Đấu Trí

Chương 4: Hạnh phúc là khi người ta một lòng một dạ yêu thương bạn, nhưng bạn lại không xem người đó ra gì



[Nguyên]

Vì con người này sẽ nhanh chóng rời khỏi câu chuyện này nên đề nghị các chị e không nên có quá nhiều hứng thú và cảm tình với anh ta. Thậm chí tôi còn không muốn viết cả chữ cái đầu trong tên anh ta ra nữa, vì vừa gặp anh thì có cảm giác anh ta có vẻ hơi ưu, thế nên chúng ta cứ gọi anh ta là Tiểu Ưu đi nhé.

Tôi quen anh ta cũng là do duyên phận đưa đẩy. Khi đó, một văn phòng thiết kế kiến trúc nổi tiếng của thành phố có tham gia đấu thầu công trình nhà hát lớn của thủ đô một nước Châu Phi, phải có hồ sơ dự thầu và thiết kế bản tiếng Pháp, tôi được mời hỗ trợ, đầu tiên dịch sơ thảo, sau đó mang đi Bắc Kinh nhờ một chuyên gia duyệt lại, rồi tôi ghi âm lại dựa vào văn bản đã được biên dịch này. Toàn bộ quá trình không liên tục này kéo dài khoảng ba tháng, lúc đó tôi quen kiến trúc sư Tiểu Ưu.

Tôi phải kể lại cụ thể về anh ta một chút, để có thể giải thích vì sao sau này tôi lại có vẻ hơi đánh mất bản thân như vậy.

Tiểu Ưu là sinh viên giỏi tốt nghiệp đại học Thanh Hoa, lớn hơn tôi hai tuổi, tuổi con ngựa. Người cao, trắng trẻo, hơi gầy, mặt rất nhỏ, không được coi là đẹp trai nhưng cũng chẳng có khuyết điểm gì, rất cân đối, răng cũng đẹp. Ngoại trừ khuôn mặt hợp mắt xanh của tôi thì trên người Tiểu Ưu còn có hào quang nữa – tôi thích tuýp đàn ông ham học cố gắng, giỏi kĩ thuật chuyên môn, lại khiêm tốn như thế. Đã qua nhiều năm vậy rồi, nói một cách khách quan, đặt mấy từ này vào người Tiểu Ưu đều rất thích hợp. Lại thêm lần đầu tiên anh ta tới đưa tôi tới phòng làm việc của bọn họ, anh ta còn trẻ mà đã lái chiếc Benz trắng rồi (Xin lỗi, tôi lại lạc đề đánh giá xe người ta).

Sau đó tôi biết cái xe Benz màu trắng đó không phải của anh ta, là của thầy Trương của anh ta. Thầy Trương là người giỏi, người phụ trách chính hạng mục này, hơn bốn mươi tuổi vẫn vui tính và hòa đồng, cũng từng tốt nghiệp đại học Thanh Hoa. Mặc dù thời gian hợp tác chung không dài lắm, thế nhưng thầy Trương lại đánh giá cao tôi, có ý làm mai cho tôi và cậu học trò ngoan Tiểu Ưu của mình.

Hôm kết thúc dự án và đưa trình lên để xét duyệt, bọn họ đến nhà hàng ăn tối, tôi cũng được mời. Sau bữa cơm, thầy Trương sắp xếp để mọi người ngồi xe về nhà, lại để Tiểu Ưu một mình đưa tôi về, còn nháy mắt nói: “Sau khi tan học thì phải về thẳng nhà làm bài tập đi, đừng có la cà trên đường, lát nữa thầy gọi cho phụ huynh hai đứa kiểm tra.”

Lúc đó tôi nhíu mày cười.

Nhíu mày vì tôi bị người ta lôi ra làm trò, thế nhưng vẫn nở nụ cười vì tôi rất vui, bởi tim đang đập dồn.

Lúc tim đập mạnh nhất là khi Tiểu Ưu nói với tôi trên xe: “Nhiệm vụ này hoàn thành rồi, Mâu Quyên, sau này chúng ta vẫn có thể gặp nhau thường xuyên chứ, đúng không? Bình thường em thích làm gì?”

Tôi suy nghĩ một chút, “Em thích chơi cầu lông, cũng thích coi phim nữa.”

“Anh cũng thích coi phim.” Anh ta nói, “Sắp có phim ‘Nhiệm vụ bất khả thi phần 3’ rồi, chúng ta cùng đi coi nhé?”

Tôi rất muốn ‘làm giá’ một chút, nhưng mà tôi không giỏi trò đó lắm, cũng không muốn làm, vậy nên vừa vui vẻ vừa khoái chí nói: “Được, vậy thì hay quá.”

Mãi đến sau này khi có một người bạn thân là nam nói với tôi: Sự thất bại của tôi đã bắt đầu từ khi khoái chí nói ‘Vậy thì hay quá’. Nếu như tôi không nói một cách ‘khoái chí’, nếu như tỏ ra rụt rè nhỏ nhẹ một chút thì có khi không đến nỗi như sau này.

***

Chúng tôi vẫn không thể xem ‘Nhiệm vụ bất khả thi’. Vì sau đó Tiểu Ưu bận làm một hạng mục kiến trúc khác, còn tôi, cũng vì bận tiếp đón một đoàn đại biểu công thương người Pháp một thời gian.

Thế nhưng không lâu sau lúc chúng tôi cùng ăn cơm với nhau, anh ta kể về tình hình làm việc gần đây của mình cho tôi, tôi cũng kể những gì xảy ra của mình cho anh. Lúc rượu chưa mềm môi, cơm chưa lưng dạ thì bỗng dưng anh ta lại hỏi tôi về một người, “Em có biết Giang Dương không?”

Tôi suy nghĩ một chút, “Tên này nghe quen quá.”

“Dạy tiếng Nga ở văn phòng của anh, là giáo viên trường đại học X.”

“Có phải là một ông già rồi không?”

“…” Tiểu Ưu cười cười, “Là con gái, tốt nghiệp chung một trường đại học với em đó.”

“Chắc là em không biết, nhưng mà nghe tên thì cũng có chút ấn tượng.”

Đây là lần đầu tiên Tiểu Ưu nhắc về Giang Dương với tôi.

Không vì lí do gì, có thể do tò mò, có thể vì muốn có nhiều chủ đề để nói chuyện hơn một chút trong lần gặp mặt lần tới với Tiểu Ưu, mà cũng có thể vì tôi đã đánh hơi được mùi gì đó, thế là tôi bắt đầu vô tình cố ý tìm hiểu về con người Giang Dương này.

Tiểu Ưu đã nhắc tới ba thông tin rất quan trọng: Giang Dương dạy học ở đại học X, Giang Dương là dạy tiếng Nga, Giang Dương học chung trường với tôi.

Bạn bè lẫn người quen trong trường của tôi không ít, nhanh chóng có được kết quả điều tra về Giang Dương: Trước khi tốt nghiệp, Giang Dương là hoa khôi giảng đường, cũng nổi tiếng lắm, chẳng trách tôi lại có ấn tượng với chị ta. Có điều khi tôi vào đại học thì chị ta đã học năm tư, lớn hơn tôi ba tuổi. Con người Giang Dương này trông thế nào nhỉ? Tôi phải cố gắng nói một cách công bằng, đầu chị ta hơi lớn hơn Vương Chí Linh, nhức đầu ở chỗ đó không phải chỗ thiếu hụt, dáng người chị ta cũng không thấp, nước da như sứ. Đúng chuẩn người đẹp.

Lúc tôi đi bộ với Tiểu Ưu thì có nhắc tới Giang Dương, do tôi chủ động nhắc. Ấy cũng vì cuộc nói chuyện của chúng tôi hôm đó cứ đều đều không mặn không nhạt, mãi mà không tìm được đề tài chung, thế nên tôi đã phạm sai lầm.

“Lớp tiếng Nga của anh có thú vị không?”

“Ừ, vui lắm.” Tiểu Ưu đáp, giọng điệu có hơi khang khác.

“Em biết Giang Dương là ai rồi. Thì ra từ hồi còn trong trường đã rất nổi tiếng…”

“Vì sao vậy?” Lúc này, ánh mắt của Tiểu Ưu cũng đã thay đổi.

“… Vì,” Tôi suy nghĩ một chút, “Vì chị ấy hát rất hay.”

Tôi rất không muốn nói chị ấy trông rất đẹp, nhưng mà chuyện chị ta hát hay là sự thật. Lúc chị ta hát một vài tiếng Nga ‘Cây sơn trà’ trong cuộc thi ca hát trên sân trường, một cô gái trẻ hát một ca khúc xưa, rất quyến rũ, tạo chấn động cực kì.

“Giang Dương hát bài gì? Em còn nhớ không?”

“… ‘Chiều Matxcova’.” Tôi nói tên của một ca khúc khác.

Hai ngày sau lúc tôi gọi cho Tiểu Ưu, nhạc chờ của anh ta đã đổi sang bài ‘Chiều Matxcova’ rồi.

Sau đó tôi và Tiểu Ưu có gặp mặt nhau mấy lần, anh ta không hẹn hò gì với tôi, nhưng bình thường tôi vẫn gọi điện tới. Bây giờ nghĩ lại, đúng là không biết sao cứ cố chấp như thế, thi thoảng còn tìm điện thoại công cộng gọi cho anh ta, hỏi một cách cực kì vụng về và trẻ con: “Anh đoán em là ai?”

Hôm sinh nhật Tiểu Ưu, tôi từng muốn nắm tay anh ta, kết quả không biết là do tôi thiếu dũng khí hay Tiểu Ưu có ý muốn tránh né, cuối cùng là dù thế nào cũng không nắm tay nhau được (Thôi mọi người cứ chê cười tôi đi, đúng là rất mất mặt thật mà.)

Có lần tôi nói chuyện với chị: “Đàn ông thật là kì lạ.”

“Sao vậy?” Chị hỏi.

“Đi làm bận bộn nhiều việc thì rất mệt, nhưng hết giờ làm rất rảnh rỗi rất cô đơn cơ mà, nếu có cô gái nào hẹn ra ngoài đi chơi, sao bọn họ lại không đi cơ chứ?”

Chị không biết tôi đang nói về bản thân, vì thế đã trả lời một cách tàn khốc và đúng trọng tâm: “Có rất nhiều người đàn ông ông không muốn lãng phí thời gian, nếu như anh ta nghĩ hẹn hò với cô gái đó là phí thời gian thì thà ở nhà rảnh rỗi trong cô đơn còn hơn.”



“Em có một người bạn kể lại rằng, có lần bạn trai cổ nhìn cổ, đang nhìn bỗng nhiên hỏi một câu không đầu không đuôi cổ cao bao nhiêu? Chị thấy có kì quái không chứ?”

Chị vẫn không biết tôi đang tự nói về mình, “Ấy vì trong lòng đang nghĩ tới người khác, thầm so sánh đó mà.”

***

Thật ra tôi có thể hỏi chị mình như vậy thì cũng nói lên một phần cảm giác của tôi rồi, cho dù câu trả lời của chị đã đả kích tôi nhiều, thế nhưng thi thoảng tôi vẫn gọi điện cho Tiểu Ưu hẹn anh ta ngoài, ấy cũng vì chưa nhìn thấy Hoàng Hà, tôi vẫn chưa tuyệt vọng.

Sau đó cuối cùng Hoàng Hà cũng xuất hiện, hôm họp lớp cấp hai, trước đó lớp trưởng có đùa là ai còn độc thân sẽ không được tới. Tôi gọi Tiểu Ưu một cú để thử xem sao, tôi nói: “Họp lớp cấp hai, ai cũng phải mang người yêu đi cùng.”

“…”

“Anh có thời gian không? Đi với em đi.” Tôi nói.

“Anh có thể đi với em.” Tiểu Ưu nói, “Nhưng em sẽ giới thiệu anh thế nào? Anh, ừ thì, sao anh có thể được xem là bạn trai của em à? Mâu Quyên?”

Lúc đó tôi đứng trên ban công gọi điện cho anh ta, nghe đến đó thấy cả người choáng váng, tôi không biết vấn đề nằm ở đâu, thế nhưng sự kiên nhẫn chịu đựng nhục nhã của tôi đã đến cực hạn, thế nên tôi cười một cái, sau đó cúp điện thoại.

Sau này tôi không gọi cho Tiểu Ưu nữa. Rốt cuộc văn phòng của họ có trúng thầu hạng mục ở Châu Phi hay không thì tôi cũng chẳng biết.

Về phần có phải Tiểu Ưu nể mặt thầy của mình nên mới hẹn tôi mấy bận, hay trong câu chuyện xưa này có sự tham dự của Giang Dương hay không thì tôi cũng chẳng rõ lắm.

Tôi có nghe người ta nói, sau này Giang Dương cưới một anh chàng người Nga.

Chỉ là mỗi lần tôi nghĩ về chuyện này thì chỉ nhớ đúng mỗi một câu hát: Không phải mỗi mối tình đều có đầu có cuối. (*)

(*) Câu hát trong bài Nhân gian của Vương phi.

Nói cho cùng, tôi và Tiểu Ưu cũng chẳng ở bên nhau được bao nhiêu, hình như hẹn hò cũng chưa được mấy lần, thế nên sau đó tôi cũng không khó sống mấy, vẫn loạng choạng bước trên mặt đất như trước đây.

Nhưng quả thật chuyện này cũng có chút ảnh hưởng với tôi.

Sau này có một khoảng thời gian, hễ tôi đạt được thành tích nho nhỏ nào sẽ có triệu chứng của bệnh Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Lúc tôi phiên dịch cho một người quan trọng hay chính khách nào đó, hay lúc tiểu thuyết của mình được xuất bản, lúc tôi vừa mua một cái váy rất đẹp, tôi đều nghĩ, nếu Tiểu Ưu biết mình thế nào, hay nếu anh ta nhìn thấy mình bây giờ, anh ta sẽ nghĩ thế nào? Anh ta có cảm thấy hối hận không?

Hình như sau khi kết hôn rồi tôi mới hiểu tại sao lúc đó mình lại có những suy nghĩ kì quái này. Một vì, lòng tự trọng của tôi đã bị tổn thương; Hai, thật ra vì tôi từng thích Tiểu Ưu, thời gian ngắn ngủi cũng tốt, hờ hững lãnh đạm cũng được thôi, nhưng cảm giác tim đập chân run và tình cảm đó là thật.

Đối mặt với sự thất bại trong ‘Sự kiện Tiểu Ưu’, tôi có nhiều suy xét và nhận thức hơn trong chuyện tình cảm.

Tôi nghĩ, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là khi người ta một lòng một dạ yêu thương bạn, nhưng bạn lại không xem người đó ra gì.

Người thông minh thì phải làm thế nào? Nguyên tắc căn bản chính là không để bất kì ai tổn thương mình.

Tuy rằng đến bây giờ, những lần làm quen hay hò hẹn của tôi đều không thành công, thế nhưng núi không di dời nhưng nước có chảy. Một ngày nào đó tôi sẽ gặp một người mà gia thế, hoàn cảnh, điều kiện cá nhân đều không tệ, hai chúng tôi không ai bị thiệt, ai tìm ai cũng không bị gọi là trèo cao, sau đó chúng tôi sẽ kết hôn, lương ai nấy xài. Nếu con riêng của anh ta muốn học tiếng Pháp, tôi nhất định phải giúp một tay, khi nào có đứa con chung thì cũng là lúc quan hệ của chúng tôi sẽ ổn định hơn một chút, nhưng tôi chắc chắn không chịu cơn giận của mẹ anh ta đâu.

Chỉ mong chúng tôi sẽ cùng nhau cố gắng, lúc hơn bốn mươi thì anh ta trở thành một cán bộ nhà nước, tôi sẽ làm cáo mượn oai hùm một chút để kiếm chút bụi tro, có lẽ sẽ sắp xếp cho con cái của dì ba thím tám một công việc nào đó, như vậy thì quan hệ của chúng tôi sẽ càng ổn định hơn.

Lúc già rồi, chúng tôi cũng không có nỗi ưu phiền gì quá to tát nữa cả, anh ta là nhân viên nhà nước, tôi làm giáo sư, nếu bình thường chú ý chăm sóc sức khỏe thì sẽ không cần xài hết tiền trong thẻ bảo hiểm.



Mọi người thấy tôi tưởng tượng nhiều điều như vậy, chỉ là tôi không quan tâm lắm đến một chuyện: Muốn làm bạn đời, trước tiên phải yêu nhau đã.

Những bạn trẻ tới đây xem tôi tán dóc đều là dân ghiền tiểu thuyết ngôn tình, có thể theo dõi những câu chuyện của tôi, hẳn là mọi người đều rất quen thuộc với cách biểu đạt thế này:

Tôi rất tuyệt vọng với chuyện yêu đương…

Thật ra mọi người đều là những đứa trẻ khỏe mạnh lạc quan, ai lại cứ động một chút đều thành ‘Tuyệt vọng’ một cách nghiêm trọng như vậy chứ? Muốn đi tới chủ nghĩa độc thân? Muốn vào giới đồng tính để tìm quan tâm và an ủi?

Không u ám vậy đâu.

Thật ra trong cuộc sống bình thường này, việc trải qua những chuyện không như ý đã khiến chúng ta phải bảo vệ bản thân mình trước, đầu tiên phải để mình được tỉnh táo, xem kĩ món đồ mình cầm được sờ được mà không còn mơ đến sự tồn tại và bắt đầu của thứ tình yêu lãng mạn và nồng nhiệt, khiến con người ta có phấn đầu quên mình.