửa mặt nằm trên giường, phân tích tỉ mỉ cõi lòng mình, cầm kính lúp, muốn tìm ra tâm tình ẩn giấu trong mỗi một kẽ xương cốt, giống như người thứ ba lơ lửng giữa trời đêm, từ trên cao cúi xuống săm soi bản thân – một bản thân yếu đuối vô năng vẫn đầy sợ hãi và hoảng hốt.

Ngụy Chi Viễn đưa ra một kết luận, nó cho rằng mình vẫn quá yếu ớt, nên mới cần một trụ cột trong thế giới tinh thần như anh hai.

Nó quyết định phải dọn dẹp triệt để trụ cột này.

Nhưng dẫu như vậy thì tâm tình vẫn không thông thoáng, trong linh hồn có chỗ nào đó vẫn cứ dính dấp.

Cuộc giải phẫu của Ngụy Chi Viễn với linh hồn mình dừng lại ở đây, dường như nó vô thức sợ hãi khoảng bóng mờ kia, trong đó hình như cất giấu chân tướng của cảm giác dính dấp quanh quẩn không chịu đi khỏi, mà do bản năng tự bảo vệ, nó đã phong kín chân tướng nho nhỏ ấy.

Đó là ái dục méo mó biến thái bội đức mà lại hoang đường đáng sợ xen lẫn với chết chóc, đã vượt qua mức một thiếu niên có thể chịu được.

“Gió xuân chẳng hiểu chi, chỉ khiến lòng thiếu niên xao xuyến”(2), ca từ đẹp, có thể làm lòng thiếu niên xao xuyến, nhưng chưa chắc đều là trời quang trăng sáng.

Ngụy Chi Viễn biết rõ mình đang trượt xuống một vực sâu, nhưng nó không biết nên ngăn cản bằng cách nào.

Ngụy Khiêm ngủ một giấc đến tận chập tối hôm sau.

Gã lảo đảo bò dậy trong những ánh mắt muôn vàn lo lắng của gia đình, gầy tong teo y như cái giá treo quần áo biết đi, chui vào nhà vệ sinh, tiện tay vặn nước muốn tắm.

Vòi sen nhà gã cấu tạo cổ lỗ sĩ cực kỳ, chỉ có hai cái ống đơn giản, một bên nối với bình nước nóng còn một bên là vòi nước máy, nước máy đến nhanh hơn, cho nên mỗi lần mở vòi sen, trong mười giây đầu nước đều lạnh ngắt.

Nước lạnh làm Ngụy Khiêm giật mình lui lại một bước theo bản năng, bấy giờ mới nhớ là mình đã quay về vùng đồng bằng tràn ngập oxy.

Gã ngủ đến mức tê rần xương cốt toàn thân, một chân bó bột khá bất tiện, tắm rửa qua loa rồi ăn một hơi ba bát cơm, lúc này mới cảm thấy mình đã sống lại.

Trên tay gã đầy các vết sẹo trầy trụa, vậy mà vào bàn vẫn gắp như bay, chẳng ảnh hưởng chút nào.

Bà Tống nhìn mà thở dài thườn thượt, càm ràm: “Ôi cái thằng khốn nạn vô lương tâm này, rốt cuộc đã đi đâu hả? Mày tính hại chết cả nhà đúng không?”

Đã đi đâu?

Một lời thật sự khó nói hết.

Thực ra Ngụy Khiêm không cố ý để người nhà sốt ruột đâu, chuyến này gã đã phải chịu đủ khổ nhọc cũng như xui xẻo hết mức.

Ngoài Ngụy Khiêm thì Lão Hùng còn dẫn theo ba người, đều là những chàng trai trẻ khỏe, ai ngờ trong mấy anh chàng này trừ một cậu tên Tiểu Lục, mấy người khác đều nối nhau có phản ứng mạnh.

Trạm thứ nhất của họ, là đến huyện Zadoi của tỉnh Thanh Hải, cao hơn mặt nước biển dư bốn ngàn mét, Ngụy Khiêm vừa đi vừa ói.

Ói muốn phun cả mật, thời điểm nghiêm trọng nhất cả đêm không ngủ nổi, cảm thấy tức ngực như bị vật nặng đè lên, huyệt thái dương đau nhói. Lúc ấy mọi người đều ngưỡng mộ và ghen tị với Tiểu Lục, nhưng mới vài hôm Tiểu Lục đã chết.

Trong tình cảnh bi thảm, Tiểu Lục bỗng như to gấp đôi, ăn không biết no, sinh ra ảo giác bản thân mình đồng da sắt, ban đêm ở quán trọ tắm táp sạch sẽ. Quán trọ họ ở điều kiện có hạn, nước nóng lúc có lúc không, Tiểu Lục mới đầu tắm nước ấm, sau đó xối nước lạnh luôn.

Chiều tối mặt trời lặn, đột nhiên giảm gần hai mươi độ, nửa đêm Tiểu Lục lên cơn sốt, ban đầu không lưu ý, chỉ cho là phản ứng bình thường khi lên cao nguyên, không cầm cự nổi nữa mới gọi điện thoại cho Lão Hùng, Lão Hùng sấp ngửa mò dậy, rạng sáng đưa cậu ta vào bệnh viện, tới khám mới biết não đã phù nặng, không kịp di chuyển, đành phải cấp cứu ngay tại chỗ.

Rốt cuộc không cứu nổi, Tiểu Lục mất khi mới hai mươi bảy.

Kể từ đó, bọn Ngụy Khiêm không cần bất cứ ai dặn dò, mỗi ngày đều quấn kín mít như tằm.

Mà đây mới chỉ là bắt đầu, sau thiên tai còn có nhân họa bám gót – bản thân Lão Hùng chính là một nhân họa biết đi.

Mới đầu lão dẫn bọn Ngụy Khiêm lòng vòng ở bản địa, thu mua ít đông trùng hạ thảo như thăm dò, chắc là để biết giá cả thị trường, sau khi nắm rõ Lão Hùng liền quyết định – xuống phương Nam vào đất Tạng!

Lúc đó Ngụy Khiêm còn ngây thơ không nghi ngờ quyết định của cha nội này, cho rằng lão có ý đồ khác, mãi khi đến một trấn nhỏ về phía Nam Lhasa, Lão Hùng ưng một cái nồi, cũng quyết định trèo đèo lội suối đi bộ vì nó, Ngụy Khiêm mới ý thức được sự thật rằng tay Hùng Anh Tuấn này bị nhũn não.

Theo họ càng lúc càng đi về nơi vắng người, đầu tiên mất sóng di động, sau đó là mất luôn di động.

Hôm ấy giữa đường dừng lại nghỉ ngơi, có người ngồi trong xe ăn uống, có kẻ xuống xe giải quyết nỗi buồn – à, có nghĩa là kiếm chỗ vắng đi tè ấy mà.

Ngụy Khiêm không muốn ăn, đang tính xuống xe hóng mát thì đột nhiên Lão Hùng giải quyết xong quay về chỉ vào họ hoảng hốt la to: “Xuống xe! Xuống xe! Mau xuống xe!”

Lão Hùng rất ít khi có biểu cảm dữ tợn như vậy, giọng nói thê thảm dùi vào tai y hệt xẻng rỉ cạo chảo cũ, nghe mà mắc đái, mọi người vội vã xách túi vật phẩm quý giá, nhao nhao mở cửa nhảy xuống xe một cách chuyên nghiệp.

Nói thì chậm mà xảy ra thì nhanh, Ngụy Khiêm là người cuối cùng bị Lão Hùng lôi ra, nện mông xuống đất cùng số tài sản sinh tử gắn bó, sau đó mọi người thở hổn hển, trơ mắt nhìn xe lật xuống vách núi và mất hút theo một tiếng vang lớn.

Sau đó Lão Hùng nói, lúc đi đến đây, lão phát hiện mặt đất lầy lội đằng sau chiếc xe vốn đậu ven đường bắt đầu chảy lỏng ra, lão lập tức có linh tính xấu, vội vàng la lên, mọi người vừa nhảy ra, trọng tâm của xe thay đổi, thì bùn đất chảy lỏng sụp thẳng xuống, bầu bạn với con xe việt dã của họ cứ thế đời đời bất diệt.

Đây là một vùng hoang vu không nơi nghỉ ngơi, và dưới chân là chiếc xe căng hải.

Ngụy Khiêm thành khẩn hỏi: “Ông chủ Hùng, anh có thể nhắc lại lần nữa, chúng ta đi trên con đường chó ăn đá gà ăn sỏi thảm thương thế này, là để làm gì chứ?”

Cha Hùng ôn dịch này cũng thành khẩn đáp: “Mua nồi.”

Ngụy Khiêm nói thật lòng: “Anh rõ là một thằng cha đại ngốc!”

Đại ngốc dẫn một đám tiểu ngốc, mất đi liên hệ với thế giới bên ngoài, may mà trên tuyến Xuyên Tạng thỉnh thoảng có tín đồ Phật giáo từ khu vực của người Tạng ở Tứ Xuyên đi bộ hành hương đến Lhasa, trong những người này có kẻ đi một mình, cũng có kẻ dùng xe ba gác thồ đồ đạc, mấy người cùng đi chung, đám Ngụy Khiêm ăn đói mặc rét vài ngày, rốt cuộc Phật tổ phù hộ gặp được dân Tây Tạng.

Tuy đối phương có rất ít của cải, tài sản cố định chỉ được mỗi một chiếc ba gác cần tự đạp, nhưng gặp người là tốt rồi, ít nhất có thể ăn chực vài miếng, người Tạng kinh nghiệm phong phú, còn biết cách kiếm thêm đồ, dù sao cũng không để họ chết đói được.

Dọc đường gặp xe nhờ xe, ăn gió nằm sương, quả thật phải chịu đủ, Lão Hùng nói đùa là đừng thấy bọn họ bây giờ phải chạy ngược chạy xuôi kiếm ăn mà lầm, tương lai nhất định thành tài cho xem, thương nhân Sơn Tây đến Tây Khẩu và thương nhân Huy Châu về Nam theo đường Huy Hàng ngày xưa cũng kiếm ăn như vậy đấy.

Chẳng ai thèm để ý lão, bọn họ đều muốn bóp chết cha nội cá mè hoa này.

Sau đó Lão Hùng mua được nồi của lão đúng như mong muốn – đó là một loại nồi làm từ đá trên đỉnh Nanjiabawa không ai chinh phục nổi, đá rất mềm, ấn nhẹ là hằn thành dấu, cho nên bất kể làm gì đều chỉ có thể dùng thủ công, dù Ngụy Khiêm bị Lão Hùng mắng là “đồ nhà quê không biết việc đời” thì gã cũng có thể nhận ra đây là một món đồ tốt.

Tiếc rằng vùng này không có đường cái, khi họ mang vác cả đống đông trùng hạ thảo và mấy cái nồi to mua từ thôn dân địa phương, cúi mặt xuống đất đưa lưng lên trời gánh đồ đi bộ, mọi người đều sinh ra mối thù giai cấp với đám nồi.

Cả hành trình quả thật khó mà nói hết bằng một lời, trèo núi tuyết như qua đồng cỏ, Ngụy Khiêm còn lăn xuống dốc núi què chân nữa chứ.

May mà trong lòng Ngụy Khiêm tuy không có tín ngưỡng nhưng có cảnh giới cần tiền không cần mạng, dùng nẹp cố định sơ rồi lê cái chân bị thương đi theo một ngày mới đến nơi có người.

Dân du mục ở đó vẫn chưa có cách liên lạc truyền tin hiện đại với bên ngoài, nhưng may mà người dân hiền lành chất phác, cho họ ở nhờ, có một gia đình đến Lhasa buôn bán có chiếc xe bán tải loại nhỏ, song chủ của nó vắng nhà, Lão Hùng đành phải ở lại đó ngót một tháng, mới thuê được xe quay về Thành Đô.

Mãi đến Thành Đô, Ngụy Khiêm mới có cơ hội liên lạc với gia đình.

Ở lại Thành Đô ba bốn ngày, Lão Hùng dùng cái lưỡi không xương bán lại số nồi đá với giá gần gấp mười, thu lại toàn bộ phí tổn của chuyến này, thậm chí còn dư được một ít.

Còn có người muốn mua dược liệu, nhưng Lão Hùng từ chối, không bán một cọng – bởi vì những thứ đó nhẹ, dễ mang theo, đem về nội địa sẽ lời hơn.

Bán nồi xong không ở lại thêm một ngày nào, ngay đêm ấy khởi hành quay lại Thanh Hải, lấy hành lý gửi ở đó rồi cứ thế lăn lê trở về.

Những chuyện trong đây quả thật có thể so với chín chín tám mươi mốt kiếp nạn.

Nhưng đối mặt với gia đình vừa cụ già vừa trẻ nhỏ, cuối cùng ý thức trách nhiệm trong lòng Ngụy Khiêm chiến thắng bản tính thiếu niên sau khi gặp đại nạn không chết muốn khoe khoang một phen, gã chỉ cẩn trọng nói: “Không có gì, tín hiệu ở đó hơi yếu, không gọi được điện thoại, bọn tôi buôn bán ít đồ, kiếm được chút tiền, bà già rồi, sau này đừng đi làm việc nặng nữa.”



1. Mô-ha-mét là tên phiên âm của Thánh Muhammad. Vì bản gốc cũng phiên âm sang tiếng Hoa nên mình cũng theo luôn, mà phiên âm trông cũng hay hay.

2. Đây là một câu trong bài Ngày mai sẽ đẹp hơn.