Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa hạ tháng 6. Thăng Long.
Hoàng Cung của Đại Việt xưa, nay là Đại tướng quân phủ, các tướng Minh triều như Trương Phụ, Mộc Thạnh, Phương Chính, Vương Hữu, … hội họp bàn bạc tìm cách vượt qua cảnh nguy khốn trước mắt. Từ khi Thăng Long bị vây, tình hình nguy cấp, những cuộc hội họp như thế này diễn ra hàng ngày ở đây. Nhưng thực lực song phương quá chênh lệch, bọn họ vẫn không tìm ra được cách gì để cứu vãn tình thế nguy ngập hiện tại, chỉ còn biết đặt hy vọng vào các đạo viện quân từ Vân Nam và Lưỡng Quảng sắp sang.
Hôm nay, thần sắc Trương Phụ cực kỳ không tốt. Chư tướng đều đoán rằng đã có đại sự phát sinh. Phương Chính ngạc nhiên hỏi :
- Đại soái. Có việc gì khiến ngài phải lo lắng như vậy. Tuy lúc này tình hình đối chúng ta có phần bất lợi, nhưng chỉ cần viện quân sang đến thì chúng ta sẽ đánh tan quân Nam được ngay. Cũng giống như thời bọn Trần Quỹ, Đặng Tất vậy đó. Quân Nam chỉ mạnh nhất thời, làm sao có thể chống nổi đại binh Thiên triều.
Mộc Thạnh lắc đầu nói :
- Không dễ dàng thế đâu. Phạm Thế Căng không giống bọn Đặng Tất. Họ Phạm nổi danh là Giao Chỉ đệ nhất danh tướng, đánh đâu thắng đó. Nếu viện quân sang, chúng ta cũng chỉ có thể bảo vệ được Đông Quan mà thôi.
Đông Quan chính là tên gọi thời này của Thăng Long, do bọn Hồ Quý Ly đặt sau khi dời kinh đô về Tây Đô (Thanh Hóa). Nghe nhắc đến viện binh, Trương Phụ lại thở dài. Mộc Thạnh kinh hãi hỏi :
- Đại soái. Phải chăng viện binh gặp trở ngại gì trên đường đi ?
Trương Phụ lại thở dài, nói :
- Không có viện binh nữa đâu.
Phương Chính cả kinh, đứng bật dậy nói :
- Không thể nào nha. Rõ ràng triều đình đã đưa tin sang bảo là sẽ có viện binh kia mà.
Trương Phụ thần sắc trầm trọng, nhìn khắp chư tướng một lượt, nói :
- Bản soái buộc phải báo cho mọi người biết một tin rất xấu.
Chư tướng thấy Trương Phụ thần sắc trầm trọng, biết là sự việc nghiêm trọng, đều chú tâm lắng nghe, đồng thời suy đoán xem chuyện gì. Trương Phụ nói :
- Quân Nam mạnh hơn chúng ta tưởng nhiều. Đây là hịch văn của bọn chúng truyền sang Trung Nguyên. Mọi người xem đi.
Nói đoạn, Trương Phụ lấy tờ hịch văn mà Lý Tử Tấn soạn, truyền sang đất Minh triều đưa cho chư tướng xem. Mọi người lần lượt xem qua, ai nấy đều vừa kinh vừa nộ. Phương Chính vỗ bàn nói :
- Vô quân vô phụ. Bọn chúng thật không xem Thiên triều ra gì mà !
Vương Hữu nói :
- Đại soái. Bọn chúng truyền hịch như thế, lẽ ra triều đình phải phẫn nộ, điều động đại quân sang chinh phạt chứ, sao lại không có viện binh ?
Chúng tướng đồng thanh khen phải. Chỉ có Mộc Thạnh là vẫn nhíu mày suy nghĩ. Vương Hữu hỏi :
- Kiềm quốc công. Ngài nghĩ ra điều gì vậy ?
Mộc Thạnh là con thứ của Kiềm Ninh Vương Mộc Anh, kế nghiệp anh là Mộc Xuân, trấn thủ đất Vân Nam vào năm 1398. Sau khi đánh bại nhà Hồ, chiếm lĩnh Đại Việt, Mộc Thạnh đã được Vĩnh Lạc đế phong làm Kiềm quốc công vào năm 1408 (tước quốc công chỉ thấp hơn tước vương). Trong thời Minh, con cháu nhà họ Mộc đời đời trấn thủ Vân Nam, phụ trách phòng ngự sự tấn công của quân Miến Điện.
Nghe hỏi, Mộc Thạnh lắc lắc đầu, xua tan những ý nghĩ không có đáp án, quay sang hỏi Trương Phụ :
- Đại soái. Trước đây khi hoàng thượng khởi binh Tịnh nạn, nghe nói có nhận được viện trợ từ một thế lực ngoại quốc, phải chăng … ?
Trương Phụ gật đầu nói :
- Ta nghĩ đúng là bọn họ. Hoàng thượng trước đây có hứa tạo điều kiện cho bọn họ buôn bán với Trung Nguyên. Nhưng triều đình gần đây lại tăng cường hạn chế việc buôn bán với ngoại quốc. Có lẽ vì thế mà đã làm bọn họ tức giận.
Phương Chính chép miệng nói :
- Bọn họ tức giận thì làm được gì. Chẳng lẽ bọn họ còn có thể xâm phạm Thiên triều được sao ?
Trương Phụ trầm trọng nói :
- Đúng thế.
Phương Chính nói :
- Phải như vậy chứ ! Trong thiên hạ còn ai dám xâm phạm Thiên triều, không sợ Thiên oai hay sao.
Trong khi đó, Mộc Thạnh lại giật mình hỏi :
- Đại soái. Chẳng lẽ bọn họ đã xuất quân ?
Trương Phụ gật đầu nói :
- Đúng thế. Hịch văn vừa truyền là bọn họ cũng xuất quân.
Chúng tướng cả kinh, sửng sốt, thất thần. Hồi lâu, Mộc Thạnh mới hỏi :
- Đại soái. Tình hình chiến sự thế nào rồi ? Chẳng lẽ bọn họ đã đánh vào Lưỡng Quảng ?
Trương Phụ nói :
- Không. Tình hình nghiêm trọng hơn nhiều.
Chư tướng nghe nói vậy, tâm tình bất giác trở nên trầm trọng. Không ai nói gì nữa, ngồi yên chờ nghe Trương Phụ nói. Trương Phụ khẽ than một tiếng, nói :
- Hồi tháng tư, bọn họ xuất quân hai đường tấn công bản triều. Tây lộ quân từ đất Thái tấn công Vân Nam. Đông lộ quân từ ngoài biển tấn công Quảng Đông. Thành Quảng Châu chỉ cầm cự được mấy canh giờ là thất thủ. Sau đó các phủ huyện khác cũng lần lượt thất thủ. Cũng cùng lúc đó, các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Nam trực lệ cũng bị tấn công. Đến giờ, các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang đều đã rơi vào tay bọn họ. Ngay cả Nam Kinh cũng đang bị bao vây, Đại Vận Hà và Trường Giang đã bị phong tỏa. Theo tin mới nhất, các đạo quân của bọn họ đang tụ tập về Nam Kinh, chuẩn bị công thành.
Tình hình còn nghiêm trọng hơn chư tướng tưởng tượng. Mọi người thất thần, đầu não hỗn loạn. Chỉ có Mộc Thạnh là còn trấn tỉnh, hỏi :
- Đại soái. Quảng Tây vẫn chưa thất thủ ?
Trương Phụ khẽ lắc đầu, nói :
- Chưa. Nhưng sắp rồi. Tây lộ quân sau khi chiếm xong Vân Nam đang chuyển hướng sang Quảng Tây.
Mộc Thạnh nói :
- Đại soái. Chúng ta ở đây cố thủ cô thành, cũng không ích lợi gì. Phạm Thế Căng vì sợ tổn thất nên không công thành, chứ nếu quân Nam toàn lực công thành, chúng ta cũng khó giữ được. Tình hình đã vậy, triều đình chắc chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến việc Giao Chỉ. Chi bằng chúng ta tạm rút về giữ Quảng Tây.
Trương Phụ gật đầu nói :
- Ta cũng nghĩ vậy.
Thế là cả bọn bàn bạc việc rút khỏi Thăng Long, chạy về giữ Quảng Tây. Trong thành quân Minh chỉ còn gần 2 vạn, để có đủ binh lực giữ Quảng Tây, không thể để tổn thất thêm nữa.
Mấy hôm sau, vào buổi tối, quân Minh bất ngờ mở cửa đông, bỏ thành rút chạy. Bọn họ không đi bằng cửa bắc bởi nơi đó Phạm Thế Căng có đặt trọng binh trấn giữ. Bọn họ cũng không chạy về hướng Bạch Hạc là đường quân Minh kéo sang đánh nhà Hồ khi trước, mà lại chạy về phía đông bắc, theo hướng Vạn Kiếp, rồi từ đó rút về Quảng Tây qua đường Lạng Sơn, đến châu Tư Minh. Trương Phụ khi trước sang đây bằng đường Bạch Hạc, nay không dám về bằng đường cũ, sợ bị phục kích.
Gần 2 vạn quân Minh, vì đào mạng mà chạy đi rất nhanh và lặng lẽ. Không ai dám phát ra tiếng động mạnh, sợ bị đối phương phát hiện. Sự việc có liên quan đến tính mạng, quân Minh bộc phát năng lực mà ngày thường không thể nào có được. Trương Phụ dẫn quân an toàn chạy đến bến Vạn Kiếp, mọi người thở phào nhẹ nhòm. Quân Minh một số lo nấu cơm ăn, một số khác lo kết bè để sang sông. Cả bọn tạm nghỉ ngơi giây lát trước khi tiếp tục cuộc bôn đào.
Cơm nấu xong, quân Minh đang tụ tập lại chuẩn bị ăn cơm, đột nhiên từ xa có tiếng pháo nổ vang trời, rồi có tiếng quân hò reo vang dội. Liền đó là một trận pháo kích dội xuống đầu quân Minh, tạo ra tổn thất thảm trọng. Quân Minh không còn lòng dạ nào ở lại đấy nữa, quăng bỏ chén cơm, tìm đường tháo chạy. Từ phía đông nam có đến mấy vạn quân đang rung cờ đánh trống rầm rộ tiến vào, đao thương kiếm kích sáng ngời, tiếng quân reo dậy đất. Quân Minh đã biết đối phương lợi hại rồi, đương nhiên không dám chạy ra hướng đó, đành kéo nhau xuống bè bơi sang bờ bên kia. Một số khác không lên được bè, đành ôm khúc gỗ bơi sang, vũ khí khôi giáp quăng bỏ cả. Giữa lúc đó, trên sông xuất hiện rất nhiều chiến thuyền, thuận dòng bơi đến. Từ trên thuyền tên bắn xuống như mưa, quân Minh chết vô số, máu tươi nhuộm hồng cả mặt sông.
Bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh được chúng tùy tướng hộ tống chạy sang được bờ bên kia, kiểm điểm lại binh mã, thấy chỉ còn lại vài nghìn người, đại tướng Vương Hữu tử trận. Lúc đó, quân Nam lại lên thuyền chuẩn bị vượt sông đuổi theo. Cả bọn không dám chần chờ, vội vã cướp đường mà chạy.
Trên đường đi, quân Minh thường xuyên bị dân binh các thôn làng phục kích, thiệt hại dần. Thỉnh thoảng lại nghe phía sau có tiếng quân Nam hò hét đuổi theo, nên cả bọn đều không dám dừng chân nghỉ ngơi, việc ăn uống chỉ đành gặm lương khô, uống nước lạnh. Đến Nội Bàng, quân Minh chỉ còn lại chưa đến 2.000 người, tất cả đều mệt mỏi vô cùng, chỉ vì sự sống còn nên mới miễn cưỡng cầm cự mà tiếp tục bước đào bôn.