Đông A Nông Sự

Chương 24: Lê Phủ 1





Bách mới đặt chân lên bến đã bị cuốn hút bởi vẻ phồn hoa của kinh thành.

Từ bến Đông Bộ Đầu sẽ tiếp giáp với cửa Tường Phủ [1] của hoàng thành.

Phía đông hoàng thành chính là khu buôn bán lớn nhất thời bấy giờ, tất cả gồm 61 phường tả hữu hai bên hoàng thành.

Nhộn nhịp nhất là những phường Bố Cái, Phụng Nhật, Tây Nhai ...!Nhà họ Đinh nằm trên phường Phụng Nhật thuộc Phụng Thiên phủ, nơi chuyên buôn bán và cung cấp dược liệu, gia vị ...!Nhà Lê Văn Hưu thì lại ở phường Tây Nhai ở phía tây hoàng thành.

Đây là khu tập trung của quan lại và văn nhân.

Bên này gần với Viện Quốc Học, chùa Diên Hựu, mang hơi thở tri thức nhiều hơn khu buôn bán phía đông kinh thành.
Đoàn người tới phường Phụng Nhật, vào nghỉ ngơi và chuyển một số đồ đạc vào nhà họ Đinh ở kinh thành.

Sau đó vòng qua Cửa Đại Hưng [2] để sang phường Tây Nhai.

Lê phủ ở bên này, rộng cỡ hơn nghìn mét vuông.

Trước cửa phủ có đôi nghê đá lớn, rất uy nghi.

Lê Văn Hưu làm quan trong triều đã lâu, gia đình lại là bậc thư hương nên có căn cơ rất tốt.

Đến cửa thì Đỗ lão thái thái đã đứng chờ, bên cạnh là Lê Văn Hưu và một cô gái.

Bách vừa xuống xe thì thấy một bóng áo trắng ập đến.

Quỳ xuống khóc trước Đinh Bản:

- Tiểu nữ bất hiếu! Khiến cha phải vất vả rồi.
- Con gái đứng lên đi
Đinh lão run run, đỡ con gái dậy rồi ngắm nghía một hồi, lấy khăn lau nước mắt cho con thì nghe có tiếng nói vui vẻ:
- Không gầy đi cân nào đâu mà lo.

Tiểu Bản ngươi cùng không mất đi cái tính chi li.
Đinh Bản nghe thế ngượng ngùng buông con gái, đi lại vái chào:
- Tiểu đệ tham kiến sư tỷ.

Sư tỷ mấy năm không gặp mà không già đi, đệ lấy làm vui lắm.
Bách quan sát Đỗ lão thái, thấy bà lão tóc bạc như cước, tuy đã lớn tuổi nhưng mỗi cái nhấc tay toát lên vẻ quý phái.

Phải là người sinh trưởng trong gia đình gia giáo, được giáo dục tốt mới có được phong thái này.

Đôi mắt bà tuy đã nhiều nếp nhăn xung quanh nhưng đôi lúc trong mắt vẫn ánh lên tia sắc sảo.

Có lẽ khi còn trẻ cũng là bậc anh thư.

Bên cạnh thì Đinh Tú đã định thần lại, nép vào bên cha.

Nàng năm nay 18 tuổi.

Có lẽ kế thừa hết gen tốt của mẹ, sự thông minh của cha, xinh đẹp động lòng người.

Hàng mi cong vút, mắt to, thân hình đang đúng độ thanh xuân của thiếu nữ.

Thêm một chút thì béo mà bớt một chút thì gầy.

Đặc biệt vừa mới xúc động, đôi mắt ướt còn đọng ở quầng mi.

Không khác gì dương liễu bên hồ khi sương sớm.

Bách thất thần nhìn nàng thì bị khều vào tay:
- Không cho nhìn cô cô ta như thế!
Đinh Đang đanh đá nhìn Bách, bên cạnh Đinh Nhu cười hềnh hệch, có lẽ đang nghĩ cách kiếm lợi.

Hắn quá quen với điều này, ở Thậm Thình hắn vì có người cô cô này mà được ăn nhiều quả ngọt.

Thanh niên quanh vùng nịnh hót hắn chỉ để có cơ hội nhìn Đinh Tú một cái cũng không phải một hai lần.

Có tên ngu đần còn đổi con gà chọi quý cho hắn chỉ để có cơ hội được dẫn đến chào hỏi cô cô.

Nhưng quà thì vẫn nhận, dẫn thì vẫn dẫn đến, còn cô cô có chào hay không thì không phải việc của Đinh Nhu.
Lúc này Đỗ lão thái đang ôn tồn nói:
- Hai chúng ta thấm thoát đã già rồi, đệ còn nói thế là ta thành lão quái vật đấy.

Nhìn thấy đệ ta lại nhớ lại thời niên thiếu ở quê nhà, cùng nhau học tập, thật là vui vẻ.


Bây giờ nhìn lũ trẻ lớn dần lên, trưởng thành hơn, rồi nhìn quốc gia đổi mới.

Lại nghĩ cảnh Lý triều khi xưa mà cảm thán.

Đệ không có số làm quan, nếu không thì hai nhà ta như cây liền cành, trong triều có thể giúp nhau lúc khó khăn, ta vẫn lấy làm tiếc lắm.
- Đệ xấu hổ với sư phụ, với sư tỷ, đến nay nhắc lại cũng dám gặp lại đồng môn.
- Thôi vào nhà đi, hôm nay ta cùng đệ phải nói chuyện cho thoả thích.

Già rồi! cũng chả còn biết có lần nào gặp lại được nữa không?
- Xin nghe lời sư tỷ!
Bách cùng Đinh Nhu và Đinh Đang theo lão Đinh vào Lê phủ, Phủ đệ này giống với lối kiến trúc nhà Đinh gia, có điều xa hoa hơn nhiều.

Tiền viện là nơi tiếp khách, hậu viện là chỗ nghỉ ngơi, còn có hoa viên trong phủ.

Dù sao Lê Văn Hưu hiện nay cũng là Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám.

Đây là chức quan chánh tứ phẩm, vô cùng hiển hách thời bấy giờ.

Lê Phủ cũng ở cùng dãy phố với các quan lại khác, đa số là các quan lại tam tứ phẩm.

Các quan nhất, nhị phẩm đương triều thì thường có phủ đệ rất lớn kèm đất phong ở nơi khác.

Địa vị của họ không thể so sánh được.

Triều Trần có lệ tin dùng con em trong họ, phải đến năm năm Thiệu Long 10 (1267) bọn Đặng Kế, Đỗ Quốc Tá được bổ làm tả hữu trung thư lệnh, đều là nho sĩ văn học.

Bắt đầu từ đây, văn sĩ mới được giữ quyền bính trong triều đình.
Vào đại sảnh thì Đinh lão ngồi hầu truyện Đỗ lão thái, Đinh Nhu đưa Đinh Đang đi về phòng nghỉ còn Lê Văn Hưu dẫn Bách và Đinh Nhu ra hậu viện.

Lê Văn Hưu dặn dò gia nhân trong phủ chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho hai người, lại chuẩn bị bày tiệc tẩy trần.

Nhà họ Lê nhân số không nhiều, Lê Văn Hưu chỉ có một mình do cha mất sớm, mẹ goá con côi nuôi nhau ăn học thành người.


Lê phủ phòng ốc rộng rãi, đúng là có thêm người Đinh gia vào ở thì nhộn nhịp hẳn lên.

Hoa viên nhà họ Lê cũng thật là đẹp đẽ, thiết kế vườn cây ao cá đâu ra đấy.

Trong vườn cau trầu, hoa lá rất nhiều, lại còn rất nhiều cây ăn quả: vải, nhãn, bưởi, hồng ...!Bách là gã kỹ sư nông nghiệp mà nhìn còn thích mê.
Chiều xuống Lê gia đãi tiệc tẩy trần.

Tiệc lớn có hai bàn nam nữ, gia chủ ngồi giữa, còn lại khách trái chủ phải.

Đinh lão hôm nay gặp được bạn già, trò truyện với Đỗ lão thái đến lúc này cũng chưa hết chuyện.

Lê Văn Hưu phải nhắc hai người đã đến lúc ăn cơm.

Bách cũng theo thứ tự ngồi xuống cùng Đinh lão và Đinh Nhu.

Bên kia Đinh Tú dẫn Đinh Đang ngồi cùng lão thái thái và phu nhân của Lê Văn Hưu.

Tiệc còn có cậu mợ của Lê Văn Hưu, gọi Đỗ lão thái là tỷ tỷ.

Không khi cũng rất vui vẻ.

Tuy ngồi hai bàn nhưng cũng gần nhau, việc sắp xếp này chỉ nhằm phân biệt nam nữ.

Hai bàn tiệc cũng không có ngăn cách gì cả.
[1] Phía đông thành, gân Ô Quan Chưởng
[2] Phía Nam thành, Cửa Nam hiện nay