Dear Doctor (Quãng Đời Còn Lại Xin Chỉ Giáo Nhiều Hơn)

Chương 13: Thân thiết



Ngày 27 tháng 5 năm 2009

Ngày hoá trị thứ ba rất đau đớn, thầy Lâm đã sụt gần mười cân, mặt mũi hốc hác, dù bác sĩ chủ nhiệm đã đổi phương án, chia thuốc ra làm hai ngày để giảm bớt phản ứng nhưng thầy Lâm vẫn nôn suốt từ sáng hôm qua, ói hết mật xanh mật vàng, thâu đêm thâu ngày. Đến sáng nay truyền xong một chai Oxaliplatin, thầy Lâm đã nằm bò trong lòng tôi, không nói nổi câu nào. Sờ xương sườn gồ ghề trên người thầy qua lớp áo đẫm mồ hôi, bỗng nhiên tôi muốn khóc.

Tôi đến phòng Bác sĩ: "Có thể không dùng hoá xạ trị không? Người bình thường không ăn không uống không ngủ còn không chịu được." Huống hồ là người mới làm phẫu thuật.

Bác sĩ Cố rút bệnh án của thầy Lâm, chẩn đoán: "Ba em thuộc loại ung thư biểu mô tuyến tuýp biệt hoá kém."

Tôi ngơ ngác lắc đầu.

"Ung thư ác tính, tiên lượng xấu, di căn sớm, dễ dàng tái phát."

Tôi im lặng, nhìn bệnh án rất lâu mới cứng ngắc hỏi: "Kết quả xét nghiệm mô bệnh học sau phẫu thuật bảo rất ổn mà?"

Bác sĩ nhìn tôi, không nói gì.

Trước khi ra ngoài, tôi hỏi Bác sĩ: "Liệu hoá trị có tác dụng không, có thể... nói thật cho em không."

Bác sĩ nhíu mày: "Tiêu diệt những tế bào ung thư có khả năng còn sót lại, tránh di căn. Những thứ khác không có tác dụng lắm."

Tối, tôi ôm gối ngồi trên ghế nghỉ gần thang máy, ngẩn người ngắm sao trời ngoài cửa sổ.

Nghe có tiếng động, tôi quay sang thấy Bác sĩ đang đứng bên, tay đút trong túi.

Tôi cười xem như chào hỏi, quay sang tiếp tục nhìn trời.

"Đừng làm như trời sắp sập đến nơi thế."

"Đâu?"

"Đêm hôm khuya khoắt em còn ngồi đây."

Tôi nhìn đồng hồ: "Chín giờ mười lăm phút, giờ Bắc Kinh."

Anh cười: "Về khách sạn nghỉ ngơi đi."

"Thôi, không có em thầy Lâm không ngủ được." Dù rằng có tôi, thầy Lâm cũng không ngủ được.

Nhưng tôi vẫn đứng dậy, quay về cùng Bác sĩ.

"Lâm Chi Hiệu."

Tôi quay lại, Bác sĩ vừa vào phòng lại đi ra, đưa cho tôi một thanh sô cô la.

"Cảm ơn." Những lúc thế này, không cần những lời an ủi dài dòng, những câu chuyện giật gân, chỉ cần một nụ cười dịu dàng, là đủ.

Ngày 28 tháng 5 năm 2009

Kiểm tra phòng buổi sáng, thầy Lâm nhìn Bác sĩ Cố, chỉ nói đúng một câu: "Bác muốn về nhà."

"Hai hôm nay bác không ăn cơm, lấy sức đâu mà về?"

"Bác muốn về nhà."

"Phải chờ có kết quả kiểm tra máu."

"Bác muốn về nhà." Vẫn là bốn chữ đó.

Bác sĩ ngẩng lên: "Bác có xuống giường được không? Đi lại được không?"

"Đi được."

"Đi cho cháu xem."

"..." Lặng thinh.

"Nếu kết quả không đạt yêu cầu, bác lại không chịu ăn thì cháu đành đề nghị cho bác truyền Intralipid bổ sung dinh dưỡng vậy."

"Không cho truyền..."

Bác sĩ Cố coi như không nghe thấy gì, gật đầu chào chúng tôi.

Thầy Lâm nhăn mặt tội nghiệp, ma vương nhà chúng tôi, gặp phải người như Bác sĩ.

Ngày 30 tháng 5 năm 2009

Sau ba ngày truyền Intralipid liên tục, phản ứng hoá trị đã giảm bớt, thầy Lâm cũng vui vẻ hẳn lên.

Tôi cầm cốc nước vào hành lang thang máy, nhìn ra ngoài qua tấm cửa sổ thuỷ tinh. Sau cơn mưa cuối chiều, không khí vẫn còn ẩm ướt. Ai đó đã từng nói rằng, thành phố nào nhìn từ trên cao cũng rất đẹp. Ngay cả ngọn đèn đường mờ mịt sao cũng thấy quá đỗi yên bình. Hít một hơi thật sâu bầu không khí được nước mưa gột rửa.

"Ba em thế nào rồi? Còn nôn không?"

Tôi ngạc nhiên quay sang, nhìn người mặc áo blouse đứng cạnh: "Bác sĩ Cố hôm nay trực đêm ạ?"

"Tết đoan ngọ đồng nghiệp về nhà nên đổi ban cho tôi."

Hai người lặng lẽ nhìn cảnh thành phố một lát thì anh ra ngoài nghe điện thoại, nói rất khẽ. Tôi híp mắt, cảm nhận không khí mơn man da thịt đến khi bắt đầu thấy buồn ngủ, bỗng một chiếc điện thoại xuất hiện trước mặt.

Màn hình vẫn còn đang trong cuộc trò chuyện, tôi nhìn Bác sĩ đang cầm máy, anh chỉ hất cằm về phía điện thoại.

Tôi nhận máy, trên màn hình dường như vẫn còn hơi ấm của anh làm tôi hơi ngại ngùng: "A lô?"

"Chị!"

"Thì ra tên đầy đủ của em là Đỗ Văn Tuấn."

Bác sĩ quay sang một bên bật cười, tôi lúng túng vội thêm một câu: "Chúc mừng quốc tế thiếu nhi."

"..."

Hình như càng lúng túng.

Tôi nhìn Bác sĩ lại nhìn điện thoại, chợt nhớ ra: "Sắp thi rồi hả?"

"Vâng còn một tuần nữa."

Tôi túm túm tóc: "Coi thường chiến thuật địch, coi trọng chiến lược, chúc cách mạng sớm giành thắng lợi." Nói xong vội vàng trả điện thoại cho Bác sĩ.

Không biết đầu dây bên kia nói cái gì mà Bác sĩ cười cười: "Biết rồi, đi học đi. Giữ quy luật sinh hoạt như thường ngày, đừng đi xe đêm, bình tĩnh chờ thi."

Ngày 31 tháng 5 năm 2009

Sau buổi họp của các bác sĩ, do phản ứng cơ thể quá mạnh, sức khoẻ còn yếu nên sau khi kết thúc đợt hoá trị này sẽ tạm dừng, về nhà nghỉ ngơi, ổn định mới tiếp tục điều trị.

Ngày 1 tháng 6 năm 2009

Sáng, tôi rời viện trước, về trường bảo vệ luận văn.

Tiểu Vũ ôm tôi cọ nửa ngày (đến giờ vẫn không hiểu vì sao con bé lại dính mình thế), cho đến khi tôi hứa lần sau mang đồ ăn ngon đến, con bé mới chịu buông tay.

Tôi không thấy Bác sĩ, anh không đi kiểm tra phòng mà chuẩn bị luôn cho ca mổ tới.

———-

Bác sĩ: Đằng nào em cũng chẳng quan tâm đến cảm xúc của anh.

(Sao em lại không quan tâm? Với lại lúc ấy em có biết cảm xúc của anh thế nào đâu?)