Định Kiến

Chương 71



Nghiêm Mạc không nhịn được nhìn y.

Hứa Khiêm hết sức tập trung ra giá. Hai người đấu giá, thay nhau đẩy giá lên gấp đôi. Cuối cùng ông chủ bên kia chịu không nổi trước, sắc mặt xanh lét thu tay.

Hứa Khiêm lấy giá trên trời hốt khúc gỗ kia, sau khi trả tiền mang theo Nghiêm Mạc đi đến hậu trường, nhìn nhân viên công tác đem vật phẩm đấu giá đóng gói, niêm phong trong rương.

"Xin hỏi anh, muốn đưa đến đâu ạ?"

Hứa Khiêm viết địa chỉ, người ký nhận là bậc thầy điêu khắc gỗ nổi tiếng trong thành phố. Nhân viên công tác cất tờ giấy xong, cẩn thận hỏi y còn gì nữa không.

Hứa Khiêm nghĩ nghĩ, nói: "Cậu nói với ông ấy, hôm qua tôi đã đưa nguyên vật liệu làm khung ảnh lồng kính đến, muốn ông ấy mau chóng hoàn thành."

Tim giật thót, Nghiêm Mạc đột nhiên nghĩ tới gì đó, vẻ mặt có chút quái dị: "Khung ảnh lồng kính?"

"Trước đó...... Là tôi không tốt, tự tiện vào phòng vẽ tranh của cậu." Y khẽ ho, không được tự nhiên dời đi tầm mắt: "Thật ra tôi, tôi đã thấy bức tranh đó của cậu rồi, tại một buổi triển lãm...... Tóm lại, bây giờ thấy nó không có khung ảnh, trong lòng tôi cứ băn khoăn mãi, cho nên..... Cậu đừng giận."

Đây là lần đầu Hứa Khiêm chủ động nhún nhường, Nghiêm Mạc giật mình nói không ra lời, ngay cả vô số lí do từ chối cũng nghẹn trong cổ họng. Một lúc lâu mới tìm về tiếng nói của mình.

Hầu kết Nghiêm Mạc trượt trượt, nhớ tới giá của khúc gỗ này, có chút đau đầu.

"Tôi không thể nhận cái này." Hắn hơi hốt hoảng từ chối, lại bị đối phương tóm lấy tay, nắm trong lòng bàn tay vuốt ve.

"Đây là tôi tặng cho cậu, cậu không thể không nhận." Hứa Khiêm bá đạo nói, lại ngầm căng thẳng hít một hơi: "Nếu cậu ghét, cứ vứt đi là được. Tôi tặng gì đó, chưa bao giờ lấy lại."

Ngay cả trái tim này, cũng như thế.

Bị y cho một kích như vậy, Nghiêm Mạc càng kháng cự. Hứa Khiêm đọc được sự giãy dụa trong mắt hắn, cười khẽ, thầm nghĩ: Cưng muốn chơi theo anh, còn kém xa lắm.

Với tính tình cao ngạo của Nghiêm Mạc, chỉ có thể vuốt lông, chủ động dỗ hắn vài câu cũng không mất miếng thịt nào. Huống chi Hứa Khiêm bây giờ đang cố gắng theo đuổi người ta, lại càng không quan tâm đến uất ức hay không. Hôm nay y ở trước mặt hắn mất một khoản tiền lớn như vậy, Nghiêm Mạc kia cho dù là đầu gỗ, cho dù không thể nở hoa, tốt xấu cũng nên có tí phản ứng đi chứ?

Nghiêm Mạc có phản ứng. Đầu tiên hắn nôn nóng xấu hổ, sau dứt khoát mặt lạnh không để ý tới Hứa Khiêm, chính là muốn người nọ lấy đồ về. Hứa Khiêm sao có thể làm thế? Đấu giá đã xong, y cũng chi tiền rồi. Người trưởng thành đều biết là không thể lui. Nghiêm Mạc nóng tính là thế, bị ép phải ngoan, nói y *cũ rích.

*Nguyên gốc "lão thổ" 老土 để gọi những người ăn diện không hợp mốt, hoặc dùng lối mòn để làm việc.

Da mặt Hứa Khiêm cực dày, không quan tâm chút công kích ấy, vẫn cười như cũ: "Tôi cũ rích đấy, bằng không cậu dạy tôi cách không cũ rích đi?"

Vì thế Nghiêm Mạc lại cạn lời.

Hắn hơi sợ, cái loại này...... Cái loại giống như sợ hãi khi phản bội này. Ký ức về Văn Bân trong hắn chỉ còn lại bức tranh kia, nhiều năm như vậy ngoại trừ một lần triển lãm tranh, hắn không cam lòng cho nó ra ánh sáng dưới ánh mắt của người khác...... Hôm nay lại có người xông thẳng vào, thế nhưng lại dùng cách đốt tiền. Giống như hắn nói trước đó vừa dung tục vừa quê.

Nhưng cũng chính người như vậy, chẳng hiểu sao trong lòng Nghiêm Mạc lại xúc động. Hắn mơ hồ cảm giác có cái gì đó chệch đường ray, loại cảm giác mâu thuẫn mà nguy cơ vặn vẹo này, cộng thêm đỉnh điểm là câu tỏ tình kia, khiến Nghiêm Mạc triệt để không thể bình tĩnh.

Hắn cảm thấy ít nhất mình phải làm gì đó, nhưng nhìn vào ánh mắt Hứa Khiêm nhìn hắn đầy dịu dàng, Nghiêm Mạc không đành lòng nói ra lời từ chối.

Như là có cái gì lặng yên nẩy mầm dưới đáy lòng, nếu Nghiêm Mạc muốn bỏ đi chỉ có hai phương pháp — nhổ tận gốc, hoặc là trực tiếp cắt đứt. Người trước (Văn Bân) hắn sẽ khó chịu, người sau (Hứa Khiêm) người nọ sẽ đau, hắn không muốn làm như vậy, vô tình xúc phạm tới bất luận kẻ nào...... Chỉ là hiện tại, nói gì cũng muộn.

Hắn chỉ có thể mặc cho nó đâm sâu xuống, đâm đến trong lòng hắn.

Hứa Khiêm nhìn ra hắn rối rắm, cũng không ép, cuộc sống hai người dần dần trở về như trước.

Phòng của y đã được trang trí nội thất xong, cũng trong ngày đó, Hứa Khiêm tự mình mở tiệc ăn mừng, đãi mấy bàn lớn, tất cả đều là đội ngũ trang trí nội thất. Ngày đó y tương đối hưng phấn, ánh mắt khi nói chuyện luôn phát sáng, nhất là khi nói với Nghiêm Mạc. Y nói muốn cám ơn hắn mấy ngày nay bận rộn cùng vất vả, cám ơn hắn cho y một cái nhà.

Hứa Khiêm lúc ấy đã có chút say, khi nói xong một chữ cuối cùng, tay cầm ly hơi hơi run lên. Y cười rất vui vẻ, trước mặt mọi người cùng Nghiêm Mạc chạm ly, sau đó ngửa đầu, uống một hơi cạn sạch.

Rượu cay xè đi qua yết hầu vào bụng, như là nuốt vào một ngụm lửa, trong trời đông giá rét khi ấy, nóng đến tận trong tim.

Hứa Khiêm uống rất nhiều rượu, như là muốn giữ lấy luồng nhiệt độ không dễ gì mới có này, luồng nhiệt độ hơn mười năm rồi không thấy...... Ấm áp. Y cũng sắp ba mươi tuổi rồi, không lâu sau là tới sinh nhật. Giấc mơ năm mười bảy tuổi của y là vẽ tranh, song kéo dài hai năm thì giấc mơ này cũng vỡ tan. Kể từ khi đó, nguyện vọng của Hứa Khiêm liền trở nên vô cùng đơn giản — y muốn một gia đình.

Mỗi khi tan tầm về nhà không phải đến đâu cũng quạnh quẽ trống rỗng, mỗi khi ốm đau không phải lại lẻ loi một mình. Ở nhà có một người cùng y vượt qua nửa đời sau.

Y dạo chơi khắp nơi, y phong lưu phóng khoáng, xét cho cùng chẳng qua là vì lấp đầy nỗi trống vắng trong lòng. Giờ đây lỗ hổng này đã được lấp đầy, dùng nhiệt độ của thức ăn ngon, dùng những lúc vô tình quan tâm, dùng những lời ân ái mập mờ lại ngọt ngào. Mấy thứ này rất nhiều người đều có thể cho y, nhưng Hứa Khiêm cố tình lại coi trọng – một người từng là tình địch của y, từng nhắc tới là nghiến răng nghiến lợi. Đổi lại là trước kia, y có nằm mơ cũng không ngờ rằng mình sẽ yêu Nghiêm Mạc. Nhưng nghiệt duyên là thế, trái tim không thuộc về y nữa.

Trên người Nghiêm Mạc có quá nhiều thứ hấp dẫn y...... Hắn có được điều mình khát vọng nhất, đại biểu cho niềm tiếc nuối nhất trong đời của Hứa Khiêm, cũng là giấc mơ khó quên nhất. Y yêu từ cái nhìn đầu tiên với hội họa, cũng vì một bức tranh mà yêu phải Văn Bân. Y khâm phục tài học của Nghiêm Mạc, cũng từng khát vọng trở thành người giống như Nghiêm Mạc.

Y thậm chí ghen tị — bởi vì Nghiêm Mạc không có sự nhiệt tình với vẽ tranh. Hắn có thể dễ dàng buông bỏ ước mơ của mình. Thế nhưng mỗi người có sự lựa chọn khác nhau, Hứa Khiêm không có quyền chỉ trích gì cả. Y chỉ tiếc nuối, trong tiếc nuối mang theo hâm mộ — chẳng sợ lòng tự tôn cao của y không cho phép mình biểu hiện ra trước mặt bất kỳ ai. Nhưng đến cuối cùng cũng chỉ có chính mình mới biết thật giả trong đó.

Ông trời rất công bằng, ông lấy đi giấc mơ của Hứa Khiêm, lại đổi lấy sự giàu có ngày hôm nay.

Quan trọng nhất là, ông để cho mình gặp được Nghiêm Mạc.