Diễn Viên Lấn Sân

Chương 112



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chương 112:


"Náu mình" - tác phẩm đầu tay do Cù Yến Đình làm đạo diễn, hoàn thành trường đoạn cuối cùng.


Biên tập: Chuối



Đoàn phim đông người, chiếc bánh gato sáu tầng được phân chia hết sạch, Lục Văn ăn uống kiêng khem bấy lâu mà tối nay cũng bung lụa một lần, chiếm trọn cả tầng trên cùng.


Trên thảm cỏ rợp ánh sáng, Lục Văn và Cù Yến Đình ngồi xếp bằng đối diện nhau, mỗi người một miếng xúc bánh ăn. Lục Văn cẩn thận ăn quanh quanh phần rìa, kết quả Cù Yến Đích xúc thẳng một miếng chính giữa.


"Ơ!" Lục Văn vội kêu lên: "Anh ăn mất chữ rồi!"


Cù Yến Đình chép miệng: "Có mứt hoa quả ăn ngon hơn."


Tất nhiên Lục Văn biết nhưng hắn không nỡ phá hỏng chữ bên trên, cứ xoắn xuýt như đứa trẻ con ngây thơ, ấy thế mà Cù Yến Đình lại xúc một tiếng to và đút thẳng vào miệng hắn.


Điện thoại vang lên, sau hừng đông, bạn bè trong giới và ngoài giới đều gửi lời chúc, Lục Văn đăng bài định trả lời và cảm ơn tất cả một thể.


Cù Yến Đình đã bị Lục Văn ảnh hưởng từ lúc nào chẳng hay, anh hỏi: "Mấy đứa bạn nối khố của em có gửi lì xì không?"


"Chắc chắn là có, không gửi cạch mặt." Lục Văn mở nhóm chat, nhận tiền xong ấn vào một đoạn tin nhắn thoại, giọng nói đồng thanh của ba người vang lên: "Chúc mày sinh nhật vui vẻ..."


Lục Văn toét miệng trả lời: Hôm nay tao đã được đón một sinh nhật siêu siêu hạnh phúc.


[Liên Dịch Minh]: Ba mươi tuổi rồi em Văn.


[Cố Chuyết Ngôn]: Dù là tuổi ổn định vững vàng thì vẫn mong mày luôn vui vẻ như tuổi 20.


[Tô Vọng]: Khỏi phải xúi giục, ngày nào nó chả cười phớ lớ.


Lục Văn trò chuyện trong nhóm chat một lúc thì chuyển sang bài đăng, nhìn lướt qua lượt like và bình luận đông đúc, nhận ra hai phút trước Lục Chiến Kình bấm like cho hắn.


"Bố em chưa ngủ à?" Hắn bảo: "Thả mỗi like, chả thèm chúc em gì cả."


Cù Yến Đình nói: "Em không biết tính chú chắc? Đừng chảnh chó nữa, em chủ động lên, với cả anh muốn nhìn Tư lệnh Hoàng."


Lục Văn gọi video cho Lục Chiến Kình, nối máy, hắn ngồi sát lại Cù Yến Đình để cả hai lọt vào ống kính, ánh sáng nhập nhèm, nom điều kiện đơn sơ gian khổ lắm.


Ngoài miệng Lục Chiến Kình không nói gì nhưng lông mày thì nhăn tít lại, may mà Lục Văn lải nhải luôn mồm đầy phấn khởi, ông mới yên tâm hơn xíu.


Nói đến chuyện bao giờ quay xong, Lục Văn và Cù Yến Đình không tài nào xác định được, nhưng chắc Tết âm cũng phải ở lại đoàn phim, điều ấy khiến cặp lông mày vừa giãn ra của Lục Chiến Kình lại nhăn tít vào.


Sau khi ăn mừng, cả đoàn tiếp tục bắt tay vào quay chụp, bận rộn suốt cả đêm.


Sáng sớm tinh mơ trời se lạnh, kết thúc công việc, hai tay Cù Yến Đình đã lạnh cóng, anh chậm chạp dọn dẹp bộ đàm và kịch bản.


Lục Văn tẩy trang xong bước đến, cởi áo khoác vương hơi ấm của mình choàng lên người Cù Yến Đình, rồi xách túi, khoác vai anh đi ra ngoài phim trường.


Cù Yến Đình sờ túi áo thấy một chiếc chìa khóa xe bèn hỏi: "Lại mượn xe đạp của đoàn phim Tình Yêu Thời Chiến à?"


"Xin anh, người ta đóng máy cả nửa tháng nay rồi." Lục Văn móc chìa khóa xe ra: "Anh vừa mới tỏ ra kinh ngạc kìa."


Quả thật, ngày nào tan làm cũng mệt lử, Cù Yến Đình chẳng muốn cất bước đi đâu nữa là, mấy hôm trước còn hâm mộ một đứa trẻ con chạy xe trượt đi ngang qua.


Anh tò mò hỏi: "Em kiếm xe ở đâu vậy?"


Lục Văn chém gió thành bão: "Em mà lại, thiếu gì cách, chống lưng khá vững, chuyện nhỏ thôi."


Đến quán tạp hóa gần phim trường, Cù Yến Đình trông thấy một chiếc xe đỗ ở đó, ấy thế mà là xe điện chở khách du lịch gồm 4 chỗ ngồi có mái che, trên thân xe viết dòng chữ "Du lịch trấn cổ đầy thú vị và hấp dẫn".


Lục Văn đặt túi xách lên ghế sau, phóng khoáng nói: "Lên xe."


Xe không có cửa, Cù Yến Đình khom lưng ngồi vào, cảm giác thò chân ra là đạp xuống đất được ngay, Lục Văn tìm chỗ nổ máy, chẳng biết ấn nhầm vào đâu mà tiếng hát oang oang đột nhiên rống lên: "Xuân ngất ngây, xuân ngất ngây, xuân có hương hoa..."


"Đệt." Lục Văn lần mò tắt nhạc đi: "Tháng mấy rồi mà xuân với chả xiếc."


Cù Yến Đình ban nãy mới lạnh cóng mà bây giờ đã vã mồ hôi, anh hỏi: "Em lôi đâu ra cái xe này vậy?"


Lục Văn trả lời: "Thì... thuê ở chỗ Quản lý khu du lịch, lẽ ra người ta không cho cá nhân thuê đâu nhưng con gái ông chủ là fan của em nên mới cho em thuê. Anh thấy sao?"


Cù Yến Đình nói thật: "Trông như 2 ông già đi chợ mua thức ăn."


"Thế à?" Lục Văn nói quanh nói co: "Đúng là em chuẩn bị lên đường mua ít thức ăn thật..."


Cù Yến Đình cười bảo: "Đi thôi, có khi cuộc sống về già của chúng ta sẽ như thế đấy, trải nghiệm trước cũng được lắm."


Lục Văn phản bác: "Dầu gì em cũng là người có giấy phép phi công, không đến mức về già phải lái xe điện đấy chứ? Em mặc kệ, tám mươi tuổi em vẫn muốn lái xe mui trần đi hóng gió."


Cù Yến Đình lo lắng bảo: "Đừng hành hạ bộ xương thế chứ."


Ban đầu chưa quen lắm, nhưng chẳng được mấy ngày, Lục Văn và Cù Yến Đình đã mê mẩn đến mức khao khát được lái xe trong phim trường luôn. Ngày nào xong việc cũng đi dạo trong trấn cổ, có một lần hết điện, hai người thay phiên nhau đẩy xe về khách sạn, gặp đoàn phim khác đi ngang qua thì lập tức giả vờ đang ngắm cảnh.


Thời tiết càng ngày càng lạnh, nhưng rất phù hợp với nội dung phim.


Mạnh Xuân Đài dần phát hiện, số lượng người tìm anh nghiên cứu đồ cổ đang lặng lẽ thay đổi, một vài quan chức chính trị và người làm ăn buôn bán đã giảm bớt, còn người Nhật thì tăng thêm.


Chiến tranh tràn lan khắp nơi, một vài người ôm tiền của chạy khỏi Quảng Châu, một vài người do dự chờ xem tình hình, một vài người lạc quan mù quáng, xã hội thương lưu xưa nay mỗi kẻ một lòng, cuộc sống rượu chè chơi bời ngày thường đã trở nên quý giá.


Mạnh Xuân Đài không ưa người Nhật, thậm chí là khinh miệt, thấy lời mời mọc của người Nhật là lôi giấy thông hành màu đỏ ra từ chối ngay, nhưng đến một ngày, giấy thông hành màu đỏ tượng trưng cho quyền lực của Cục điều tra và thống kê cũng mất hiệu quả.


Mạnh Xuân Đài không khỏi hoang mang lo sợ, thứ từng khiến bao người phải cúi đầu, nay đã không tài nào xê dịch được sức mạnh của người Nhật nữa.


Trần Bích Chi thường hỏi anh, bao giờ người Nhật đi, liệu Quảng Châu có trở thành chiến trường hay chăng, anh không biết nữa, chỉ biết bực dọc đáp lời qua quýt lấy lệ, thực ra trong lòng không đủ tự tin.


Điều khiến Mạnh Xuân Đài bất ngờ đó là không lâu sau, Đường Đức Âm với tư cách Hội trưởng Thương hội bắt đầu bán mạng cho người Nhật. Người có danh vọng và quyền lực mà còn phải nhịn nhục phản quốc, chứng tỏ tình hình bét nhè lắm rồi.


Bến cảng trong thành phố càng ngày càng thắt chặt việc kiểm tra, dân chúng không dám ho he, chỉ biết cầu nguyện cho ngày tiếng súng vang lên đến chậm hơn.


Đối với Mạnh Xuân Đài, lời mời mọc của người Nhật đã biến thành đe dọa, anh không còn đường phản kháng nữa, đồ cổ và vật báu từ vốn liếng phòng thân trở thành miếng thịt khiến bao kẻ thèm khát.


Rồi cũng đến một ngày, người Nhật hỏi về "Lục Bảo".


Cuộc đời hóa thành một vòng tròn khép kín không lối thoát, nguy hiểm lại tiếp tục cận kề và kinh khủng đáng sợ hơn cả hai lần trước.


Khác nhau ở chỗ, Mạnh Xuân Đài không còn chán chường và nhút nhát như xưa nữa, hàng ngày anh vẫn ăn mặc chỉn chu tươm tất, ra vào nhà hàng cao cấp, đàm phán với nhiều phe phái bằng thái độ thong dong bình tĩnh.


Thỉnh thoảng rảnh rỗi, anh bảo tài xế đỗ xe gần nhà thờ, chiến sự leo thang, nhà thờ nhận nuôi vài đứa bé không nơi nương tựa, Đào Tố Nghi thường đến đây hỗ trợ và anh sẽ đứng từ đằng xa nhìn ngắm nàng mãi thôi.


Sự yên lặng sắp vỡ tan tới nơi rồi, Mạnh Xuân Đài nhìn mây dông cuồn cuộn nơi cuối chân trời, chờ đợi cơn bão táp chẳng chóng thì chày sẽ đổ ập xuống.


Câu chuyện đã đi đến phần cuối, diễn xuất, quay phim và dàn cảnh, độ khó của tất cả các mặt đang tăng lên. Cù Yến Đình giữ vững sự bình tĩnh, chậm thì chậm cũng phải cẩn thận và kĩ càng.


Họ đón Tết nguyên đán trong đoàn phim, hai tháng này là thời điểm trấn cổ vắng vẻ nhất, họ phải tập trung quay những cảnh đồ sộ với nhiều diễn viên quần chúng, một trong những cảnh cao trào quay mất hơn nửa tháng mới xong.


Cù Yến Đình là trụ cột và cũng là Định Hải Thần Châm [1] của đoàn phim, chỉ cần anh bình tĩnh thì mọi người sẽ tự khắc làm việc đâu vào đấy.


[1] Định Hải Thần Châm hay gậy Như Ý của lão Tôn.


Dưới áp lực cả về sinh lý và tâm lý, cơ thể Cù Yến Đình ngày một gầy đi, vòng eo tóp lại trông như bẻ cái là gãy.


Lục Văn không nói gì nhưng luôn nhẹ nhàng kéo Cù Yến Đình ngồi lên đùi mình, mở vạt áo khoác dày rộng bọc lấy anh, rồi vòng cánh tay ôm chặt quanh người anh. Họ cứ thế ngồi đọc kịch bản, đọc lời thoại, phân tích cảnh diễn, cuối cùng Cù Yến Đình sẽ ngủ thiếp đi trong lòng hắn.


Đến khi xuân về, khắp nơi trong trấn cổ toàn hoa là hoa, mọi người cũng thấy dồi dào sức sống.


Trong lúc này, nhóm chat 4 người ngày càng nhốn nháo, ba thằng kia cứ thỉnh thoảng lại phải gửi tin nhắn thoại quấy rầy -----


"Hai người định cư ở Quảng Đông luôn à?"


"Thành thạo tiếng Quảng Đông chưa?"


"Quay phim sử thi đồ sộ hoành tráng, thời lượng 4 tiếng đồng hồ hả?"


"Người ta đi Tây Tạng được mấy lần rồi kia kìa!"


Lục Chiến Kình cũng thấy lâu quá, nhưng mạch suy nghĩ của ông khác hẳn, nói xa nói gần có phải thiếu tiền không, nghi ngờ Lục Văn và Cù Yến Đình vừa gọi vốn vừa quay phim.


Lục Văn do dự giây lát, suýt cầm lòng chẳng đặng lừa tiền của bố ruột.


Mãi đến cuối tháng 4, diễn viên phụ lần lượt đóng máy, đoàn phim chào đón trường đoạn cuối cùng.


Chiến tranh lan tới Quảng Châu, tình hình trong thành phố rối ren loạn lạc, mỗi ngày đều diễn ra các cảnh hành hạ đến chết và bỏ mình, bến tàu bị quân Nhật khống chế, mua được vé tàu để chạy trốn khó như lên trời.


Những cô gái làng chơi bị bắt đi vài bận rồi, Trần Bích Chi trốn trong nhà, không biết còn sống tạm bợ được bao lâu, nàng giấu súng lục trong người, pha trò rằng: "Không giết hết được người Nhật thì vào lúc nguy cấp tự giết chính mình cũng gọi là giải thoát."


Mạnh Xuân Đài nhận ra nét bi thương trong lời nàng, giật lấy súng của Trần Bích Chi và nói: "Tôi sẽ không để cô chết."


Trần Bích Chi cười anh: "Đến bản thân anh còn khó giữ mạng kìa."


Nhưng Mạnh Xuân Đài không nói đùa, hiện nay lạm phát nghiêm trọng, tiền mặt như giấy vụn, còn đồ cổ của anh càng thêm đắt hàng trong thời loạn. Anh dồn hết tất cả đồ cổ làm của hồi môn cho Trần Bích Chi và gả nàng cho một vị cục trưởng làm vợ lẽ, đổi lấy cơ hội chạy đến Đài Loan.


Lúc biệt ly, Trần Bích Chi nói: "Tôi không ngờ anh sẽ cam lòng làm thế."


Mạnh Xuân Đài trả lời bằng câu nói trước kia của nàng: "Một đêm vợ chồng trăm đêm ơn nghĩa."


Đưa Trần Bích Chi đi rồi, Mạnh Xuân Đài một thân một mình, chỉ còn lại món Lục Bảo không biết là phúc hay họa, trước khi người Nhật đến bắt mình, anh tự đi tìm Đường Đức Âm.


Mạnh Xuân Đài hiểu, tuy Đường Đức Âm chịu làm tay sai cho quân địch nhưng chắc chắn sẽ không ậm ờ trước lợi ích. Anh muốn giả vờ đồng ý dâng Lục Bảo cho người Nhật, nhưng sự thật là giao cho Đường Đức Âm.


"Cháu có điều kiện gì?" Đường Đức Âm hỏi.


Mạnh Xuân Đài biết ba ngày nữa sẽ có một chiếc tàu xuyên đại dương chở người nước ngoài trong thành phố rời bến, anh nói: "Xin cậu chuyển lời cho Đại tá, nếu muốn có được Lục Bảo thì hãy lấy một suất lên tàu ra đổi."


Đường Đức Âm cười sự ngây thơ của anh: "Cháu còn tơ tưởng rời khỏi Quảng Châu ư?"


"Không, không phải cho cháu." Mạnh Xuân Đài nói: "Cháu muốn Tố Nghi bình an rời khỏi nơi đây, đến San Francisco tìm ông ngoại của em."


Đào Tố Nghi là lợi thế Đường Đức Âm có trong tay, cuối cùng cũng phát huy tác dụng, lão vuốt ve chiếc nhẫn ban chỉ, đồng ý điều kiện của Mạnh Xuân Đài.


Ba ngày sau, bến tàu đông đúc toàn người là người, Đào Tố Nghi một thân một mình bế con, lúc chuẩn bị lên tàu, nàng cầm lòng chẳng đặng ngoái đầu nhìn lại.


Mạnh Xuân Đài lặng lẽ đứng cách đó không xa, mặc bộ âu phục màu nâu đậm mà ngày mới tới Quảng Châu đã mặc, cũ lắm rồi, nhẹ nhàng dập dờn trong làn gió biển. Anh lại gần, khép chặt áo khoác của Đào Tố Nghi.


Đứa bé được bọc trong khăn, Mạnh Xuân Đài cúi xuống nhìn ngắm và nói: "Trông mũm mĩm hơn dạo trước."


Vành mắt Đào Tố Nghi đỏ ửng: "Sau này anh định làm gì?"


"Đừng lo." Mạnh Xuân Đài nhìn nàng: "Đến San Francisco rồi phải sống cho thật tốt, tìm một người tử tế để ở bên."


Đào Tố Nghi rơi lệ: "Anh họ..."


Mạnh Xuân Đài ôm nàng, vùi vào làn tóc bay bay, giây phút lưu luyến bịn rịn giờ này là kỉ niệm cuối cùng trong cuộc đời.


Mãi lâu sau mới buông tay ra, anh nói: "Lên thuyền đi em, giữ gìn sức khỏe."


Trên boong thuyền chật cứng người, bóng hình Đào Tố Nghi trở nên nhỏ bé, Mạnh Xuân Đài vẫy vẫy tay và nở nụ cười như lần đầu gặp mặt nơi Bắc Bình đương độ hè về.


Tiếng còi rít lên, chiếc tàu rời bến.


Mạnh Xuân Đài quay người, cất bước rời đi, đột nhiên bật người nhảy lên, trong tiếng kêu sợ hãi xung quanh, đáp xuống một chiếc tàu chở hàng cỡ nhỏ đương cập bến. Tức thì, quân cảnh đang ngấm ngầm theo dõi dốc toàn lực lao ra, hàng chục lưỡi lê và giáo mác nhắm vào thân tàu.


Trong cơn lắc lư, Mạnh Xuân Đài bước vào khoang thuyền vắng ngắt, mệt mỏi ngã ngồi ra đất.


Khoảng không gian này như nhà giam u ám, Mạnh Xuân Đài tựa vào vách tàu, ánh mắt chăm chú vào một nơi nào đó, vô số hình ảnh lộn xộn xẹt qua trước mắt.


Cha ôm anh dạy rằng, phỉ là chim lông đỏ, thúy là chim lông xanh. [2]


[2] Phỉ thúy là tên một loài chim có màu lông rất đẹp, chim phỉ là chim đực có lông màu đỏ, chim thúy là chim mái có lông màu xanh.


Anh đến trường học, sành trăm món báu, ném tiền vào chiếu bạc, cửa nát nhà tan, vào Nam nếm trải thăng trầm, Tố Nghi Bích Chi, món nợ trăng hoa, một lần ly biệt cả đôi, cuối cùng trắng tay.


Nét mặt Mạnh Xuân Đài tĩnh lặng như biển, đôi mắt đen thẳm tối tăm như nắm tro tàn trong xó bếp, nhìn ra ngoài cửa sổ, anh thấy khói trắng lửng lơ của tàu thủy, chẳng biết Đào Tố Nghi có phát hiện anh nhét một thứ vào trong chiếc khăn quấn đứa trẻ hay không.


Hãy cầm Lục Bảo cao chạy xa bay.


Đốm sáng mỏng manh rơi xuống và những hạt bụi li ti xoáy tròn trong không khí ẩm ướt, Mạnh Xuân Đài náu mình nơi khoang thuyền đơn sơ, rút khẩu súng lục trong ngực ra.


Đoàng, tiếng súng vang lên.


Hải âu hãi hồn giang cánh lướt sóng, bầy quạ nháo nhác bay vọt núi rừng.


"Náu