[Đam Mỹ] Mang Không Gian Đi Làm Nông

Chương 62: Đình Huy – tâm lý ta có vặn vẹo cũng vì dòng đời



Trong lòng mấy vị khách này chửi đỏng, nói như thể bọn họ có cơ hội vậy, ai chẳng biết cái tửu lâu này chơi trò “kéo từ trên xuống”, ai tiêu càng nhiều tiền ở đây thì càng được ưu tiên chứ. Qua giêng bán cho bọn họ, có mà bán “miếng thèm” cho bọn họ ngó chơi thì đúng hơn.

Nhưng dẫu trong bụng nghĩ sao thì nghĩ, ngoài mặt mấy thực khách này cũng tươi cười đồng ý với Đại Ngưu. Lí do đơn giản, bây giờ bọn họ khách khí một chút, “mài mông” ở đây nhiều một chút, về sau còn có cơ hội mà mua được. Chứ giờ mà làm căng, không chừng ngay cả hương trà để ngửi cũng khỏi mơ đến đi.

Chuyện mọi người đang tính toán như thế nào không ảnh hường Đại Ngưu, ông vẫn như thường mà trả lời Đình Huy.

-Tuyệt không ít như công tử nghĩ đâu ạ. Hương trà anh đào rất nồng, nụ hoa này cất chứa không biết bao nhiêu tinh hoa bên trong. Chỉ cần một đóa hoa này, là có thể pha hẳn cả một bình trà lớn. Đảm bảo khiến công tử ngài hài lòng.

Đình Huy nghe thế, mắt sang rỡ, như giữ vật quý mà ôm hộp trà vào lòng, cười híp mắt.

-Vậy là ta yên tâm rồi. Đa tạ, đa tạ. Không biết giá tiền như thế nào, để ta thanh toán cho tửu lâu.

Vừa nói hắn vừa móc hà bao ra, chuẩn bị trả tiền thức ăn và trà cho Đại Ngưu. Dự định lập tức về nhà, pha một bình trà cho tổ phụ hưởng thức.

Đại Ngưu cung kính.

-Hồi thiếu gia, giá tiền là mười lượng bạc ạ.

Đình Huy đang móc móc tiền trong hà bao, vừa nghe Đại Ngưu nói đã quay phắt đầu sang nhìn ông, muốn trẹo cả cổ.

-Hả…?

Mặt hắn ngơ ra, trợn tròn mắt. Đại Ngưu thấy vậy bật cười, vị công tử này thật thú vị, biểu hiện y như ông lúc ban đầu vậy. Tâm lý Đại Ngưu cân bằng, xem đi xem đi, đâu phải chỉ có mình ông là sửng sốt đến rợn cả mắt. Ngay cả công tử thế gia cũng đâu thua kém gì.

Tâm lý thoải mái, Đại Ngưu liền hòa nhã lặp lại.

-Một hộp trà anh đào là mười lượng bạc ạ?

Đình Huy hóa đá. Dù nói hắn là con cháu của quan gia, nhưng tổ phụ hắn liêm chính, không có cái gì gọi là “của để dành” cả.

Đình Huy kính trọng tổ phụ mình. Nên dù bạc hàng tháng mà gia đình đưa hắn cũng dư dả như các công tử nhà quan khác, hắn cũng chưa từng tiêu xài phung phí. Dạo này thường xuyên đến Mỹ Thực Lâu cũng là vì mộ trà mà đến, chứ trước đây hắn nào dám bước vào cái tửu lâu đắc tiền số một trấn này.

Thật không ngờ có một ngày, hắn lại “hủ bại” đến mức mua mười cái bông bé xíu với giá mười lượng bạc. Tổ phụ mà biết sẽ không bóp chết hắn chứ.

Đình Huy cà lăm.

-Mười…mười lượng…bạc?

Đại Ngưu gật đầu xác nhận. Lặp tức mặt Đình Huy dại ra. Rồi hắn nhìn xuống hộp trà đang để trên bàn, cắn răng bặm môi rút hầu bao ra, lấy ra mười lượng bạc đặt vào tay Đại Ngưu, cố nặn nụ cười.

-Ta rất…vui.

Đại Ngưu gật đầu, cười.

-Cám ơn công tử đã ủng hộ Mỹ Thực Lâu.

Đình Huy hỏi ngược lại.

-Nghe nói qua tháng giêng tửu lâu sẽ bán trà thêm. Ta có thể mua tiếp không, giá vẫn vậy à?

Đại Ngưu gật rồi lại lắc đầu.

-Quả thật sang năm mới tửu lâu sẽ bán thêm một đợt trà nữa, nhưng giá cả sẽ thay đổi. Thiếu gia của tiểu nhân nói, lần đầu này là để tri ân các khách hàng yêu mến tửu lâu. Từ đợt sau, sẽ áp dụng giá chung cho mọi người. Còn về giá cả ra sau, xin phép cho tiểu nhân giữ kín.

Đình Huy nghe Đại Ngưu nói, nụ cười vốn chẳng tươi mấy trên miệng càng thêm “héo” đi, trong lòng vừa vui vừa buồn.

Vui là vì hắn sẽ còn cơ hội mua thêm trà anh đào nữa, buồn là vì hóa ra giá tiền về sau sẽ còn cao hơn nữa. Đồng nghĩa hắn phải “moi hà bao” mạnh tay hơn nữa. Dạ dày của hắn lại bắt đầu đau rồi.

Nhưng nghĩ lại chợt thấy bản thân lại được “lời”. Ít nhất mình còn có cơ hội lần một. Đám người kế bên đây còn chẳng có cơ hội này. “Tìm vui sướng trong đau khổ của người khác” - tâm lý Đình Huy nay đã vặn vẹo vì xót bạc chợt cảm thấy thoải mái hơn.

Đại Ngưu lại đưa tiếp cho Đình Huy một tờ giấy. Cung kính nói.

-Hồi thiếu gia, đây là phương thức pha trà anh đào. Thiếu gia lưu ý pha chế như yêu cầu mới ra được vị trà nguyên bản nhất ạ.

Đình Huy vội nhận tờ giấy từ Đại Ngưu, chăm chú xem kỹ lưỡng, rồi gấp lại bỏ vào trong người. Món ăn của hắn cũng vừa được dọn ra, nhưng hắn làm gì còn tâm trạng mà hưởng thức. Bèn thanh toán tiền ăn, rồi vội vã ôm hộp trà ra ngoài.

Khung cảnh tương tự như vậy cũng diễn ra thêm vài lần. Nhưng không phải ai cũng “cuồng” trà như vị công tử này, nên đa phần khách nhân đều ở lại dùng bữa, rồi cùng những người bên cạnh chiêm ngưỡng, bàn tán hộp trà trong tay. Có mấy thực khách ngồi ở những bàn lân cận, không mua được trà bèn chạy đến tò mò chung.

Vài người tinh ý cũng nhận ra đây là hoa văn trên mặt nạ của Trần lão bản. Thầm cảm thán bản thân trước đây ngu muội, lại đi chê những hình khắc đó là kì dị. Sau đợt này, xem chừng hoa văn này sẽ chấn động, tạo thành trào lưu mới cho mọi người rồi.

Lời dự đoán của người này quả nhiên thành sự thật. Ít lâu sau, hoa văn anh đào trở nên phổ biến. Dễ dàng nhìn thấy mấy người đi đường mặc trang phục, hoặc sử dụng khăn tay có thêu hoa văn này. Còn cả các vật trang sức điêu khắc hình dáng tương tự.

Đây gián tiếp cũng xem như là một hoạt động quảng cáo cho “Trà Anh Đào”, nên Trần Thanh khi biết chuyện rất hí hửng.

Cho đến khi cậu nghe nói số lượng người đeo mặt nạ giống mình cũng tăng lên chóng mặt, thậm chí phong cách buộc hờ tóc sau đầu của cậu cũng trở thành “trào lưu” thì méo cả mặt. Thầm cảm khái thật không ngờ bản thân sẽ có ngày “đi đầu xu hướng” như vậy.

Nhưng cậu đâu thể bắt ép người khác không được ăn mặc giống mình, thế là chỉ biết cười khổ. Thậm chí còn bị “nam nhân” nhà mình cười cho một trận, gây nên một “trận chiến” không nhỏ tối hôm đó.