Dear Doctor (Quãng Đời Còn Lại Xin Chỉ Giáo Nhiều Hơn)

Chương 62: Những người thần kì (1)



Kể một chút về cuộc sống hạnh phúc của mỹ nam học thức cao và hoàng thái hậu.

Nghe nói tính cách của con người ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Nếu nói Cố Nguỵ là minh chứng cho những ảnh hưởng tích cực, thì ngược lại, tôi chính là đại diện cho những ảnh hưởng tiêu cực. Có một ông bố “không trông cậy được gì” ở đây, khiến tôi không thể nào kháng cự được vẻ “có thể dựa dẫm được” luôn toát ra từ Cố Nguỵ.

Vì thế trả qua quá trình phân tích kĩ càng, ông nội đưa ra kết luận: “Cố Nguỵ trông rất ngoan ngoãn, nhưng cốt tuỷ vẫn có chút nghịch ngợm, phá phách. Hiệu Hiệu trông rất ngoan, thực ra là rất ngoan.”

Nghe xong, Cố Nguỵ mỉm cười, nhìn tôi đầy ẩn ý, khiến tôi cảm giác dường như mình vừa mới rơi vào một cái bẫy nào đó.

- ------------------

Hơn hai mươi năm về trước, đứa con thứ hai nhà họ Lâm chào đời. Thừa hưởng tất cả các nét đẹp của bố mẹ, cậu có gương mặt anh tuấn, đầu óc linh hoạt, thông minh hiểu chuyện, từ nhỏ đã thường đi theo bố mẹ ra ngoài. Ai nhìn thấy cũng đều khen cậu bé: “Đứa thứ hai này chắc chắn lớn lên sẽ làm ra trò trống đấy.”

Về điểm này Lâm lão gia lại không đồng tình: “Thằng bé này tuy thông minh nhưng đầu óc lại quá đơn thuần. Thôi cứ thuận theo tự nhiên, sau này không gây hại gì cho xã hội là được rồi.”

Những gia đình có ba người con trai, về cơ bản phương thức giáo dục đều là: con cả suốt ngày ăn đòn, con út được chiều chuộng, riêng người con thứ hai thì… thôi kệ nó ngốc nghếch đi.

Và thế là, dưới phương châm “nuôi thả” của bố mẹ, cùng sự “buông xuôi” của chính bản thân mình, con trai thứ hai nhà họ Lâm cứ thế mà lớn lên, trở thành một thiếu niên IQ cao nhưng EQ lại âm tột độ. Âm tới mức nào? Toán được điểm tối đa, văn lại được điểm dưới trung bình. Bạn nghĩ là do môn ngữ văn của anh chàng không tốt? No no no, bởi vì lúc thi văn, anh chàng ngủ gật. Anh ấy cho rằng, việc ngủ còn quan trọng hơn cả thi cử.

Lâm lão gia bận rộn, không có thời gian quan tâm đến con cái, vừa nhìn thấy bảng điểm của cậu hai liền tức điên lên, túm lại đánh cho một trận rồi bắt học để thi lại. Lúc cậu hai nhà họ Lâm thi lại, cả phòng thi chỉ có một mình anh chàng, nhưng lại có tới ba vị giám thị trông thi. Anh ấy không hề căng thẳng, lôi giấy nháp ra, thong dong viết. Thầy giám thị nhìn đồng hồ treo tường, sốt ruột tới mức mắc bệnh tim tới nơi, bèn tháo luôn đồng hồ đeo tay, đưa tới trước mặt anh chàng: “Thời gian, chú ý thời gian!” Chỉ còn hai mươi phút nữa mà bài làm văn vẫn còn chưa viết, thằng bé này nghĩ gì cái vậy? Cậu hai nhà họ Lâm rất nghe lời, lấy giấy thi ra, roẹt roẹt roẹt mấy đường, bắt đầu viết, cuối cùng cũng thi qua, còn đạt được số điểm cao nữa. Thế nên thầy cô đều rất đau đầu với anh chàng này. Chàng trai nghịch ngợm, không để cho người ta yên tâm ngày nào.

Cậu hai nhà họ Lâm cứ sống cuộc đời thong dong tự tại ấy cho đến khi bố mẹ phải đi lao động cải tạo, anh cả đi làm, trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ em út dồn lên vai anh chàng. Biến cố lớm trong gia đình và sự tôi luyện của cuộc sống đã buộc anh chàng phải học cách cẩn trọng hơn trong lời nói và hành động. Tuy cuộc sống khó khăn như vậy nhưng anh chàng vẫn sống rất vui vẻ mộc mạc. Vẻ lương thiện và đơn thuần ấy đã đi theo anh chàng cả cuộc đời. Cậu hai nhà họ Lâm nhẫn nại chống chọi tới ngày bố mẹ được tự do, lúc này mới thi lại đại học, tìm được việc làm, tìm được cô gái mà mình yêu, xây dựng nên gia đình nhỏ của riêng mình, sau đó, tôi ra đời.

Câu chuyện tình yêu của mẹ tôi và thầy Lâm là một câu chuyện lì kì hấp dẫn.

Năm đó, trước khi tốt nghiệp, thầy Lâm tham gia cuộc thi tuyển chọn của hai cơ quan. Không ngờ giấy thông báo của thành phố Y lại đến sớm hơn thành phố X một ngày. Đương nhiên ông bà nội luôn hi vọng thầy Lâm có thể ở bên cạnh mình, nhưng ông lại nhét hai tờ giấy thông báo dưới gối suốt cả một đêm. Sau khi tỉnh dậy, tuyên bố một câu: “Nếu ông trời đã để giấy thông báo của thành phố Y tới trước, chứng tỏ nơi đó đang đợi con.” Và thế làm, thầy Lâm thu dọn hành lí rời xa gia đình tới thành phố Y.

Sóng yên biển lặng khoảng nửa năm, có một trận giao lưu bóng rổ với cơ quan khác. Giữa biển người mênh mông, những lá cờ sặc sỡ bay phấp phới, xuyên qua tầng tầng lớp lớp thầy Lâm đã đã nhìn trúng mẹ tôi, khi đó mới chỉ là cô bé đưa nước và khăn bông cho cầu thủ đội bên kia. Sau đó thầy Lâm đã nghĩ ra đủ mọi cách để tạo ra cơ hội theo đuổi…

Hồi đó, mẹ tôi ở trong kí túc xá của nhân viên, cách nhà nửa vòng thành phố. Có một lần, bà ngoại tôi tới thăm mẹ, lúc đứng đợi ở cửa phòng bảo vệ trùng hợp gặp thầy Lâm đi qua. Lúc đó, bà ngoại đã nghĩ thầm trong lòng, thằng bé này mà là con rể mình có phải tốt không.

Về sau, mẹ tôi đưa thầy Lâm về ra mắt, bà ngoại vừa nhìn thấy đã: Ôi! Đúng là cậu ấy. Mẹ vợ và con rể đúng là có duyên với nhau. Bà ngoại vô cùng thân thiết với thầy Lâm, gần như bật đèn xanh luôn rồi.

Hai người đang ngọt ngào hạnh phúc thì ông nội ở thành phố X hay tin, bèn phái bác trai đến thành phố Y một chuyến, báo cho mẹ tôi rằng: Thầy Lâm là người có vợ chưa cưới, đối phương là con gái chiến hữu của ông nội, đã đính ước từ lâu, hai nhà môn đăng hậu đối.

Mẹ tôi, thà ngọc nát còn hơn ngói lành, ngay lập tức rời xa thầy Lâm, từ nay về sau không còn quan hệ gì với nhau nữa.

Thời đại nào rồi còn có kiểu ép hôn như thế? Đính ước từ lâu, trò này nhạt nhẽo quá đi. Thầy Lâm tức giận tới mức lập tức quay về thành phố X ngay trong đêm. Cuối cùng bị ông nội mắng cho một trận: “Nhốt trong phòng, cho nhịn đói!”

Không được ăn uống gì cũng không ngăn cản được nỗi oán hận của thầy Lâm: “Nếu không để con lấy người mà con yêu thì con không lấy ai hết.”

Thời khắc quan trọng, bác trai đã đứng ra nói đôi lời: “Con đã tiếp xúc với cô gái ở thành phố Y rồi, đó là một người không tồi, rất tốt với chú hai nhà mình.”

Lại cộng thêm bà nội và bác gái bên cạnh nói đỡ: “Dưa mà ép chín sẽ không ngọt.” Lúc này ông nội mới miễn cưỡng đồng ý, đưa thầy Lâm bị bỏ đói ba ngày liền đến nhà nhà chiến hữu để tạ tội và xoá bỏ hôn ước. Nghe nói, người “vợ chưa cưới” kia rất chung tình với thầy Lâm, nghe tin này vô cùng đau lòng. Nhưng thầy Lâm không tim không phổi vừa mới được khôi phục lại tự do đã quay lại thành phố Y ngay trong đêm.

Để lấy lại trái tim của giai nhân, đàn ca sáo nhị, viết nhạc, làm thơ, thầy Lâm đều đã sử dụng hết, nhưng giai nhân lại chẳng có phản ứng gì. Con tim mong manh của thầy Lâm không chịu đựng nổi, cứ thế vào bệnh viện.

Sau khi nghe tin, cuối cùng mẹ tôi cũng mềm lòng, bèn đi thăm. Thầy Lâm vừa nhìn thấy mẹ tôi đã lập tức ấm ức, tủi thân: “Cô gái đó anh thật sự không thân thiết, từ nhỏ tới lớn chỉ gặp có vài lần, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặt ngang mũi dọc cô ấy như thế nào còn không nhớ. Đây là ép hôn! Là bạo lực! Đây là tước đoạt nhân quyền!”

Hai người lại hoà hợp như lúc đầu.

Về sau, thầy Lâm đưa mẹ về thành phố X ra mắt ông bà nội. Bà ngoại lo lắng mẹ tôi không được lòng nhà chồng. Mẹ tôi nói rất khí thế: “Con có phải loại quá lứa lỡ thì, vội phải lấy chồng đâu.”

Thầy Lâm: “Đúng, đúng, đúng. Là anh khóc lóc cầu xin được cưới.”

Trái tim con người đều làm từ máu thịt, tình cảm cũng từ đó mà sinh sôi. Vừa tiếp xúc đã biết mẹ tôi là một cô gái có thể trông cậy được, vì thế ông nội cũng không phản đối gì nữa.

Ngày diễn ra hôn lễ, cô “vợ chưa cưới” kia cũng xuất hiện, vừa tới đã gục khóc trên vai thầy Lâm.

Thầy Lâm hoá đá luôn, mãi mới phản ứng lại: “Nam nữ thụ thụ bất tương thân, thụ thụ bất tương thân…” Thầy Lâm liền đẩy cô gái kia ra, nhanh chóng đuổi theo mẹ tôi: “Bà xã, anh thực sự vô tội mà. Bà xã, bà xã… Âu phục anh bẩn hết rồi, làm sao bây giờ…”