Hôm sau khai giảng, kỷ luật đã hoàn toàn trở lại bình thường.
Tiết tự học buổi sáng hôm nay được giáo viên Ngữ văn dạy, cô giáo đứng trên bục giảng lặng lẽ nhìn mọi người viết chính tả những bài thơ cổ.
Hai bài thơ cổ kèm thêm một phần 《 Xích Bích phú 》(1), vừa khó vừa dài. 7 rưỡi chuông reo, Phong Nhã Tụng vừa khéo viết xong, cô dừng bút, đắn đo trước câu “Chung gối ngổn ngang trên thuyền” (2) không biết nên điền chữ “Tạ” hay chữ “Tịch” (3).
“Được rồi, đã hết giờ. Hai bạn ngồi cùng bàn chấm chéo cho nhau, tiết Ngữ văn sau tôi sẽ thu.”
Có vẻ sẽ không có thời gian nghỉ giữa các tiết, cô Ngữ văn không định rời khỏi bục giảng mà khoanh tay nhìn chằm chằm xuống học sinh đang chấm chéo bên dưới.
Phong Nhã Tụng vội vàng sửa thành chữ “Tịch”, sau đó ngẩng đầu đưa giấy cho Trần Hạo. Cùng lúc đó, cô cũng nhận được bài chính tả của Trần Hảo. Mở sách ra đối chiếu, vừa nhìn thoáng qua cô đã phát hiện bản thân đã sửa nhầm.
“Ôi, hóa ra là chữ Tạ.”
Trần Hạo nghe phát là biết ngay cô đang nhắc tới câu nào: “Ngổn ngang ở đây đọc là jie mà cậu lại viết thành ji.”
Phong Nhã Tụng tiếc nuối than thở một tiếng, lấy bút đỏ trong hộp bút ra kiểm tra lại bài chính tả cho Trần Hạo.
Rà từ trên xuống dưới, không ngờ cậu chẳng sai lấy một chữ. Không chỉ thế, bên dưới tựa đề của ba bài thơ cổ, Trần Hạo còn ghi rõ tác giả thuộc triều đại nào, tên tuổi ra sao.
Quả thực không cho người ta một cơ hội trừ điểm.
Lấy bút đỏ ra mà chẳng có tác dụng, Phong Nhã Tụng đọc xong, đặt bút xuống lắc đầu: “Haiz, đúng là biếи ŧɦái.”
Trần Hạo không đáp lời, thò tay xuống dưới gầm bàn rồi duỗi ra, khẽ nói: “Đưa bút của cậu đây.” Phong Nhã Tụng khó hiểu: “Hả? Bút gì?”
“Bút cậu viết ý.”
Trần Hạo lặng lẽ liếc lên bục giảng, nhân lúc giáo viên không nhìn về phía này bèn vội vàng cầm bút trên mặt bàn Phong Nhã Tụng.
Phong Nhã Tụng nhìn cậu dùng bút đen lén sửa lại mấy chữ sai của mình, sau đó lại cầm bút đỏ lên khoanh một chữ.
Đúng lúc này, cô Ngữ văn gõ vào bảng: “Được rồi! Các bạn ngồi cuối mỗi dãy đứng lên thu bài chính tả giúp tôi.”
Cầm chồng giấy viết chính tả trong tay, cô Ngữ văn kiểm tra từng tờ một, cuối cùng lấy ra một xấp nhỏ rồi đọc tên từng người lên: “Những em này đều viết sai quá ba chữ, tiết tự học tối nay ngồi viết chính tả lại một lần nữa rồi giao cho tôi.”
“Hả?”
Xung quanh vang lên mấy tiếng than thở.
Cô Ngữ văn nhắc lại mấy chữ dễ sai, sau đó đặt chồng chính tả sang một bên, bắt đầu giảng bài mới. Trần Hạo thở phào nhẹ nhõm, quay sang nói nhỏ với Phong Nhã Tụng: “Cậu vốn bị sai năm chữ.” Cậu giơ tay: “Cậu đưa sách giáo khoa đây, tớ sẽ khoanh lại những chữ cậu sai để cậu ghi nhớ.”
Phong Nhã Tụng cảm động đến rơi nước mắt đẩy sách cho cậu: “Ân nhân à.”
“Vốn dĩ cũng không cần thiết phải viết lại lần nữa.” Trần Hạo lật sách khoanh lại những chữ sai, sau đó gấp lại, lấy một chồng bài thi trong ngăn bàn ra: “Cậu xem này.”
Tiêu đề trên bài thi in mấy chữ “Đề liên kết 100 trường”.
Phong Nhã Tụng: “Đề thi năm ngoái hả? Sao cậu lấy được nhanh thế?”
Trần Hạo cười, nhét đề thi trở lại ngăn bàn: “Sáng nay tớ mới lấy được, tan học rồi xem.”
Phong Nhã Tụng tiếp tục cảm động đến rơi nước mắt, đặt tay lên bàn: “Ân nhân à ân nhân ơi.”
Sau khi tan học, hai người cùng nhau lén lật xem đề thi. Tổng cộng có ba bộ đề, trông có vẻ như đã lấy được sách gốc, trang giấy đã hơi ố vàng.
Xem xong, Phong Nhã Tụng hỏi: “Không có đáp án ư?”
Trần Hạo đáp: “Không có, phải tự làm thôi.”
Phong Nhã Tụng đọc câu hỏi, nhíu mày, bỗng nghe thấy Trần Hạo lại nói: “Tớ sẽ tranh thủ làm vào tiết tự học buổi tối của tuần này, cuối tuần sẽ đưa cho cậu, như thế cậu sẽ có cả tuần sau để xem.”
Phong Nhã Tụng ngước mắt nhìn cậu.
Trần Hạo gãi đầu cười toe: “Tớ không thể để cái từ “Ân nhân” vô ích được.” Dứt lời, cậu đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, kéo một nam sinh đi ngang qua: “Xuống tầng thôi.”
Đề thi đã mở vẫn đặt trên chỗ ngồi của cậu.
Phong Nhã Tụng duỗi tay khép đề thi lại, sau đó đứng lên, thu dọn mặt bàn, mang sách vở của tiết sau ra.
Mặt trời lên cao, tiết học buổi sáng nhanh chóng kết thúc. Phong Nhã Tụng lấy vở che nắng, đi dưới bóng cây trở về. Ăn xong bữa trưa, cô quay lại ký túc xá rồi lại chùm chăm lén mở điện thoại.
Sau khi gửi một câu bâng quơ, đối phương nhanh chóng trả lời.
Thầy Kinbaku số 27: Sau này trong lúc đi học, em không được nói chuyện vào buổi trưa nữa.
Tiểu Tụng:… Em đâu phải học vào trưa.
Thầy Kinbaku số 27: Trưa nên nghỉ ngơi.
Phong Nhã Tụng cảm thấy dường như đối phương có thể phát hiện ra buổi chiều cô buồn ngủ vậy, cô cạy đầu ngón tay, đối phương lại nhắn.
Thầy Kinbaku số 27: Tối qua em có nói với tôi rằng em muốn tôi giám sát thức khuya học bài nhưng lại không lên được kế hoạch cụ thể. Em đang rất căng thẳng và hơi lo lắng đúng không??
Phong Nhã Tụng không cạy ngón tay nữa, yên lặng trả lời.
Tiểu Tụng: Dạ.
Thầy Kinbaku số 27: Hôm qua em nhắn muộn quá. Tối nay em gọi cho tôi, chúng ta sẽ trao đổi rõ ràng về vấn đề này.
Phong Nhã Tụng suy nghĩ một lúc.
Tiểu Tụng: Sau 5 rưỡi chiều được không ạ?
Thầy Kinbaku số 27: Được.
Thầy Kinbaku số 27: Bây giờ thì em tắt máy rồi ngủ trưa đi.
Phong Nhã Tụng đang soạn tin, đối phương lại nhắc.
Thầy Kinbaku số 27: Không được đáp.
Phong Nhã Tụng yên lặng dừng lại, sau đó đóng WeChat đồng thời tắt luôn cả điện thoại.
Cô khẽ đứng dậy, cất điện thoại vào cặp sách, nằm xuống gối, nhắm mắt lại.
Giờ học buổi chiều kéo từ 2 giờ đến 5 giờ 30. Sau khi chuông reo, các bạn trong lớp cầm thẻ cơm kéo đến căng tin. Phong Nhã Tụng ngồi tại chỗ đợi thêm năm phút, đợi mọi người đi hết cô mới lấy điện thoại rồi giấu trong áo khoác, sau đó rời khỏi lớp học.
Tòa nhà dạy học của trường được chia thành hai tòa phía bắc và phía nam, có lối đi thông ở giữa. Do không có phòng giáo viên ở tầng 4 nên cầu vượt trên tầng 4 là một nơi tương đối an toàn.
Trong trường của Phong Nhã Tụng có ba địa điểm yêu đương thiêng liêng dành cho học sinh. Một là sân thể dục vào tiết tự học buổi tối, hai là bồn hoa trước ký túc xá nữ, ba là lối đi ngoài trời trên tầng 4.
Tương ứng với đó sẽ có ba cách bày tỏ xác nhận mối quan hệ. Một là vào tiết tự học buổi tối, bạn nam sẽ mời bạn nữ: “Chúng ta ra sân thể dục đi dạo đi.” Hai là sau khi tan học nói: “Tớ đưa cậu về ký túc xá nhé.”
Ba là giống như Phong Nhã Tụng bây giờ, trốn sau một cái cột trụ của cầu vượt, lặng lẽ làm việc của mình.
Trên đường tới, Phong Nhã Tụng đã kiểm tra qua. Hiện tại đang vào giờ ăn nên các cặp đôi còn chưa ăn no, cả đường chỉ có một mình cô. Cô tranh thủ thời gian gọi cho anh.
Chỉ trong nháy mắt, anh đã nhấc máy. Phong Nhã Tụng nói nhỏ vào trong loa: “Alo ạ?”
Giọng đối phương từ trong loa truyền đến: “Gọi tôi trước.”
Mỗi lần gọi từ này ra khỏi miệng, Phong Nhã Tụng lại cảm thấy tâm trạng vô cùng rạo rực, tê dại ngứa ngáy khiến cô bất giác muốn tìm chỗ dựa.
Phong Nhã Tụng dựa vào cây cột ngồi xổm xuống, nghe thấy đối phương hỏi: “Hôm nay tan lớp ôn lên thạc sĩ rồi hả?”
Phong Nhã Tụng đáp: “Chưa ạ, tối nay em còn có tiết tự học.” Cô bổ sung thêm: “Ở đây có phòng tự học riêng biệt nên hiệu quả học cao hơn ở nhà nhiều.”
Đối phương nhắc lại vấn đề cần giải quyết: “Lịch học của em rất dày. Ban ngày nghe giảng, buổi tối tự học, vậy mà em vẫn không đủ để hoàn thành nhiệm vụ ư?”
Phong Nhã Tụng nói: “Bởi vì em còn cần…” Cô thoáng dừng lại, cân nhắc giải thích: “Kỳ thi lên thạc sĩ là một cuộc chiến dài. Ngoài ra, em cần chuẩn bị cho một kỳ thi khác trong hai tuần tới. Kỳ thi đó liên quan đến…”
“Kỳ thi đó không thể chiếm dụng thời gian học tập, phải không?” Đối phương cắt ngang lời cô.
Phong Nhã Tụng nuốt một nửa lời nói dối còn lại xuống, khẽ “Dạ” một tiếng.
“Những việc không tiện tiết lộ thì không cần nói với tôi.” Đối phương bình tĩnh dặn: “Bây giờ em chỉ cần trả lời câu hỏi của tôi là được.”
Phong Nhã Tụng ngẫm nghĩ lại, trừ Ngữ văn thì một bộ đề cần giải mất chín tiếng. Mà cô có tổng cộng ba bộ đề cần phải làm, tính cả thời gian suy nghĩ và so đáp án ——
“Khoảng 30 tiếng ạ.”
“Mới rồi em bảo từ giờ đến lúc thi chỉ còn nửa tháng à?”
Hôm nay là thứ ba, kỳ thi kiên kết rơi vào thứ hai tuần sau nữa.
Phong Nhã Tụng nói: “Em còn 12 ngày ạ.”
“Được rồi. Vậy thì từ hôm nay trở đi, mỗi ngày em phải học thêm hai tiếng rưỡi để chuẩn bị cho kỳ thi kia. Đây là kế hoạch trong giai đoạn này của chúng ta.”
Anh lại dùng từ “Chúng ta”.
Tim Phong Nhã Tụng bất giác loạn nhịp, mỉm cười.
Đồng thời, với việc trả lời từng câu hỏi của anh, trái tim cô lại ngày càng kiên định.
Nhịp tim tăng nhanh, trong lòng lại kiên định, đây thực sự là một cảm xúc phức tạp mà kỳ diệu.
Anh tiếp tục hỏi: “Em có thể về nhà trước 10 rưỡi tối không?”
Phong Nhã Tụng trả lời: “Được ạ, nhà em cách trường không xa.”
“Ban ngày em còn phải đi học nên tránh thức quá khuya, mỗi ngày chỉ nên học nhiều nhất tới 12 giờ. Do đó, em cần rút ra một tiếng ở ban ngày, hoặc buổi trưa hoặc hiện tại, tôi thấy em đều rảnh, em thấy lúc nào phù hợp hơn?”
Phong Nhã Tụng nói: “Em có thể rút ra một tiếng vào tiết tự học buổi tối.”
“Được rồi, tiếp theo em lấy một tờ giấy ra, liệt kê 12 ngày xuống, kẻ cột cho hai khung thời gian là một tiếng trong tiết tự học buổi tối và từ 10 rưỡi đến 12 giờ. Vẫn quy tắc cũ, hãy đánh dấu vào những mục em đã hoàn thành, báo cáo lại cho tôi vào mỗi tối.”
Bấy giờ Phong Nhã Tụng mới ngẩng đầu lên, ánh mắt xuyên qua lan can nhìn xuống nhóm học sinh đang lần lượt đi về tòa nhà dạy học, sắc trời phía xa đã tối dần.
Trong lòng cô vô cùng kích động, khẽ mở miệng nhưng không nói nổi thành lời.
Anh lại phát hiện ra, thở dài một tiếng: “Cô bé, đừng tự tạo cho mình quá nhiều áp lực. Trước đây tôi đã từng bảo với em rằng việc học không hề khó. Bản chất mối quan hệ của chúng ta là vì giảm áp lực, nếu em cứ âu lo như vậy sẽ khiến tôi cảm thấy bản thân rất thất trách, em hiểu không?”
Phong Nhã Tụng nói: “Em…”
“Được rồi, bây giờ em đi viết kế hoạch đi.”
“…Dạ.” Phong Nhã Tụng áp điện thoại bên tai, vẫn muốn nghe anh nói.
“Sau này, nếu tôi bảo buông điện thoại, cúp điện thoại thì phải lập tức thực hiện. Đừng để tôi phải lặp lại lần thứ hai, biết chưa?”
Phong Nhã Tụng trả lời: “Em biết rồi ạ.”
“Hiện…”
Đối phương toan nhắc nhở tiếp, Phong Nhã Tụng giơ điện thoại ra trước miệng, nhanh chóng nói một câu: “Chủ nhân, tạm biệt.”
Cô cúp điện thoại, nắm trong tay, khóe môi cong lên.
Đợi thêm một lát, Phong Nhã Tụng từ sau cây cột đứng lên, giấu điện thoại đi, bước chân nhẹ nhàng trở về lớp học.
Chú thích:
(1) "Tiền Xích Bích phú" là một áng văn chương kiệt tác của Tô Đông Pha (1036-1101), một văn hào đời nhà Tống (950-1275). Đông Pha tên là Thức, tự Tử Chiêm, người ở Mi Sơn (huyện thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), con của Tô Tuân, anh của Tô Triệt.
Năm Kiến An thứ 13 (dương lịch 208), Tào Tháo, chúa Bắc Ngụy đã thua to tại đó vì bị tướng của Đông Ngô Tôn Quyền là Chu Du dùng trận hỏa công đốt sạch chiến thuyền. Hai bên bờ sông vì lửa đốt cháy đỏ nên người ta mới gọi là "Xích Bích" (vách đỏ).
Tô Thức bị trích ra Hoàng Châu, tức huyện Hoàng Cương ngày nay, thuộc tỉnh Hồ Bắc nhưng cách xa huyện Gia Ngư. Tại Hoàng Châu có một dãy núi đá sắc đỏ cũng gọi là Xích Bích hoặc "Xích tị cơ", Tô Thức nhân đi chơi đến đây là bài Xích Bích phú. (Cre trên mạng, tạm thời chưa tìm được cre gốc)
(2) “Chung gối ngổn ngang trên thuyền”
Bản gốc: 相与枕藉乎舟中
Phiên âm: Tương dữ chẩm tạ hồ chu trung
(3) Như bản gốc phía trên thì phải viết là chữ “Tạ” (藉, pinyin “jiè” tức ngổn ngang, hỗn loạn) nhưng bạn Nhã đã nghe và hiểu nhầm thành chữ “Tịch” (籍, pinyin “jí” tức thư tịch, sách vở)