Lâm Thải Tuyết không đáp lại lời nào, chân vẫn chậm rãi tiến về phía bàn thờ vong.
Bàn thờ vong được kê phía trước quan tài, cao hơn mặt quan tài độ một thước, có vải đen phủ từ mép bàn xuống sát đất. Giữa tấm vải đen dán một chữ "Thọ" trắng hình tròn giống chữ "Thọ" ở đầu quan tài. Bên cạnh để Minh tinh (là một dải giấy đỏ, treo vào cành tre còn lá tươi xanh ở ngọn, dùng để viết chức tước, phẩm hàm...).
Hai bên cạnh bàn có hai chữ "Trung", "Tín" với hàm ý rằng: Người chết là dứt nợ trần gian, mọi công nợ đều được trút bỏ; họ trở về cõi vĩnh hằng với tư cách là người trung trực tín nghĩa, từ đó tiến nhập luân hồi, chuyển thế đầu thai để bắt đầu một cuộc sống mới.
Phía trên bàn thì được đặt một lọ hoa, một bát hương lớn, một mâm hoa quả, một bài vị...
Nhìn bài vị với hàng chữ "Lâm Phong" kia, chẳng biết từ lúc nào nước mắt đã chảy thành dòng trên khuôn mặt Lâm Thải Tuyết. Từ khóe mắt, qua má, xuống miệng, cuối cùng rơi vào đất lạnh.
Hôm nay trời không mưa, nhưng nỗi đau lại hóa thành giọt lệ. Mưa của người, chẳng phải của trời...
Đêm xuống.
Linh đường lúc này chỉ còn mỗi mình Lâm Thải Tuyết. Nàng muốn ở lại đây một mình. Đôi chân nàng, có lẽ do quỳ quá lâu nên đã dại đi, chẳng còn chút cảm giác nào nữa.
Giá như mà lòng nàng cũng vô cảm thì tốt biết bao...
Nàng nhìn bài vị của cha mình trên bàn thờ, thầm nghĩ.
Nàng nhớ, rất lâu trước kia, ngày mà nàng chứng kiến cảnh tượng đó: cha nàng cầm thanh kiếm trong tay đâm xuyên qua người mẹ nàng. Khi ấy, nàng vẫn chỉ là một đứa trẻ... Máu, máu và máu. Từng giọt nhiễu xuống. Nó đã lấp đầy đôi mắt, lấp đầy tuổi thơ của nàng. Đêm đó, tâm trí nàng trống rỗng, đến mức mà nàng chẳng thể biết được là mình có đau xót hay không, có thống khổ không. Nàng chẳng nghĩ được gì cả.
Nhưng hiện tại, nàng biết, biết rất rõ: đau!
Lòng nàng đau, mắt nàng đã ướt, môi muốn thốt lên mà không thành lời... Từ sau khi mẹ nàng chết, gần như nàng chưa bao giờ có một ngày vui vẻ cùng cha nàng... Trong một bữa cơm. Trong vài câu chuyện trò... Tất cả... Chẳng có gì hết.
Có lẽ cha nàng hẳn đã nghĩ rằng nàng ghét ông lắm. Không. Nàng không ghét ông. Chưa từng. Nàng lãnh đạm, nàng thờ ơ chỉ vì nàng không biết phải đối diện với ông thế nào. Nàng không biết, thật sự không biết...
Thế nhưng... lúc này đây, nàng biết rồi. Nàng đã biết rồi... Hóa ra nàng lại yêu quý ông nhiều đến vậy. Hóa ra nàng lại yếu đuối đến mức này... Ngay cả một câu cũng không đủ sức để thốt ra khỏi miệng, cũng như bao nhiêu lần trong quá khứ. Nàng muốn nói nhiều lắm, nhiều lắm... Thế sao lại không thể nói được... Tại sao chứ...
"Tí tách"
Những giọt mưa rơi xuống. Từ hai bầu trời u tối...
...
...
Nhắc tới phía tây của Thiên Vũ đại lục thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến Đại Thiện Quốc, và nếu nhắc tới Đại Thiện Quốc thì lại không thể không kể đến Đà La Tự.
Đà La Tự là tên của một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ rất lâu, hơn vạn năm có lẻ. Cái tên Đà La bắt nguồn từ Mạn Đà La - một loài hoa thường được nhắc trong kinh Phật. Tuy nhiên, Mạn Đà La không phải cái tên duy nhất. Nó cũng thường được biết đến với những tên như: Mạn Châu Sa, Mạn Thù Sa, Địa Ngục Hoa, Bỉ Ngạn Hoa...
Tương truyền loài hoa này nở nơi Hoàng Tuyền, đa số người đều nhận định rằng Mạn Đà La Hoa (Bỉ Ngạn Hoa) nở bên cạnh Vong Xuyên Hà ở Minh Giới. Hoa có màu đỏ rực rỡ như máu, phủ đầy trên con đường thông đến Địa Ngục.
Theo truyền thuyết, hương hoa có ma lực, có thể gọi về kí ức lúc còn sống của người chết. Trên con đường Hoàng Tuyền nở rất nhiều loài hoa này, nhìn từ xa như một tấm thảm phủ đầy máu, màu đỏ đó như là ánh lửa nên bị gọi là “hỏa chiếu chi lộ” ("con đường rực lửa"), đây cũng là loài hoa duy nhất mọc trên con đường Hoàng Tuyền, và cũng là phong cảnh, là màu sắc duy nhất ở nơi đấy. Khi linh hồn đi qua Vong Xuyên, liền quên hết tất cả những gì khi còn sống, tất cả mọi thứ đều lưu lại nơi bỉ ngạn, bước theo sự chỉ dẫn của loài hoa này mà hướng đến Địa Ngục của U Linh.
Ngoài ra còn có một truyền thuyết khác về Bỉ Ngạn Hoa. Đó là một câu chuyện bi thương.
Truyền thuyết nói, rất lâu rất lâu trước đây, ven thành thị nở một dải lớn Bỉ Ngạn Hoa – cũng chính là Mạn Châu Sa Hoa. Bảo vệ bên cạnh Bỉ Ngạn Hoa là hai yêu tinh, một người tên là Mạn Châu, một người tên là Sa Hoa. Bọn họ đã canh giữ Bỉ Ngạn Hoa suốt mấy nghìn năm nhưng trước giờ chưa từng tận mắt nhìn thấy đối phương… Bởi vì lúc hoa nở nhìn không thấy lá, khi có lá lại không thấy hoa. Giữa hoa và lá, cuối cùng cũng không thể gặp nhau, đời đời lỡ dở. Thế nhưng, bọn họ điên cuồng nhung nhớ đối phương, và bị nỗi đau khổ hành hạ sâu sắc. Cuối cùng có một ngày, bọn họ quyết định làm trái quy định của Thần, lén gặp nhau một lần.
Năm đó, sắc đỏ rực rỡ của Mạn Châu Sa Hoa được sắc xanh bắt mắt bao bọc lấy, nở ra đặc biệt yêu diễm xinh đẹp. Thế nhưng vì việc này mà Thần trách tội. Mạn Châu và Sa Hoa bị đánh vào luân hồi, bị lời nguyền vĩnh viễn không thể ở cùng nhau, đời đời kiếp kiếp ở nhân gian chịu đựng nỗi đau khổ. Kể từ đó về sau, Mạn Châu Sa Hoa chỉ nở trên con đường Hoàng Tuyền, hoa có hình dạng như những cánh tay hướng về thiên đường để cầu khẩn, mỗi khi Mạn Châu và Sa Hoa luân hồi chuyển thế, trên con đường Hoàng Tuyền ngửi thấy mùi hương của Bỉ Ngạn Hoa thì có thể nhớ lại bản thân ở kiếp trước, sau đó thề không bao giờ chia lìa nữa nhưng vẫn lần nữa bị lời nguyền kéo vào vòng luân hồi.
Truyền thuyết là vậy, còn sự thật thế nào không ai biết được. Chỉ biết trong Phật kinh có ghi:
"Bỉ Ngạn Hoa, khai nhất thiên niên, lạc nhất thiên niên, hoa diệp vĩnh bất tương kiến, tình bất vi nhân quả, duyên chú định sanh tử”.
("Bỉ Ngạn Hoa, một ngàn năm hoa nở, một ngàn năm hoa tàn, hoa lá vĩnh viễn không gặp nhau, tình bởi vì nhân quả, sinh tử do duyên định sẵn").
...
Quay lại với Đà La Tự. Như đã nói, nếu mọi người nhắc tới Đại Thiện Quốc thì không thể không kể đến Đà La Tự. Nó nổi tiếng không phải vì cái tên gắn liền với những truyền thuyết đã kể mà được biết tới bởi vị thế của mình tại tu tiên giới. Cũng như Đại Nhật Cung, Âm Dương Tông, Tinh Cung, Lam Nguyệt Cung, La Sát Phái, Đà La Tự là một trong sáu đại tông môn tu tiên của nhân loại ở Thiên Vũ đại lục này.
Mấy ngày vừa qua, có vô số tu sĩ từ khắp nơi kéo về Đại Thiện Quốc, mà mục tiêu hướng đến là Đà La Tự. Lý do xuất phát từ bốn chữ "Quần Long Đại Hội". Không sai, Đà La Tự chính là nơi được chọn để tổ chức Đại Hội Quần Long - sự kiện quan trọng nhất trong suốt ba mươi năm qua của chính tà lưỡng đạo. Hiện giờ, những môn phái đại diện cho hai thế lực gần như đã có mặt đông đủ.
Tuy đông đúc và hỗn tạp là vậy nhưng không khí trong Đà La Tự cũng chẳng ồn ào mấy, trái lại, dù là tu sĩ chính phái hay người thuộc tà đạo thì ai nấy cũng đều cư xử chừng mực. Có lẽ họ biết đó là điều mình nên làm.