Đế Chế Đại Việt

Chương 72: Tử Cấm Thành



“Đinh, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng vương quốc giai đoạn 2: Xây dựng hoàng cung. Nhiệm vụ hoàng thành ban thưởng: Ngọc tỷ truyền quốc, áo Cổn, mũ Miện, thường phục, tiện phục, lễ phục cho các văn võ bá quan, quân Túc vệ (100), chiến mã (40), voi chiến (4 cặp), trâu cày (20), lương thực (200),…công trình Diên Hựu tự (1), một lượt triệu hoán danh nhân.

Đang chuẩn bị ngủ trưa vậy mà hệ thống vang lên thông báo làm Lý Anh Tú bừng tỉnh. Hoàng cung đã làm xong rồi sao. Ban thưởng cũng nhiều như vậy. Thế nhưng nhìn lại một chút lần này ban thưởng vậy mà chủ yếu là các loại trang phục, quy chế cho triều đình. Nói cũng xấu hổ, lập quốc đã mấy tháng nhưng Lý Anh Tú trước giờ đều như những người khác, ăn mặc giao lĩnh cùng nhu quần như mọi người, cung điện cũng không có mà ở, chỉ ở trong thủ phủ, chưa hề một lần thiết triều, tất cả đều giải quyết bên trong thủ phủ. Nếu như nói nhiệm vụ đầu tiên là để vương triều thành lập trên danh nghĩa, thì giai đoạn thứ hai này chính là biến vương triều đó thành một thực thể. Có phân chia cấp bậc, có lễ nghi riêng biệt, không lẫn lộn với ai.

Lý Anh Tú phát hiện ra trên bàn của mình đã đặt sẵn một bộ áo Cổn cùng mũ Miện, bên trong tủ quần áo cũng xuất hiện không ít lễ phục, tiện phục hoàn toàn khác biệt so với quần áo bình thường. Ngoài ra còn có một cái Ngọc tỷ. 

- Người đâu.

Lý Anh Tú hô lên lập tức bên ngoài một viên Bách hộ đi vào chờ lệnh. Từ khi Trần Thư và Trần Quốc Toản vào Diễn Võ trường học tập thay thế Trần Thư là viên Bách hộ này, tuy nhiên so với Trần Thư năng lực yếu kém không ít, vẫn không làm Lý Anh Tú hài lòng được.

- Gọi Trần Nghi quan đến gặp Trẫm.

- Tuân lệnh bệ hạ.

Lát sau An Tư đã đến, vẫn là một dáng người thướt tha, dịu dàng, xinh đẹp làm Lý Anh Tú không khỏi nhìn nhiều thêm một lần.

- Bái kiến bệ hạ.

An Tư cúi người chào hắn, Lý Anh Tú liền nói.

- An Tư, đến giúp Trẫm mặc thứ này lên.

Áo Cổn khá nặng, mặc cũng phức tạp, một mình Lý Anh Tú mặc lên cũng rất khó khăn. Hắn cũng có thể nhờ Bách hộ mặc giúp, nhưng nghĩ lại một tráng hán giúp mình mặc quần áo Lý Anh Tú không khỏi nổi da gà, vẫn là mỹ nữ tốt.

An Tư nghe vậy trước hết liền kinh ngạc, sau đó mặt không khỏi đỏ lên. Nàng tiến đến chạm vào chiếc áo Cổn cùng mũ Miện. Rất quen thuộc, phụ hoàng ngày xưa cũng đã từng mạc loại y phục này, bây giờ nàng lại giúp người đàn ông này mặc lên.

An Tư từ từ giúp Lý Anh Tú thay đổi y phục, suốt quá trình nàng cảm thấy mặt mình như bị sốt vậy, nhịp tim đập như trống đánh ban trưa. Vật vả mười lăm phút Lý Anh Tú đội lên mũ Miện mới xem như hoàn thành.

Cổn Miện chính là loại lễ phục tượng trưng cho bậc đế vương, được sử dụng xuyên suốt trong lịch sử của Việt quốc chỉ bị phế bỏ vào thời Lê Trung Hưng mà thôi, chế tạo thứ này cũng cực kì công phu và đắt đỏ. Mũ Miện làm theo kiểu thời Đường, trên có ván chụp, đằng trước tròn, đằng sau vuông, đằng trước sa xuống, đằng sau nghếch lên, dài một thước sáu tấc, rộng tám tấc, đằng trước sa xuống bốn tấc, đằng sau sa xuống ba tấc, trước và sau đều có mười hai dây lưu, mỗi dây lưu xâu mười hai viên ngọc, lại dùng dây tảo để xâu ngọc. Áo Cổn hai ống tay áo rộng, dài thêu hình rồng lượn mười hai khúc (rồng thời Lý nhé), thêu mười một chương (hoa văn) khác gồm: Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, chim trĩ, núi, rong, lửa, gạo, cốc tế, rìu và chữ Á (cái này ta kiếm ảnh rồi đăng bên trang Cá Ướ Muối để chú thích).

An Tư nhìn người thanh niên trước mặt mặc lên lễ phục lại vô cùng đẹp trai, khí thế đế vương bàn bạc phóng ra bên ngoài, An Tư nhìn Lý Anh Tú không khỏi có chút si mê. Lý Anh Tú hỏi.

- Thế nào?

An Tư vội đỏ mặt cúi đầu nói nhỏ.

- Bệ hạ vô cùng đẹp trai rồi.

Lý Anh Tú cười lớn.

- Trẫm biết Trẫm đẹp trai từ nhỏ rồi.

Một tên tự luyến cuồng. Lý Anh Tú lắc lắc mấy cái dây ngọc phía trước nói.

- Thế nhưng cái này cũng quá nặng đi, lại vướng tầm nhìn thế này, có thể cột sang hai bên được không?

Tên này vậy mà định cột chuôi lưu sang hai bên, các vua Lý mà sống lại không biết có muốn đem tên con cháu đời thứ “n” này bóp chết hay không.

- Người đến.

Viên Bách hộ lần nữa đi vào. Lý Anh Tú nói.

- Truyền lệnh cho các quan ngày mai vào cung hội triều.

Nói rồi hắn quay sang An Tư nói.

- Ngày mai nàng đến sớm giúp Trẫm mặc nó đi.

Ngày hôm nay đối với nhân dân Thăng Long cũng là một ngày vô cùng đặc biệt, dưới sự cố gắng của hàng ngàn công tượng Đại Việt hoàng cung cuối cùng cũng đã khánh công rồi. Diện tích của hoàng cung lấy toàn bộ lớp thành Trung Tâm, Lý Anh Tú để công tược xây gạch bọc bên tường đất bên ngoài, lại xây thêm lầu các phía trên đổi tên thành Tử Cấm thành. Tử Cấm thành có bốn cửa: Cửa Tường Phù phía Đông, cửa Quảng Phúc phía Tây, cửa Đại Hưng phía Nam, cửa Diệu Đức ở phía Bắc. Bên trong xây hoàng cung xây điện Càng Nguyên làm nơi thiết triều, hai bên trái phải là điện Tập Hiền cùng điện Giảng Võ. Đằng sau Càn Nguyên là hai điện Long An và Long Thụy là chỗ Lý Anh Tú nghỉ ngơi, bên phải là điện Nguyệt Minh, bên trái là điện Nhật quang. Đằng sau nữa là cung Thúy Hoa sau này sẽ là hậu cung của hoàng đế. Ngoài ra còn có một vườn ngự uyển tên Quỳnh Lâm, chỉ là cỏ hoa thú gì vẫn chưa có nhiều, ngược lại ngựa thì có một con Song Vĩ Hồng. Đúng vậy, hắn chính là muốn đem ngựa vào trong vườn ngự uyển chơi, ai dám có ý kiến.

Lý Anh Tú rất nhân đạo vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho mình và các bá quan thiết triều liền chọn lúc tám giờ. Bá quan từ ngày hôm qua đã nhận được lệnh của bệ hạ liền thay vào triều phục, đầu đội mũ lương quan, tay cầm theo hốt đi vào triều. Trước điện Càn Nguyên là một khoảng sân lớn được lát gạch đá gọi là sân Rồng có đặt một cái chuông lớn, từ sân rồng đi lên dãy bậc thềm gọi là Long trì có hành lang hai bên, lan cang chạm khắc hình rồng. Các binh lính Ngự Lâm quân ăn mặc đẹp đẽ đứng dọc Long trì, canh gác khắp hoàng cung.

Điện Càn Nguyên được xây dựng vô cùng lớn mang đậm nét kiến trúc thời Lý, mười hai hàng cột phía trước đều làm từ gỗ Lim, hai người trưởng thành ôm mới hết, dưới chân mỗi trụ là Bá Hạ được chạm khắc bằng đá, mái điện được xây làm hai tầng, hệ thống đấu củng nâng đỡ vương xa ra cong vút lên như muốn thượng thiên.

“Boong”

Tiếng chuông lớn trước sân Rồng vang lên, điện Càn Nguyên mở rộng để cho bá quan đi vào tự giác chia ra hai ban văn võ chờ đợi hoàng đế đến. Không để mọi người chờ lâu liền có một giọng hô vang hữu lực.

- Bệ hạ giá lâm.

Lý Anh Tú không tuyển chọn thái giám. Một là dân số Đại Việt quá ít, trai tráng còn không đủ đi làm lính lấy đâu ra thái giám, hai là hắn cảm thấy tước đoạt đi thứ quý nhất của một người đàn ông là một tội ác, vì vậy bên cạnh hắn đều là Cấm quân. Lý Anh Tú cũng cảm thấy vậy không ổn, tốt nhất nên để An Tư mau chóng tuyển cung nữ thôi. Hắn cảm thấy mình đã bắt đầu mang nặng tư tưởng phong kiến rồi.

Lý Anh Tú mặc Cổn Miện đi lên ngồi xuống Long ỷ, Lý Anh Tú đặc biệt cho người lót tấm đệm bông ngồi cho đỡ ê mông, đặc biệt êm ái, hắn cũng không muốn đày đọa cái mông mình trên ghế rồng đến mức bị trĩ.

- Bái kiến bệ hạ.

Quần thần liền khom người làm lễ. Lý Anh Tú nói.

- Các khanh bình thân.

Như thường lệ các bộ lần lượt báo cáo lên các công việc, chỉ là Đại Việt nhỏ, công việc cũng không nhiều nên chỉ có một số vấn đề nêu ra. Thứ nhất liền hạ lệnh cho phép các sứ thần đến Thăng Long, Lễ bộ chuẩn bị tiếp đón. Thứ hai là hoàng cung bắt đầu tuyển chọn cung nữ, thi hành chính sách trả lương như các công tượng, ký hợp đồng, không được có ràng buộc về thân thể đối với cung nữ, cung nữ cũng có những quyền lợi cơ bản của con người. Lý Anh Tú đem một bộ “nhân quyền” ra mà nói làm An Tư cảm động không thôi. Đại Việt tuy có trọng dụng Nho giáo nhưng cũng giữ nét truyền thống riêng của mình, phụ nữ phải được tôn trọng, phải có địa vị của mình trong gia đình và cả xã hội nữa.

--

Bá Hạ: Nó còn được gọi là Bí Hí, Thạch Long Quy, hình dáng như con rùa, đầu rồng, có sức mạnh kinh hồn, thích cõng vật nặng trên lưng, có thể cõng cả trái núi một cách nhẹ nhàng. Truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa, Bá hạ thường cõng Tam sơn Ngũ nhạc trên lưng, rồi nổi gió tạo sóng lớn. Hạ Vũ (vị vua đầu của nhà Hạ, Trung Quốc) liền hàng phục nó, dùng nó phụ giúp cho việc trị thủy của mình. Việc trị thủy xong, sợ nó lại đi lung tung gây họa, Hạ Vũ bèn làm một cái bia cực lớn ghi công trạng của nó, cho nó cõng. Tấm bia quá nặng khiến nó không đi đâu được nữa. Về sau, người ta thường dùng nó làm vật trang trí chân cột, chân bia đá biểu thị ý nghĩa muốn cột và bia ấy luôn vững chắc, đồng thời cũng tượng trưng cho sự trường thọ, cát tường.