Đông Phương Thần Thám

Chương 203: Cuộc gặp gỡ bất ngờ ở đảo khỉ (1)



Đảo Khỉ là một hòn đảo thiên nhiên, trên đó có mấy nghìn con khỉ sinh trưởng tự nhiên; nó nằm ở vùng ngoại thành của thành phố, nơi đây có cáp treo vượt biển dài nhất thế giới, cả hệ thống cáp treo dài hơn 3000 mét, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, vừa là địa điểm du lịch cấp 5A.

Lần này, Liễu Tiểu Quyền không muốn dẫn em gái theo, anh ta muốn một mình cùng Thẩm Minh Nguyệt đi chơi một ngày, trẻ con sẽ trở thành kỳ đà cản mũi, huống chi anh ta còn phải chăm sóc cho nữ thần của mình, đâu có rảnh để trông chừng Liễu Nhứ Nhi vốn luôn lí la lí lắc, khó kiểm soát hơn cả khỉ con trên đảo này chứ.

Nhưng điều khiến anh ta câm nín chính là, hôm nay cha mẹ cũng muốn tới đảo Khỉ với anh ta.

Ý định bất chợt này của cha mẹ khiến anh ta khó hiểu, trong trí nhớ của anh ta, chuyện này chưa từng xảy ra đã rất nhiều năm rồi.

Mãi tới khi thấy được ánh mắt tinh ranh của em gái, anh ta mới bừng tỉnh, chuyện này không thể nào thay đổi được nữa; anh ta thở dài nói, được rồi, cha mẹ đi theo cũng được, nhưng hai người phải phụ trách trông Nhứ Nhi, con còn phải ôn chuyện với bạn học nữa.

Ba người kia không phản đối gì cả, ý kiến của anh ta cũng hợp lý, chỉ có mẹ là không quên lải nhải thêm một câu: “Con đừng có chơi đùa quá mức! Rảnh rỗi thì nhớ đến chụp hình với cha mẹ một tấm đấy.”

Liễu Tiểu Quyền bất đắc dĩ gật đầu đồng ý, đi ra ngoài chơi với bạn họ mà còn dẫn cha mẹ theo, đây rốt cuộc là chuyện gì thế.

Nhưng mà anh ta lập tức vui vẻ trở lại, bởi vì Thẩm Minh Nguyệt gọi điện tới hỏi anh ta gặp nhau ở đâu.

Liễu Tiểu Quyền hiếm khi bình tĩnh suy nghĩ một lát rồi mới nói: “Chúng ta gặp nhau ở miếu Thiên Mã đi, giao thông ở chỗ đó khá thuận tiện.”

Lúc này, anh ta đã quyết định, tuy là cả nhà cùng đi du lịch nhưng tốt nhất vẫn là mạnh ai nấy đi.

***

Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới quả nhiên là danh bất hư truyền.

Người đến đảo Khỉ du lịch, ngoại trừ xem khỉ hoang ra thì mục đích lớn nhất là muốn thử trải nghiệm cảm giác kỳ diệu khi đi cáp treo vượt biển này.

Có điều, cả hệ thống cáp treo lớn như vậy thật ra lại chỉ có hai cái, một cái đi lên một cái đi xuống, nhưng mỗi một cabin cáp treo lại có tận mấy chục khoang chứa, mỗi một khoang có thể chứa tới bốn người, hai người ngồi đối diện nhau. Nói thật, rất nhiều người tới đây đều đi cáp treo, gần như mỗi một ngọn núi cao hay các khu thắng cảnh cao hơn mặt biển đều sẽ xây dựng trạm cáp treo, người bán vé cũng cố gắng chào hàng vé cáp treo cho họ, giá cả tất nhiên sẽ không rẻ; ngoại trừ một số người leo núi rèn luyện thân thể ra thì hầu hết mọi người đều chọn cách này để đi.

Nhưng đảo Khỉ vốn chỉ có một cách duy nhất này để lên đảo, tất cả mọi người nhất định phải mua vé cáp treo giá 130 đồng, không có bất kỳ ưu đãi nào, bởi vì đảo Khỉ là một hòn đảo thật sự, không có bất kỳ một phương tiện nào khác để về Trung Quốc. Có lẽ mọi người sẽ hỏi, không có thuyền sao? Đúng vậy, không thể dùng thuyền rồi trèo lên vách núi cheo leo để lên đảo Khỉ được.

Mặc dù không có thuyền nhưng trên mặt biển vẫn có khá nhiều bè nuôi cá biển nối tiếp nhau không ngớt. Cái gì gọi là bè nuôi cá biển? Có lẽ có vài người đã từng thấy, cũng có vài người vẫn chưa biết gì về nó, thật ra lưới bè nuôi cá biển vốn được làm từ bọt biển, túi lưới và vài tấm gỗ đơn giản tạo thành một cái lồng nuôi trồng hải sản trên biển: các ngư dân dùng những thứ này quây thành một cái lồng lưới khoảng năm, sáu mét vuông, mấy chục cái lồng lưới nối liền với nhau gọi là bè nuôi cá; lưới trong lồng có thể nuôi cá biển, cua, tôm biển, bào ngư, nhím biển, đủ các loại hải sản tươi sống, gần như có thể nói là dựa vào dòng nước mà nuôi thả.

Sở dĩ được gọi là bè nuôi cá biển, còn có một nguyên nhân quan trọng khác: đó chính là có thể lấy nguyên liệu ngay tại chỗ, vớt lên ăn ngay; đối với người thành phố mà nói, yêu cầu về nguyên liệu nấu ăn tươi mới vô cùng quan trọng, hải sản tươi mới có thể đốt trắng*, hấp, kho, thậm chí vừa vớt ra khỏi nước đã có thể ăn được ngay; tất nhiên là nấu thành cháo hải sản cũng ngon miệng vô cùng.

* Một trong những kỹ thuật nấu ăn phổ biến trong ẩm thực Quảng Đông, là đun sôi xúp hoặc nước và chần các nguyên liệu cho đến khi chúng được nấu chín và vớt ra. Đây được gọi là “đốt”, vì không có gia vị màu nào được thêm vào xúp. Sau khi đốt, các nguyên liệu sẽ trở thành gia vị. Các đặc điểm của ẩm thực “đốt cháy” này là: màu sắc trang nhã, sắc nét và dịu dàng, và hương vị khác nhau. Để chế biến các món ăn trắng chất lượng cao, phải nắm vững ba yếu tố, đó là nguyên liệu thô phải được xử lý đúng cách trước phương pháp đốt trắng, phương pháp đốt trắng phải phù hợp và nguyên liệu thô phải được làm chính xác.

Vì vậy bè nuôi cá biển chính là lồng nuôi trồng hải sản trên biển kết hợp với quán cơm trên biển.

Hành trình cuối cùng của nhóm Liễu Tiểu Quyền lần này chính là đến bè nuôi trông hải sản để ăn hải sản tươi, nhưng bây giờ, kế hoạch tham quan đảo Khỉ chỉ mới bắt đầu, bọn họ còn đang đứng xếp hàng lên cáp treo.