Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét

Chương 15: Từ biệt





Sự kiện chuyến bay 416 hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông đã được định sẵn là một rào cản trong cuộc đời anh



Lịch trực tuần này của Trần Gia Dư khá thoải mái, có hai ngày chỉ phải bay ba tiếng. Anh vừa về Lệ Cảnh chưa được bao lâu thì đã nhận được điện thoại của Thường Tân, rủ anh ra ngoài dùng bữa, uống rượu.

Sau sự kiện hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông, Trần Gia Dư là nhân vật chính của sự kiện, được công ty trao cho rất nhiều lợi ích, ghim chặt mông anh vào vị trí hiện tại. Thế nhưng vị phi công kỳ cựu năm ấy 49 tuổi Thường Tân lại không được chú ý nhiều như anh. Công ty cũng không có động thái gì nhiều. Vậy nên hai tháng sau sự kiện lần đó, ông đã được hãng Hải Nam dùng mức lương cao mời sang làm việc.

Trần Gia Dư biết Thường Tân có một cô con gái rượu đang học cấp Ba, hai vợ chồng có ý cho con ra nước ngoài du học. Việc ông chuyển sang hãng khác để kiếm thêm thu nhập cũng như được nhận những nhiệm vụ không quá vất vả hiển nhiên là chuyện tốt. Anh cũng mừng thay cho người cộng sự cũ.

Có lẽ vì chuyển sang Hải Nam, Thường Tân chủ yếu dừng chân tại sân bay Thủ Đô nên càng ngày càng ít tương tác với anh. Hai người có chút xa cách, cũng phải hơn một năm rồi không gặp mặt. Vậy nên hôm nay khi nhận được tin nhắn của Thường Tân, Trần Gia Dư vui mừng ra mặt.

Thường Tân hẹn Trần Gia Dư ở một nhà hàng món ăn gia đình. Ông tới trước, đã gọi vài món nguội. Trần Gia Dư tới sau, trao cho ông một chiếc ôm thật chặt: “Lão Thường, lâu lắm mới gặp. Dạo này Đậu Đậu thế nào?” Con gái Thường Tân, Thường Ngải Dung, tên ở nhà là Đậu Đậu.

Thường Tân mỉm cười, đáp: “Con bé ổn lắm, đang chuẩn bị hồ sơ xin du học. Nó kêu lướt Weibo cũng thấy được chú đấy, còn bảo tôi kêu chủ đăng Weibo nhiều vào, chú đông người hâm mộ lắm.”

Trần Gia Dư có chút xấu hổ: “Không đăng được mấy nội dung thú vị đâu. Em còn tính livestream dạy mọi người lái máy bay đây này. Cái này thì đăng được.”

Hai người tán gẫu đôi ba câu rồi gọi đồ ăn. Đợi tới khi món chính đầu tiên được mang lên, Thường Tân rót cho Trần Gia Dư một ly rượu đầy, nói: “Gia Dư, tôi đột ngột gọi cậu ra đây cũng là vì muốn nói với cậu chuyện này.”

Nghe giọng Thường Tân, Trần Gia Dư nghĩ ông có gì cần nhờ vả mình, bèn vội nói: “Có chuyện gì cần em giúp sao ạ? Lão Thường, anh đừng khách sáo.”

Thường Tân cười khổ, phủ nhận: “Không phải chuyện đó. Tôi tính nghỉ hưu.”

Trần Gia Dư thật sự không hề ngờ tới chuyện này. Phản ứng đầu tiên của anh là: “Hãng có vấn đề gì sao? Nếu anh muốn quay lại, lúc nào cũng có thể…”

Thường Tân lắc đầu: “Tôi không quay lại đâu, cũng không sang hãng nào khác. Chỉ là không muốn làm nữa thôi.”

“Anh Tân…”

Trần Gia Duy có đoán cũng không thể nào đoán được Thường Tân mời anh đi ăn lại là vì chuyện này. Giây phút này, dù anh có khéo miệng tới đầu thì cũng không biết nên nói gì. Tiếc sao? Đối phương đưa ra quyết định này thì hẳn đã suy tính kỹ lưỡng mọi khả năng rồi. Chúc mừng ư? Thường Tân từng là người anh em, là phi công đi trước hướng dẫn Trần Gia Dư thành tài. Ông là một trong phi công điều khiển tàu bay thành thạo nhất, sở hữu giấy phép vận hành của đủ loại tàu bay. Ngoài máy bay thương mại thì ông còn có thể lái Embraer-175[1] và Bombardier[2], cũng như các dòng máy bay loại nhỏ và Cessna[3]. Trong ngành hàng không dân dụng có rất nhiều cơ trưởng lái máy bay tới năm 60 tuổi còn chưa nghỉ hưu. Anh biết cuộc đời làm phi công của Thương Tân còn cách rất xa cái hoàn hảo theo định nghĩa của người đời. Vậy nên lời chúc mừng này, anh không nói nổi.

Phải một lúc rất lâu sau, Trần Gia Dư mới lên tiếng: “Có phải… vẫn là vì vụ việc Hồng Kông.”

Anh phỏng đoán theo trực giác. Quả nhiên, Thường Tân im lặng, coi như ngầm thừa nhận.

Không khí tại bàn đột nhiên chùng xuống. Thường Tần nhấm một ngụm rượu rồi nói: “Gia Dư à, những lời sau đây, anh chưa từng nói với ai cả. Vốn anh định sẽ không nói với ai, nhưng anh sắp nghỉ hưu rồi nên tính thẳng thắn tâm sự với chú. Sau vụ việc tại Hồng Kông, phải đến non nửa năm anh không cầm lái, hẳn là chú cũng biết. Ngoài mặt là do thủ tục chuyển hãng nhưng sự thật là vì anh cần thời gian để thích ứng. Về sau, anh có bay trở lại nhưng hai năm nay anh nhận ra, anh càng ngày càng kháng cự với việc cầm lái. Nếu chuyến bay an toàn, hoàn toàn bình thường thì không sao, nhưng chỉ cần gặp chút sự cố nhỏ, vấn đề nhỏ – dù nhỏ tới đâu đi nữa – thì anh đều không kiểm soát được mà nghĩ tới kết quả xấu nhất. Anh không thể đưa ra được quyết định. Anh sợ quyết định lần này sẽ không đưa mọi người về được mặt đất Hồng Kông.”

“Hai tháng trước, anh bay chặng từ Hồng Kông tới Singapore, đèn hạ cánh[4] gặp trục trặc nhỏ, anh đã nghĩ càng hạ cánh[5] không hạ xuống được. Vào khoảnh khắc ấy, anh nghĩ mình đã cầm chắc cái chết. Hôm hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông, ông trời đã thực hiện mọi nguyện vọng của anh, vậy nên sau này sẽ không còn nữa. Anh thậm chí còn bắt đầu nghĩ cũng may anh đã viết di chúc để lại cho Đậu Đậu.”

Trần Gia Dư cố nén giọng nói, hỏi: “Về sau thì sao?”

Thường Tân đáp: “Cũng may hôm đó không phải anh lái chính. Cậu cơ trưởng lái chính đã hạ độ cao nhờ mặt đất kiểm tra hộ, mới xác định thực ra chỉ có bóng đèn bị hỏng, càng hạ cánh không vấn đề gì. Thế nhưng từ sau lần đó, anh không thể bay tới Hồng Kông được nữa. Anh từng thử gặp chuyên gia tâm lý. Họ bảo anh nghỉ ngơi một thời gian, vậy nên anh đã nghỉ phép hai tuần. Thế nhưng anh vẫn giải quyết được vấn đề, đã từng… Chú cũng biết đó, việc lái máy bay với anh cũng hệt như hít thở vậy. Hiện tại, anh đã bắt đầu thấy mệt mỏi vì nó.”

Trần Gia Dư nối tiếp lời ông: “Khi anh thích lái máy bay, nó còn là việc có thể kiểm soát được. Anh đã cố gắng nửa đời người rồi, học được tất cả những gì mà phi công cần học, thành thạo tất cả những kỹ năng mà phi công cần thành thạo. Về sau anh nhận ra, việc này, đã nằm ngoài tầm kiểm soát.”

Khi nói tới những chữ cuối, tiếng Trần Gia Dư đã bé tới mức không thể nghe rõ. Tâm trạng của Thường Tân, anh quá hiểu ấy chứ. Vì hai người bọn họ đã cùng trải qua nỗi hoảng sợ cực độ ấy, cùng gánh vác trên vai gánh nặng tới nghẹt thở của 238 sinh mệnh. Bọn họ cùng nhau cố gắng tách biệt lý trí và nỗi sợ hãi, kiểm tra từng bước từng bước theo checklist để tìm ra vấn đề, rồi lại đưa ra hết quyết định này tới quyết định khác, cùng nhau quan sát đồng hồ hiển thị độ cao mà tưởng chừng một giây dài bằng một năm.

Ánh mắt Thường Tân nhìn anh mang một nỗi đau đớn: “Thật ra, Gia Dư à, hai năm này anh vốn có rất nhiều cơ hội để gặp chú. Thế nhưng, khoảng thời gian ấy anh đang ra sức vượt khỏi sự ảnh hưởng của vụ việc ấy… Nhìn thấy chú, anh lại nhớ về ngày đó. Anh thật sự rất có lỗi với chú.”

Tay Trần Gia Dư lập tức run lên. Anh mấp máy môi nhưng phát hiện ra mình không nói nổi thành lời. Sau khi hai người họ sống sót trở ra một cách thần kỳ, họ đã cùng nhau tham gia rất nhiều cuộc phỏng vấn nhưng lại chưa từng trò chuyện với nhau về những gì đã trải qua năm đó. Sự cẩn trọng trong mỗi chuyến bay sau đó, nỗi sợ hãi mỗi lần gặp sự cố, Trần Gia Dư chưa từng nói thẳng ra nhưng anh biết Thường Tân hiểu cả. Anh biết ông hiểu nhưng anh chưa từng chủ động hỏi Thường Tân rằng “Anh cảm thấy như thế nào? Còn nhớ về chuyện ngày ấy không?”. Có thể do sĩ diện, mà cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý đánh liều, anh cho rằng Thường Tân có nhiều kinh nghiệm hơn anh, vậy khả năng tiếp nhận của ông chắc chắn sẽ tốt hơn anh. Tuy nhiên anh không hề hay biết, Thường Tân cũng khổ sở như vậy, thậm chí còn khổ sở hơn anh. Bây giờ nghĩ lại, anh hiển nhiên không hề oán trách sự xa cách hai năm nay của Thường Tân mà chỉ cảm thấy hổ thẹn vì đã không liên lạc sớm hơn.

Sau cùng, anh chỉ có thể nói: “Anh Tân, anh đừng nói vậy mà. Chuyến bay 416 ba năm trước, có thể bay cùng anh có lẽ là phúc phần tích góp từ kiếp trước của em. Nếu trong lòng anh cảm thấy không chịu được thì sau này không gặp em nữa cũng được. Chỉ cần anh cảm thấy thoải mái, thế nào cũng được mà.”

Thường Tân vội bảo: “Đấy là hồi đầu thôi, giờ tôi ổn rồi. Nghỉ hưu rồi, tôi cũng điều chỉnh lại được phần nào. Về sau sẽ ngày ngày lượn lờ trước mặt chú.”

Trần Gia Dư gượng cười.

Bữa ăn này mang tới những cảm xúc hỗn loạn. Tuy cuối cùng hai người đã nói rõ ràng với nhau nhưng Trần Gia Dư biết lời thú nhận của Thường Tân đã đào lên nỗi bất an anh vẫn luôn chôn chặt ở nơi sâu thẳm trong lòng. Sự kiện chuyến bay 416 hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông đã được định sẵn là một rào cản trong cuộc đời anh. Rất nhiều lần anh cứ ngỡ mình đã vượt quá nó nhưng nó lại tìm trở về.Chú thích:[1] Embraer-175: là dòng máy bay dân dụng cỡ vừa, gồm 02 động cơ, có sức chứa từ 70 đến 115 hành khách



[2] Bombardier: là tên một hãng gồm nhiều dòng máy bay. Ở đây tác giả không nêu rõ dòng nào nên mình sẽ giới thiệu bằng hình ảnh của dòng Bombardier Global 8000 nhé. Đây là dòng máy bay siêu chuyên cơ, được sử dụng trong các chuyến bay tư nhân. Chiếc máy bay này có phần nội thất và không gian bên trong rộng rãi và có thể lắp đặt cả một rạp chiếu phim nhỏ trên máy bay.



[3] Cessna: Hãng chuyên sản xuất các dòng máy bay trực thăng cỡ nhỏ. Hình dưới là dòng máy bay Cessna-172. Đây là một trong những mẫu máy bay được sản xuất nhiều nhất thế giới trong suốt 60 năm qua và chuyên dùng để đào tạo phi công.



[4] Đèn hạ cánh: là đèn được gắn tại cánh tàu bay, thiết bị hạ cánh hoặc trên thân tàu bay; có tác dụng chiếu sáng đường băng khi cất hoặc hạ cánh, đồng thời được sử dụng như một biện pháp tránh va chạm với chim hoặc các tàu bay khác.



[5] Càng hạ cánh: hay còn gọi là thiết bị hạ cánh (landing gear). Nó là một cái càng được giấu trong khoang dưới thân máy bay hay động cơ, thường nối liền với các bánh xe to giúp máy bay chạy trên đường băng, được sử dụng trong quá trình cất và hạ cánh. Tàu bay thương mại thường có 02 càng hạ cánh, gồm càng trước (dưới buồng lái) và càng sau (dưới cánh hoặc dưới thân giữa)