Bách tập trung ba mươi thanh niên có vẻ sáng sủa nhất.
Bắt đầu lên lớp những thứ cơ bản nhất về nông nghiệp.
Bọn này thấy Hầu gia trực tiếp dạy chúng.
Lại làm một cái tường đá ong, mài nhẵn, bắt bọn chúng lấy nõn chuối đánh nhọ nồi cho bức tường đen kịt.
Lấy một viên màu trắng, viết lên tường thì phục lắm.
Đứa nào cũng xin một viên.
Thứ phấn này là Bách sai mấy tay thợ công bộ làm ra.
Nung từ vôi bột và thạch cao.
Không tốt bằng phấn thời sau, khi viết bột phấn tán loạn nhưng cũng đủ dùng.
Việc dạy học với hắn là nghề nghiệp, thuận lý thành chương mà làm thôi.
Lại nói ngành nông nghiệp là ngành đặc thù, chuyên tiếp xúc với nông dân.
Việc truyền đạt kiến thức cho người nông dân khác hẳn với dạy cho học sinh.
Đa số nông dân là người lớn tuổi, lại đã có sơ sơ kinh nghiệm sản xuất.
Muốn họ làm theo những gì mình hướng dẫn, cần phải có phương pháp chứ không thể áp đặt.
Khi xưa hắn học đúng ngành này nên có kinh nghiệm truyền đạt hơn người khác.
Hắn dạy bọn chúng đầu tiên là kiến thức tự nhiên về cây trồng.
Luôn lấy ví dụ và sự so sánh làm đầu.
Chỉ một lúc là bọn chúng nghe như si như say.
- Tại sao có câu “Chiêm cập cợi, mùa đợi nhau” các ngươi có biết không?
- Thưa hầu gia, vì lúa Chiêm chín không đồng loạt, trên cánh đồng chỗ đã chín, chỗ lúa còn xanh.
Còn lúa mùa luôn chín cùng nhau, không bao giờ sai lệch.
- Đúng thế! Lúa chiêm là loại giống lúa đặc biệt, cứ tích luỹ đủ nhiệt độ là sẽ trỗ bông và chín.
Chính vì thế nếu các ngươi cấy sớm nó sẽ trỗ sớm, cấy muộn nó sẽ trỗ muộn.
Còn lúa mùa thì hoàn toàn khác, nó cảm ứng với ánh sáng, cứ đến tiết Hàn Lộ sẽ trỗ bông, bất biết các ngươi trồng lúc nào.
- Hầu gia nói thật chứ? Vậy chúng ta sao không trồng lúa mùa muộn, chẳng phải vẫn được thu sao?
- Ngu ngốc, việc trỗ và chín đâu liên quan đến việc được thu.
Nếu các ngươi trồng quá muộn, đến tiết Hàn Lộ, cây không kịp sinh trưởng, trỗ bông nhưng bông lúa lép hết.
Mọi người cười rộ!
- Ta nói điều này để lưu ý các ngươi về thời vụ.
Mỗi giống lúa có một thời gian sinh trưởng lý tưởng, các giống cũ của chúng ta trồng có thể từ 150 – 180 ngày.
Các ngươi khi canh tác cần lưu ý.
Lúa Chiêm thì trừ lùi từ ngày thu đi khoảng đấy thời gian mà tính ngày gieo và cấy.
Còn lúa mùa cứ đơn giản trừ từ tiết Hàn Lộ là sẽ ra được ngày cấy.
- Nhưng ta đang có một giống lúa mới, có thể trồng được cả hai vụ, thời gian ngắn hơn chỉ 120 – 130 ngày.
Lại có năng suất cao hơn nhiều giống lúa cũ.
Sang năm sẽ đem về đây một ít.
Tất cả xôn xao, nhưng lại có một đứa, mặt mày sáng sủa, chừng 18 – 20 đứng lên.
- Nhưng thưa Hầu gia, nông lịch được triều đình đưa xuống, thường rất chậm trễ.
Nhiều khi không chủ động được mùa vụ.
Theo lời hầu gia nói thì thời vụ quan trọng, nhưng nếu ngay cả ngày tháng cũng không biết thì làm sao đây.
- Hỏi hay lắm! ngươi tên gì?
- Tiểu nhân tên là A Quý.
- Tốt lắm A Quý, ngươi nói đúng trọng tâm.
Đại Việt chúng ta bao đời nay canh tác đình trệ, không phát triển được vì thiếu nhiều kiến thức cơ bản mà chỉ dựa vào kinh nghiệm.
Một trong những kiến thức cơ bản thiếu nhất chính là cách tính toán lịch pháp dựa theo thiên văn.
- Cái này ta không thể dạy các ngươi một cách chi tiết được vì liên quan nhiều đến toán học.
Nhưng các ngươi hiểu nôm na là một năm sẽ có 365 và ¼ ngày, chính vì vậy cứ 4 năm chúng ta phải bù vào một ngày cho đủ số.
Số ngày này chia ra thành 24 tiết khí trong năm, mỗi tiết khí khoảng từ 14 – 16 ngày.
Ta chắc chắn rằng từ nay lịch pháp sẽ được công khai, các ngươi chỉ cần nhớ tiết khí nào làm việc gì là được.
Rõ chưa A Quý.
- Đã rõ thưa Hầu gia.
Nếu được thế thì chúng tiểu nhân cam đoan trồng cấy đúng thời vụ.
- Ta dạy các ngươi bài thơ, nhớ cho kỹ.
Đoạn hắn chắp tay ra sau, tỏ vẻ cao nhân ngâm:
- “Lập xuân, Vũ thủy bâng khuâng
Chợt Kinh trập suốt, Xuân phân phai tàn
Thanh minh, Cốc vũ cho toan
Vấn vương Lập hạ bẽ bàng vơi nay
Véo von Tiểu mãn xem hay
Phân Mang chủng thoắt đâu đây vội vàng
Còn nguyên Hạ chí chả càng
Xưa nay Tiểu thử nhỡ nhàng tươm ngay
Lập thu, Đại thử ngất ngây
Bây giờ Xử thử có đầy đặn an
Thu phân, Bạch lộ bàng hoàng
Gã hành khất lạnh ngắt Hàn lộ xoay
Chùi Sương giáng phải lung lay
Lập đông ôi vực thẳm vây quanh xoàng
Dang bang Tiểu tuyết tan hoang
Lỡ làng Đại tuyết mịn màng khéo thay
Mong Đông chí, Tiểu hàn này
Đại hàn tình sáng ngời đây thoáng nồng
Tháng hai thay đổi mỗi không
Một chênh lệch tối đa bồng hoặc hai
Hai mươi mốt nửa trong phai
Hai mươi ba nửa cuối ngoài năm trong”.
Hắn đọc xong, lại bắt bọn chúng nhập tâm ghi nhớ:
- Bài thơ này phải nhớ nằm lòng, từ câu thứ 1-18 chỉ 24 tiết khí theo mùa.
Câu thứ 19 -22 là cách tính cho 2 tiết mỗi tháng.
Nước ta khí hậu nóng bức nên hai tiết Đại tuyết, Tiểu tuyết trên thực tế làm gì có tuyết, các ngươi nhớ lấy là được …
Bọn này nghe những kiến thức mới mẻ, lại có thể ứng dụng ngay, hào hứng lắm, đứa nào cũng có thắc mắc về những việc liên quan đến canh nông.
Có sự mạnh dạn là đua nhau hỏi, Bách phải dừng chúng lại, nói cho chúng biết những câu hỏi phải theo chủ đề nhất định.
Hôm nay chỉ học về trồng lúa.
Những việc khác buổi học thích hợp sẽ trả lời.
|Lâu lắm mới dạy học, thật mệt chết người mà”.
Hắn dạy học được chục hôm thì dừng lại.
Giao cho chúng một bài tập, đi khảo sát giống cây trồng của toàn bộ vùng xung quanh.
Miễn là cây trồng sử dụng được phải tìm cách lấy mẫu mang về, hỏi kỹ đặc điểm cây trồng, vẽ hình cẩn thận.
Lại phát cho mỗi đứa dăm ba tờ giấy, dạy chúng đốt thân cây dâm bụt làm chì vẽ, tiếc là không đứa nào biết chữ mới khổ.
Bách cho mỗi đứa một túi gạo, lệnh nửa tháng sau quay lại, những điều học được phải tự nhớ để sau này trình bày.