Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 113: Chiến dịch hẻm núi kalwang (2)









Lại nói, sau khi quân Áo thảm bại, khiến cho sĩ khí liên quân giảm sút nghiêm trọng, cả Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và chúng vương công đều hết sức lo âu. Thấy tình hình có biến, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đành thay đổi sách lược, truyền lệnh cho cả 4 đội quân chủ công còn lại gồm 12 vạn quân đồng loạt tấn công. Hơn 13 vạn dự binh quân cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng tham chiến. Frederick I de Brandenburg quyết định một khi đã phát động tấn công, phải lợi dụng một cổ khí thế tiền tiến, tiền tiến, tiếp tục tiền tiến, mãi cho đến khi kiểm soát được hẻm núi này mới thôi. Chỉ cần vượt qua được nơi này, địa hình phía trước không còn nhiều trở ngại nữa. Phía bên kia đã là đầu phía đông của dãy Alps rồi. Tuy vẫn chưa ra khỏi vùng núi, nhưng địa hình không còn hiểm trở nữa, thuận lợi cho đại quân tác chiến hơn.



Tu tu tu …



Lại một hồi tù và dài thúc giục quân đội tiền tiến. Đại đội liên quân Hungary – Bohemia (quân Áo vừa nãy đã bị đả tàn rồi) tràn lên công kích hào lũy đối phương. Dưới sự uy hiếp của chấp pháp đội, quân binh bị xua lên phía trước, phải không ngừng tiền tiến, bất kể cung tên của đối phương rải xuống đầu. Sau khi có gần nghìn người bị xử tử giữa trận, không ai còn dám tháo lui nữa. Người phía trước ngã xuống, đã có người phía sau xông lên thay thế. Chiến huống cực kỳ thảm liệt.




Trước sự tấn công cực kỳ hung hãn của liên quân Hungary – Bohemia, phía quân đội Thần Thánh Đế quốc phải liên tục lùi vào bên trong hẻm núi, hết lùi lại lùi, liên tục lùi. Phía liên quân Hungary – Bohemia có thể tử chiến, nhưng phía Thần Thánh Đế quốc thì không. Do vậy mà hàng loạt trận địa, hào lũy lần lượt rơi vào tay liên quân Hungary – Bohemia.



Chỉ sau 2 ngày, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đã chỉ huy quân đội tiến được gần chục dặm, công chiếm được đại bộ phận hẻm núi, chỉ còn lại một đoạn ngắn ở đầu phía đông còn nằm trong tay đối phương. Để giành được chiến quả như thế, bọn họ đã phải đổi bằng hơn 1 vạn quân tử trận và gần gấp ba lần số ấy thọ thương, mất sức chiến đấu. Tuy vậy, chiến quả cũng làm chúng vương công rất phấn khởi. Bởi đây cũng là lần đầu tiên bọn họ giành được chiến thắng trước quân đội Thần Thánh Đế quốc. Trận chiến này đã mang lại cho bọn họ niềm tin rằng quân đội Thần Thánh Đế quốc không phải là ‘bất khả chiến thắng’, chỉ cần có ưu thế binh lực, hoàn toàn có thể đánh thắng được đối phương.



Đến ngày thứ ba, nhìn thấy chỉ còn một đoạn ngắn nữa là đã có thể vượt qua được hẻm núi, trên từ Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, dưới đến Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg và chúng vương công đều quyết định tập trung toàn bộ binh lực quyết tâm kiểm soát cho được toàn bộ hẻm núi ngay trong hôm nay. Quân đội sĩ khí đang dâng cao, tốt nhất nên thừa cơ tấn công, không nên dừng lại.



Tu tu tu …



Lại hiệu tù và ra lệnh phát động tấn công. Quân đội liên quân Đế quốc La – Đức – Vương quốc Hungary tràn ngập toàn bộ hẻm núi. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg bố trí như thế là để có đủ uy thế, bảo đảm sĩ khí quân đội không giảm, đồng thời cũng khiến cho quân tiên phong không có đường lùi, chỉ có thể tiền tiến, liên tục tiền tiến. Mấy ngày qua, nhờ dùng sách lược đó mà bọn họ đã đánh lui địch quân, kiểm soát gần hết hẻm núi.



Trong lúc đại quân phát động tổng tấn công, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg an ổn ở trung quân cùng với Hoàng đế Sigismund de Luxembourg chỉ huy đội quân dự bị và chờ đợi chiến báo từ tiền tuyến. Chờ mãi … chờ mãi … chờ đến quá trưa mà vẫn chưa có tin tức gì, cả hai sốt ruột phái gã Hiệp sĩ thân tín đi ra tiền tuyến xem thử. Hồi lâu, gã ta mới trở về bẩm báo :



- Bệ hạ, Đại nhân. Phía trước địch quân xây dựng hào lũy rất kiên cố. Quân ta nhất thời không công phá được, tổn thất rất nặng.



Hoàng đế Sigismund de Luxembourg sa sầm nét mặt, quát :




- Truyền lệnh tiếp tục tấn công.



Cuộc chiến lại tiếp diễn ngày càng khốc liệt hơn. Bên ngoài quân reo dậy đất, trong trung doanh yên ắng như tờ. Cả Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đều không có chút tinh thần nào để chuyện trò. Bọn họ đều khẩn trương chờ đợi chiến báo, hy vọng tình hình chiến cục khả quan hơn. Đến lúc này đây, quân đội Đế quốc La – Đức không thể chịu đựng thêm một thất bại nào nữa.



Sở dĩ có chuyện đó là do quốc tình của Đế quốc La – Đức. Đế quốc La - Đức (tên gọi đầy đủ là Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức) thật ra không phải là một quốc gia thống nhất. Đế quốc này có chế độ gần giống như Đế quốc Mông Cổ vậy. Đế quốc Mông Cổ là một liên minh lỏng lẻo giữa các bộ tộc Mông Cổ, với Đại Hãn do các Hãn (đứng đầu các bộ tộc, Hãn quốc) bầu lên. Đế quốc La – Đức cũng là một liên minh lỏng lẻo của hơn 2.000 công quốc lớn nhỏ thuộc Vương quốc Đông Pháp Lan Khắc (Đông Frank), với Hoàng đế do các vương công quý tộc bầu lên. Từ thời Hoàng đế Thần Thánh Charlemagne (tiếng Latin : Carolus Magnus hay Karolus Magnus, nghĩa là Đại đế Carolus) thống nhất Âu châu vào thế kỷ VIII (chính thức lên ngôi năm 800 tại Roma, sau khi đã chiếm được hầu hết vùng Tây Âu), hàng loạt vương công quý tộc người Frank đã được phong thưởng, chia nhau cai trị các lĩnh địa ở khắp nơi. Các vị vương công quý tộc này chính là nền tảng của tầng lớp quý tộc Âu châu thời Trung Cổ. Hoàng đế Thần Thánh Charlemagne có 3 người con trai, tạo thành ba phân chi đối nghịch nhau. Sau khi ông qua đời, các người con đánh nhau tranh ngôi, và Đế quốc tan rã, chia thành 3 vương quốc Đông Frank, Trung Frank, Tây Frank, là tiền thân của các nước Đức, Ý, Pháp sau này (trong đó chỉ có Pháp là tương đối thống nhất). Do được kết hợp từ hơn 2.000 công quốc lớn nhỏ, ngôi vị Hoàng đế của Đế quốc La – Đức không hề ổn định, nếu như Hoàng đế không cường thế, các vị vương công quý tộc hoàn toàn có thể không tuân lệnh Hoàng đế nữa. Sau thất bại trong trận Pavia, uy tín của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đã giảm sút nghiêm trọng, mệnh lệnh truyền ra, trừ quân bản bộ thì chẳng còn mấy ai nghe theo. Lúc này liên quân hình thành được chẳng qua là vì tự thân lợi ích của các vương công quý tộc chứ không phải vì phục tùng mệnh lệnh của Hoàng đế. Trong Đế quốc có đến quá nửa số công quốc vì nhiều lý do khác nhau mà không đến tham gia liên quân (đa số là lĩnh chủ ‘bị bệnh’, khiến người ta có cảm giác dịch bệnh đặc biệt chiếu cố các vị lĩnh chủ, nếu không thì sao lại có hơn nghìn vị lĩnh chủ đồng loạt ‘bị bệnh’ như thế).



Chờ đợi khiến cho người ta có cảm giác thời gian trôi qua lâu hơn. Lúc này đây, cả Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg đều có cảm giác như thế. Quân đội đang chiến đấu là liên quân Hungary – Bohemia, là quân bản bộ của Hoàng đế. Số quân đội thương vong toàn là lực lượng của Hoàng đế cả. Vì thế mà Hoàng đế lo lắng bất an.



Đến chiều, gã Hiệp sĩ cung đình thân tín mới lại trở vào, thần sắc căng thẳng, bẩm báo :



- Bệ hạ, Đại nhân. Quân ta không công phá được hào lũy của đối phương, tổn thất cực kỳ nặng nề. Lúc này binh sĩ cũng đã rất mệt mỏi, sức chiến đấu suy giảm nghiêm trọng.



Hoàng đế Sigismund de Luxembourg giận dữ nói :



- Cả lũ ăn hại. Chỉ một đoạn hào lũy mà cũng không công chiếm được. Đúng là một lũ ăn hại mà.




Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg lựa lời khuyên giải :



- Bệ hạ. Binh sĩ chiến đấu từ sáng đến giờ, có lẽ cũng đói rồi nên mới giảm sức chiến đấu.



Hoàng đế Sigismund de Luxembourg cảm thấy cũng phải, liền truyền lệnh :



- Truyền quân đội tạm rút lui. Nghỉ ngơi ăn uống.



Mệnh lệnh truyền ra, liên quân Hungary – Bohemia ai nấy thở phào nhẹ nhõm, rùng rùng rút lui khỏi chiến trường, về bản doanh nghỉ ngơi ăn uống. Chiến đấu kịch liệt suốt cả ngày, dù là binh sĩ hay tướng lĩnh đều đói bụng cả rồi. Mà khi bụng đói thì sức chiến đấu bị giảm sút là chuyện đương nhiên. Chẳng mấy ai tình nguyện mang bụng đói mà tham gia chiến đấu cả. Quân đội Latium – Thần Thánh Đế quốc cũng chỉ giữ vững hào lũy chứ không truy đuổi.



Trong lúc binh sĩ nghỉ ngơi, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg và vài vị vương công quý tộc thân tín cùng nhau bàn bạc tình hình chiến sự. Cuối cùng, dưới sự kiên quyết của Hoàng đế Sigismund de Luxembourg, mọi người quyết định sẽ tiếp tục phát động tấn công ngay trong đêm, dùng số lượng đánh bại đối phương. Chiến đấu vào ban đêm, uy lực hỏa khí của đối phương sẽ giảm sút nghiêm trọng. Tuy phía tấn công có thể gặp ít nhiều khó khăn, nhưng có thể sẽ có hiệu quả hơn. Những cái chết vì thần công đại pháo làm giảm sĩ khí của binh sĩ, còn chiến hữu tử trận vì đao thương chém giết còn có thể làm tăng nhiệt huyết, tăng sĩ khí. Liên quân còn đến vài trăm nghìn quân, không sợ thiệt hại.