Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 2: Xuyên việt – ta cũng xuyên việt









Giang Phong chợt tỉnh thần, rồi có cảm giác như đang rơi từ trên cao xuống. Giang Phong mở mắt ra, và nhận ra mình đang rơi thật. Tiếp đó, Giang Phong chạm đất, không, không phải chạm đất, bởi nếu chạm đất thì Giang Phong không thể yên ổn thế này, ít nhiều cũng phải bị thương chứ. Và rồi Giang Phong cảm thấy bên dưới có vật gì đó mềm mềm. Khi nhìn kỹ, Giang Phong điếng người.



Người. Chính xác là một thi thể vừa tử vong. Có lẽ người này vừa bị Giang Phong đè chết. Xung quanh cũng còn hơn chục người nữa cũng bị đè chết bởi bàn ghế đồ đạc bị lỗ đen hút theo Giang Phong. Đang ở đâu đây ? Giang Phong đưa mắt nhìn quanh.



Đập vào mắt Giang Phong đầu tiên là cảnh núi rừng hùng vĩ. Tiếp đó, ở cách chỗ Giang Phong không xa có một toán hơn mười người đang tay cầm giáo mác, vẻ mặt trầm trọng, người đầy thương tích. Điều đặc biệt là bọn họ đều ăn mặc theo kiểu người dân tộc miền núi, và kể cả những người vừa bị đè chết cũng vậy. Những người kia nhìn Giang Phong với vẻ lo lắng bất an. Sự xuất hiện của Giang Phong cùng những thứ đồ đạc mà Giang Phong ‘mang theo’ hoàn toàn nằm ngoài tầm hiểu biết của bọn họ.




Làm gì đây ? Giang Phong suy nghĩ thật nhanh, rồi đứng lên, ngửa mặt nhìn trời, khẽ hừ một tiếng, nói :



- Các ngươi thật quá đáng. Tự nhiên đẩy ta xuống chỗ này.



Bọn người kia đưa mắt nhìn nhau. Một lão già trong bọn bạo gan bước tới, ngập ngừng hỏi :



- Đại nhân có phải đến từ kinh đô.



Nghe lão hỏi, Giang Phong bất giác giật mình. Kinh đô ? Chẳng lẽ xuyên việt rồi. Trước giờ chỉ thấy chuyện xuyên việt trong các tiểu thuyết. Không ngờ lúc này lại gặp phải. Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, đoạn hỏi :



- Đây là đâu ? Lúc này là thời nào thế ?



Lão già cung kính đáp :



- Hồi đại nhân. Nơi đây là ấp Nam Nhung, thuộc Kiềm Châu, trấn Nghệ An. Năm nay là năm Quang Thái thứ 10.



Giang Phong ngẫm nghĩ, cũng không nghĩ ra là thời nào, nhưng có thể chắc chắn một điều là không phải thời hiện đại, bởi thời hiện đại không có dùng từ kinh đô. Việc này từ từ tìm hiểu cũng được. Giang Phong đưa mắt nhìn quanh, rồi hỏi :




- Ở đây vừa xảy ra việc chi thế ?



Lão già thở dài nói :



- Hồi đại nhân. Bọn kia là người của nước Chiêm Thành, sang dụ các tộc trong vùng theo hàng. Tộc của chúng ta không chịu theo, nên bị bọn họ lập kế sát hại. Cũng may đại nhân xuất hiện kịp thời, giết bọn chúng đi, cứu mạng mọi người.



Giang Phong khẽ thở phào. Xem ra việc giết người này không những không sao mà còn là chuyện tốt, được những người kia mang ơn. Xem người Chiêm Thành dụ hàng không được, phải ‘lập kế’ sát hại cũng đủ thấy bọn họ thế lực không nhỏ. Dù rằng sẽ kết oán với người Chiêm Thành, nhưng Giang Phong không lo lắm. Giang Phong hỏi han một lúc, biết được bọn họ là đầu lĩnh của Đông Giang tộc, một trong những tộc lớn nhất vùng, tộc nhân lên đến hàng nghìn, sống tập trung trong các động Lễ Dương, Tiết La, Lục Lang, Hùng Yên. Nơi bọn Giang Phong đang đứng chính là thánh sơn, nơi tế thần của tộc. Các đầu lĩnh của tộc lúc đi lên núi tế thần thì bị đám người Chiêm Thành tập kích.



Sau khi nắm được phần nào hiện tình, Giang Phong bảo bọn họ lo chữa trị vết thương, còn bản thân Giang Phong thì kiểm tra toàn bộ những gì hiện có. Toàn bộ tài sản của Giang Phong lúc này gồm có : đồng hồ (vừa được nhận thưởng), ví tiền (tiền và giấy tờ chắc không còn sử dụng được), điện thoại (ở đây đương nhiên không có sóng, pin chắc chỉ còn xài được 1 ngày), lược nhỏ, kính cầm tay và con dấu cá nhân. Đó là những thứ Giang Phong luôn mang theo trên người. Ngoài ra thì chỉ còn bộ quần áo đang mặc. À, còn có hơn chục bộ bàn ghế bị hút theo Giang Phong nữa. Giang Phong khẽ lắc đầu. Lạ đất lạ người, giữa rừng sâu núi thẳm, xem ra không thể tự lập được rồi.



Sau khi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chúng đầu lĩnh của Đông Giang tộc trở về động. Giang Phong cũng đi theo bọn họ. Trước lúc lên đường, Giang Phong cùng bọn họ vận chuyển phần lớn tài sản của Giang Phong mà không mang theo được (bàn ghế) vào trong một hang động gần đấy cất giữ. Hang động đó là nơi thờ tự của bọn họ, khô ráo sạch sẽ, tạm cất giữ được. Những vật từ trên trời rơi xuống, bọn họ chưa từng thấy bao giờ, được cho là đồ vật của Thần linh, do đó có thể cất giữ cùng những đồ tế tự mà không gây ra ý kiến gì. Tiền bạc trong ví tiền của Giang Phong hiện không thể dùng được, nhưng số bàn ghế đó chắc chắn có giá trị lớn nha. Ít ra Giang Phong cũng phải tính toán cho tương lai của mình ở nơi xứ lạ quê người này chứ.



Đến chiều, mọi người về đến động Lễ Dương, chỉ cách thánh sơn khoảng 2 cây số, theo lời của Trưởng lão (lão già từng nói chuyện với Giang Phong) là 5 dặm, tức mỗi dặm khoảng 400 mét. Động Lễ Dương khá rộng rãi, cư dân ước hơn nghìn người, trừ y phục mặc trên người thì cách thức sinh hoạt không khác người Kinh là mấy. Theo lời Trường lão cho biết, nơi đây từng là chỗ đóng quân của vua Trần khi đi đánh Ai Lao năm xưa, trong núi vẫn còn bia ghi lại. Do đó mà người dân nơi này tiếp xúc nhiều với người Kinh, cách sống cũng tương đối tiếp cận.



Giang Phong theo Trưởng lão về nhà, và tạm thời sống lại đấy. Bọn họ đối Giang Phong rất cung kính. Khi được hỏi trước đây sống ở đâu, Giang Phong chỉ lên trời, và bọn họ không hề nghi ngờ, bởi Giang Phong nhìn trước nhìn sau đều không giống người của thời này (giống sao được mà giống), lại bị rơi từ trên trời xuống cùng với rất nhiều ‘thần vật’.




Sau một thời gian, Giang Phong đã tìm hiểu được hiện trạng đương thời. Lúc này là giai đoạn cuối của thời Trần. Niên hiệu Quang Thái là của vị vua gần cuối, dường như chỉ làm vua được khoảng 10 năm (chính xác là từ 1388 đến 1398), rồi bị Hồ Quý Ly bức phải nhường ngôi cho con lúc đó mới 3 tuổi mà vào núi tu tiên. Hai năm sau thì Hồ Quý Ly cướp ngôi. Tiếp đó thì nhà Minh bên Tàu sang đánh, và bắt đầu thời kỳ ‘Thuộc nhà Minh’. Thời này là giai đoạn biến loạn của Đại Việt. Giang Phong xuyên việt đến thời kỳ này, thật là không may.



Đến thời này được khoảng 1 tháng, Giang Phong đã học được một số Hán tự. Giang Phong không thể không học, bởi nếu không học Hán tự thì sẽ không thể đọc được sách vở thư từ. Người Việt từ xưa đến nay chỉ nói có một thứ tiếng, nhưng thời bấy giờ viết bằng chữ Hán, và chữ Nôm lúc này chưa được phổ biến, mà muốn học chữ Nôm thì lại phải học chữ Hán trước (thành ra còn khó hơn, chỉ có một số ít sĩ phu mới học).



Hôm đó, chúng đầu lĩnh của Đông Giang tộc lại nhóm họp ở nhà Trưởng lão. Giang Phong được thỉnh đến tham dự, và vị trí cao nhất vốn của Trưởng lão được nhường lại cho Giang Phong. Dù sao Giang Phong cũng là ‘thần linh’ mà. Theo quan niệm lúc bấy giờ, vũ trụ có tam giới’ : Thượng giới (tiên giới), Hạ giới (nhân gian giới) và U Minh giới (quỷ giới). Nếu không phải người phàm thì tất phải là thần linh hoặc yêu ma quỷ quái. Mà Giang Phong ‘bị đẩy’ từ trên trời xuống (theo lời Giang Phong nói và cũng theo những gì bọn họ trông thấy), nên tất phải là thần linh trên Thượng giới.



Khi nghe mọi người bàn bạc, Giang Phong mới biết người Chiêm Thành lại sang quấy rối. Từ khi Trần Khát Chân đánh bại quân Chiêm Thành năm canh ngọ (1390), Chiêm vương Chế Bồng Nga tử trận thì Chiêm Thành đã suy yếu, không còn thực lực sang đánh Đại Việt nữa. Thế nhưng, hàng năm bọn họ vẫn sang quấy nhiễu các vùng biên giới, chiêu hàng các tộc trong vùng. Và ở xứ Kiềm Châu này, cũng có một số tộc thiên hướng theo Chiêm Thành. Hiện thời các quan trong triều đang mải lo tranh quyền đoạt lợi, ở những nơi xa xôi này không ai quản tới, các tộc phải tự lo lấy. Đông Giang tộc đã từng giết hại sứ giả của Chiêm Thành (thật ra là bị Giang Phong đè chết), cho nên lần này bọn họ kéo sang có thể là nhắm vào Đông Giang tộc. Vì thế mà mọi người nhóm họp bàn cách đối phó.



Cũng cần phải giải thích thêm, ngày xưa nếu vua lên ngôi vào giữa năm thì năm đó vẫn dùng niên hiệu của vua trước, sang năm mới bắt đầu sử dụng niên hiệu của vua mới, gọi là nguyên niên. Trần Thuận Tông làm vua từ năm 1388 đến năm 1398 với niên hiệu Quang Thái thì năm Quang Thái nguyên niên là năm 1389, đến năm Quang Thái thứ 10 là năm 1398. Xem ra năm nay Thiếu Đế 3 tuổi lên ngôi, và còn 2 năm nữa thì Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi. Từ năm 1396, theo ý muốn của Hồ Quý Ly, triều đình đã dời đô vào Thanh Hóa, gọi là Tây Đô, tại động Yên Tôn, huyện Vĩnh Lộc, trấn Thanh Đô (tên của Thanh Hóa lúc bấy giờ). Lúc này tình hình triều đình cực kỳ khẩn trương.



Trước tin quân Chiêm Thành sắp sang đánh, mọi người bàn tán phân vân. Theo tin tức nhận được, quân Chiêm ước khoảng 2.000, phần lớn trang bị tinh lương. Còn Đông Giang tộc tối đa chỉ huy động được 1.500 tráng sĩ, trang bị chỉ tạm được. Hơn kém quá rõ. Nhiều người đề nghị mang hết tài sản tạm lánh vào rừng. Quân Chiêm kéo sang không cướp bóc được gì, rồi cũng phải rút đi. Nhưng cũng có người quyết chống giữ với giặc.



Bàn tán một hồi, mọi người không sao quyết định được, đều đưa mắt nhìn Giang Phong.


— QUẢNG CÁO —