Một ngày đầu thu năm 2004, chuyến bay của hãng hàng không quốc tế Trung Quốc từ Châu Âu sau khi tạm dừng ở Bắc Kinh thì hạ cánh xuống phi trường Đào Tiên ở Thẩm Dương. Có bốn người Pháp bước xuống từ chiếc máy bay này, họ là đại diện của công ty APT đến tập đoàn trang thiết bị Trọng Hình ở Thẩm Dương để bàn về việc hợp tác của đôi bên, trong đó kĩ sư phát triển phần mềm hệ thống thu phí đường cao tốc trẻ tuổi nhất – Jean Paul Chantier đang kiên nhẫn chờ không biết bao giờ hành lí của mình chạy ra khỏi băng chuyền, sẽ gặp tôi.
Bạn trẻ Mâu Quyên tôi đây hai mươi bốn tuổi, dân gốc ở Thẩm Dương là người thế này: Vóc người trung bình, sức khỏe và tinh thần dồi dào, không phải người đẹp nhưng tự coi mình là gái đẹp, độc thân.
Tôi học đại học, tính ra tốn khoảng bốn tiếng mỗi cuối tuần. Sắp xếp thời gian còn lại một chút để đi làm thêm kiếm tiền mua quần áo hoặc đi du lịch, chẳng hạn như làm thông dịch hoặc đi dạy lớp bổ túc, tính ra thu nhập cũng ngon ghẻ. Cuộc sống thoải mái. Bạn bè khá đông. Tinh thần sảng khoái.
Ở tuổi này, trọng tâm câu chuyện của mỗi lần gặp gỡ bạn bè dần dần chuyển từ ai đó đã tìm được công việc nào ngon lành sang thằng đó (nhỏ đó) đã tìm được bạn bè trai gái thế nào, tiếp đến là kết hôn với ai. Vì tuổi chưa lớn nên lúc đó, đối với chuyện kết hôn, ngoại trừ ước mơ bé tẻo teo có cái hôn lễ vừa ấm áp vừa long trọng thì tôi không cảm thấy nguy cơ gì, cũng chẳng hay cuộc sống đang trôi khỏi tầm tay, còn tay kia thì đang bò lê bò lết tới con đường làm gái ế.
Lúc đó nhóm chúng tôi có khoảng bốn đứa bạn thân, tình hình cũng tương tự nhau: Là cái loại công việc vừa ổn định mà cũng được xem là có thể diện, bằng cấp cũng cao, vừa yêu học hỏi lại mê trai đẹp, thu nhập không tệ mà hay ăn hàng, đều rất hài hước vui tính nhưng không thuộc sở thích của người khác phái.
Nói tới đây, xin tất cả những cô gái đang quyết chí thoát khỏi kiếp độc thân chú ý: Gái ế không đáng sợ, đáng sợ là một nhóm gái ế tụ tập.
Đây cũng là đạo lý giống như hồi đi học, chuyện mấy đứa học kém sẽ chơi với nhau; khi đánh cờ, người không rành mà cứ đòi tranh tài với đứa chơi dở ẹc.
Đám tụi tôi, tao nhìn mày, mày nhìn tao, nhìn nhau một chút: Xời, đều như nhau, mình sốt ruột làm gì. Tâm lý dễ dàng bình ổn.
Hôm nọ tụi tôi đang gọi đồ ăn Liêu Ninh trong nhà hàng Spring Deer, vừa ăn bánh đậu nhân lòng trắng đánh bông và thịt chiên chua ngọt (Nhìn qua hai món ngon này chút đi, rất giản dị phải không?), vừa cùng nhất trí với nhau rằng:
Nếu như không kiếm được anh chàng ngon lành nào để nói chuyện yêu đương thì tụi mình tranh thủ còn trẻ phải ráng kiếm nhiều tiền một chút, nếu như không kiếm được tiền thì cơ thể phải khỏe mạnh, tinh thần hoạt bát gấp trăm lần để chào đón từng ngày mới!
Cheer!!
Việc quyết định làm thông dịch cho mấy người Pháp này xảy ra trước khi họ tới Thẩm Dương, một người bạn làm ở thành phố khác liên lạc với tôi, bảo rằng tập đoàn Trọng Hình này có việc như thế, có vài người Pháp thế này, mời cậu làm thông dịch trong cuộc họp và đi cùng họ hai ngày, người Pháp sẽ trả tiền. Quan hệ của tôi với người bạn này trước giờ không tệ, còn cố tình nói trước với tôi: “Tôi đã nói chuyện với người Pháp rồi, nhất định tiền lương không dưới 500 tệ một ngày đâu.”
Lại kể về khoảng thời gian năm 2004, giá này ở Thẩm Dương là bình thường, ấy nhưng tôi nghe tới phải chuẩn bị rất nhiều tài liệu kỹ thuật thì đúng là như miếng gân gà (*), không muốn đi cho lắm. Người bạn kia còn nói với tôi, dù sao thì cũng chưa xác định tiền lương là bao nhiêu, chi bằng cậu cứ tự đi nói chuyện với người Pháp xem sao.
(*) Ý bảo ‘bỏ thì thương, vương thì tội’.
Thế nên lúc tôi đến khách sạn Sheraton gặp nhóm người Pháp kia cũng là lần đầu tôi gặp JP, sau khi nhìn qua những tài liệu mà họ đưa cho thì tôi vào đề chính luôn. Tôi nói với ông Bardot – người phụ trách thảo luận tất cả mọi việc: “Về thù lao thông dịch…”
Dù sao ông anh này cũng đã điều tra thị trường, hễ nhắc tới tiền là nhạy cảm nhanh nhẹn, không chờ tôi nói hết câu đã bảo: “Không phải tiền lương là 500 tệ một ngày à? Không thành vấn đề, cô có cần chúng tôi trả trước không?”
Anh bạn người Pháp này từng mua lê rẻ, muốn trả tiền cho nhanh để kết thúc vụ buôn bán này, thế nhưng đã xem thường ‘bệ hạ’ trước mặt rồi nhé.
Tôi nở nụ cười đã đoán từ lâu, phong tình vạn chủng, mây nhạt gió bay, nghe đồn làm theo, nói: “Thưa ông, người bạn đã nói chuyện với ông trước đây của tôi không hiểu rõ tình hình, làm thông dịch kĩ thuật chuyên môn thế này, mức lương tối thiểu không thể dưới 1000 tệ một ngày được.” Tôi ra cái phí ‘không thể coi là nhỏ’ xong, tiếp, “Đây là mức báo giá của tôi, nếu ông không đồng ý thì tôi hỏi thăm mấy người bạn khác giúp ông, có điều tôi cũng không đảm bảo là sẽ có người ngay được.”
Những người nước ngoài không hay ở Trung Quốc có một đặc điểm là không trả giá, sau khi ba người bọn họ bàn bạc với nhau một chút thì đồng ý. Tôi nhận trước một nửa tiền lương, viết biên nhận cho bọn họ, sau đó mang vài tài liệu tiếng Pháp mà họ đưa cho để về chuẩn bị.
Lúc tôi nói đến chuyện liên quan đến thù lao, đúng là chỉ có ‘Ba người bọn họ bàn bạc với nhau một chút’, còn người không tham gia vào chuyện này chính là quý ngài JP Chantier. Ba người nói chuyện với nhau, ngoại trừ bắt tay tôi giới thiệu ai tên gì họ gì thì anh không phát biểu gì cả. Đã thế, ba người kia đều mặc đồ vest mang giày da, chỉ có anh chàng này mặc áo sơ mi tay dài và quần cotton bình thường. Nói chung là khác người ta.
Tôi thầm đưa ra nhận xét nho nhỏ: Coi mòi anh chàng Chantier này không phải là ông chủ qua đây để giám sát, đã thế tay cứ ôm laptop cứ như che chở cho bảo bối của mình, vậy nên hết tám chín phần mười là – đàn em lâu la!
Tôi đoán vậy thôi chứ sau đó cũng quên, không nghĩ nhiều mà tập trung tinh thần chuẩn bị vào việc.
Các chị em đừng tiếc nuối vì lần đầu tiên gặp mặt của hai chúng tôi chẳng hề có tia lửa điện gì, để chứng minh cho sự trong sạch của mình, tôi phải trình bày đạo đức nghề nghiệp của mình một chút: Thỏ không ăn cỏ gần hang, người không ị chỗ ăn cơm.
Nói huỵch toẹt ra là, nếu bảo tôi gặp người Pháp nào cũng đi YY người ta một chút thì tôi không phải là người thông dịch Mâu Quyên nữa rồi, sẽ thành Tây Môn Khánh phiên bản nữ.
(*)Tây Môn Khánh là một nhân vật hoang dâm vô độ, tư thông với Phan Kim Liên, vợ của Võ Đại Lang, anh trai của Võ Tòng.
Cho tôi ké một câu mà mình khá tâm đắc có liên quan đến nghề thông dịch, từng viết qua trong truyện [Người phiên dịch], làm Đường Tăng một lần, niệm lại cho các anh em làm việc với ngoại ngữ tham khảo:
Muốn làm thông dịch giỏi hơn người ta thì phải chuẩn bị tốt hơn ai hết. Trước khi ra trận, nhất định phải lấy được tài liệu cụ thể chính xác nhất, cần cả bản tiếng Trung lẫn tiếng nước ngoài, tiến hành so sánh chuẩn bị nội dung và các từ vựng, nếu bạn cứ tra từ điển không thôi thì chưa chắc đó là từ mà người ta dùng, người Pháp nói bạn sẽ không hiểu đâu.
Còn nữa, trong cuộc họp và hội nghị không được cung cấp tài liệu cụ thể, ngoài tổ chức bản thân không nghiêm túc, bạn cứ cố hết sức để biến thành dạng nào thì cứ ra thế đi, cho dù không dịch thành công cũng không cần quan tâm, chẳng liên quan gì đến chúng ta cả.
Trong hội nghị cấp cao giữa tập đoàn cỡ lớn và Pháp, quý ngài Chantier bị tôi xem là ‘đàn em lâu la’ đã chứng minh mình không phải đàn em. Mỗi khi hai bên nhắc tới vấn đề liên quan đến trang thiết bị và chi tiết thì các đồng nghiệp lập tức trưng cầu ý kiến của anh ngay tại chỗ. Từ từ tôi dần biết, thì ra anh là kĩ sư công trình, phụ trách mảng kỹ thuật. Ba người còn lại thì chia nhau phụ trách bàn bạc hợp đồng, cung cấp ý kiến tài vụ và tư vấn pháp luật.
Lĩnh vực của công việc kì này phức tạp quá, tôi mệt đến ngất ngư, trong lòng thầm nghĩ một nghìn tệ một ngày là còn ít. Cũng may thời gian không kéo dài, đúng hai ngày sau đó, nhiệm vụ kết thúc, sang ngày thứ ba thì người Pháp phải lên máy bay rời khỏi Thẩm Dương. Tối ngày thứ hai, lúc trả tiền lương cho tôi thì họ có hỏi sáng mai đi cùng tới khu mua sắm để chọn vài món quà và đồ lưu niệm cho người nhà được không. Hôm đó tôi không lên lớp cũng chẳng có sắp xếp gì nên cũng đồng ý đi theo. Sáng hôm sau tôi tới đón bọn họ thì chỉ có JP không đi. Anh tự rời khỏi khách sạn Sheraton tới chợ điện tử nổi tiếng trên đường Tam Hảo đi dạo rồi.
Tôi hỏi đồng nghiệp của anh: “Anh ấy tự lo được không? Anh Chantier biết tiếng Trung à?”
“Làm gì có. Còn không bằng bọn tôi đấy chứ.” Bọn họ nói một cách rất khoái trá.
Tôi thầm chúc các quầy hàng trên đường Tam Hảo làm thịt gã nước ngoài này một bữa ngon lành.
Hai giờ chiều ngày hôm đó, tôi đưa ba người Pháp kia trở về sau khi mua không ít thứ, gặp lại JP trong sảnh lớn của Sheraton. Ấy mà anh thu hoạch cũng khá lắm, mua hai cái ổ cứng và mấy cái máy chơi game lận. Tôi cũng biết chút ít về giá cả của mấy món này, phát hiện anh không bị thiệt thòi quá nhiều, cứ khoảng 500 tệ thì bị ‘trả hớ’ trên dưới 20 tệ thôi.
Tôi hỏi: “Cũng không tệ nhỉ, anh cũng biết trả giá nữa à?”
Anh đáp: “Không hề. Nhưng tôi có lên mạng xem giá cả của mấy món này ở Trung Quốc rồi, sau đó đưa ra giá với người bán, họ không đồng ý thì tôi đi ngay.”
Có ai ngốc đâu chứ?
Tôi nói: “Haha, hay đó. Vậy thôi tạm biệt nhau ở đây nhé. Chúc các anh thuận buồm xuôi gió.”
Lúc này khuôn mặt của anh mới hơi có biểu cảm, nhìn tôi: “Cô không tiễn chúng tôi ra sân bay à?”
Tôi trả lời: “Nhiệm vụ của tôi đã kết thúc từ lâu rồi.”
“Tôi còn chuyện nhỏ đang muốn hỏi cô mà.” Anh bảo.
Hai ngày vừa qua, vì nói chuyện với nhau ít quá nên tôi nghĩ người này tuy điềm đạm nhã nhặn thật đấy, nhưng ít nhiều cũng có sự ngạo mạn của người Pháp trong truyền thuyết. Nay bỗng nhiên anh lại bắt chuyện thế này làm tôi có cảm giác như thể đứa bạn kiệt sỉ nhất lớp tự dưng chủ động cho mình một muỗng sữa chua, đúng là ‘tuy được yêu thương mà thấy ơn ớn’.
Tôi đáp: “Bọn họ đi lấy hành lý cả rồi, bây giờ anh cứ nói với tôi đi.”
“Tôi muốn đặt một tên tiếng Trung, mấy người đồng nghiệp đều có tên tiếng Trung rồi.”
Lại nói về tên của mấy vị này, chẳng biết được ai đặt cho, hầu như tên ai cũng nghe ‘kêu’ lắm. Dựa vào cách đọc tiếng Pháp, tên của bọn họ là: Lý Ba Đạc, Kim Chính Diệu, còn có một cái tên nghe rất có khí chất mà tôi thích nhất là Bạch Tuyết Long nữa.
Đúng là rất oách mà.
Vậy thì nên gọi tên quý ngài Paul Chantier là gì đây?
Tôi suy nghĩ rất lâu mà cũng chẳng nghĩ được gì.
JP nói: “Vậy tôi gửi địa chỉ mail cho cô, nếu cô có nghĩ được gì thì gửi mail cho tôi nhé, được không?”
Tôi đáp mà không chịu trách nhiệm: “Được thôi.”
Thế nên mãi tới lúc đó, thằng cha kiêu ngạo này mới đưa danh thiếp công việc cho tôi.
Mãi lâu sau này tôi mới gõ được tên của anh, lúc gửi mail còn viết cả chú thích của hai chữ trong tên: (*Nói ‘hai chữ’ vì không tính họ Tiết)
Tiết Tĩnh Bác (静博 – /jìngbó/)
tranquille et érudit
Vừa trầm tĩnh vừa uyên bác.
Sau đó JP reply cho tôi hỏi:
Tiết Kim Phác (金璞 /jīnpú/– Kim là tiền; Phác là đá ngọc)
Hai chữ này thì sao?
Tôi nhìn hai chữ này trên máy tính mà vui hết sức, anh đã hoàn toàn có thể cùng đám người Bạch Tuyết Long làm đồng nghiệp tốt với nhau rồi.
Sau đó tôi trả lời: Ừ, hai chữ Kim Phác này hay hơn đó! Anh cứ dùng hai chữ này đi!
Cuộc trao đổi ngắn ngủi qua mạng của chúng tôi chỉ dừng lại ở đó thôi. Sau này tôi lại bị mất mật mã của hòm thư Sina, nên tôi và quý ngài Chantier đã bị cắt đứt liên lạc mà không chút tiếc nuối.
Ba năm sau, vào một ngày tháng sáu năm 2007, có một người bạn làm phiên dịch tiếng Anh gọi điện hỏi tôi: “Mày có biết một người Pháp tên là JP Chantier không?”
“Quên rồi.”
“Vậy sao anh ta lại nói là có quen mày nhỉ? Tên tiếng Trung là Tiết Tĩnh Bác.”