Đông Phương Thần Thám

Chương 5: Một trò cười



Vụ án Mạnh Tiêu mất tích chính thức bị hủy bỏ.

Viện nghiên cứu dùng hình thức gửi công văn chính thức xin hủy bỏ vụ án.

Hứa Kinh Nam thất vọng ngồi trên bàn làm việc, ngơ ngác nhìn máy tính trước mặt. Tất cả mọi thứ đều đã kết thúc, nguyên nhân như ảo tưởng, tan biến như bọt xà phòng, giấc mộng thám tử của cậu pháp y nhỏ bé cứ thế biến mất, cứ thế theo người mất tích tự trở về mà bị lãng quên.

Tiếng chửi rủa của đồn trưởng không ngừng kích thích thần kinh anh, tuy rằng đồn trưởng chẳng qua chỉ than thở vì bị trễ nải bao chuyện, càu nhàu oán giận một trận mà thôi.

Thì ra những suy luận nhìn như hợp lý kia đều chỉ là phán đoán, những lý luận kia căn bản đều không thể dùng được, bây giờ ngay cả những điều kiện trước đó tất nhiên cũng xem như chưa có.

Anh oán hận nhấn chuột gõ bàn phím, vì ham muốn hư danh của bản thân mà thấy xấu hổ, vì kiến thức nông cạn của bản thân mà thấy hối hận, lại càng vì cảm giác tự cho là đúng mà đau khổ. Đúng vậy, một kẻ suýt chút nữa không thể tốt nghiệp như anh sao lại có thể dựa vào cái bánh từ trên trời rớt xuống thế này mà phát tài chứ, đây chẳng phải là nằm mơ giữa ban ngày sao?

Đã hai tiếng trôi qua mà vẫn không có việc gì làm, anh chỉ biết ngồi đó mà ngẩn người. Trong giờ làm việc không được chơi game, nếu không thì anh thật sự rất muốn chơi quét mìn - game kinh điển của Windows.

Chơi tận mười nghìn quả mìn luôn, anh nghĩ.

Điện thoại di động chợt rung lên, anh chậm rãi lấy ra, mất kiên nhẫn mà dùng vân tay mở khóa, thấy có một tin nhắn kỳ lạ, nghi thần nghi quỷ mà Chu Văn Cảng gửi tới: Anh Hứa, em có chuyện quan trọng muốn báo cáo, bây giờ có tiện gặp nhau không?

Hứa Kinh Nam cười lạnh, tùy tay vứt điện thoại xuống cạnh bàn phím. Thằng nhóc họ Chu này thật nhàm chán, chính cậu ta dẫn mình đi sai đường, bây giờ lại muốn làm gì nữa chứ.

Lúc này, anh chỉ muốn được yên lặng thôi, sắp tới giờ tan làm nhưng trong tay vẫn còn một đống việc vặt chưa làm xong, nhưng anh vẫn không muốn làm. Cái cảm giác phấn khởi cực độ nhưng sau đó lại trống rỗng và thất lạc như vậy, không phải ai cũng có thể hiểu được, huống chi anh vừa mới tới đồn cảnh sát này, tạm thời vẫn chưa có người bạn thân nào cả.

Hứa Kinh Nam đột nhiên quyết định đi uống rượu giải sầu.

Tào Tháo nói: Lấy gì giải sầu, duy chỉ có Đỗ Khang*!

* Đây chính là câu được trích trong bài thơ trứ danh “Đoản ca hành” Của Tào Tháo, là bài thơ được sáng tác trong đêm tiệc khao chúng tướng trên thuyền trước trận Xích Bích. Bài thơ thể hiện hùng tâm, tráng chí mong muốn thống nhất Trung Nguyên của Tào Tháo, vừa bi thương lại vừa khảng khái, tỏ nỗi niềm ưu tư vì đại nghiệp chưa thành của người anh hùng khi tuổi đã xế chiều. “Đoản ca hành” Còn là khát vọng chiêu tập hiền tài trong thiên hạ về trợ vai giúp sức gây dựng cơ nghiệp, mang lại ấm no, bình an cho mảnh đất Trung Hoa.

Ở phía Đông Bắc đồn cảnh sát, cách chưa tới năm trăm mét có một con đường ăn uống ngủ nghỉ tên là đường Công Viên, nghe nói là vì nhiều năm trước đây, nó dẫn tới một công viên bỏ hoang. Người dân quanh đây lại thường gọi nó là đường Phân Bò, bởi vì con đường này rộng nên bò thường được chăn thả ở đây, tụm năm tụm ba nghênh ngang đi lại trên đường, không sợ xe cộ, cả người lẫn vật đi xen vào nhau. Bò thì nhất định phải bài tiết, nhưng lại không có khu vực vệ sinh riêng cho bò nên thường thường hay nhìn thấy mấy bãi phân bò trên đường lớn. Tuy định kỳ sẽ có người tới dọn nhưng thứ mùi này vẫn sẽ luôn lưu lại trên đường Công Viên.

Hứa Kinh Nam có chút không chịu được mùi này. Anh tới đây đã hơn nửa năm, tất nhiên đã từng nghe tới nơi này, nhưng trước giờ lại chưa từng tới đây. Bên cạnh đồn có siêu thị, nhà phục vụ, cửa hàng điện thoại di động, tất cả những thứ đó dư sức thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của mình; hơn nữa, tiền lương của cảnh sát tập sự có hạn, không có bạn bè nên cũng không cần phải tới chỗ này, nhưng vừa mới đi vào thì anh lại nhanh chóng phát hiện ra nơi này náo nhiệt hơn hẳn khu chợ bên cạnh viện nghiên cứu. Tuy cả con đường Phân Bò chỉ dài khoảng hai ba trăm mét nhưng cửa hàng hai bên đường mọc san sát nhau, quy hoạch được nghiên cứu rất hợp lý. Không thể không nói, thôn Bố Ân Du đã đầu tư không ít, nếu không có ai nói cho bạn biết đây là đâu, bạn nhất định sẽ cho rằng đây là trấn trên đấy.

Theo anh được biết, người trong thôn Bố Ân Du chỉ khoảng ba bốn nghìn người, con số này đã bao gồm cả người già và trẻ em vào rồi. Rốt cuộc là người nào đã mạnh tay xây dựng cả một con đường khí khái như vậy chứ, theo thói quen, anh lại bắt đầu đặt câu hỏi.

Đường Phân Bò có hai nhà hàng khá lớn, một là nhà hàng Hưng Thịnh, còn lại là nhà hàng Nhạc Lai. Tuy không bằng những nhà hàng hiện đại trong thành phố lớn, nhưng ở làng quê bình thường thế này đã là nhất rồi. Nhà hàng Hưng Thịnh ở ngay đầu đường, sau cửa có một khu nhà độc lập, vừa là bãi đậu xe vừa là công viên nhỏ, người ra vào cũng không nhiều, nhưng hiển nhiên tất cả đều là những nhân vật có địa vị, nhà hàng này bình thường thích treo lồng đèn màu đỏ thẫm, đến tối, cả nhà hàng đều đỏ rực khiến người khác phải trầm trồ. Nhà hàng Nhạc Lai cũng nằm trên đường lớn, xe đậu ngoài cửa nhiều tới mức thường xuyên tắc đường, nhưng bề ngoài nhà hàng lại được trang trí hết sức bình thường, miễn cưỡng chỉ xem là tạm được. Mấy ngày nay, Hứa Kinh Nam đều tới đúng lúc có xe đang đậu, tùy tiện liếc nhìn một cái thì giật mình phát hiện thì ra là một chiếc Audi màu xanh, ở chỗ rẽ còn có một chiếc xe thể thao Ferrari mới tinh. Anh lạnh lùng nhìn về phía cửa nhà hàng, khách hàng đông đúc tấp nập, rất náo nhiệt, nhưng buồn cười là tấm biển trên cửa lại viết mấy chữ bằng đèn neon quê mùa: Nhà hàng hải sản tươi Nhạc Lai.

Không cần phải nói, đây chính là bảng hiệu của nhà hàng.

Thật đáng kinh ngạc, rốt cuộc hải sản ở chỗ này có gì đặc biệt mà lại hấp dẫn nhiều người tới vậy? Anh vốn định vào xem thử nhưng lại thôi, trong túi cũng không còn bao nhiêu.

Trên đường có khoảng hơn mười nhà hàng nhỏ, nhưng hôm nay, anh chỉ muốn vui vẻ uống bia hút thuốc mà thôi, cho nên anh lướt qua hết mấy nhà hàng có điều hòa cửa kính, đi thẳng tới cuối đường. Nơi đó có mấy quán lẩu, khi bước vào thì trong quán đã chật kín người, hầu hết mọi người đều mặc đồng phục công nhân màu xanh. Anh chợt hiểu ra, gần đây chắc chắn có nhà máy, nhưng là nhà máy gì thì anh không biết. Là một nhân viên cảnh sát, thế mà mình lại chẳng cố gắng tìm hiểu dân tình gì cả, nếu không thì sao lại không biết gì hết thế này.

Như vậy cũng hợp lý, thì ra đáp án của rất nhiều nghi vấn đều khá đơn giản, giống như nguồn gốc của con đường xa hoa này vậy, nhiều nhà máy ở Trung Quốc có tận hàng chục nghìn công nhân, vậy thì con đường này có khi còn hơi giản dị quá ấy; thôn Bố Ân Du chủ yếu toàn là công nhân, người địa phương rất ít, anh cảm thấy chuyến đi này cũng không vô ích, nhưng cũng chỉ nghĩ vậy rồi thôi, việc này có liên quan gì tới mình đâu chứ.

Quán lẩu này chuyên bán bao tử lợn nấu gà. Ông chủ không cần lấy thực đơn, trực tiếp hỏi xem muốn mấy cân, có mấy người ăn, đã đặt bàn trước chưa, Hứa Kinh Nam há miệng hồi lâu không trả lời, đâu thể nói đi một mình được, làm vậy thì chắc ông chủ sẽ nghĩ mình dở hơi, liền bịa chuyện, bảo đi ba người. Ông chủ gật đầu, vậy thì nửa cân bao tử lợn là đủ, có gọi thêm cũng ăn không hết, sau đó quay người đi thẳng.

Hứa Kinh Nam chọn bàn nhỏ nhất, có điều lại vừa cho năm, sáu người ngồi. Anh ngồi lẻ loi ở đó với cái bếp trông hơi buồn cười, giữa bàn là một tấm sắt hình tròn, sau đó, anh nhanh chóng hiểu được thì ra đó là chỗ để than của bếp lò, vì ông chủ vừa bưng đồ tới, đồng thời còn đặt một cái nồi vẫn còn tỏa hơi nóng lên.

Hứa Kinh Nam ngạc nhiên nói: “Ông chủ, tôi vừa mới tới mà đã nấu xong rồi à?”

Ông chủ là một người đàn ông trung niên khoảng bốn mươi tuổi mặc đồng phục công nhân màu xanh, xem ra, buổi sáng thì ông ta làm công nhân, buổi tối thì thành ông chủ.

Ông chủ cười khẽ: “Chưa ăn được đâu, tuy đã hâm một lần rồi nhưng vẫn chưa được. Cậu bật lửa lớn một chút, đợi một lát nữa sôi lên là được. Cậu tới đây lần đầu à, cậu cảnh sát?” Ông ta thuận miệng hỏi thêm một câu.

Hứa Kinh Nam giật mình, mình mặc thường phục tới đây, sao ông chủ có thể nhìn ra được chứ.

“Sao bác biết tôi là cảnh sát?”

Ông chủ thật thà cười: “Các cậu thích hỏi câu này thật đấy, cả thôn chỉ có mấy người nên nhìn mãi cũng quen, cậu còn trẻ mà lại cắt tóc húi cua, sao lại nhìn không ra chứ. Có điều, trông cậu lạ mặt quá, mới được điều tới đây à?”

Hứa Kinh Nam không ngờ thân phận của mình lại dễ dàng bị nhìn ra như vậy, anh nhớ thầy đã từng nói, làm cảnh sát thì tốt nhất nên có khuôn mặt đại trà, là cái kiểu mà có đặt giữa một đám đông cũng không ai tìm được, nếu không thì sẽ rất khó trở thành một cảnh sát ưu tú, tất nhiên thì pháp y thì có thể không cần như vậy, anh tự giễu trong lòng.

Chuyện này cũng giống như chuyện hoàng đế không mặc quần áo, hắn cho rằng người khác không thấy mình nhưng thật ra chỉ có mỗi mình hắn là không hay biết gì. Anh phất tay tỏ vẻ đã biết, ông chủ cũng biết lẽ, chỉ hỏi có cần gì nữa không, Hứa Kinh Nam liền gọi thêm ít bia.

Anh đột nhiên nảy ra một ý, hỏi: “Bác còn món nào đặc biệt nữa không?”

Ông chủ nói: “Chỗ chúng tôi còn có món cá lưỡi trâu, nếu chiên thì vừa xốp vừa giòn, cậu có muốn gọi thử một suất không? Nhiều khách thích món này lắm.”

Hứa Kinh Nam gật đầu tỏ vẻ gọi thêm một suất.

Chờ tới khi mở nắp nồi ra, anh mới biết mình sai rồi, cái này mà là nửa cân bao tử lợn sao? Cả một nồi thịt đấy! Thì ra bao tử lợn chỉ là nguyên liệu nấu kèm thôi, trong nồi còn có ít nhất một, hai cân thịt gà nữa. Anh lại nhìn sang đĩa cá lưỡi trâu chiên giòn và mười hai chai bia vừa được bưng lên mà thầm cười khổ, ông chủ, sao ông lại hào phóng đến vậy chứ, cái nào cũng là suất to hết.

Hứa Kinh Nam cảm thấy cảm giác thèm ăn của mình hình như đã bị đánh bay hết rồi.

Chỉ trách mình ra ngoài quá ít, chỉ quen biết mấy người học ngành kỹ thuật, còn sự từng trải trên xã hội lại rất kém, không thích qua lại với người khác, không hiểu sao anh lại vô thức nghĩ tới Chu Văn Cảng và Mạnh Tiêu. Hai người này chẳng phải chỉ biết “cúi đầu kéo xe, không biết ngẩng đầu nhìn đường” hay sao, gây ra cái trò hề này, sao mình lại cho rằng mình mạnh hơn họ chứ, đúng là tự đánh giá mình quá cao rồi.

Xã hội là người thầy tốt nhất, câu này không sai chút nào, vậy sau này phải nghiêm túc học với thầy mới được.

Anh thở dài, không vì chuyện tốn công vô ích mà tức giận nữa, bản thân mình vẫn còn rất non nớt đây này, uống rượu thôi...

“Lạch cạch”, lại một tiếng bật nắp chai lanh lảnh vang lên nhưng lại an ủi được anh, chỉ hớp vài ngụm đã hết chai bia, cả người bắt đầu trở nên khô nóng, mọi tâm sự đều lập tức bị quăng lên chín tầng mây. Rượu bia đúng là thứ tốt mà...

Thật ra thì tuổi trẻ mới thật sự là thứ tốt, nhưng tất nhiên là Hứa Kinh Nam sẽ không nghĩ như vậy, bởi vì anh vẫn còn trẻ.

Anh chỉ biết là bây giờ mình không còn buồn bực nữa.

“Cậu cảnh sát, bạn của cậu tới rồi, họ đứng ở cửa lâu lắm rồi, bảo tôi vào gọi cậu đấy.” Không biết từ khi nào mà ông chủ đã đứng cạnh Hứa Kinh Nam, thấy anh uống bia không ngừng nên nhanh chóng nói.

“Hả?” Sau khi uống tám, chín chai bia, cho dù Hứa Kinh Nam vẫn chưa say nhưng ánh mắt đã bắt đầu trở nên mơ hồ, anh còn cho là mình nghe lầm. “Bạn bè nào cơ? Sao lại không vào?”

Ông chủ cho rằng anh đang nói sảng, mọi người nói xem, cậu cảnh sát này cũng thật kỳ lạ, hai người bạn kia còn chưa tới, anh đã một mình ăn uống thỏa thuê. Ông chủ cũng là người làm việc trong biên chế nên biết rõ mấy vị “thần bảo hộ” này vào quán thế nào cũng lòi ra tật xấu, nhưng cũng may là quan hệ giữa cảnh sát và nhân dân, cảnh sát với công nhân ở thôn Bố Ân Du này trước giờ vẫn luôn hòa thuận.

Ông ta lặp lại, nhưng xem ra đã không còn cần thiết nữa.

Dưới ánh đèn lờ mờ, Hứa Kinh Nam híp mắt nhìn hai người đang đi thẳng về phía mình, một là người đàn ông trung niên đội mũ, vóc người cao to, vẻ mặt lạnh lùng; người còn lại là một cậu thanh niên khá khôi ngô, khóe miệng còn mang theo nụ cười.

Giọng của Hứa Kinh Nam không rõ nhưng lại khá to: “Hai anh là ai?”

Ông chủ bất đắc dĩ cười, quay người đi ra ngoài, người anh em này hôm nay say rồi, người say rất khó hầu hạ, vẫn nên tránh đi thì hơn.

Hứa Kinh Nam cũng cho rằng mình say rồi, thôn Bố Ân Du tuy nhỏ nhưng anh tuyệt đối không quen hai người này, đây không phải là Chu Văn Cảng nho nhã yếu ớt, lại càng không phải bất kỳ đồng nghiệp nào của mình.

“Rốt cuộc hai người tìm ai?” Anh tức giận lớn tiếng nói, hai người kia nếu không phải có việc muốn tìm thì là tới gây sự, dù sao tốt xấu gì thì mình cũng là cảnh sát.

Người trung niên kia nhẹ nhàng bỏ mũ xuống, dưới ánh đèn tối mờ, ánh mắt sắc bén vẫn như một tia chớp xẹt qua khiến Hứa Kinh Nam không hiểu sao lại ngây ngẩn.

Giọng của người đàn ông trung niên không to, giọng điệu cũng rất bình tĩnh.

“Chào cảnh sát Hứa, tôi là Lý Nhất Đình.”

“Hả!!!??” Hứa Kinh Nam vừa mới cầm chai bia lên đã làm rơi xuống bàn tròn, phát ra một tiếng “boong”, bọt bia văng tung tóe hệt như nội tâm đang chấn động của anh vậy.

Hứa Kinh Nam cuối cùng cũng nhìn thấy rõ khuôn mặt vốn xa lạ nhưng dường như đã quen thuộc từ lâu.