Dạo gần đây Mẫn Nghênh Hà hơi kỳ lạ, thường xuyên liếc mắt đưa tình với một nha hoàn trong sân của ta.
Ta đoán, bọn họ ngấm ngầm dây dưa từ trước. Hơn nữa, chẳng bao lâu đã có chứng cứ rành rành.
"..."
Tự cổ chí kim, lạ gì thói bạc tình của đàn ông.
Mẫn Nghênh Hà bất đắc dĩ mới cưới ta, bất đắc dĩ bước vào cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng này.
Ta cũng chẳng phải danh môn khuê các tài hoa nổi trội hay đẹp tựa tiên nữ, càng không có chỗ dựa vững chắc để ép hắn khom lưng khụy gối. Trái lại, ta phải ngửa mặt trông lên, dựa dẫm vào hắn mà sống.
Ta ngồi một mình trầm mặc rất lâu, rồi mới tìm Phó di nương thương lượng xem có cần nạp thiếp cho Mẫn Nghênh Hà hay không. Phó di nương khen ta hiền lương, thục đức, còn nói cháu gái bà ấy vừa đến tuổi cập kê, đúng lúc lại thích hợp.
"Về phía tướng công..."
"Để ta bàn với Đại công tử, giờ con đang mang thai, cứ tập trung dưỡng thai trước đã."
Bản thân bà ấy đã làm thiếp, mà vẫn muốn để cháu gái mình đi làm thiếp.
Mặt khác, ả nha hoàn trong sân ta nhiều lần ngập ngừng muốn nói lại thôi. Ta chỉ vờ như không thấy, mặc kệ ả ta phập phồng sốt ruột.
Thật sự cho rằng làm thiếp là một chuyện may mắn sao? Chẳng qua là bước đầu tiên tiến vào hố lửa mà thôi.
Chẳng lâu sau, biểu muội của Mẫn Nghênh Hà đã đến Hầu phủ. Là một cô nương có vẻ ngoài dịu dàng như nước, nàng và Mẫn Nghênh Hà vốn là biểu huynh muội, tình cảm đương nhiên sẽ khác biệt.
Đối với lời đề nghị nạp nàng ta làm thiếp, Mẫn Nghênh Hà rất vui vẻ tiếp nhận, còn khen ngợi ta thấu tình đạt lý, bảo ta phải đối đãi tử tế với tiểu Phó thị.
Lúc đi thỉnh an Hầu phu nhân, bà ấy đột nhiên hỏi ta, đẩy phu quân vào tay người khác, lẽ nào trong lòng không khó chịu, không đau đớn sao?
"Ai lại chẳng khát khao một đời như chim liền cánh như cây liền cành, nhưng ở chốn nhà cao cửa rộng này, vốn đã thân bất do kỷ. Con không thể làm chủ hôn nhân của mình, cũng không thể chi phối chàng ấy. Buộc chàng một lòng hướng về phía con, con thật không có tự tin đó, càng không có sức mạnh đó."
Hầu phu nhân thoáng lặng im, sau đó mới nói: "Ở tuổi của ngươi, không ngờ có thể nghĩ thấu đáo như vậy."
Không phải ta nhìn thấu sự đời, mà chỉ đơn giản là thức thời. Nếu không thức thời, thì đời nào gả vào được nhà tốt thế này.
Mang thai đến tháng thứ tám, ta vẫn chưa tìm được bà vú thích hợp.
Bụng của Tiểu Phó thị rất biết tranh đua, hiện nàng cũng đang mang thai đứa con đầu lòng. Mẫn Nghênh Hà thì cực kỳ chu đáo, ngày ngày ân cần chăm lo từng chút, so với lúc ở cạnh ta đúng thật là một trời một vực.
Từ dạo ấy, trông nàng luôn phơi phới sắc xuân. Có lần ta đến thăm Phó di nương, đôi bên tình cờ đụng mặt nhau, nàng còn châm chọc ta mấy câu, không thèm giấu diếm dã tâm hừng hực trong lòng.
Hầu phu nhân hỏi ta: "Ngươi sợ mình sinh con gái, tiểu Phó thị kia sinh con trai à?”
Ta khẽ lắc đầu.
"Con chỉ sợ sinh nở khó khăn, lỡ như gặp bất trắc."
Nói đoạn, ta quỳ xuống trước mặt bà: "Phu nhân, xin người che chở cho con."
Hầu phu nhân trầm ngâm không đáp, sau đó bảo ta trở về dưỡng thai, từ mai không cần đến nữa.
Ngày dự sinh đang cận kề trước mắt, mà phía di nương vẫn chưa có động tĩnh gì.
"Số phận đã định sẵn, đành thuận theo ý trời."
Đêm trước khi trở dạ, ta vẫn dặn đi dặn lại nha hoàn bên cạnh, nếu chẳng may sinh khó...
"Phải cứu lấy đứa nhỏ."
Ta muốn bảo vệ bản thân, nhưng lại luyến tiếc sinh mệnh bé bỏng này. Không có ta, liệu Hầu phu nhân sẽ nhận đứa nhỏ về nuôi dưỡng chứ?
Rồi ngày đó đến, cơn đau quặn thắt thấu trời, rốt cuộc ta cũng hiểu cho câu, cửa sinh là cửa tử, hiểu cho công ơn của bậc sinh thành.
Đau đớn kéo dài tưởng chừng vô tận, mãi đến khi ta nghe loáng thoáng bên tai: "Chúc mừng Đại thiếu phu nhân, là một tiểu công tử."
Có người tiến lại gần, là ả nha hoàn dan díu với Mẫn Nghênh Hà mang thuốc tới, ả nhanh tay đè chặt ta xuống giường, rồi ghì chén thuốc vào miệng.
Bấy giờ ta mới bừng tỉnh, kẻ muốn đẩy ta vào chỗ chêt không phải Hầu phu nhân, mà chính là phu quân của ta, Mẫn Nghênh Hà.
"Không..."
Ta dồn hết sức bình sinh, vừa vùng vẫy tránh thoát vừa liều mạng kêu cứu. Ả nha hoàn vội bịt miệng ta lại. Dù trong cơn hoảng loạn, ta vẫn cố vớt vát một tia hy vọng.
Đứa nhỏ ở bên ngoài gào khóc khản cổ, như thể mẫu tử liền tâm, biết người mẹ này đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Thật đáng tiếc, ta còn chưa kịp trông thấy mặt thằng bé.
Đột nhiên ai đó xông vào, giận dữ hét lên: "Cẩu nô tài to gan, dám mưu hại Đại thiếu phu nhân, người đâu mau lôi ả xuống, nhốt lại chờ ngày định tội."
Đó là Lâm ma ma, quản sự đắc lực bên cạnh Hầu phu nhân. Trước đó, ta có hai lần gặp riêng bà ấy, biếu tặng tổng cộng hai trăm lượng bạc.
Ta may mắn nhường nào, dạo một vòng Quỷ môn quan rốt cuộc cũng nhặt về được cái mạng.
Lúc tỉnh lại, ta vẫn ở trong phòng mình, người chăm sóc ta là Lâm ma ma, bà ấy mỉm cười nhìn ta: "Đại thiếu phu nhân tỉnh rồi, có thấy khó chịu ở đâu không?"
"Lâm ma ma."
"Có nô tài."
"Đa tạ bà."
Lâm ma ma cười khúc khích: "Đại thiếu phu nhân nên cảm ơn Hầu phu nhân mới đúng, nhưng cũng may người và Tiểu thiếu gia mẫu tử liền tâm đấy."
"Nếu thiếu phu nhân đã tỉnh, vậy người định xử lý ả nô tỳ to gan tày trời đó thế nào?"
"Lâm ma ma, nhờ bà tra khảo giúp ta. Là ai xúi giục ả? Ta muốn một câu trả lời xác đáng."
Lâm ma ma gật đầu lui ra, nhưng chẳng mấy chốc đã quay lại: "Đại thiếu phu nhân, không cần tra nữa. Ả nha hoàn đó sợ tội tự sát rồi."
Ta biết rất rõ, làm gì có chuyện sợ tội tự sát, vốn chính là giêt người bịt miệng.
Sẽ không có ai thật lòng đứng ra làm chủ cho ta, càng không có ai muốn vạch trần chân tướng, trả lại công bằng cho người bị hại. Nỗi khổ này, chỉ mỗi mình ta cắn răng chịu đựng.
Nhưng Mẫn Nghênh Hà, Phó di nương, tiểu Phó thị...
Ta sẽ không dễ dàng bỏ qua như vậy.
"Được, ta hiểu rồi."
5.
Di nương đến thăm ta, còn cầm theo số ngân phiếu trước kia, vẫn nguyên vẹn chưa động vào.
Khi nghe ta kể lại biến cố hôm trở dạ, bà ấy bật khóc nức nở: "Di nương cứ tưởng phu nhân..."
"Di nương." Ta ngắt lời bà.
Nghĩ đến vị đích mẫu kia, là hời hợt qua loa, hay nói trắng ra là không hề bận tâm chuyện ta nhờ vả.
"Đều tại di nương vô dụng, không giữ nổi trái tim của cha con. Mà cũng tại đệ đệ con, ngay cả một đứa hầu để sai vặt cũng không có."
"Di nương, đệ đệ đã đi thư viện rồi ư?"
"Đi rồi, có đứa thư đồng bảy tám tuổi theo bên cạnh, nhưng mà làm được gì đây?"
"Di nương, người hồ hồ quá. Nếu đệ đệ ra ngoài được, sao không bảo đệ ấy tới chỗ môi giới mua về hai người trước đã? Kể cả không thể đưa vào phủ, thì cứ thuê căn phòng ở tạm đâu đó. Thế chẳng phải đã có người chạy vặt rồi sao?"
Đúng là trong cuộc thì u mê.
Ta thực sự không có cách nào rời khỏi phủ. Cả Hầu phủ rộng lớn này, số người ta có thể mua chuộc chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tiền muôn bạc vạn thì ta không có, còn vài ba đồng lẻ thì đám nô tài kia lại bĩu môi chê bai.
Di nương hối hận đến mức giậm chân tức tưởi.
Ta dúi ngân phiếu vào tay di nương, tha thiết gửi gắm: "Di nương, giờ con chỉ biết trông cậy vào đệ đệ. Tuy đệ ấy còn nhỏ, nhưng rất thông minh, thận trọng. Con nhà nghèo phải gánh vác gia đình từ bé. Có vài chuyện cần nhờ người đôn đốc nhắc nhở, để đệ ấy sớm ngày tự lập tự cường."
Bà gật đầu hứa hẹn.
Đợi khi Hầu phu nhân sai người bế đứa nhỏ về chỗ ta, di nương lưu luyến ôm ấp mãi không rời.
"Đứa nhỏ trông rất bụ bẫm."
Bà lại hỏi ta, đứa nhỏ này được nuôi dưới danh nghĩa của Hầu phu nhân sao?
"Tốt hơn là sống với con."
Tự thân ta đã khó bảo toàn thì làm sao chăm sóc tốt cho thằng bé. Đi theo Hầu phu nhân, chí ít cũng đảm bảo một tương lai tươi sáng.
Di nương đưa mắt nhìn ta. Ắt hẳn bà ấy không ngờ ta có thể quyết định dứt khoát như vậy.
Sau khi di nương rời đi, Lâm ma ma cười nói: "Tiểu thiếu gia rất hợp ý phu nhân. Có điều, thiếu phu nhân thật sự sẵn lòng để tiểu thiếu gia ở bên cạnh phu nhân sao?"
Ta ngắm nhìn bé con còn đang quấn tã, nằm ngủ ngon lành trong vòng tay ta, mà trái tim dường như tan chảy.
"Đó là phúc phần của thằng bé."
Về phía Mẫn Nghênh Hà, đoán chừng hắn còn sẵn lòng hơn cả ta ấy chứ.
Người này, từ lúc ta tỉnh lại chỉ lộ mặt duy nhất một lần, bộ dạng rõ là cắn rứt lương tâm. Hắn dặn dò mỗi câu cố gắng nghỉ ngơi rồi hối hả rời đi, sau dạo ấy thì không xuất hiện nữa.
Lễ tắm ba ngày của đứa nhỏ là do Hầu phu nhân đứng ra lo liệu, có khá đông người đến tham dự. Tiệc đầy tháng cũng là một tay Hầu phu nhân chuẩn bị, hôm đó khách khứa tấp nập chung vui, còn bà ấy dịu dàng ôm đứa nhỏ, nét mặt tươi cười rạng rỡ, như xua tan hết bao bệnh tật bấy lâu.
Vẻ mặt yêu thương đó, tựa hồ là thật lòng thật dạ.
Hầu gia trông càng phấn khởi hơn, suốt buổi tiệc đều cười ngoác tận mang tai.
Ta không biết ông ấy hân hoan chào đón cháu nội hay mừng cho Hầu phu nhân đang dần bình phục.
Giữa lúc mọi người say sưa chếch choáng, Hầu phu nhân đột nhiên lên tiếng: "Hôm nay thân bằng quyến thuộc tề tựu đông đủ, xin chân thành cảm kích."
"Con trai Nguyên Lãng của ta bất hạnh qua đời từ nhỏ, đến nay đã hơn hai mươi năm. Thân là người làm mẹ, trong lòng luôn day dứt tiếc hận. Ta không thể trơ mắt nhìn con trai mang tiếng cô độc, mỗi dịp thanh minh lễ tết ngay cả người thắp nén hương cũng không có."
"Cho nên ta thay mặt con trai mình nhận nuôi đứa nhỏ này để chăm lo hương hoả. Chờ nó lớn hơn chút nữa, sẽ kế thừa tước vị thế tử..."
Thế tử...
Vượt qua cả cha nó. À không, từ nay về sau phải gọi là thúc thúc mới đúng.
Ta bất chợt cảm thấy, cách trả thù tàn nhẫn nhất trên đời không gì bằng cách này.
Mẫn Nghênh Hà hao tâm tổn trí tính toán đủ đường, cuối cùng chỉ là dã tràng xe cát.
Ta thấy Mẫn Nghênh Hà đứng phắt dậy, bộ dạng vặn vẹo khó coi.
"Ngồi xuống." Hầu gia trầm giọng quát.
Mẫn Nghênh Hà há hốc như cá mắc cạn, thất thần ngồi thụp xuống. Phó di nương giơ tay bịt chặt miệng, cố ngăn tiếng khóc bật ra. Song vẫn không quên liếc ta một cách căm phẫn.
Thời khắc ấy, sắc mặt ta trông thế nào? Chính là mờ mịt bối rối. Trong lòng lại vui mừng nhảy nhót, háo hức muốn bật cười sảng khoái.
Tiệc đầy tháng kết thúc, ta trở về phòng mình. Mẫn Nghênh Hà chẳng nói chẳng rằng, giận dữ xông đến tát ta một bạt tai.
"Tiện nhân."
Ta ôm mặt, nước mắt lăn dài trên má. Trong lòng có ấm ức, cũng có hận thù.