Đợi Tới Khi Ve Xanh Rơi Rụng

Chương 90



Bà Viên Linh sinh năm 1970, là con út trong nhà, trên bà còn có hai người anh trai và một chị gái. Trong thời buổi thiếu ăn thiếu mặc, vì là con út nên bà Viên Linh không phải chịu vất vả nhiều. Viên Linh thời thiếu nữ cũng không chịu thua kém ai. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y, bà đã tìm cách bái sư học Y học Cổ truyền. Nhờ y thuật tinh thông cho nên chỉ mới ngoài hai mươi, bà Viên Linh đã đứng vững tại bệnh viện Y học Cổ truyền.

Bà và bố của Lý Khinh Diêu – ông Lý Tây Châu quen nhau tại bệnh viện. Hồi đó, ông Lý Tây Châu là một cảnh sát hình sự trẻ vừa mới đi làm chưa được bao lâu, bị thương trong một lần làm nhiệm vụ. Sau khi điều trị Tây y, gia đình ông lại tìm đến Y học cổ truyền, cũng tức là thầy của bà Viên Linh kê đơn điều dưỡng cơ thể. Một thời gian sau, ông Lý Tây Châu đã chinh phục được trái tim của cô học trò trẻ trung dịu dàng nhất của vị bác sĩ Y học Cổ truyền.

Năm sau cả hai kết hôn và sinh ra Lý Khinh Diêu. Hai người đều bận rộn, được đánh giá là những bậc phụ huynh tiến bộ, thực ra chỉ là không cấm đoán con quá nhiều. Nhưng dù xét về đặc thù nghề nghiệp hay tính cách của mỗi cá nhân, hai vợ chồng đều cực kỳ có trách nhiệm, hiểu lý lẽ và vô cùng chu đáo trong mọi việc. Bà Viên Linh điềm đạm dịu dàng, còn ông Lý Tây Châu cương trực thẳng thắn. Môi trường gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến Lý Khinh Diêu, cho nên từ nhỏ cô đã ngoan ngoãn, chăm chỉ và suy nghĩ chín chắn hơn bạn bè cùng trang lứa. Thế nên thời Trung học, Lý Khinh Diêu đã cởi mở, tự tin và trưởng thành hơn tuổi. Do con gái có những đặc này nên hai vợ chồng rất tôn trọng con gái, luôn lắng nghe ý kiến con và không hoàn toàn xem Lý Khinh Diêu là một đứa trẻ.

Vậy nên, Lý Khinh Diêu sống trên đời hai mươi tư năm, chỉ có bốn năm duy nhất cô lệch khỏi quỹ đạo trưởng thành đó là từ cuối năm lớp Mười hai đến cuối năm thứ ba đại học. Đó cũng là khoảng thời gian bà Viên Linh đau khổ nhất. Mỗi tuần sắc xong thuốc Đông y và kê đơn thuốc Tây chống trầm cảm mang đến cho con gái, nhìn con gái như kẻ vô hồn, lòng bà đau đớn như bị người ta xé nát thành từng mảnh.

Lên năm tư Đại học, bệnh tình của Lý Khinh Diêu thuyên giảm và ngừng dùng thuốc. Vết thương lòng dường như cuối cùng cũng được xoa dịu, các bài kiểm tra tâm lý cũng như chẩn đoán trầm cảm đều cho kết quả bình thường. Cô tìm việc làm, thi công chức, xây dựng các mối quan hệ, đặt ra mục tiêu rõ ràng, làm việc có kế hoạch. Tính cách của cô trông còn cởi mở lạc quan và khôn khéo hơn xưa, dường như đã quay trở con đường đời sáng sủa và đúng đắn.

Sau hơn một năm làm việc tại Sở Công an Tỉnh mà ai ai cũng ngưỡng mộ, Lý Khinh Diêu bất ngờ xin điều đến đội cảnh sát hình sự tuyến đầu, cũng chính là đội hình sự anh trai cô từng làm việc trước khi mất tích và hiện do Trần Phổ phụ trách. Khi cô thông báo quyết định này với bố mẹ, bố Lý im lặng một lát rồi nói: “Còn muốn làm gì thì cứ làm đi.” Còn bà Viên Linh lại có cảm giác mọi chuyện nằm trong dự liệu, nỗi lo âu trong lòng cũng tan biến phần nào.

Linh cảm mách bảo bà Viên Linh con gái đến đó không phải chuyện xấu, nói không chừng sẽ ngày càng tốt hơn.

Bởi vì trong Đội có Trần Phổ. Dù đã nhiều năm không gặp, bà Viên Linh cũng biết Trần Phổ nhất định sẽ bảo vệ con gái bà và cũng là em gái Lý Cẩn Thành. Vậy nên khi bà Viên Linh và học trò Tiểu La ngồi trên ghế băng bên ngoài phòng phẫu thuật khớp nhìn thấy Lý Khinh Diêu và Trần Phổ đi từ đầu hành lang bên kia đến, bà vừa ngạc nhiên vừa có cảm giác như chuyện nằm trong dự kiến.

Xét nghiệm cấp cứu đã hoàn tất nhưng phải mười lăm phút nữa bác sĩ khoa khớp mới đến bó bột cho bà. Thế nên hai thầy trò ngồi chờ ở cuối hành lang vắng người.

Lý Khinh Diêu hỏi: “Mẹ, mẹ có sao không ạ?”

Bà Viên Linh: “Vết thương nhỏ thôi, mẹ đã bảo con đừng đến rồi.” Nhưng ánh mắt bà lại hướng về người đứng sau lưng Lý Khinh Diêu. Vị bác sĩ Y học Cổ truyển điềm tĩnh nho nhã giờ đây lại không kìm được xúc động.

Nhìn thấy mẹ buồn, trong lòng Lý Khinh Diêu cũng rất khó chịu, cô nói: “Khi bố gọi điện, con vừa hoàn thành nhiệm vụ với Trần Phổ, anh ấy biết tin, cũng muốn đến thăm mẹ.”

Bà Viên Linh cắn môi.

Trần Phổ tay xách nách mang, quà cáp đủ thứ. Anh chỉ nhìn bà Viên Linh một cái rồi cúi đầu gọi bà, “Con chào dì Viên ạ.” Anh muốn hỏi han thêm vài câu, nhưng cổ họng như nghẹn lại, không thể thốt ra nửa chữ.

Bà Viên Linh dịu dàng nói: “Chào con. Công việc của con bận rộn như vậy mà còn đến thăm gì. Con đúng là…Lại còn mang theo quà cáp, con khách sáo quá đấy.”

Trần Phổ mỉm cười, giọng hơi khàn, “Con thích thế mà.”

Một câu nói khiến cả bốn người đều bật cười.

Bà Viên Linh thật sự muốn nhìn anh thật kỹ, đây là cậu bạn đã từng học chung và làm việc chung với con trai bà. Bảy năm không gặp, hình như Trần Phổ đã cao hơn rồi, nếu Lý Cẩn Thành không mất tích có lẽ bây giờ còn chẳng cao bằng Trần Phổ. Trần Phổ cũng đen hơn và gầy đi trông thấy. Nét mặt trầm tĩnh, in đậm phong thái lạnh lùng của người cảnh sát lão luyện. Từ chàng trai hoa hòe hoa sói, bề ngoài lạnh lùng bên trong ấm áp ngày nào đã lột xác trở thành người đàn ông chững chạc với những đường nét nam tính.

Nếu Cẩn Thành vẫn còn đây, chắc có lẽ, có lẽ thằng bé cũng giống như Trần Phổ bây giờ nhỉ?

Biết bà Viên Linh đang quan sát mình, Trần Phổ ngẩng đầu đáp lại bà bằng một nụ cười.

Bà Viên Linh mắt đỏ hoen mi. Trong lòng Trần Phổ cũng không khá hơn. Anh tiếp tục đứng bất động tại chỗ, chẳng nói chẳng rằng.

Lý Khinh Diêu đã ngồi xổm bên cạnh bà Viên Linh, cô nhẹ nhàng nâng bàn chân bị thương của bà lên. Tuy chỉ gãy hai xương nhỏ, bó bột là xong, không cần phẫu thuật, nhưng tận mắt nhìn thấy vết thương, Lý Khinh Diêu vẫn thấy đáng sợ. Mu bàn chân của bà Viên Linh sưng to như cái bánh bao, xanh tím, mắt cá chân còn bị trầy xước chảy máu.

Lý Khinh Diêu vừa tức vừa muốn cười, “Mẹ nói đi, xuống cầu thang thế nào mà gãy chân được hay vậy?”

Bà Viên Linh ngao ngán nói: “Lúc đấy mẹ cầm túi châm cứu, đang nghĩ phương án điều trị, bước hụt một bước nên mu bàn chân bị gãy.”

“Hay sau này mình dỡ cầu thang phòng khám của mẹ, lắp một cái cầu tuột xoắn ốc. Khỏi phải nhấc đôi chân quý giá của mình bước từng bước, thì mới an toàn mẹ nhỉ?”

“Mẹ cũng không biết nói sao.”

Trần Phổ nghe mà chỉ muốn cười, anh thật sự cảm thấy mới mẻ. Trước đây anh luôn nghĩ rằng bà Viên Linh ở nhà nói một là một hai là hai, bố Lý và Lý Cẩn Thành luôn ngoan ngoãn trước mặt bà Viên Linh. Không ngờ đạo cao một thước ma cao một trượng, Lý Khinh Diêu lại dám ngang ngược với mẹ mình thế này.

Trần Phổ bỗng dưng cảm thấy những “áp bức” mình chịu đựng dường như chẳng là gì cả.

Đúng lúc này, một y tá cầm tờ đơn bước tới, nói: “Cô Viên Linh đúng không ạ? Phiền người nhà đi thanh toán viện phí, nhận thạch cao và đồ bảo hộ.”

Tiểu La đứng dậy nói: “Để tôi đi.”

Lý Khinh Diêu: “Chúng ta đi chung đi. Trần Phổ, anh ở lại đây với mẹ em đi.”

Trần Phổ nhìn cô, nét mặt cô lạnh nhạt, vẫn không nhìn thẳng vào mắt anh nhưng anh biết cô đang tạo cơ hội để anh trò chuyện với dì Viên.

Trước mặt bà Viên Linh, đương nhiên Trần Phổ phải giữ mặt mũi cho Lý Khinh Diêu, anh cũng không thể để bà Viên Linh phát hiện ra hai người đang cù cưa chiến tranh lạnh. Trần Phổ mỉm cười, nói: “Đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ!”

Lý Khinh Diêu liếc Trần Phổ một cái rồi quay đầu đi mất.

Cử chỉ nhỏ nhặt của hai người lọt hết vào mắt bà Viên Linh. Bà bình tĩnh, nở nụ cười và nói với Trần Phổ: “Trần Phổ, qua đây ngồi với dì.”

Trần Phổ ngoan ngoãn ngồi xuống bên cạnh bà, nhưng vẫn giữ khoảng cách để trách chạm phải bàn chân bị thương của bà. Anh cúi đầu nhìn chân bà rồi nói: “Dì Viên, chân này mà lành thì chắc phải hai ba tháng đấy. Khi nào bó bột xong, dì đừng đi lại nhé.”

Bà Viên Linh nói: “Dì biết. Dì định nằm trên giường bệnh trong phòng khám bắt mạch kê đơn cho bệnh nhân thôi.”

Trần Phổ bật cười, nói: “Dì tận tụy với công việc thật đấy. Con phải học theo dì mới được.”

Bà Viên Linh cũng cười.

Hai người im lặng một lúc. Bảy năm không gặp, Lý Cẩn Thành mất tích không rõ lý do, hai người muốn quay trở lại ngày tháng xưa, trò chuyện như tri kỷ, nhưng đều không biết bắt đầu từ đâu.

Trần Phổ đột nhiên đưa tay ra, “Dì Viên, lâu rồi dì chưa bắt mạch cho con.”

Bà Viên Linh nhoẻn miệng cười, đặt ba ngón tay lên cổ tay anh, tĩnh tâm cảm nhận một lúc rồi lại bảo Trần Phổ thè đầu lưỡi ra, hỏi thói quen sinh hoạt hiện tại cũng như anh có thấy khó chịu ở đâu không.

Trần Phổ nói mình không thấy khó chịu, chỉ là gần đây thường ợ nóng khi ăn uống, dễ cáu gắt, lóe miệng và ngủ không ngon giấc.

Bà Viên Linh suy nghĩ một lát rồi kết luận, “Con vẫn rất khỏe, thể chất của cảnh sát các con tốt hơn rất nhiều người. Chỉ có hai điểm cần lưu ý, thứ nhất…con thường hay thức khuya đúng không?”

“Sao dì biết hay vậy ạ?”

“Thận khí yếu hơn so với bảy năm trước. Người trẻ các con đều thích thức khuya, thức khuya thường xuyên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến mạch thận.”

Trần Phổ muốn giải thích rằng mình thức khuya vì công việc, nhưng có ý nghĩa gì đâu? Chỉ cần đề cập đến vấn đề thận, thì chẳng thằng đàn ông nào muốn nói nhiều cả.

Thấy anh lúng túng, bà Viên Linh bật cười, nói: “Trước đây dì đã nói rồi mà, sức khỏe con tốt hơn rất nhiều người khác, chỉ là hơi giảm sút so với con trước đây thôi. Sau này con cố gắng đừng thức khuay nữa, sức khỏe mới là quan trọng nhất.”

Trần Phổ gật đầu “vâng”, rồi lại hỏi: “Vậy điểm thứ hai là gì ạ?”

Bà Viên Linh nhìn về hướng Lý Khinh Diêu rời đi, nhướng mày hỏi: “Cảnh sát các con áp lực lắm hả? Can khí uất nặng giống Khinh Diêu, nhưng can hỏa của con vượng hơn con bé. Con thường xuyên bị loét hai bên miệng đúng không? Con nên nghĩ thoáng một chút, ngày tháng còn dài, thất tình lục dục là thứ tổn hại con người nhất, dù cơ thể có sắt đá đến đâu, cũng không địch lại được mình tự làm tổn thương mình.”

Trần Phổ im lặng, lại sợ bà phát hiện ra, nên cúi đầu nói: “Dì nói đúng ạ.”

—Hết chương 90—
— QUẢNG CÁO —