Dear Doctor (Quãng Đời Còn Lại Xin Chỉ Giáo Nhiều Hơn)

Chương 88: Bộ phim gia đình



Cố Ngụy đeo tai nghe, vừa nghe nhạc vừa lên mạng. Tôi lục lọi giá sách, tìm tới cuốn sổ ghi chép rất lâu trước đây. Lúc tôi đang tìm đến rối bời cả đầu tóc liền nhận được điện thoại của mẹ: "Ngày nào tan làm về nhà cũng phải nấu cơm cho bố con, mẹ sắp mệt chết rồi."

Tôi: "Mẹ có thể nấu mấy món đơn giản thôi."

Mẹ tôi: "Đơn giản? Bây giờ ông ấy có thể ăn uống đơn giản được sao?"

Tôi: "Mẹ, không phải cứ đủ bốn món mặn một món canh là mới đủ dinh dưỡng đâu. Hơn nữa mẹ hãy bảo thầy Lâm giúp một tay. Bây giờ cũng đến lúc thầy Lâm phải học cách làm việc nhà rồi."

Mẹ tôi: "Có phải con không biết bố con là người không làm được việc gì nên hồn đâu. Ông ấy có bao giờ biết thương xót đến mẹ đâu."

Trước đây tôi vẫn luôn cảm thấy mấy bộ phim tâm lí gia đình đã quá mức phóng đại những mâu thuẫn của cuộc sống. Mãi cho tới khi tuổi tác của mẹ mình ngày một tăng, tôi mới biết, phim căn bản không hề phóng đại chút nào. Hai người bình thường dù hòa hợp đến mấy vẫn có lúc cãi nhau, mà chỉ cần không vừa lòng nhau là ngay lập tức như pháo được châm ngòi nổ vậy.

Nghe mẹ tôi than thở xong, tôi nói: "Mẹ đưa điện thoại cho bố đi."

Mẹ tôi: "Mẹ không muốn nói chuyện với lão ấy."

Tôi: "Thế nên để con nói, mẹ chuyển máy đi."

Tôi để điện thoại trên nền nhà, bật loa ngoài, vừa nghe thầy Lâm lí sự, vừa tiếp tục tìm đồ, nói: "Vợ chứ có phải mẹ mình đâu. Bố phải hiểu và thông cảm một chút chứ. Lúc mẹ làm cơm tối, bố không thể phụ một tay sao?"

Thầy Lâm không mấy để tâm "ờ" một tiếng.

"Bố đừng có ờ bừa. Cứ về đến nhà lại duỗi chân, duỗi tay nghỉ ngơi, hưởng thụ. Đi làm cả ngày ai mà không mệt. Đừng có lợi dụng tình cảm son sắt mẹ dành cho bố mà bắt nạt mẹ."

"Bố bắt nạt bao giờ?"

"Thế sao bố không làm việc nhà?"

"Không phải bố bị bệnh sao…"

"Phẫu thuật xong được bốn năm rưỡi rồi. Hơn nữa, hồi chưa có bệnh bố có bao giờ làm chưa?"

"Lúc đó chẳng phải có con sao?"

Tôi cứ vậy bị nghẹn một cục tức ở cổ họng.

Thầy Lâm: "Từ khi con còn nhỏ con đã nói sẽ luôn bên bố, là con nói sẽ chăm sóc thật tốt cho hai chúng ta."

Tôi lấy cuốn sách đè điện thoại, không muốn nói gì nữa. Đầu bên kia điện thoại, tiếng tranh luận và cãi vã của bố mẹ vẫn truyền tới. Tôi vò đầu bứt tóc, vội cầm điện thoại lên: "Hai người cứ cãi nhau trước đi. Muốn xả bao nhiêu tức giận cứ xả cho hết. Nửa tiếng nữa con gọi lại." Sau đó tôi cúp máy, ném sang một bên, dựa vào tường nhắm mắt nghỉ ngơi. Một lát sau, tôi mở mắt ra, thấy Cố Ngụy đang nhíu mày nhìn mình.

Tôi bĩu môi: "Mong là ba mươi năm sau chúng ta sẽ không như thế."

Cố Ngụy vẫn nhíu chặt mày. Hai hôm trước mẹ Cố còn cãi nhau với bố Cố vì chuyện xã giao trong công việc, mấy hôm nay còn đang chiến tranh lạnh.

Tôi rũ mắt xuống: "Lúc Di Tử Hà đưa cho Vệ Linh Công ăn nửa quả đào đó, hoàn toàn không ngờ bản thân sẽ mất mạng vì chuyện ấy. Mật ngọt khi đó đã trở thành thuốc độc. Cùng một hành vi như thế, khi tình cảm còn tốt đẹp, thuận mắt, nhìn thế nào cũng thấy đáng yêu, thật hợp lí. Nhưng tới lúc nhìn không thuận mắt nữa, tất cả đều là sai lầm."

Cố Ngụy yên lặng hồi lâu: "Thế thì cứ cãi nhau đi. Còn tốt hơn là nín nhịn. Không ai là thánh nhân cả, làm sao suốt đời không cãi cọ được? Đầu giường cãi nhau, cuối giường làm hòa."

Thế nên trước nay chúng tôi chưa bao giờ nín nhịn tật xấu của đối phương, cũng cố gắng hết sức để mình không tô đẹp cho những khuyết điểm của đối phương.

Chúng ta cần phải yêu thương nhau như thế, yêu những điểm tốt đẹp của đối phương, và cả những tật xấu nữa.

- --------------------------------

Ông bà ngoại của Cố Ngụy tuổi tác đã cao, rất nhiều thứ bất tiện, không muốn ở chung với con cái, vì thế đã thuê một người giúp việc, nghe nói dì là một người chưa tới năm mươi, tính tình hoạt bát. Ngày nào dì cũng quét dọn vệ sinh và làm cơm ba bữa. Thứ bảy, Cố Ngụy được nghỉ, hai chúng tôi cùng nhau đến thăm ông bà ngoại.

Vừa mở cửa ra đã trông thấy khuôn mặt tươi cười phúc hậu: "Cô dâu chú rể tới rồi."

Sau khi chúng tôi vào nhà, dì lại bận rộn việc nhà, quần áo và dép lê cho chung vào mắt giặt, giẻ lau vừa lau bếp xong lại đem đi lau đồ đạc trong nhà… Tôi nhìn mà vô cùng hốt hoảng. Cố Ngụy cũng cụp mắt xuống, không để lộ biểu cảm gì, chỉ khẽ lắc đầu.

Lúc ăn cơm trưa, dì hỏi: "Hai vợ chồng trẻ bình thường toàn tự làm việc nhà sao?"

Cố Ngụy: "Vâng."

Dì giúp việc: "Ngày nào cũng đi chợ à?"

Tôi: "Đa phần là mua trong siêu thị, thi thoảng mới ra chợ thôi ạ."

Dì giúp việc: "Ôi hai người trẻ này, mua ở chợ vừa tươi vừa trẻ hơn, trong siêu thị toàn đồ không ngon, còn đắt nữa."

Cố Ngụy: "Bình thường bận đi làm ạ."

Dì giúp việc: "Thanh niên toàn thích ngủ nướng. Mỗi ngày dậy sớm một tiếng đồng hồ là được thôi mà."

Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống thức dậy vào năm giờ hơn mỗi ngày, vì thế triệt để im lặng.

Dì  giúp việc: "Tiểu Lâm, ăn nhiều canh gà vào, tẩm bổ."

Tôi: "Vâng ạ. Cảm ơn dì."

Dì giúp việc: "Lúc nãy vừa vào nhà dì đã ngửi thấy mùi thuốc Đông y trên người mày rồi."

Ông bà ngoại nhìn tôi vẻ quan tâm.

Cố Ngụy: "À, cô ấy hơi đau lưng, dán cao thôi ạ."

Ánh mắt của dì giúp việc đảo qua đảo lại đánh giá tôi và Cố Ngụy: "Người trẻ tuổi, vừa mới kết hôn xong, phải chú ý giữ gìn nhé."

Cố Ngụy đang uống canh liền bị sặc khù khụ.

Đột nhiên tôi cảm thấy bầu không khí quá gượng gạo rồi. Tôi bèn cố gắng hết sức chuyển chủ đề. Ăn cơm xong, tôi liền chuồn ra ban công phơi quần áo, đang phơi dở thì dì giúp việc chạy ra phụ cùng.

"Khăn tắm cháu không cần trải hết ra đâu, lãng phí dây phơi."

"…"

"Một cái kẹp có thể kẹp hai cái áo mà."

"……"

"Vỏ gối cháu phơi ngang ra, đừng phơi dọc."

"………"

Cố Ngụy bước tới: "Em để dì làm đi. Em vào bếp rửa hoa quả cho ông bà ngoại được rồi."

Đang rửa hoa quả, dì giúp việc lại bước vào, cầm hoa quả lên gọt vỏ.

"Dì ơi, táo rửa sạch rồi không cần gọt vỏ đâu ạ, vỏ táo có nhiều chất dinh dưỡng lắm ạ."

"Cháu không biết đâu, người cao tuổi không ăn được vỏ táo, ăn không tiêu."

"Cắt miếng nhỏ là được thôi ạ."

"Không được, không thể ăn được." Vung dao lên tiếp tục gọt.

Cố Ngụy bước tới, lôi tôi ra ngoài.

Trên đường về nhà tôi cảm thấy thật may mắn khi thói quen sinh hoạt của Cố Ngụy và tôi có thể dung hòa được với nhau.

Buổi tối, mẹ Cố gọi điện tới hỏi: "Dì giúp việc đó thể nào?"

Cố Ngụy: "Nói nhiều."

Tôi cảm thấy vô cùng ba chấm…

- --------------------------

Tết Đoan Ngọ được nghỉ, Cố Ngụy cùng tôi quay trở lại thành phố Y.

Vừa mở cửa ra, thầy Lâm đã dang rộng đôi tay, cười tươi rạng rỡ.

Tôi đi lướt qua ông ấy, ôm lấy mẹ: "Mẹ!"

Mẹ: "Lớn đầu rồi còn học đòi làm nũng."

Tôi: "Vẫn là vòng tay mẹ êm ái thoải mái nhất." Cố Ngụy… hơi gầy.

Thầy Lâm buông thõng hai tay, tỏ vẻ vô cùng thất vọng: "Ừm. Tốt. Mẹ con là tốt nhất."

Tôi rất nghiêm túc, đường đường chính chính lên tiếng: "Thầy Lâm, Cố Ngụy mà thấy con ôm ấp người đàn ông khác là sẽ ghen đấy."

Cố Ngụy đang thay dép khẽ ho "khụ" một tiếng, quét mắt nhìn tôi, sau đó lại làm như chẳng có chuyện gì, đảo mắt nhìn ra chỗ khác. Lâu lắm lắm rồi không thấy được vẻ ngại ngùng của anh.

Tôi và mẹ bận rộn trong bếp, Cố Ngụy ngồi tán chuyện với thầy Lâm.

Thầy Lâm: "Mấy công ty sản xuất bánh Trung thu bây giờ vị gì cũng dám làm. Chỉ có chuyện con không nghĩ ra chứ không có thứ gì họ không biến ra được."

Cố Ngụy: "Hôm trước con đi siêu thị còn thấy bánh Trung thu vị tiramisu và vị bánh bông lan nữa."

Thầy Lâm: "Bố còn nhìn thấy cả vị thịt bò xào cay, cá hương thái sợi. Đúng là không thiếu vị nào. Bánh mà còn làm được thành mâm cỗ." Vừa nói ông vừa bóc một hộp bánh ra: "Ồ… Vị này được phết. Đây là vị tiramisu đó sao?"

Cố Ngụy: "Đây là bánh Hiệu Hiệu làm, vị hạt dẻ ạ."

Thầy Lâm lập tức ngoái đầu, hét to về phía nhà bếp: "Nha đầu, con có thể làm bánh trung thu kiếm tiền được đấy!"

Tôi chán nản đáp: "Bánh Cố Ngụy làm đấy ạ."

Thầy Lâm lại quay sang nhìn Cố Ngụy: "Tiểu tử, con có thể làm bánh trung thu kiếm tiền được đó." Sau đó suy nghĩ kĩ càng: "Hừmmm, thôi con cứ làm phẫu thuật đi."

Tôi và mẹ cười lăn cười bò.

- -----------------------------------------

Ăn cơm trưa xong, thầy Lâm lau miệng đang chuẩn bị co giò đánh bài chuồn, tôi liền đưa mắt sang nhìn ông: "Bát."

"Hử?"

"Bố tự mình dọn sạch sẽ đi."

"…" Thu dọn mớ bánh đĩa xong, ông ung dung đi về phía thư phòng.

Tôi: "Vừa ăn xong không nên ngồi máy tính ngay, bố ra sofa ngồi nghỉ tí đã."

Thầy Lâm rất không tình nguyện ngồi xuống sofa.

Tôi: "Không được chơi Ipad."

Thầy Lâm đang định vươn tay ra lấy Ipad, bèn thụt tay lại, hỏi: "Cố Ngụy, bình thường nó cũng quản con vậy sao?"

Cố Ngụy ngoan ngoãn mỉm cười nhìn vô cùng gian manh.

Tôi cũng cười rất đoan trang, rất khuynh thành: "À quên mất, Bác sĩ, em muốn được tư vấn một chút. Thầy Lâm ngày nào cũng không chịu vận động, không chịu làm việc nhà, có lợi cho việc hồi phục sức khỏe của ông ấy không? Bây giờ lượng vận động mỗi ngày của ông ấy thế nào mới là hợp lí?"

Cố Ngụy: "Cũng nên làm chút việc nhà." Nói xong anh liền ngậm miệng, cúi đầu húp canh.

Thầy Lâm: "Ba đấu một, những ngày tháng sau này làm sao mà sống đây…"

- ------------------------------------

Sau khi ăn xong cơm tối, đi tản bộ về, bụng tôi lại đánh trống rồi. Tôi lặng lẽ bóc một quả quýt, ăn nửa quả, nửa quả còn lại dúi cho thầy Lâm. Ông rất thản nhiên và tốc độ bỏ vào miệng.

Vẫn đói. Tôi lại lặng lẽ bóc một miếng bánh kem, bẻ một nửa đưa cho thầy Lâm. Ông rất thản nhiên và tốc độ bỏ vào miệng.

Vẫn đói. Tôi lại lặng lẽ bóc một quả bưởi đào, bóc hai múi nhét vào tay thầy Lâm. Ông tiếp tục thản nhiên, đồng thời bắn tốc độ nhét vào miệng.

Tôi thì thào: "Có chua không bố?"

Thầy Lâm cũng thì thào: "Không chua."

Bị người đang ngồi ngoài ban công là mẹ tôi nghe thấy, bà cao giọng quát: "Lâm Chi Hiệu! Con lại cho ông ấy ăn gì nữa? Không được cho ăn bậy bạ đâu!"

Cố Ngụy bật cười thành tiếng.

Tôi: "Mẹ! Thầy Lâm có phải cún con đâu."

Mẹ tôi: "Bây giờ con dúi cái gì cho ông ấy, ông ấy cũng ăn. Cho bao nhiêu hết bấy nhiêu!"

Ngày nghỉ lễ thứ hai, ăn sáng xong, chúng tôi chuẩn bị quay trở lại thành phố X.

Tôi ôm mẹ: "Mẹ, tạm biệt."

Mẹ tôi: "Được rồi. Đi đường phải chú ý an toàn đấy."

Tôi quay sang nhìn thầy Lâm đứng bên cạnh, khuôn mặt tủi thân, đành bước tới: "Nào, nào, nào, ôm cái nào, thầy Lâm của chúng ta tội nghiệp quá."

Thầy Lâm: "Ừm, ừm, ừm."

Trên đường về, Cố Ngụy nói: "Nếu sau này mà sinh con gái, khi nhìn nó gả cho người khác, chắc anh sẽ xót ruột chết mất."

Tôi: "Hả?"

Dường như Cố Ngụy vẫn đang chìm đắm trong mạch cảm xúc của riêng mình: "Anh nâng niu con bé trong lòng bàn tay, từ khi còn nhỏ xíu tới lúc lớn lên, sau đó nó lại bị thằng khác cuỗm mất." (Đó là logic của người đàn ông đã kết hôn.)

Tôi rất hào hứng: "Thế anh có định xắn tay xử đẹp thằng đó không?"

Cố Ngụy nghẹn lời: "…"

Thế cho nên, thực ra thầy Lâm ngoài những lúc bướng bỉnh ngang phè phè ra, thì tính cách vẫn là ôn hòa, tốt bụng chán.

Gần trưa, hai chúng tôi trở về nhà bố mẹ Cố. Ông nội và bà ngoại cũng đang ở đó. Buổi trưa cả nhà tụ họp vui vẻ, còn mở một chai rượu vang.

Cố Ngụy: "Mẹ, đừng cho Hiệu Hiệu uống rượu."

Mẹ Cố: "Cái gì?"

Cố Ngụy: "Cô ấy mà say thì con khổ lắm."

Tôi… những lúc say vẫn rất ngoan ngoãn mà.

Rửa bát xong, tôi đẩy cửa phòng ngủ Cố Ngụy. Anh đang nằm trên giường, khuôn mặt hơi phiếm hồng.

Tôi bước tới ngồi xuống bên cạnh giường, xoa xoa mặt anh.

Anh vòng tay ra ôm lấy eo tôi, nhướng mi: "Mỹ nam khuynh quốc đúng không?"

Tôi quẫn bách: "Cố Ngụy, rốt cục tửu lượng của anh là bao nhiêu?"

Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt anh nhuộm hồng, ánh mắt trong như nước, tôi liền cho rằng anh đã say rồi. Nhưng đầu óc anh vẫn tỉnh táo, rất tỉnh đòn. Nói ra thì, suốt bốn năm qua, tôi vẫn chưa biết giới hạn của anh là bao nhiêu.

Cố Ngụy cười như một con hồ ly: "Em muốn biết rõ tửu lượng của anh để làm gì?"

Tôi: "Để em chuốc cho anh say." Mẹ đã dạy rồi, khi say mới biết rõ lòng người.

Cố Ngụy vẫn cười như một con hồ ly: "Em chuốc say anh để làm gì?"

Tôi nói một cách cứng nhắc: "Chẳng làm gì hết."

Cố Ngụy vẫn cười rất… ôi tôi chẳng tìm được từ nào để miêu tả nữa cả.

"Em muốn làm gì cứ nói với anh là được rồi, không cần nhọc lòng chuốc cho anh say."

Tôi cảm thấy giao tiếp cùng anh quả thực là chuyện quá khó khăn: "Anh đã say chưa thế?"

Cố Ngụy: "Em đoán xem."

Tôi: "Chưa say." Ý thức, tư duy, logic đều vẫn còn rất tốt.

Cố Ngụy: "Em đoán lại đi."

Tôi bùng nổ: "Cố Ngụy, anh đang đùa cợt với em!"

Cố Ngụy: "Ừ. Em muốn làm gì?"

Thôi dẹp đi, so với anh thì tôi không phải đối.

Phòng ngủ của Cố Ngụy có ba giá sách lớn sát sàn, thế nên chỉ có thể để chiếc giường một mét hai.

Một mình anh nằm ngủ chỉ cần thế là đủ rồi. Một mình tôi nằm cũng đủ rồi. Nhưng mà hai người nằm thì… ờ thật ra vẫn đủ, chỉ là hơi nóng thôi…

Cố Ngụy: "Em động đậy cái gì?"

Tôi: "Nóng."

Cố Ngụy: "Em nóng cái gì?"

Tôi: "!!!!"