Nghe ông nội Bác sĩ nói, năm xưa, bố Bác sĩ là người rất rụt rè, lại sợ theo đuổi gắt gao quá sẽ doạ cô gái mà mình thương yêu sợ hãi, vì thế luôn đè nén, đè nén, đè nén trong lòng suốt hai năm, tới khi nghe nói người trong lòng mình sắp bị điều công tác đi nơi khác mới bắt đầu nhanh chóng ra tay.
Sau khi hai người bày tỏ tâm ý với nhau, mẹ Bác sĩ cũng là người rụt rè, vì thế cứ chầm chậm tìm hiểu nhau. Họ yêu nhau được gần bốn năm thì bị hai gia đình ép tổ chức hôn lễ.
Lúc này tôi mới hiểu, hoá ra tính nhẫn nại của Bác sĩ đều được di truyền từ đây, ừm… thế là hiểu mọi chuyện rồi…
Bố Bác sĩ sau khi ôm được mĩ nhân về nhà thì không vội sinh con chút nào. Ông muốn chăm sóc cho sức khoẻ mẹ Bác sĩ được tốt nhất. Nhưng người lớn hai bên thì rất nóng lòng. Sau khi Cố Nguỵ ra đời, vốn dĩ tên của anh sẽ được đặt theo vai vế trong nhà, nhưng nhìn thấy dáng vẻ yếu ớt của mẹ Cố trước khi được đẩy vào phòng sinh, bố Cố liền quyết định: “Gọi là Cố Nguỵ đi. Để họ của hai bọn con kết hợp với nhau.”
Tấm gương còn đó, vậy nên Cố Tiêu từ trước khi thụ thai đã có tên sẵn rồi.
Ở nhà bố mẹ Bác sĩ sẽ thường xuyên được thấy cảnh tượng sau:
Mẹ Cố đưa cho bố Cố một chiếc khăn lau sạch: “Ông lau giá sách đi.” Thế là bố Cố bắt đầu sắp xếp lại phòng sách, lau chùi giá sách.
Mẹ Cố vỗ vào người bố Cố: “Ông tỉa chậu hoa đi.” Thế là bố Cố liền đặt tờ báo xuống, ra ban công tưới và tỉa hoa.
Mẹ Cố: “Lão Cố, ra đây làm cá đi.” Bố Cố liền vào bếp, đeo tạp dề rồi cầm cái đánh vảy lên.
Từ trước đến nay không có một câu thừa thãi nào, nói làm là làm.
Tôi cảm thán: “Mẹ quá lợi hại.”
Bác sĩ: “Nhà anh xưa nay dạy dỗ con cái, lời nói luôn đi đôi với việc làm.”
Bố mẹ đều ở tầm tuổi này, công việc luôn vô cùng bận rộn, rất nhiều người sẽ thuê người giúp việc đến dọn dẹp theo giờ, nhưng bố Cố cho rằng “người lạ cứ đi đi vào vào trong không gian sống của mình thật chẳng tốt chút nào”, vì thế từ trước tới nay, hại vợ chồng vẫn luôn kiên trì tự dọn dẹp. Điểm này đã được Bác sĩ kế thừa 100%.
- ----------------
Sau khi tan làm Bác sĩ luôn trở về căn hộ, cách vài ngày mẹ Cố sẽ gọi điện cho anh. Sau khi chúng tôi yêu nhau, bà thường xuyên hỏi thăm cả tôi.
Có một lần.
“Hiệu Hiệu đang làm gì thế?”
“Đang tắm ạ.”
Lại một lần khác.
“Hiệu Hiệu đang làm gì thế?”
“Đang trên giường ạ.”
Rồi lại một lần khác.
“Hiệu Hiệu đang làm gì thế?”
“Đang mặc quần áo ạ.”
Sau đó lại một lần khác.
“Hiệu Hiệu đang làm gì thế?”
“Đang ngủ ạ.”
Thực tế là, trong những lần ấy, tôi đang: tắm rửa, ngồi trên giường sấy tóc, trước khi ra khỏi nhà thì mặc thêm áo khoác, và đang ngủ trưa. Rõ ràng là rất trong sáng, thế mà qua vài câu nói của anh đã trở nên kích thích mờ ám thế.
Lần nào mẹ Cố cũng phải dặn dò thêm một câu: “Ừm, các con nhớ chú ý sức khoẻ đấy nhé.”
- --------------------
Mẹ Cố rất thích đi du lịch, nhưng công việc của bố Cố lại rất bận bịu.
Mẹ tôi cũng thích đi du lịch, nhưng công việc của thầy Lâm cũng bận rộn.
Thế là, hai vị kia đã về cùng một phe nhờ có sở thích chung. Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi hai người họ rốt cục đã thân thiết nhau bằng cách nào. Kì nghỉ năm 2012, hai bà mẹ đột nhiên ra quyết định đi Thần Nông Giá chơi một chuyến. Vì thế hai con người tính cách hoàn toàn khác biệt ấy lại vô cùng hào hứng xuất phát.
Hai bà mẹ cùng nhau đi du lịch đến ngày thứ hai, thầy Lâm đã gọi điện cho tôi: “Nha đầu, bao giờ con về?”
Khi đó ở trường có chút việc, tôi không về được, bèn nói với ông: “Đợi con lo xong việc ở trường sẽ về nhà với bố nhé.”
Thầy Lâm ai oán: “Haizzz, con gái mất bao công sức, khổ sở nuôi lớn bị người ta cướp đi, bây giờ ngay cả bà xã cũng bị mang đi luôn rồi.”
Hai bà mẹ đi du lịch xa nhà, phong cách gọi điện về cho hai ông bố cũng hoàn toàn khác nhau.
Bố Cố: “Hôm nay có mệt không?”
Mẹ Cố: “Không mệt, không mệt.” Sau đó bắt đầu kể cho bố Cố nghe cả ngày hôm ấy họ đi tới những đâu, những đâu.
Mẹ tôi: “Hôm nay ở nhà có ngoan ngoãn hay không?”
Thầy Lâm vẻ bất cần: “Dù sao bà cũng đâu có cần tôi, tôi có một mình, có thể làm được gì?” Giọng điệu tủi thân, ấm ức không sao chịu nổi, sau đó lại than thở với tôi: “Haizzz, con gái mất bao công sức, khổ sở nuôi lớn bị người ta cướp đi, bây giờ ngay cả bà xã cũng bị mang đi luôn rồi.”
Sau khi từ Trần Nông Giá trở về, mẹ Cố liền nói với Cố Nguỵ: “Nghe nói như mẹ vợ chính là hình ảnh tương lai của bà xã ba mươi năm sau. Mẹ đã tiếp xúc với bà Lâm rồi, tốt lắm.”
Mẹ tôi nói với tôi: “Mẹ đã nghiêm túc cảm nhận rồi, mẹ chồng tương lai của con dễ ở chung lắm.”
Tôi và Bác sĩ: “…”
Bởi vì nghề nghiệp của Bác sĩ và bố mẹ đều giống nhau nên họ thường xuyên nói tới các vấn đề chuyên môn. Khác nghề như cách núi non, tôi ngồi nghe mà như lọt vào trong mây mù. Những lúc như thế, ông nội lại hiền từ nói: “Nào, hai chúng ta nói chuyện, mặc kệ mấy người họ.”
Cố Nguỵ rất bất ngờ khi thấy tôi với ông nội lại hợp nhau đến vậy. Anh thường nói là ông bà nội đối với tôi còn tốt hơn cả với anh.
Có một lần tôi cùng Cố Nguỵ tới thăm ông nội, buổi tối ngủ lại đó luôn. Hai chúng tôi ở hai căn phòng sát vách, không cần đóng cửa. Mùa đông, tôi quên không bật điện ở chăn sưởi. Sau khi tắm xong, vừa chui vào chăn đã “a” lên một tiếng.
Cố Nguỵ chạy sang hỏi: “Sao thế?” Anh sờ tay vào trong chăn tôi: “Em sang ngủ với anh đi. Chứ thế này phải ủ bao lâu mới được?”
Tôi liều mạng lắc đầu, còn chưa kết hôn mà.
Cố Nguỵ xoa trán, vén chăn, rồi chui vào.
Tôi cuống lên: “Anh làm gì thế, về phòng anh đi!”
Cố Nguỵ vô cùng bình thản: “Giúp em ủ chăn đã.”
Tôi: “Thế anh thì sao?”
Anh nhìn tôi như kẻ ngốc: “Anh đã bật chăn sưởi rồi.”
Sau đó, tôi cứ thế ngủ luôn.
Hôm sau lúc tỉnh dậy, anh đã dậy trước tôi rồi. Tôi nhìn sang chiếc gối bên cạnh, sau đó lại bò sang nhìn chiếc giường chăn gối đã gấp gọn ở phòng sát vách, không biết rốt cục anh đã ngủ ở đâu.
Lúc tôi đang ngơ ngẩn đứng trước cửa hai căn phòng, ông nội từ ban công bước vào. Khi đi ngang qua tôi, ông còn cố vờ như vô ý nói với tôi: “Không sao đâu, không sao đâu.”
Chờ tới khi ông nội bước ra xa hẳn rồi, tôi mới chậm chạp phát hiện, câu nói này nhiều ẩn ý quá….
- -----------
Lúc bà nội của Cố Nguỵ còn sống, thường sẽ kể chuyện về Cố Nguỵ cho tôi: “Mặc dù Tiểu Bắc không phải người hoàn mĩ không có khuyết điểm, nhưng là một đứa trẻ tốt. Sau này con phải vất vả rồi.”
Tôi hơi ngượng ngùng: “Thực ra đa phần là anh ấy chăm sóc con nhiều hơn ạ.”
Bà nội cười nói: “Làm gì có chuyện ai chăm sóc ai nhiều hơn ai ít hơn. Hai vợ chồng chăm sóc lẫn nhau. Con càng chăm sóc nó, nó sẽ càng chăm sóc con. Con đường sau này của hai đứa còn dài, sẽ gặp phải rất nhiều chuyện. Tiểu Bắc là người nặng lòng, nếu gặp chuyện gì khó khăn, con hãy tiếp thêm sức mạnh cho nó.”
Suốt cả tuần đợi bà nội mất, Cố Nguỵ đều không ngủ ngon giấc, đa phần chỉ nhắm mắt nghỉ ngơi, hễ có động tĩnh gì là lại lập tức mở mắt ra. Từ nhỏ đên lớn, công việc của bố mẹ đã luôn bận rộn, cả tuổi thơ anh gần như đều ở bên ông bà nội. Tình cảm anh dành cho ông bà vô cùng sâu nặng. Vì thế anh luôn cảm thấy day dứt khi không thể ở bên bà nội nhiều hơn, tận hiếu với bà trước khi ra đi.
Có một lần nửa đêm tỉnh giấc, tôi phát hiện trán anh đổ đầy mồ hôi. Tôi hỏi anh, anh chỉ nói đã mơ thấy bà nội.
Tôi ôm lấy anh, nhẹ nhàng vỗ lên lưng anh: “Bà nội đi rồi, bà ra đi rất thanh thản.”
Cố Nguỵ gần như không có đối thủ nào, các phương diện của anh đều xuất sắc, từ nhỏ đến lớm chưa hề khiến cho người lớn phiền lòng. Anh giống như cây bạch dương, cứ ngày một lớn lên, gặp chuyện gì sẽ đều tự mình giải quyết, không cần ai phải tỉa cành tỉa lá, không cần ai phải chăm bẵm, vẫn có thể lớn lên thành một thân cây cao thẳng, to lớn. Mọi người trong nhà từ lâu đã coi anh như một người đàn ông độc lập, chẳng có ai coi anh là một đứa trẻ, ngoại trừ bà nội. Chỉ có bà nội là cười tít mắt, níu tay anh hỏi: “Đi làm có mệt không?”, chỉ có bà nội nắm lấy tay anh: “Con đến đây xem, cây hồng đậu sam của bà trồng thế nào”, chỉ có bà nội trêu chọc anh: “Bác sĩ Cố à, bà đã nhìn ra con thích người ta nhiều tới nhường nào rồi”.
Những nét dịu dàng, ôn hoà trong con người của Bác sĩ đều có bóng dáng của bà nội. Nhất là dáng vẻ hai người khi cười, trong đôi mắt đều có một luồng sáng giống hệt nhau. Mất đi một trưởng bối như vậy, là một nỗi đau khó có thể hình dung với Cố Nguỵ. Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức lấp đầy những lỗ hổng bị khuyết đi trong cuộc sống của anh, trao cho anh nguồn sức mạnh kiên trì mà dịu dàng.