Hai người vốn cũng không phải người quen, ngồi trong chiếc ô tô chật hẹp thật ra rất gượng gạo. Để xua tan sự gượng gạo này, Trần Phổ vô thức thò tay vào tìm kẹo cao su trong túi, anh sờ thấy lọ kẹo, nhưng rồi lại do dự không lấy ra.
Không rõ vì sao mà anh nghĩ chắc chắn cô sẽ xin, nhưng anh lại không muốn cho cô.
Thế là hai tay Trần Phổ siết chặt vô lăng, im lặng không cất lời.
Còn Lý Khinh Diêu lại rất thoải mái, cô gác một tay lên cửa xe, tựa vào lưng ghế, nhìn ra ngoài cửa sổ một hồi rồi bắt đầu đề nghị: “Anh mở nhạc được không ạ?”
Trần Phổ thấy mình đúng là nhịn đắng nuốt cay kết nối bluetooth, mở nhạc trong điện thoại. Nhưng khi tiếng nhạc du dương vang lên, anh lại thấy phiền muộn – Kết nối điện thoại là phản xạ tự nhiên, nhưng anh không muốn Lý Khinh Diêu nghe những bài hát mà anh thường nghe.
Radio phát bài hát “Thích em” bản nữ, một bài hát tiếng Quảng lâu đời.
[Gió cuốn theo mưa phùn len lỏi khắp phố chiều hoàng hôn,
Gạt đi nước mưa, đôi mắt em vô tư ngước nhìn,
Nhìn ngọn đèn tối cô quạnh,
Bao ký ức đau thương ùa về…]
Mười một giờ đêm, con phố vắng tanh, bên phố chỉ lác đác vài cửa hàng còn sáng đèn. Trong khoang xe ấm áp kín bưng, chỉ còn giọng nữ khàn khàn, đau buồn ngân khúc hát. Lý Khinh Diêu bất giác nhìn gương mặt Trần Phổ. Mái tóc đen ngắn ngủn đến mang tai, vành tai anh tròn trịa đầy đặn, nhưng cằm lại gầy và rắn rỏi. Anh hơi nghiêng đầu, mặt vô cảm, mắt nhìn về phía trước.
Giọng nữ kia hát:
[Từ tận đáy lòng em muốn nói…
Thích anh,
Đôi mắt hút hồn
Nụ cười quyến rũ…]
“Tạch”
Trần Phổ đưa tay nhấn vào bảng điều khiển, giọng hát đột ngột dừng lại, chuyển sang bài hát tiếp theo.
Lý Khinh Diêu: “Sao tự dưng anh lại chuyển bài?”
Trần Phổ: “Khóc lên khóc xuống, nghe mà buồn theo.”
Lý Khinh Diêu: “…”
Xe chạy vào một con đường vắng, cách khu dân cư Triều Dương không xa. Lý Khinh Diêu phát hiện Trần Phổ hướng mắt nhìn ra ngoài, nhưng lại không dừng xe. Thế là cô cũng nhìn theo hướng anh đang nhìn.
“Dừng xe.”
“Lại gì nữa?” Trần Phổ bực dọc nói, nhưng vẫn chầm chậm đỗ xe bên lề đường.
Lý Khinh Diêu gác hai cánh tay lên chỗ tựa lưng ở ghế trước, chỉ thấy Trần Phổ hơi nhúc nhích, lưng lập tức cách ghế một tấc. Cô nhịn cười, nói với anh: “Em hơi đói, mình đi ăn khuya được không?”
Trần Phổ cúi đầu nhìn đồng hồ: 11 giờ 55 phút. Anh có vẻ rất miễn cưỡng: “Bây giờ?”
“Vâng.” Lý Khinh Diêu hất hàm, ý chỉ quán mì hoành thánh bên vệ đường: “Em thấy anh cứ nhìn mãi, còn nuốt nước miếng nữa. Anh thường đến đây ăn khuya sau khi tan làm ạ? Thế anh dẫn em đi ăn thử đi!”
Lần này Trần Phổ chịu thua, anh y như khúc gỗ, tay anh nắm vô lăng bất động một hồi, sau đó cúi đầu tắt máy, tháo dây an toàn, đồng thời nói: “Lý Khinh Diêu, nói chuyện với cấp trên như thế là muốn bị đuổi việc à?”
Lý Khinh Diêu mỉm cười, tháo dây an toàn và xuống xe, nghe cái “cạch”, anh cũng đã xuống xe.
Quán ăn này nhỏ xíu, ba chiếc bàn bên trong và hai chiếc bàn bên ngoài. Trần Phổ chọn một chiếc bàn bên ngoài, Lý Khinh Diêu ngồi xuống phía đối diện anh, quan sát chiếc bàn. Tuy rằng bàn đã cũ, nhưng được lau rất sạch sẽ.
Trừ bọn họ ra thì không còn vị khách nào nữa. Ấy thế mà quán vẫn mở cửa, đủ để thấy chuyện mưu sinh khó khăn cỡ nào.
Một người đàn ông độ năm mươi tuổi cầm theo menu sơ sài, còn chưa bước tới trước mặt hai người, trên gương mặt ông đã đượm nét cười. Trần Phổ cũng cười, anh rút hai đôi đũa dùng một lần, đặt một đôi xuống trước mặt mình, đôi còn lại nằm trước mặt Lý Khinh Diêu, anh nói: “Chú Tạ, cho cháu một bát hoành thánh to, một chai coca.” Ra hiệu chủ quán đưa menu cho Lý Khinh Diêu.
Lý Khinh Diêu cầm menu nhìn thử: “Cho cháu một bát hoành thánh nhỏ ạ, cảm ơn chú!”
Chủ quán: “Có ngay có ngay!” Có lẽ ông và Trần Phổ đã quen từ lâu, nên mỉm cười hỏi nhỏ: “Bạn gái à?”
Lý Khinh Diêu chỉ cười không nói.
Trần Phổ không thèm ngước mắt nhìn, anh trụng bát qua nước sôi, đáp lời: “Đừng nói bậy, chỉ là một đồng nghiệp của cháu thôi.”
Màn đêm đen kịt, trên con đường này không một bóng xe. Đèn trong quán cũng không đủ sáng, chỉ có vài tia sáng chiếu lên chiếc bàn bên ngoài. Hai người im lặng ngồi đối diện nhau một lúc, Trần Phổ nói: “Ăn xong về nhà ngủ ngay, mai còn nhiều việc quan trọng phải làm.”
“Vâng, ngày nào em cũng ngủ ngon lắm.”
Trần Phổ bưng chén trà loãng pha từ lá trà rẻ tiền, uống một hơi cạn sạch. Bây giờ anh cảm giác mình đã phần nào nắm được suy nghĩ của Lý Khinh Diêu rồi. Cô ấy à, nói câu nào câu nấy nghe cũng bùi tai, nhưng lại chẳng câu nào chịu nói cho đàng hoàng, giỏi nhất là bóng gió — nhất là nói chuyện với anh.
“Tôi từng giẫm phải đuôi em à?”
Chiếc bàn quá nhỏ, mà ghế cũng thấp. Trần Phổ người cao chân dài ngồi đối diện cô, lưng anh khom xuống, nhìn chòng chọc vào cô.
Lý Khinh Diêu đặt hai tay lên trên đùi, cầm ly trà, tóc ngắn hơi rũ xuống bên vành tai, ánh mắt trong trẻo, bình thản nói: “Sao anh lại nghĩ như thế? Em sùng bái anh còn chẳng kịp. Hồi ở Sở, em đã mong mỏi được về đội mình học tập cùng anh rồi.”
Giỏi, Trần Phổ nghẹn họng, hôm nay không cách nào nói chuyện được nữa.
Đúng lúc này ông chủ bưng mì hoành thánh đến, Trần Phổ chợt thấy mình mẩy thoải mái, anh vùi đầu ăn hoành thánh. Khi anh giải quyết xong bát mì hoành thánh cỡ lớn, uống thêm vài ngụm coca, ngẩng đầu liền phát hiện hai ngón tay Lý Khinh Diêu cầm chiếc thìa sứ đưa qua đưa lại nhưng không chịu cho vào miệng.
Trần Phổ liếc nhìn bát cô, bát hoành thánh nhỏ có tổng cộng 12 cái, vẫn còn 5 cái nữa.
Hôm nay đột nhiên xảy ra vụ án, mọi người vẫn chưa ăn cơm tối, bụng đói kêu rột rột, ấy thế mà cô chỉ ăn bảy cái hoành thánh.
Thật ra Trần Phổ vẫn chưa ăn no nên thêm một bát nữa cũng chẳng hề hấn gì. Nếu lúc này người ngồi đối diện anh là Phương Giai hoặc Diêm Dũng, thầy Trần Phổ đã kéo bát đến ăn rồi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa anh cũng không thể ăn đồ thừa của Lý Khinh Diêu.
Trần Phổ uống hết coca, hỏi cô: “No rồi à?”
Lý Khinh Diêu đặt thìa xuống: “Thôi em gói lại mang về, sáng mai hâm lại ăn sáng.”
Còn ăn sáng, Trần Phổ thầm nghĩ, một bát hoành thánh nhỏ xíu mà có thể chia làm hai bữa, xem ra tiền lương của cô vẫn đủ dùng. Nhưng anh vẫn khách sáo hỏi cô: “Có đủ không? Hay là mua thêm bát nữa?”
“Không cần đâu, trong nhà em vẫn còn bánh mì lát.”
Trần Phổ gật đầu, lớn tiếng hỏi chủ quán: “Ông chủ, gói mang về, bao nhiêu tiền đấy?” Anh giơ điện thoại lên quét mã QR trên tường.
“37 tệ.” Chủ quán đáp.
Lý Khinh Diêu lấy điện thoại ra: “Để em.”
Trần Phổ không ngoái lại, một tay anh duỗi ra túm lấy cánh tay cô, tay còn lại quét mã, chuyển khoản rồi mới buông tay cô ra và đứng dậy: “Về thôi.”
Lý Khinh Diêu gói hoành thánh xong, đi theo sau anh: “Cảm ơn sếp ạ!”
Trần Phổ không trả lời, anh thật sự không muốn nói chuyện với cô nữa.
Xe đến khu dân cư Triều Dương thì đã 12 rưỡi. Trần Phổ đỗ xe xong, Lý Khinh Diêu xuống xe rồi nói: “Cảm ơn anh!” Anh gật đầu, gương mặt không biểu lộ cảm xúc gì, quay người bước về phía tòa nhà mình sống. Anh quay lưng về phía cô, giơ một tay lên vẫy vẫy mấy cái trong không trung.
Lý Khinh Diêu cũng về tòa nhà mình sống, rồi lại quay đầu thấy Trần Phổ đã bước nhanh lên tầng, hai tay đúi trong túi quần, bước hai bước một y như chạy lên trên, không quay đầu lại.
Nụ cười trên gương mặt Lý Khinh Diêu đã tắt từ lâu, cô xoay người cúi đầu, bước lên lầu từng bước từng bước thật chậm.
—
Năm Lý Cẩn Thành mất tích, trong khu này đã xảy ra một vụ án mất tích chấn động toàn thành phố.
Một học sinh lớp mười hai đột nhập vào nhà cưỡng hiếp bạn học nữ thất bại, nên đã lỡ tay giết chết người bố muốn bảo vệ con gái mình.
Đã bảy năm trôi qua, do không có đủ bằng chứng cáo buộc phạm tội hiếp dâm, nên tuyên án học sinh đó năm năm tù vì tội ngộ sát, hiện đã ra tù. Chỉ có Lý Cẩn Thành tham gia điều tra vụ án này là mất tích không rõ lý do.
Lý Khinh Diêu về nhà, khác với tối hôm qua. Sau khi trở về từ hiện trường án mạng, cả người cô mệt nhoài. Cô vùi mình trên ghế sô pha, nhìn màn đêm sâu thăm thẳm qua lớp rèm cửa xanh khói. Cảnh vật cả khu phố, ánh đèn đường vàng mờ, đường cái chật hẹp, phòng ốc cũ kỹ và lác đác vài bóng người không rõ mặt ở cuối ngõ. Tối hôm anh trai cô mất tích, có phải anh cũng một mình bước vào màn đêm thế này?
Nhớ lại tình tiết vụ án, không ai biết tại sao tối mịt mà Lý Cẩn Thành còn đến khu dân cư Triều Dương, hơn nữa anh còn đến đây nhiều lần trước khi mất tích. Anh không hề kể nguyên do với Trần Phổ hay bất kỳ đồng nghiệp nào. Gia đình nữ sinh trung học kia quả thật sống ở khu dân cư lân cận, nhưng điều tra trước đây cho thấy vụ án này không liên quan đến bất cứ ai trong khu dân cư Triều Dương.
Có lẽ chỉ khi tìm ra Lý Cẩn Thành, mới biết được câu trả lời.
Lý Khinh Diêu nhắm mắt lại, lông mi khẽ rung lên.
Sau khi theo học chuyên ngành điều tra tội phạm cô mới nhận ra trên thế giới này không có tội ác nào không để lại dấu vết.
Vậy nên, chỉ cần cô tìm kiếm kỹ mọi ngóc ngách có thể tìm trong dân cư Triều Dương, thì nhất định sẽ tìm được Lý Cẩn Thành.
Còn Trần Phổ, tìm ròng rã bảy năm trời cũng không tìm thấy, có lẽ là do vấn đề năng lực.
—
Sáng hôm sau, Trần Phổ vừa nhai kẹo cao su vừa bước nhanh xuống lầu, thấy có một người đứng cạnh xe mình.
Trần Phổ định đi đường vòng theo phản xạ tự nhiên, nhưng tiếc rằng chiếc xe cưng của mình đã bị cô độc chiếm. Anh thầm tính toán trong lòng, tối nay sẽ lén lút chuyển xe đến vị trí kín đáo, rồi lặng lẽ đi không ai hay biết.
“Chào buổi sáng.” Giọng nói dịu dàng, vương chút dẻo dính như viên mochi.
Trần Phổ “ừ” rồi mở cửa xe, Lý Khinh Diêu theo anh lên xe, cô thong thả thắt dây an toàn và hỏi anh: “Đến trường Trung học số 29 luôn ạ?”
“Ăn sáng đã.”
“Em ăn rồi.”
“Tôi không nói với em.”
Xe chạy đến một quán bún chật kín người. Trần Phổ đỗ xe xong, đi ngang qua ghế phụ, quay lưng lại với Lý Khinh Diêu, tay anh khẽ vỗ hai cái lên cửa xe, ý bảo cô ngồi yên trong xe, rồi bước nhanh vào quán mì.
Một lát sau, Lý Khinh Diêu thấy anh bưng một bát bún, bát bún đầy ắp. Anh ra khỏi quán bún, đứng bên vệ đường ăn. Chắc trong quán không có chỗ ngồi, vệ đường cũng có mấy người đàn ông y như anh.
Gia cảnh Trần Phổ thế nào, nhiều năm trước Lý Khinh Diêu đã nghe phong thanh. Anh từ cậu ấm sống trong nhung lụa, đến thiếu niên bất lương lăn lộn trên bờ vực phạm tội, và rồi trở thành nam khôi trường cảnh sát lạnh lùng ưu tú. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng khó mà liên tưởng đến hình ảnh chàng trai trẻ giản dị gần gũi này. Anh đứng bên con đường tấp nập, lùa từng miếng bún vào miệng, hơn nữa còn đứng ở gần thùng rác để tiện nhả những miếng xương sườn. Ăn xong, anh vứt bát và đũa dùng một lần vào trong thùng rác, không biết từ túi nào móc ra một chai nước suối, súc miệng rồi nhổ vào thùng rác, rồi lại uống ừng ực.
Lúc này anh mới ngẩng đầu nhìn về phía xe mình.
Lý Khinh Diêu lập tức cúi đầu lướt điện thoại.
Một lát sau, có người gõ cửa sổ. Cô ngẩng đầu nhìn, có người đưa cho cô một chai sữa đậu nành cắm sẵn ống hút. Cô nhận lấy chai sữa, sữa vẫn còn ấm. Trần Phổ vòng qua đầu xe, vẻ mặt như cô thiếu anh 800 tệ vậy.
Lý Khinh Diêu ngẩn người một lát, biểu cảm ngạc nhiên và cảm động, đôi mắt lấp lánh ánh sao: “Cảm ơn anh! Sao anh biết em thích uống sữa đậu nành nhất?”
Trần Phổ tin cô mới lạ, anh lạnh lùng đáp: “Mua 20 tệ giảm 2 tệ, mua chung thôi.”