Đông A Nông Sự

Chương 57: Phủ Thái Sư 1





Mọi người lục tục kéo ra ngoài.

Ra đến cửa cung bỗng thấy một người, chẳng phải Thái Đường đây sao? Nàng chỉ tay vào Bách, mắt rưng rưng:
- Tên khốn, ngươi lừa ta.
- Đã bảo không được gọi là tên khốn nữa, mà ta lừa cô cái gì?
- Ngươi nói ngươi ở Lê phủ nhưng ta đến tìm không có.
- Ta chỉ ở tạm nhà Lê đại nhân thôi, đã chuyển sang nhà sư phụ ta ở rồi.
- Vậy giờ ngươi ở đâu?
- Ta ở cùng sư phụ là Đinh gia ở phố thuốc Bắc.
- Vậy ở đó chờ ta đến thăm ngươi.
- Ngươi đến làm gì?
Bách giật mình hỏi, thầm cảnh giác.

Lại thấy nàng nhìn mình, mắt chớp chớp:
- Không có việc gì không được gặp chàng sao?
- Thôi bỏ mẹ rồi, gặp yêu nhân.
Hắn chạy luôn ra khỏi cung, lên ngựa định chạy.

Đằng sau Thái Đường cười mỉm: “Đã biết địa chỉ tường tận, chàng còn muốn chạy sao?”
Hắn định về Đinh gia thì thấy kiệu của Trần Thủ Độ đợi sẵn, Trần Thủ Độ nói:
- Ta muốn mời Minh Tự đến phủ có chuyện cần bàn, chẳng hay Minh Tự có bằng lòng hay không?
- Không dám, tiểu nhân xin nghe lời Thái sư.
- Vậy mời Minh Tự.
Ra cửa cung, có kiệu lớn đưa Trần Thủ Độ về phủ, Bách cưỡi ngựa theo sau.

Hắn lần đầu được cưỡi ngựa nhưng thực ra chỉ trèo lên con ngựa, rồi có người dắt đi, thầm nghĩ sau này phải học mới được nhưng sau phải nghĩ lại.

Cưỡi ngựa đúng là không dễ chịu, đi đoạn đường ngắn mà bắp đùi đau nhức.


Hắn còn chả để ý đến đường đi mà chỉ mong được xuống ngựa đi cho bớt khổ.
Vương phủ của Trần Thủ Độ rất gần hoàng cung, bề thế còn hơn Chiêu Minh Vương phủ.

Đôi sư tử đá cũng lớn hơn, cái mồm há ra như hai cái chậu, trông chết khiếp lên được.

Vào sảnh đường, Trần Thủ Độ ngồi ghế chủ nhà lót đệm nhung, lại trỏ tay mời Bách ngồi.

Bọn gia nhân dâng trà thơm lên.

Trần Thủ Độ mời Bách:
- Mời Minh Tự uống trà!
- Mời Thái sư.
Nói đoạn nâng chén, lại liếc thấy Trần Thủ Độ ánh mắt thâm thuý nhìn mình.

Vừa buông chén thì hắn quát:
- Tống nhân to gan, dám sang nước ta làm loạn! Người đâu mang tên gian xảo này ra chém cho ta.
Bách giật mình, tròn mắt nhìn hai gia đinh to lớn lao tới, hai tay xốc nách mình lôi đi.

Thôi toi, con cáo già này nghi ngờ mình rồi.

Đoạn hỏi:
- Ta làm gì mà lão bắt ta.
- Ngươi còn chối cãi.

Ta đã cho người về tận làng Thậm Thình điều tra.

Ngươi chính là Tống nhân, lại còn nguỵ biện, chém hắn cho ta.
Hai tên gia nhân lại xốc nách kéo Bách đi.

ĐCM! Đúng là quên không nghĩ ra, triều Trần có lão tặc này, lão giết người như nghoé, có bao giờ gớm tay đâu.

Ta quá chủ quan, hai vua Trần là người nhân nên không lạm sát người vô tội.

Quang Khải và Quốc Tuấn còn quá trẻ chưa nhìn ra vấn đề, nhưng còn lão cáo già này.

Hắn thấy ta ăn nói lạ kỳ, lại hay đề ra cách làm mới, sao chẳng sinh nghi.

Phong cách của lão là giết nhầm hơn bỏ sót.

Nhưng CMN nghi ta thì được nhưng sao nói ta người Tống.

Chả lẽ ta xuyên việt về đây lại chết lãng nhách như vậy sao.

Bách xoay chuyển ý nghĩ, quát lên:
- Trần An Bang! Lão thất phu, ngươi khinh người quá đáng, nói ta là người Tống có chứng cứ gì?
Trần Thủ Độ giật mình.

Lão vốn tên Trần An Bang còn Thủ Độ là biểu tự, chỉ rất ít người trong họ Trần mới biết điều này, lớp hậu sinh sau này đến như Quang Khải, Quốc Tuấn, cũng chỉ gọi lão là thượng phụ.

Tên này làm sao biết được:
- Dừng lại đã! Các ngươi đưa hắn quay lại.


Tiểu tử kia, sao biết tên ta?
- Sư phụ ta khi đi có dặn, An Nam có tên An Bang nhưng là loại hại nước, không được đến gần nửa bước.

Ta không nghe lời thầy nên mới gặp hoạ của lão thất phu ngươi.
- Sư phụ ngươi tên gì?
- Phàm phu như lão sao biết sư phụ ta.

Nói cho lão biết gốc tích nhà lão sư phụ ta tỏ như lòng bàn tay.

Lão là người Mân di cư đến Đại Việt, đời đời đánh cá.

CMN có cái gì vẻ vang mà dám chê ta là người Tống.

Lão mới chính là Tống nhân, lại còn là Ngư Nhân: cá chép, cá dưa, cá leo, cá ngừ, cá lành canh [1] … Bách tức giận chửi một hồi dài.
Đến nước này lão sao không biết, đúng là người này tỏ tường gốc tích nhà lão, những người biết việc này không nhiều.

Nhà Trần mới lập nước, để đoàn kết dân tộc nên luôn giấu nhẹm nguồn gốc của mình.

Người này nắm thóp lão như vậy, cần tra hỏi lại.

Ngỗ nhỡ việc này có kẻ đồn đoán ra ngoài thì đế nghiệp nhà Trần lung lay mất.

Vội doạ:
- Tiểu tử giỏi lắm! Dám chửi ta sao, mau khai chỗ sư phụ ngươi ra nếu không thì tan xương nát thịt.
- Còn doạ ta, cho lão biết, sư phụ ta nếu biết lão hại ta thì lão chết chắc, không những lão mà cả họ nhà lão cũng lâm nguy.

Ta vốn là người ưu quốc, là người Đại Việt chính gốc, người không phạm ta thì ta không phạm người, nhưng với thủ đoạn của lão thất phu ngươi, không thể không độc được.

Ta có trăm cách làm cho họ Trần nhà ngươi thân bại danh liệt.
- Người là người Đại Việt?
- Ta là người Đại Việt còn hơn cả họ Trần nhà lão.
Trần Thủ Độ biết người này cứng không được, lão lại không có cái gan đánh cược, nếu giết hắn mà ngộ nhỡ sư phụ hắn thần thông như thế thật, thì cơ nghiệp nhà Trần hỏng mất.

Tâm lý con người luôn rất lạ.

Nếu lão còn là tên Điện Tiền Chỉ Huy Sứ 30 tuổi khi xưa, có gan lập mưu đưa cháu đến hầu Chiêu Hoàng, hoặc giả là Quốc Thượng Phụ 34 tuổi, có gan giết cả nhà họ Lý thì hôm nay lão xá gì tên nhãi miệng còn hôi sữa này.

Nhưng lão già rồi, mà già thì nghĩ chuyện xa xôi, lão đi sai một bước thì cơ nghiệp bấy lão dầy công gầy dựng đổ sông đổ bể.


Lão dịu giọng:
- Ngươi là người Đại Việt là được rồi.

Ta sai thám tử quân Thánh Dực về Thậm Thình, chỉ tra được ngươi như từ trên trời rơi xuống, mọi manh mối đều không có nên thử lòng ngươi thôi.

Ta đến bước này, sợ nhất hoàng tộc ta gầy dựng bị uy hiếp, nhưng nghi ngờ thì nghi ngờ người ngoại tộc.

Vừa rồi hiểm nghèo như vậy nhưng ngươi vẫn nhận mình là người Đại Việt, ta tin không người Đại Việt nào làm hại quốc gia mình.

Vả chăng ngươi nắm giữ bí mật to lớn thế nhưng không hé răng, cũng là người trung nghĩa rồi.
“Lão hồ ly này thật thật giả giả, cảnh giác là hơn”:
- Vậy lão muốn gì?
- Muốn gì ư? Ta thật muốn giết ngươi, nhưng ta và ngươi đều là người thông minh, tại sao không thế giết ngươi chắc ngươi hiểu rõ.

Vậy chi bằng như lời ngươi nói, người không phạm ta thì ta không phạm người.
- Vậy được, nhưng lão có vẻ thiển cận rồi.

Lão nghĩ xem, ta nếu có mưu đồ, với những thứ ta vừa đem hiến cho triều đình, nếu ta hiến cho người Nguyên, lão bảo có giá trị hơn không?
[1] Tổ họ Trần vốn tên là Chép, được phiên âm là "Lý".

Con ông là Trần Thừa vốn có tên là Dưa (cá dưa).

Hai con trai Trần Thừa vốn có tên là Leo (cá leo), được phiên theo chữ Hán là Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn), người con thứ hai có tên là Lành Canh (cá lành canh), phiên sang chữ Cảnh.

Trần Thị Dung cũng vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), khi làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi gọi là Dung.

Về sau dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".