Đường Xưa Mây Trắng

Chương 33: Cái Đẹp Không Tàn Hoại





Một hôm nọ, khi mùa an cư chỉ còn nửa tháng nữa thì được hoàn mãn, có một người thiếu phụ rất đẹp đến viếng thăm Bụt.

Người thiếu phụ này đi xe song mã.

Hai con ngựa đều trắng và xe cũng sơn màu trắng.

Thiếu phụ bước xuống xe cùng với một cậu con trai khoảng mười lăm hay mười sáu tuổi.

Thiếu phụ trang sức cực kỳ lộng lẫy và dáng đi rất quý phái.

Tại cổng tu viện bà gặp một vị khất sĩ trẻ tuổi và hỏi thăm về Bụt.

Vị khất sĩ này hướng dẫn bà và cậu con trai vào đến tận túp lều của Bụt.

Bụt không có đó.

Người đang đi thiền hành.

Vị khất sĩ mời thiếu phụ và cậu con trai ngồi xuống trên hai chiếc ghế tre đặt trước sân tịnh xá.

Chiếc ghế thứ ba là để Bụt ngồi.Một lát sau Bụt về tới, cùng với Kaludayi, Sariputta và thầy thị giả.

Thiếu phụ và cậu con trai cùng đứng dậy vái chào người.

Bụt mời hai mẹ con an tọa.

Người cũng ngồi xuống chiếc ghế đặt sẵn cho người.

Người biết đây là ca nương Ambapali và cậu con trai là Jivaka.Kaludayi chưa bao giờ thấy một người đàn bà đẹp như thế và duyên dáng như thế.

Thầy chỉ mới đi tu được có một tháng nên thầy bỡ ngỡ, không biết nhìn ngắm một người đàn bà đẹp như vậy thì có đúng phép không.


Nghĩ như vậy, thầy nhìn xuống đất.

Thầy thị giả Nagasamala cũng có phản ứng giống hệt như vậy.

Cả hai thầy đều nhìn xuống đất.

Duy chỉ có Bụt và Sariputta là nhìn thẳng vào mặt thiếu phụ mà thôi.Sariputta nhìn thiếu phụ rồi xoay sang nhìn Bụt.

Thấy sắc diện của Bụt không khác gì sắc diện của một mặt trăng rằm, tự nhiên, hiền lành, trong sáng.

Phút chốc, thầy cảm thấy cái tự tại và an lạc của Bụt thấm vào lòng thầy.Thiếu phụ có tên là Ambapali cũng đang nhìn Bụt.

Bà chưa thấy ai nhìn bà như vậy bao giờ.

Từ xưa tới nay mỗi khi có một người đàn ông hay một thanh niên nhìn bà, bà đều thấy trong ánh mắt người đó hoặc một thoáng bối rối, hoặc một thoáng ao ước, hoặc một dự tính chiếm hữu.

Bụt đang nhìn bà như đang nhìn một đám mây, một dòng sông hay một bông hoa.

Hình như người thấy được tận trong chiều sâu thẳm của tâm hồn bà.Ambapali chắp tay bạch Bụt:– Con là Ambapali, và đây là con trai của con, Jivaka, năm nay mười lăm tuổi.

Cháu nó đang học nghề y, con đã được nghe nói về thầy và con rất ao ước cháu sẽ được có duyên tới học hỏi cùng thầy.Bụt hỏi thăm Jivaka về chuyện học văn và đời sống của chàng, Jivaka trả lời rất lễ phép.

Đây là một chàng trai đôn hậu, hiền lành và thông minh.

Cùng cha khác mẹ với thái tử Ajatasattu, nhưng chàng trông có đức độ hơn và cũng có vẻ thông minh hơn.

Sau một vài câu chuyện với Bụt, Jivaka bỗng thấy trào dâng trong lòng một mối cảm tình sâu đậm đối với ông thầy tu này.

Chàng tự hẹn là sau khi học xong nghề thuốc chàng sẽ xin ở gần bên Bụt.Ambapali đã tưởng rằng Bụt chỉ là một ông thầy tu nổi tiếng như những ông thầy tu nổi tiếng khác mà bà đã gặp, nhưng không, bà chưa từng gặp một người nào như Bụt.

Bà chưa từng thấy ai có cái nhân cách như nhân cách Bụt.


Cái nhìn của Bụt hiền dịu làm sao.

Bà có cảm tưởng là bà không cần than thở gì với Bụt mà Bụt vẫn thấy và hiểu được những niềm khổ đau sâu kín trong tâm bà.

Được nhìn Bụt và được Bụt nhìn như thế, bà đã thấy vơi bớt rất nhiều nỗi khổ.

Một giọt nước mắt ứa ra trên khóe mi bà.

Bà nói:– Lạy thầy, đời con khổ lắm.

Tuy rằng con không thiếu thốn gì trên phương diện tiền của và vật chất nhưng con chưa bao giờ có được một niềm tin.

Hôm nay là ngày sung sướng nhất của đời con.Ambapali là ca nhi, nhưng nàng không hát cho bất cứ ai muốn nghe nàng hát.

Những người mà nàng không ưa hoặc nàng nhận thấy thiếu phong độ và tư cách thì dù có đem đến cả trăm vạn đồng nàng cũng từ chối.

Từ năm mười sáu tuổi, nàng đã gặp một cuộc tình trắc trở.

Sau đó, nàng đã gặp vua Bimbisara khi vua còn là thái tử.

Có những người trong triều đã không muốn hoàng gia công nhận Jivaka là con của thái tử.

Họ nói Jivaka là con hoang mà thái tử bắt gặp ở trong một cái thúng để ở bên vệ đường.

Điều này cũng đã làm cho Ambapali đau khổ.

Nàng đã gánh chịu rất nhiều khổ đau vì ghen ghét và vì thù hận.

Nàng trân quý tự do như bảo vật duy nhất còn lại trong đời, cho nên từ ấy đến nay không ai và chưa ai trói buộc được nàng.Bụt dạy:– Nhan sắc cũng chịu luật sinh diệt và cũng sẽ tàn phai như bao nhiêu hiện tượng khác.


Của cải và sự giàu sang cũng vậy.

Chỉ có niềm an lạc và cái tự do công phu quán chiếu đem tới mới là niềm vui chân thật mà thôi.

Này Ambapali, đã đến lúc con phải tập đời sống tỉnh thức an lạc.

Phải trân quý từng giây phút còn lại của đời mình, đừng lãng phí chúng trong sự vui chơi quên lãng.

Điều này rất quan trọng cho con và cho Jivaka.Rồi Bụt dạy cho Ambapali cách tổ chức lại đời sống hàng ngày, cách hành trì năm giới, cách thở, cách ngồi, cách sử dụng thì giờ, cách cúng dường và làm việc phúc thiện.

Ambapali sung sướng ngồi nghe những lời dạy quý báu của Bụt.

Cuối cùng trước khi từ giã Bụt, bà nói:– Tại ngoại ô thành Vesali, con có một vườn xoài rất mát và rất thanh tịnh.

Con mong có ngày đi hoằng hóa ngang đó, Bụt và chư vị khất sĩ sẽ ghé nơi ấy để nghỉ ngơi.

Đây sẽ là một vinh hạnh lớn cho con và cho Jivaka.

Kính xin đức Từ Bi hoan hỷ nhận lời cho con.Bụt mỉm cười nhận lời.Ambapali đi rồi, thầy Kaludayi xin phép được ngồi xuống bên Bụt.

Thầy thị giả cũng mời đại đức Sariputta ngồi xuống trên chiếc ghế còn lại, còn thầy thì vòng tay đứng hầu sau lưng Bụt.

Một số các vị khất sĩ đang đi thiền hành gần đấy thấy khung cảnh ấm cúng cũng ghé vào.

Đại đức Sariputta mỉm cười nhìn Kaludayi, rồi nhìn thầy thị giả Nagasamala.

Cuối cùng thầy hỏi Bụt:– Lạy đức Thế Tôn, người tu hành nên có thái độ nào đối với nữ sắc? Cái đẹp, nhất là nữ sắc, có phải là một trở ngại cho công phu tu tập không?Bụt mỉm cười.

Người biết Sariputta hỏi câu hỏi này không phải là để cho bản thân thầy mà là cho các thầy khác.

Người nói:– Các vị khất sĩ, tự tính của vạn pháp vượt ra ngoài ý niệm đẹp và xấu.

Đẹp và xấu là những ý niệm tạo ra do tri giác và nhận thức dung thường.Đứng về tục đế mà nói, ta thấy có đẹp và có xấu.

Đẹp và xấu tùy thuộc rất nhiều vào cơ cấu của năm uẩn.

Đối với con mắt của người nghệ sĩ, cái gì cũng có thể đẹp và cái gì cũng có thể xấu, một dòng sông, một đám mây, một chiếc lá, một bông hoa, một tia nắng sớm hay một buổi chiều vàng đều có thể có cái đẹp riêng của nó.


Những bụi tre vàng xung quanh đây cũng có những vẻ đẹp riêng của chúng.

Nhưng chưa có cái đẹp nào có thể trói buộc và làm tiêu ma chí khí của một kẻ nam nhi bằng nữ sắc.

Tham đắm vào nữ sắc rồi thì chí nguyện có lớn lao đến mấy và sự nghiệp có lẫy lừng đến mấy cũng có thể bị tàn hại.

Vì vậy tôi muốn căn dặn quý vị hãy rất cẩn thận đối với nữ sắc.Đối với những người đã quán chiếu và đạt đạo, cái đẹp vẫn là cái đẹp, những vị đã đạt tới giải thoát và tự do, họ không còn bị cái đẹp hay cái xấu khống chế nữa.

Không phải là họ dửng dưng không thấy cái đẹp; sự thực là họ không bị nô lệ cho cái đẹp.

Nhìn vào cái đẹp, họ thấy được những cái không đẹp đã góp phần làm ra cái đẹp.

Nhìn vào cái xấu, họ thấy được những cái không xấu đã góp phần làm ra cái xấu.

Họ thấy được tính cách vô thường của vạn pháp, đẹp cũng như xấu, vì vậy họ không bị cái xấu làm cho chán nản cũng không bị cái đẹp làm cho đam mê.

Đối với những người tu hành chưa đủ công phu quán chiếu, chưa có được bản lĩnh nhận thức, tôi muốn khuyên họ đừng gần gũi nữ sắc.

Những vị này phải để hết thì giờ vào việc học hỏi và thiền tập.Chỉ có một cái đẹp không bao giờ tàn hoại và không gây khổ đau: đó là lòng từ bi và tâm giải thoát.

Từ bi là thứ tình thương không có điều kiện và không cần sự đền trả.

Tâm giải thoát cũng là thứ tâm không thối chuyển, như con gà con một khi ra khỏi vỏ trứng rồi thì không còn chui trở lại nằm trong vỏ trứng nữa.

Đã không còn lệ thuộc vào điều kiện cho nên cái đẹp của lòng từ bi và tâm giải thoát là cái đẹp chân thực, và niềm an lạc do cái đẹp ấy cống hiến cũng do đó mà là thứ an lạc chân thực.

Này các vị khất sĩ, các vị hãy tinh tiến mà thực hiện cho được cái đẹp ấy.Kaludayi và các vị khất sĩ có mặt đều rất sung sướng được nghe lời Bụt dạy.Mùa an cư đã được hoàn mãn.

Bụt cho gọi Kaludayi và Channa, và đề nghị hai người về Kapilavatthu trước một tháng để báo tin là Bụt sẽ về.

Kaludayi lĩnh mệnh.Ngay ngày hôm đó thầy và Channa chuẩn bị cho chuyến hồi hương, Kaludayi đã trở nên một kẻ xuất gia, có đủ uy nghi của một vị khất sĩ rồi.

Ông nghĩ thế nào khi về tới quê nhà ông cũng sẽ làm cho mọi người ngạc nhiên.

Ông vui mừng vì được giao trách vụ về báo tin mừng, nhưng ông cũng tiếc là thời gian được học hỏi với Bụt tại Trúc Lâm còn ngắn ngủi quá..