Đời Kỹ Nữ

Chương 22: Chương 12 part 1




Ngay chiều hôm sau Mameha gọi tôi đến nhà cô ta. Lần này cô ngồi sẵn ở bàn đợi tôi khi chị hầu mở cửa. Tôi cẩn thận cúi chào nghiêm túc trước khi vào và đến ngồi ở bàn, cúi đầu xuống.
- Thưa cô Mameha, em không biết cái gì dẫn cô đến quyết định…- Tôi nói – Nhưng em không biết làm sao tả hết lòng biết ơn của em..
- Khoan cám ơn đã – cô ta ngắt lời tôi – chưa có gì xảy ra hết. Cô nên nói cho tôi nghe bà Nitta nói gì sau chuyến đến thăm hôm qua của tôi.
- Dạ - tôi đáp - Mẹ có vẻ thắc mắc tại sao cô chú ý đến em. Và nói thật ra, em cũng thế - tôi tưởng cô Mameha sẽ nói gì, nhưng cô không nói – còn phần Hatsumono thì…
- Đừng mất công nghĩ đến chuyện gì cô ta nói. Cô đã biết cô ấy rất sung sướng khi thấy cô thất bại, cũng như bà Nitta.
- Em không hiểu tại sao Mẹ cũng muốn thấy em thất bại, vì nếu em thành công, bà ấy cũng có tiền mà.
- Ngoại trừ việc nếu cô trả hết nợ của cô khi cô hai mươi tuổi, bà ta sẽ nợ tôi rất nhiều tiền. Hôm qua tôi đã chơi trò đánh cá với bà ấy - Mameha nói trong khi chị hầu phục vụ trà cho chúng tôi - Tôi không muốn chơi trò đánh cá trừ phi tôi biết chắc cô sẽ thành công. Nhưng nếu tôi là chị cả của cô, chắc cô thừa biết tôi có những điều khoản rất nghiêm ngặt.
Tôi đợi cô nói những điều khoản đó ra nhưng cô chỉ quắc mắt:
- Chiyo, cô phải bỏ cái cách thổi nước trà như thế đi! Trông cô nhà quê quá! Đặt tách nước lên bàn đợi nguội rồi hãy uông.
- Em xin lỗi. Em không để ý.
- Đã đến lúc cô phải để ý, người geisha phải giữ gìn ý tứ trước mặt mọi người . Bây giờ tôi nói các điều nghiêm ngặt cho cô nghe. Trước hết tôi yêu cầu cô làm tất cả những điều tôi yêu cầu mà đừng hỏi tôi hay là nghi ngờ tôi. Tôi biết thỉnh thoảng cô không vâng lời Hatsumono hay bà Nitta, chắc cô cho đấy là việc đáng thông cảm, nhưng đối với tôi, cô nên tuyệt đối vâng lời, đừng để những việc như trước xảy ra nữa.
Hatsumono hoàn toàn đúng. Cuộc đời đã đổi thay rất nhiều rồi. Khi tôi còn nhỏ, con gái mà không vâng lời người lớn sẽ bị trừng phạt rất gắt.

- Cách đây mấy năm, tôi đảm trách huấn luyện hai cô em út - Mameha nói tiếp – Một cô làm việc cật lực, còn cô kia thì lơ là. Một hôm tôi gọi cô ta đến đây nói cho cô ta biết tôi không chấp nhận việc cô ta không vâng lời tôi nữa, nhưng cô ta không nghe lời. Tháng sau tôi bảo cô ta đi tìm một chị cả mới.
- Thưa cô Mameha, em xin hứa như thế với cô. Việc như thế sẽ không bao giờ xảy đến cho em. Em thật cám ơn cô, em cảm thấy em như con tàu lần đầu tiên đi biển được thuận chiều xuôi gió. Em sẽ không tha thứ ình nếu làm cho cô bất bình.
- Thế là tốt, nhưng tôi không nói đến việc cô phải làm gì cật lực đâu. Cô phải hết sức cẩn thận đừng để cho Hatsumono lừa cô. Và lạy trời, đừng làm cái gì để nợ của cô bị gia tăng thêm. Ngay cả việc đừng làm bể một tách trà.
Tôi hứa tôi sẽ không làm thế, nhưng thú thật khi nghĩ tới việc Hatsumono lừa bịp tôi, tôi không biết tôi có giữ mình được không và để cho cô ta đánh lừa.
- Còn chuyện này nữa – Mameha tiếp tục - Bất cứ chuyện gì mà cô và tôi bàn với nhau, cô phải giữ thật kín. Cô không được nói lại chuyện ấy cho Hatsumono biết, cho dù đấy là chuyện thời tiết đi nữa, cũng không. Cô hiểu chứ? Nếu Hatsumono có hỏi, cô chỉ đáp như thế này “Ồ cô Hatsumono ơi, cô Mameha không nói chuyện gì hấp dẫn hết. Vừa nghe xong là tôi quên liền. Cô ấy là người quá vô duyên”
Tôi nói với Mameha là tôi hiểu.
- Hatsumono là người rất khôn lanh – cô ta nói tiếp - nếu cô chỉ nói hở một tí thôi là cô ta sẽ đoán được hết toàn bộ.
Bỗng Mameha nghiêng người tới trước nói bằng một giọng tức giận:
- Hôm qua khi tôi gặp hai người đi trên đường, hai người đã nói chuyện gì thế?
- Thưa cô không có gì hết – tôi đáp, và mặc dù cô ta quắc mắt nhìn tôi nhưng tôi vẫn cương quyết không nói gì hết.
- Không có gì nghĩa là sao? cô phải trả lời cho tôi, con bé ngốc, nếu không, tối nay tôi sẽ đổ mực vào lỗ tai cô khi cô đang ngủ.

Phải mất một lát tôi mới hiểu ra Mameha đang bắt chước Hatsumono. Tôi thấy thái độ bắt chước của cô không giống, nhưng tôi chợt hiểu cô đang có ý đồ gì, nên tôi đáp:
- Thưa cô Hatsumono, thú thật cô Mameha thường nói chuyện rất vô duyên, em không nhớ được chuyện gì hết. Chúng vào lỗ tai bên này là bay sang lỗ tai bên kia thôi. Hôm qua cô có thật thấy chúng em nói chuyện à? Vì nếu có, thì em cũng không thể nhớ được.
Mameha tiêp tục bắt chước Hatsumono thêm một lát nữa và cuối cùng, cô nói tôi làm tốt. Tôi không tin lắm điều cô nói. Bị Mameha hỏi, cho dù cô ta giả làm Hatsumono, cũng không giống như chuyện thực, khi tôi mặt giáp mặt với Hatsumono.
Trong hai năm kể từ khi Mẹ chấm dứt việc học của tôi, tôi hầu như quên hết những gì đã học. Và trong thời gian đi học trước đây, tôi hầu như cũng chẳng học được gì nhiều, vì trí óc tôi bận nghĩ đến trăm nghìn thứ khác. Cho nên khi tôi đi học lại sau khi đã được Mameha nhận làm chị cả, tôi cảm thấy như mình đi học lần đầu tiên.
Tôi đã 12 tuổi rồi, cao gần bằng Mameha rồi. Đi học đã lớn tuổi tưởng chừng như có lợi, nhưng thật sự không phải thế. Hầu hết các cô bắt đầu đi học khi còn nhỏ, có cô theo tập tục cổ truyền đi học lúc mới ba tuổi ba ngày. Số ít đi học lúc còn nhỏ này hầu hết là con của các geisha, học được học cách múa và nghệ thuật pha trà, xem như công việc hàng ngày trong đời sống, như tôi trước đây thường đi bơi trong hồ vậy.
Tôi đã miêu tả cách học đàn Shamisen với cô Chuột cho anh biết ra sao rồi. Nhưng geisha phải học nhiều môn nghệ thuật khác ngòai đàn Shamisen. Thực vậy, từ “gei” trong “geisha” có nghĩa là nghệ thuật, cho nên từ “geisha” có nghĩa là “thợ khéo tay” hay “nghệ nhân”. Bài hoc đầu tiên của tôi vào sáng hôm ấy là học về loại trống nhỏ mà chúng tôi gọi là tsutsumi. Chắc anh thắc mắc tại sao geisha phải học trống làm gì, nhưng câu trả lời rất đơn giản. Trong các buổi đại tiếc hay trong các buổi họp mặt chính thưc ở Gion, geisha chỉ thường múa với đàn Shamisen phụ họa hay với một ca sĩ. Nhưng khi lên trình diễn trên sân khấu, như diễn vở Vũ khúc cố đô vào mỗi mùa xuân, thì phải có đến sáu hay nhiều hơn nhạc công đàn Shamisen hợp nhau làm thành một ban nhạc, được nhiều loại trống đánh đệm và một cây sáo Nhật mà chúng tôi gọi là fue. Cho nên anh thấy đấy, geisha phải biết chơi tất cả các nhạc cụ này, mặc dù cuối cùng họ được khuyên nên chuyên chú vào một hay hai thứ thôi.
Như tôi vưa nói, bài học khi sáng sớm là trống cơm mà chúng tôi gọi là tsutsumi, trống này đánh với thế quỳ như tất cả các nhạc cụ khác mà chúng tôi đã học. Trống tsutsumi khác với các loại trống khác, vì trống được để trên vai và đánh bằng tay, không giống lọai trống Okawa lớn hơn phải để trên đùi, hay trống lớn hơn hết, trống này được gọi là Taiko, phải để nằm nghiêng một bên trên giá và đánh bằng đũa lớn. Tôi lần lượt học hết các lọai trống. Mỗi lọai trống có thể được xem như một nhạc cụ, ngay cả trống cho trẻ em chơi, nhưng thực ra có nhiều cách đánh mỗi lọai trống, như loại trống lớn taiko chẳng hạn, người đánh phải hoa cánh tay qua thân trống rồi mới đánh chiếc đũa vào mặt trống, lối đánh này gọi là Uchikomi, hay khi tay đánh thì tay kia đưa lên, lối đánh này gọi là Sarashi. Còn nhiều cách đánh nữa, và mỗi cách phát ra một âm thanh khác nhau, nhưng chỉ sau khi luyện tập nhiều mới đánh được. Điều quan trọng nhất là ban nhạc thường ngồi trước mặt công chúng, nên các động tác cần phải uyển chuyển duyên dáng, cũng như phải hòa hợp với các nhạc công khác, một nửa là tạo nên âm thanh chính xác, nửa kia là động tác đúng quy cách.
Tiếp theo môn trống, bài học trong buổi sáng là sáo Nhật và đàn Shamisen. Phương pháp học các nhạc cụ này có ít nhiều điểm giống nhau. Giáo viên chơi nhạc trước rồi học viên theo đó mà làm. Có khi chúng tôi trông như bầy thú ở thảo cầm viên, nhưng thường thì không, vì các giáo viên cẩn thận chỉ cho từng người. Như khi bắt đầu học sáo, giáo viên thổi một nốt nhạc, rồi chúng tôi lần lượt thổi lại nôt đó. Thậm chi chỉ sau một nốt thôi, giáo viên tìm ra cả đống chỗ mà nói.
- Này này, cô phải hạ ngón tay út xuống. Đừng chống lên như thế. Còn cô kia, cái ống sáo của cô có mùi hôi hả? Tại sao nhăn lỗ mũi như thế?
Cô giáo rất nghiêm khắc, giống hầu hết các giáo viên khác, và tất nhiên là chúng tôi sợ mắc phải lỗi lầm. Rât nhiều cô giáo lấy cái ống sáo của cô gái thổi sai và đánh lên vai cô ta.
Sau trống, sáo và đàn, bài học tiếp theo là hát. Ở Nhật, chúng tôi thường hát trong các bữa tiệc, và dĩ nhiên đàn ông ở Gion đều thích đi dự tiệc. Nhưng cho dù một cô gái hát không đúng nhạc và không bao giờ được yêu cầu lên trình diễn trước mặt những người khác, cô ta cũng vẫn phải học hát để giúp cô ta hiểu được vở múa. Bởi vì các điệu múa thường được phỏng theo các bài nhạc hay, đều được một ca sĩ hát có đàn đệm theo.

Có nhiều loại ca khúc khác nhau – ôi, quá nhiều, tôi không sao kể hết – nhưng trong các bài học của chúng tôi, chúng tôi chỉ học năm loại khác nhau. Có loại là những bài dân ca phổ biến, có loại là những bài trường ca của kịch nghệ Kabuki kể chuyện cổ tích, còn có những bài như bài thơ phổ nhạc. Tôi thấy khó mà miêu tả hết cho anh những ca khúc này. Nhưng tôi xin nói rằng trong khi tôi coi những ca khúc này là mê ly, thì người nước ngoài lại cho rằng chúng nghe như tiếng mèo kêu trong sân đền hơn là âm nhạc. Quả đúng là cách hát cổ truyền của Nhật nghe có vẻ ê a thật và thường được hát trong họng cho nên âm thanh phát ra ở mũi chứ không phải từ miệng. Nhưng đây là vấn đề phải nghe quen mới thấy hay.
Trong tất cả các môn học, múa và âm nhạc là hai môn chúng tôi phải chú trọng nhất. Vì cô gái nào có giỏi nhiều môn đi nữa, mà không học kỹ cách xử thế hay tư cách thái độ, thì khi đi dự tiệc sẽ bị chê trách ngay. Cho nên đấy là lý do khiến cho giáo viên thường rất gắt gao về mặt tư cách, thái độ của học viên, thậm chí phải chú đến các điểm này ngay cả khi đi trên hành lang đến phòng vệ sinh. Thật vậy, việc một cô gái bị la rầy nặng nề nhất không phải là cô ta sử dụng nhạc cụ sai hay không thuộc lời bài ca, mà vì cô tay để móng tay dơ bẩn, hay tỏ ra bất kính hay vì một việc gì đại loại như thế.
Thỉnh thỏang khi tôi nói chuyện về việc luyện tập của tôi cho những người ngoại quốc nghe, họ thường hỏi tôi “Thế cô học cách cắm hoa khi nào?” – Câu trả lời của tôi là không bao giờ. Bất kỳ ai ngồi trước mặt đàn ông cắm hoa để cho họ mua vui, đều có thể bất thần nhìn lên, bắt gặp họ gục đầu xuống bàn mà ngủ hết. Anh phải nhớ rằng geisha là nhà nghệ sĩ, người trình diễn. Chúng tôi có thể rót rượu sake hay trà cho đàn ông, nhưng chúng tôi không đi lấy dưa chua cho họ nhấm. Và thực tế thì giới geisha có nhiều người hầu hạ nuông chiều, hiếm khi chúng tôi phải lo chăm sóc mình, lo chăm sóc phòng ngủ cho ngăn nắp, đừng nói gì đến chuyện cắm hoa để trang điểm cho phòng trà.
Bài học cuối cùng cho buổi sáng là nghệ thuật hầu trà. Đây là môn đã được nhiều sách vở nói đến, cho nên tôi không đi sâu vào chi tiết làm gì. Nhưng cơ bản thì nghệ thuật hầu trà được một hoặc hai người thực hiện, họ ngồi trước mặt khách, chuẩn bị trà theo phương pháp cổ truyền, dùng những cái tách thật đẹp, và những cái lọc bằng tre, và các thứ khác. Thậm chí khách cũng góp phần tham gia vào nghi thức này, vì họ phải cầm tách trà ra sao và uống trà như thế nào cho đúng kiểu. Nếu anh suy ngẫm đến nghi thức này khi ngồi trước mặt một tách trà ngon, ừ…nó giống một vở múa hay là một buổi thiền, được thực hiện trong khi đang quỳ gối. Trà được chế ra từ lá trà xay thành bột, rồi lọc vào trong nước sôi một hỗn hợp ga sủi bọt màu xanh lục mà chúng tôi gọi là matcha, thứ này rất xa lạ với người nước ngpài. Tôi xin nói trà giống như nước xà phòng màu xanh lục, có vị đắng, dùng lâu rất ngon.
Nghi thức uống trà là bộ môn quan trọng nhất trong việc luyện tập của geisha. Khi mở tiệc ở nhà riêng, thường thường người ta bắt đầu lễ uống trà gọn nhẹ. và khách đến xem múa hát theo mùa ở Gion đều được các geisha phục vụ trà trước tiên.
Cô giáo dạy môn phục vụ trà của chúng tôi là một cô gái khoảng 25 tuổi, cô ta là một geisha không thành đạt lắm, sau này tôi mới biết như thế; nhưng cô ta mê say môn nghi thức phục vụ trà, cho nên cô dạy môn này rất nhiệt tình, mỗi động tác của cô đều mang tính chất thiêng liêng. Vì cô ta nhiệt tình như thế nên tôi rất hâm mộ môn dạy của cô, và phải nói rằng đây là môn học hứng thú nhất trong cả buổi sáng. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn còn thấy nghi thức uống trà thật dễ chịu khoan khoái như một giấc ngủ ngon.
Điều làm cho việc luyện tập của người geisha quá khó khăn không phải chỉ các môn nghệ thuật mà họ phải học không thôi, mà còn nhiều việc khác nữa, khiến cho cuộc sống của họ trở nên quá bận rộn. Sau khi học cả buổi sáng, nàng geisha còn phải làm việc ở nhà vào buổi chiều và buổi tối nữa. Mỗi đêm cô ta chỉ được ngủ từ ba đến năm giờ. Trong những năm luyện tập này, nếu tôi làm việc như thế thì cuộc sống của tôi quá ư bận rộn. Nếu Mẹ cho tôi khỏi làm việc lặt vặt như Bí Ngô thì tôi rất biết ơn, nhưng nghĩ đến chuyện bà đã đánh cuộc với Mameha tôi không tin bà nghĩ đến chuyện cho tôi có nhiều thì giờ để luyện tập. Một số công việc trong nhà của tôi đã được trao cho gia nhân, nhưng tôi cũng phải làm một số công việc khác, việc luyện tập đàn Shamisen chỉ được một giờ vào mỗi buổi chiều. Vào mùa đông, cả Bí Ngô và tôi phải luyện tập đôi bàn tay cho trơ cứng ra bằng cách ngâm vào nước đá cho đến khi hai tay đau nhức đến phát khóc mới thôi, rồi ra ngoài sân lạnh để thực hành. Nghe có vẻ độc ác quá nhưng hiệu quả đem lại thật tuyệt. Thực vậy, luyện tập cho hai bàn tay trơ cứng như thế này giúp tôi đàn được tốt hơn. Như anh biết đấy, sự lo sợ khi lên sân khấu làm cho hai bàn tay luống cuống, và khi anh đã tập đàn với hai bàn tay tê cóng, cứng ngắc quen rồi, đến khi lên sân khấu, sự lo sợ không còn là vấn đề đáng lo nữa.
Mới đầu Bí Ngô và tôi cùng tập đàn với nhau vào buổi chiều, ngay sau khi đã học đọc học viết thật lâu với bà Dì. Chúng tôi học chữ Nhật ngay từ khi tôi mới đến, và Dì luôn luôn bắt chúng tôi học hành nghiêm túc. Nhưng khi thực tập đàn vào buổi chiều, Bí Ngô và tôi có dịp vui đùa với nhau. Nếu chúng tôi cười to, Dì hay một gia nhân chạy đến la chúng tôi, nhưng khi chúng tôi nói chuyện nho nhỏ và vừa đàn vừa nói chuyện, chúng tôi đã có thì giờ bầu bạn với nhau rất là vui vẻ. Đây là lúc mà tôi mong mỏi nhất trong ngày.
Bỗng một buổi chiều trong khi Bí Ngô giúp tôi học kỹ thuật luyện âm thì Hatsumono xuất hiện trên hành lang trước mặt chúng tôi. Chúng tôi không nghe cô ta về nhà khi nào.
- Kìa, người coi như em út của Mameha! – cô ta nói với tôi, cô ta thêm hai từ “coi như” vì Mameha và tôi chưa chính thức chị em cho đến khi tôi bắt đầu thành geisha tập sự.
- Đáng ra tôi gọi cô là cô Bé Ngốc kìa – cô ta nói tiếp – nhưng sau khi tôi thấy cảnh hai đứa như thế này, tôi nghĩ nên để dành từ ấy cho Bí Ngô.
Bí Ngô hạ cây đàn xuống hai đùi chân, y như con chó cụp đuôi giữa hai chân, cô ta hỏi:
- Tôi làm gì sai trái à?

Tôi không dám nhìn vào mặt Hatsumono để thấy vẻ tức giận trên mặt cô ta ra sao. Tôi quá sợ những việc sắp xảy ra. Hatsumono nói:
- Không làm gì hết! Tôi chỉ không nhận ra cô là đồ cạn nghĩ mà thôi.
- Tôi xin lỗi, cô Hatsumono – Bí Ngô nói – Tôi chỉ muốn giúp Chiyo mà thôi.
- Nhưng Chiyo không cần cô giúp đỡ học đàn, nó sẽ tìm đến cô giáo của nó. Có phải đầu cô là quả bầu khổng lồ rỗng tuếch rồi không?
Nói xong Hatsumono véo mạnh vào môi Bí Ngô khiến cây đàn tuột khỏi tay cô, rơi xuống nơi chỗ cô ngồi trên hành lang gỗ, lăn xuống hành lang đất.
- Tôi cần nói chuyện với cô một chút – Hatsumono nói với cô ta – Cất đàn đi, tôi đứng chờ ở đây để cô khỏi làm những chuyện ngu ngốc nữa.
Khi Hatsumono nói xong, Bí Ngô bước xuống lượm cây đàn lên và tháo rời các bộ phận ra. Cô ta buồn bã nhìn tôi, tôi nghĩ chắc cô không sao. Nhưng bỗng nhiên tôi thấy môi cô run run, rồi cả mặt cô cũng rung động như mặt đất sắp bị động đất, và thình lình cô thả những bộ phận của cây đàn lên sàn gỗ, và đưa tay lên môi – môi đã bắt đầu sưng – trong khi nước mắt tuôn ra chảy dài xuống hai má. Mặt Hatsumono dịu lại như thể bầu trời đã hết giông tố, rồi cô quay qua nhìn tôi, mở miệng cười khoan khoái.
- Chắc cô sẽ có một người bạn khác – cô ta nói với tôi – sau khi Bí Ngô và tôi nói chuyện xong, cô ấy sẽ biết cách nói chuyện với cô, phải không Bí Ngô?
Bí Ngô gật đầu, vì cô ta chẳng còn lựa chọn nào khác hơn. Nhưng tôi thấy cô ta rất buồn. Không bao giờ chúng tôi thực tập đàn Shamisen với nhau nữa.
Tôi đem chuyện chạm trán này nói cho Mameha biết vào lần tôi đến nhà cô sau đó.
- Tôi mong cô ghi nhớ những lời Hatsumono nói với cô – Mameha nói với tôi – nếu Bí Ngô không nói gì với cô, cô cũng không nên nói gì với cô ta. Cô chỉ gây nên cho cô ta lắm chuyện rắc rối mà thôi. Vả lại, thế nào cô ta cũng nói lại cho Hatsumono nghe những gì cô nói. Trước đây cô tin tưởng cô ấy, nhưng bây giờ thì không được nữa.