Mùa Xuân năm sau, tại Kammassadhamma thủ phủ xứ Kuru thuộc vùng Tây Bắc, Bụt nói kinh Niệm Xứ (Satipatthana sutta) cho một thính chúng khất sĩ trên ba trăm người.Đây là một kinh rất quan trọng cho công phu tu tập thiền quán.
Bụt nói phép quán niệm xứ này là con đường có thể giúp mọi người đạt tới sự thanh tịnh hóa thân tâm, vượt khỏi sầu não, diệt được khổ ưu, thành tựu được hiểu biết lớn và đạt tới tự do hoàn toàn.Nghe Bụt dạy xong kinh này, đại đức Sariputta đã nói với đại chúng rằng đây là một trong những kinh văn quan trọng vào bậc nhất, và đề nghị tất cả các vị khất sĩ và nữ khất sĩ ôn tụng kinh này cho thuộc lòng để mà hành trì theo.Ngay tối hôm ấy, đại đức Ananda trùng tuyên lại từng lời từng tiếng những điều Bụt dạy.
Niệm Xứ là an trú trong chánh niệm.
Theo phép tu này người hành giả ý thức được những gì đang xảy ra trong các lĩnh vực thân thể, cảm giác, tâm ý và đối tượng tâm ý mình.
Ý thức ấy tức là chánh niệm.
Bốn lĩnh vực ấy là bốn lĩnh vực quán niệm.Trong lĩnh vực thứ nhất là thân thể, người hành giả quán niệm về hơi thở của mình, về bốn tư thế của thân thể mình là đi, đứng, nằm, ngồi, về những động tác của thân thể mình như đi tới, đi lui, nhìn, mặc áo, ăn, uống, đại tiểu tiện, nói chuyện, giặt áo… về những bộ phận của cơ thể như tóc, lông, răng, gân, xương, thận, tủy, ruột, nước miếng, mồ hôi, v.v… về những yếu tố tạo nên cơ thể như nước, sức nóng, không khí, vật thể… và về sự tàn hoại của một tử thi từ khi nó trương phồng lên cho đến khi xương cốt tan thành tro bụi.
Quán niệm về thân thể bằng cách phát khởi ý thức về những hiện tượng thuộc về thân thể.
Ví dụ khi đang thở vào, hành giả biết là mình đang thở vào; khi đang thở ra, hành giả biết là mình đang thở ra; khi đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh, hành giả biết là mình đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh.
Khi đi, hành giả biết là mình đi, khi ngồi xuống, hành giả biết là mình đang ngồi xuống.
Khi làm những động tác như mặc áo, uống nước, hành giả biết là mình đang mặc áo, uống nước v.v…Như vậy công phu quán niệm về thân thể không phải chỉ được thực hiện trong lúc ngồi thiền mà phải được thực hiện suốt ngày, ngay cả những lúc đi khất thực, ăn cơm và rửa bát.Trong lĩnh vực thứ hai là cảm giác, người hành giả quán niệm về những cảm giác đang phát sinh, tồn tại hoặc tàn hoại nơi mình, những cảm giác dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ) và những cảm giác trung tính (xả thọ).
Những cảm thọ ấy có thể có nguồn gốc sinh lý hay tâm lý.
Quán niệm cảm giác bằng cách phát khởi ý thức về sự phát sinh, tồn tại và hoại diệt của những cảm giác ấy.
Ví dụ khi đang bị nhức răng, hành giả biết là mình đang bị nhức răng, khi đang sung sướng vì được một người khác khen ngợi, hành giả biết là mình đang sung sướng vì được một người khác khen ngợi.
Hành giả còn quán chiếu để an tịnh hóa những cảm giác của mình và để thấyrõ nguồn gốc phát sinh của mọi cảm giác.
Công phu quán niệm về cảm giác, do đó cũng không phải chỉ được thực hiện trong lúc ngồi thiền, trái lại, đây là một công phu được thực hiện suốt ngày.Trong lĩnh vực thứ ba là tâm ý, người hành giả quán niệm về những trạng thái tâm ý đang có mặt.
Khi có tham dục, biết là có tham dục, khi không có tham dục, biết là không có tham dục.
Khi có giận hờn, lầm lạc, biết là có giận hờn hay lầm lạc, khi không có giận hờn hay lầm lạc thì biết không có giận hờn hay lầm lạc.
Khi tâm ý tập trung hay tán loạn, thì biết là có tập trung hay tán loạn.
Những lúc tâm ý mở rộng, khép kín, có giới hạn, cố định hay có giải thoát thì hành giả liền biết, không có thì cũng liền biết.
Nói tóm lại, hành giả nhận diện và có ý thức về tất cả những trạng thái tâm ý có mặt trong giờ phút hiện tại.Trong lĩnh vực thứ tư là đối tượng tâm ý, người hành giả quán niệm về năm trạng thái chướng ngại của giải thoát (tham đắm, giận hờn, hôn trầm, kích thích và nghi ngờ) mỗi khi chúng có mặt; về năm yếu tố cấu tạo nên con người gọi là năm uẩn (thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức); về sáu giác quan và đối tượng của chúng; về bảy yếu tố giác ngộ (chánh niệm, trạch pháp, tinh tiến, hỷ lạc, khinh an, định và hành xả) và về bốn sự thật là khổ đau, nguyên do của khổ đau, sự giải thoát khổ đau và con đường thực hiện giải thoát.
Tất cả những thứ ấy đều là đối tượng của tâm ý.
Vạn pháp đều bao hàm trong những đối tượng ấy.Bụt chỉ dạy cặn kẽ về từng phép quán niệm trong cả bốn lĩnh vực.
Người dạy tinh chuyên hành trì phép quán này trong bảy năm thì chắc chắn sẽ đạt được giải thoát.
Người lại nói: có người có thể đạt tới giải thoát trong bảy tháng, hoặc nội trong bảy ngày, nhờ hành trì phép quán niệm này.Trong một buổi pháp đàm, đại đức Assaji cho biết đây không phải là lần đầu Bụt dạy về bốn phép lĩnh vực quán niệm.
Người đã dạy nhiều lần phép này rồi, nhưng đây là lần đầu tiên người tổng hợp lại những gì người đã dạy về phép tu trong một bài giảng thật đầy đủ, thật cặn kẽ.
Đại đức cũng đồng ý với đại đức Sariputta là kinh này cần được tất cả các vị khất sĩ học thuộc lòng để tụng đọc và hành trì.Trở về tu viện Jetavana vào cuối Xuân năm ấy, Bụt độ được một tên sát nhân nổi tiếng tên là Angulimala.Một buổi sáng đi vào thành Savatthi khất thực, Bụt có cảm tưởng đây là một thành phố chết.
Ngoài đường không có bóng người qua lại.
Hai bên đường không có nhà nào mở cửa.Đứng hồi lâu trước một căn nhà nơi đó người đã từng được cúng dường, Bụt thấy cửa nhà hé mở, người gia chủ chạy ra mời Bụt vào.
Vào tới nhà, người gia chủ khép cửa và cài then lại.Người ấy mời Bụt ngồi, và đề nghị với Bụt ở lại thọ trai, đừng nên đi khất thực nữa:– Bạch sa môn, đi ra đường hôm nay nguy hiểm lắm.
Người ta cho biết tên sát nhân Angulimala đã xuất hiện trong thành phố.
Nghe nói nó đã hạ sát rất nhiều người ở nhiều thành phố, và sau khi hạ sát, nó lại còn chặt ngón tay của người ta để xâu thành một tràng chuỗi và đeo nó vào cổ.
Cũng vì vậy cho nên người ta đã đặt cho nó cái tên Angulimala.
Con nghe đồn rằng nếu Angulimala giết được đủ một trăm người và có được một trăm lóng tay đeo vào cổ thì nó sẽ thành tựu được một quyền lực bùa chú ghê gớm lắm.
Có một điều lạ là nó giết người mà không cướp giật của cải của bất cứ ai.
Con nghe nói là vua Pasenadi đã cho điều động quân đội và cảnh sát bao vây và truy nã nó.Bụt hỏi:– Tại sao chỉ có một tên sát nhân mà chính quyền phải huy động cả binh đội và cảnh sát như thế?– Bạch sa môn Gotama, tên sát nhân này ghê gớm lắm.
Võ nghệ nó rất cao cường, có khi ba bốn người đàn ông gặp nó giữa đường cũng không đủ sức đối địch lại nó.
Một số bị nó hạ sát và số còn lại phải bỏ chạy tán loạn.
Angulimala thường trú ẩn trong rừng Jalini.
Lâu nay không ai dám đi qua rừng này cũng vì thế.
Có lần một toán cảnh sát địa phương có trang bị đủ khí giới đã đi vào rừng để lùng bắt Angulimala.
Toán này có đến hai mươi người, trong số đó chỉ có hai người sống sót trở về.
Cũng vì vậy khi nghe tin nó xuất hiện trong thành phố, dân chúng đều kinh hoàng.
Không ai buôn bán làm ăn gì được.Bụt cám ơn vị gia chủ đã cho người biết về Angulimala và từ giã ra đi.
Người này có ngăn cản Bụt nhưng không được.
Bụt nói Bụt phải thực hành phép trì bát khất thực như mọi hôm, để giữ vững niềm tin của mọi người.Đang đi thong thả trong chánh niệm, Bụt bỗng nghe tiếng chân một người chạy đuổi theo ở phía sau.
Bụt biết đó là Angulimala đang chạy theo mình, nhưng Bụt không hốt hoảng.
Người vẫn đi từng bước chậm rãi, an nhiên, ý thức được điều gì đang xảy ra trong tâm ý và trong hoàn cảnh của mình, và người nghe tiếng của Angulimala gọi người từ phía sau lưng vọng tới:– Ông sa môn! Dừng lại!Bụt không đứng lại.
Bụt vẫn chậm rãi đi.
Tiếng bước chân của Angulimala cho Bụt biết là Angulimala đã ngừng chạy mà chỉ còn rảo bước theo Bụt.
Tuy đã năm mươi sáu tuổi nhưng thính giác và thị giác Bụt còn bén nhạy lắm và sức khỏe của Bụt vẫn đầy đủ.
Trong tay Bụt chỉ có một chiếc bình bát mà thôi.
Người mỉm cười nhớ lại ngày xưa trong các võ đường, khi còn là thái tử, người là võ sinh nhanh nhẹn nhất, và chưa ai chạm được vào người.
Bụt biết Angulimala đã đuổi kịp người, và Angulimala thế nào cũng có đeo khí giới, nhưng người vẫn ung dung bước.Angulimala đã rượt kịp Bụt và hiện đang đi ngang hàng với Bụt.Bụt nghe anh ta nói:– Ta đã bảo ông dừng lại, tại sao ông cứ tiếp tục đi mà không chịu dừng?Bụt vừa đi vừa đáp:– Angulimala, ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh mới chưa chịu dừng lại mà thôi.Angulimala giật mình.
Angulimala nín thinh không nói thêm gì được bởi vì anh ta quá ngạc nhiên.Ông sa môn này nói cái gì lạ thế.
Ông ta đã dừng lại đâu nào.
Rõ ràng là chân ông ta vẫn còn bước đi, vậy mà ông ta lại nói rằng ông ta đã dừng lại.
Ta phải hỏi cho ra mới được.Nghĩ như vậy, Angulimala phóng tới phía trước, đứng chận đường đi của Bụt.
Bụt dừng lại.
Người đưa mắt nhìn Angulimala.
Mắt người chiếu sáng như những ngôi sao.
Angulimala chưa bao giờ thấy ai trầm tĩnh như thế, uy nghiêm như thế và thản nhiên đến thế.
Thường thường ai gặp Angulimala thì nếu không sợ hãi bỏ chạy cũng mất đi ít nhiều bình tĩnh.
Vậy mà ông thầy tu này lại xem mình như một kẻ không ra gì.
Hoặc giả ông ta chưa biết mình là ai cho nên ông ta không biết sợ chăng? Không đúng, bởi vì ông ta đã gọi ngay tên Angulimala khi trả lời câu hỏi của mình.
Vậy thì ông ta biết mình là ai rồi.
Biết mình là một tên sát nhân ghê gớm, vậy mà vẫn giữ được sự điềm đạm, ung dung không hề tỏ một vẻ gì sợ hãi, lại còn nhìn mình bằng một con mắt thật hiền hòa.Angulimala cảm thấy mình không đối đầu được cái nhìn của Bụt.
Anh ta cất tiếng hỏi:– Sa môn, hồi nãy ông nói ông đã dừng lại rồi, trong khi chân ông vẫn bước, điều đó có nghĩa là sao? Ông lại nói rằng tôi chưa chịu dừng lại, điều này có nghĩa là gì? Ông nói cho tôi nghe đi.Bụt bảo:– Angulimala, những hành động có thể gây đau khổ cho các loài chúng sanh, ta đã dừng lại, và dừng lại tự lâu rồi.
Ta đã học được hạnh bảo vệ sự sống, không những của con người mà còn của tất cả các loài sinh vật.
Angulimala, trong các loài sinh vật, kể cả loài người, loài nào cũng muốn sống, sợ chết; vì vậy ta phải có lòng thương, đem tình thương ấy mà bảo vệ sự sống của muôn loài.Angulimala la lớn như hét vào tai Bụt:– Nhưng loài người có ai thương ta đâu, tại sao ta phải thương loài người? Loài người là một loài độc ác, gian trá, phản bội, ta muốn tiêu diệt cho hết mới thỏa được niềm uất hận của ta.Bụt dịu dàng:– Angulimala, ta biết rằng anh đã từng khổ đau, và ta biết những kẻ đã làm khổ anh là những con người.
Angulimala, con người quả có khi rất là độc ác.
Ác độc vì si mê, vì hận thù, vì tham dục, vì ganh tị, nhưng lại có khi rất hiểu biết và rất từ bi.
Anh đã từng gặp một vị khất sĩ nào chưa? Vị khất sĩ nào cũng đã phát nguyện bảo vệ sự sống cho mọi người và mọi loài, vị khất sĩ nào cũng đã phát nguyện diệt trừ tham dục, hận thù và si mê.
Ta biết có nhiều người không phải là khất sĩ, nhưng vẫn sống theo nếp sống hiểu biết và thương yêu đó.
Angulimala! Anh đừng vơ đũa cả nắm, ở đời có người ác, nhưng cũng có người hiền.
Đạo lý của ta có công năng chuyển hóa kẻ ác ra kẻ hiền.
Hận thù là con đường nên tránh.
Anh đang đi trên con đường ấy.
Nên dừng lại đi thôi.
Hãy chọn con đường của tha thứ, của hiểu biết và của tình thương mà đi.Angulimala bị thu hút trong giọng nói đầm ấm mà đầy tình thương của vị sa môn.
Gan ruột anh như bị ai xé nát và xát muối vào.
Tuy nhiên đây là lần đầu tiên mà anh cảm thấy ấm áp trong lòng.Người đang đứng trước mặt anh thật sự là vì thương anh mà nói.
Nơi con người này quả không có hận thù, quả không có sợ hãi, không có sự khinh ghét.
Người này đã có thể nhìn mình như nhìn một con người.
Hay chính người này là sa môn Gotama, là người mà thiên hạ đã ca tụng và tôn xưng là Bụt? Chắc là đúng như vậy rồi.
Chắc là hôm nay mình gặp người ấy rồi.
Angulimala hỏi:– Thầy có phải là sa môn Gotama đó không? Bụt gật đầu.Angulimala nói:– Rất tiếc, thầy gặp tôi quá muộn.
Tôi đã đi quá xa trên con đường này rồi, bây giờ có muốn dừng lại cũng không được.Bụt bảo:– Đừng nói thế, Angulimala, làm một việc lành thì không bao giờ muộn cả.– Việc lành gì đâu nào?– Dừng lại trên con đường hận thù và bạo động là việc lành lớn nhất trên tất cả các việc lành.
Angulimala! Biển khổ tuy mênh mông, nhưng quay đầu lại là tự khắc thấy được bờ bến.– Sa môn Gotama ơi! Bây giờ tôi có muốn quay đầu về cũng không còn kịp nữa.
Người ta sẽ không để cho tôi yên.Bụt đưa tay ra nắm lấy tay Angulimala.
Người nói:– Angulimala, ta sẽ bảo vệ cho anh, nếu anh phát nguyện cải tà quy chánh và từ nay siêng năng học đạo, sám hối lỗi lầm và bắt đầu làm những công việc phục vụ cho người.
Ta thấy anh là kẻ thông minh, anh đã hiểu được điều ta muốn nói.
Thế nào anh cũng thành công trong bước đường hướng thiện.Angulimala quỳ xuống trước mặt Bụt.
Anh đưa tay cởi lưỡi dao to bản đeo bên lưng, nâng nó lên trên hai tay rồi đặt nó xuống đất, rồi Angulimala sụp lạy sát đất dưới chân Bụt, ôm mặt mà khóc nức nở.
Một hồi lâu, anh nói:– Con xin nguyện từ đây hối cải, bỏ ác làm lành, quyết tâm theo Bụt để học hạnh từ bi.
Cúi xin Bụt chấp nhận con làm đệ tử của người.Vừa lúc ấy các đại đức Sariputta, Ananda, Upali, Kimbila và nhiều vị khất sĩ khác xuất hiện.
Họ bao vây quanh Bụt và Angulimala.
Thấy Bụt an lành và Angulimala đã quy y, mọi người đều lấy làm mừng rỡ.
Bụt dạy Ananda:– Ananda, hãy đưa cho ta một bộ y áo.
Upali, đại đức hãy làm lễ xuống tóc cho Angulimala ngay tại đây.
Sariputta, thầy hãy ghé vào nhà trước mặt mượn con dao cạo tóc.Ngay tại chỗ, Angulimala được làm lễ thế phát, đọc ba lời quay về nương tựa, tiếp nhận các giới pháp do đại đức Upali trao truyền.
Lễ thế phát cử hành xong, mọi người lập tức theo Bụt trở về tu viện Jetavana.Trong mười hôm liên tiếp, Angulimala được đại đức Upali hướng dẫn về giới luật và đại đức Sariputta chỉ dạy về giáo lý và những phép thiền tọa, khất thực, thiền hành.
Angulimala nỗ lực học hỏi và thực tập như chưa có ai từng học hỏi và thực tập như vậy.Nửa tháng sau, khi đến thăm Angulimala tại tăng xá, Bụt cũng phải ngạc nhiên.
Angulimala đã hoàn toàn lột xác.
Bây giờ đây Angulimala đã trở nên một vị khất sĩ có tướng tụng và dung mạo rất uy nghi và đẹp đẽ.
Bây giờ trong tu viện ai cũng gọi Angulimala là đại đức Ahimsaka.
Tên này vốn là tên thật của Angulimala ngày trước, có nghĩa là bất bạo động hay bất hại.
Svastika nghĩ rằng danh hiệu này rất hạp với vị đại đức mới, bởi vì theo Svastika ngoài Bụt không ai có vẻ hiền lành như thầy Ahimsaka bây giờ.Sáng hôm sau, Bụt đi vào thành Savatthi khất thực với khoảng năm mươi vị khất sĩ, trong đó có đại đức Ahimsaka.
Vừa đến cửa thành, Bụt gặp vua Pasenadi và các tướng lãnh đang điều động quân đội và cảnh sát.
Quốc vương cũng đang mặc quân phục như các vị chỉ huy quân đội khác, lưng đeo trường kiếm, ngồi trên lưng ngựa.
Thấy Bụt, vua xuống ngựa, tiến đến vái chào.
Bụt hỏi:– Đại vương! Có biến cố gì mà đại vương và các vị tướng soái phải điều động quân đội để đánh dẹp? Có nước láng giềng nào đang gây hấn ở biên giới chăng?Vua đáp:– Thế Tôn! Không có nước láng giềng nào định đến đánh chiếm Kosala cả.
Trẫm điều động quân đội và cảnh sát là để vây bắt tên sát nhân Angulimala.
Tên tướng cướp này ghê gớm lắm.
Chưa có một lực lượng nào đã có thể vây bắt và trừng trị được nó.
Trẫm được báo cáo là Angulimala đã xuất hiện tại thủ đô Savatthi từ hơn nửa tháng nay.
Dân chúng thủ đô đang mất tinh thần mà các lực lượng cảnh sát vẫn chưa tìm ra được nó.Bụt hỏi:– Tên sát nhân Angulimala lợi hại đến thế sao?Vua đáp:– Thế Tôn chưa biết, chứ Angulimala là một mối họa lớn cho mọi người.
Trẫm phải tìm đủ cách để bắt giết cho được nó.
Angulimala là một tên sát nhân vô cùng nguy hiểm.Bụt hỏi:– Nhưng giả dụ tên sát nhân đó cải tà quy chánh, phát nguyện suốt đời giữ giới không sát sinh, sống đời xuất gia đạm bạc, tôn trọng sự sống của muôn người và của mọi loài chúng sanh khác, thì bệ hạ có cần tìm bắt giết nó nữa không?– Thưa Thế Tôn! Nếu Angulimala mà theo Bụt xuất gia, giữgiới bất sát, sống đời phạm hạnh thanh cao như các vị khất sĩ ở đây thì trẫm vui mừng xiết bao! Không những trẫm sẽ không bắt giết mà còn tới đảnh lễ và cúng dường y áo, thực phẩm và thuốc men cho, y như trẫm đã từng cúng dường Thế Tôn và các vị đại đức ở tu viện Jetavana vậy, nhưng chuyện này chắc chẳng bao giờ xảy ra đâu, bạch Thế Tôn!Bụt đưa tay chỉ vào đại đức Ahimsaka đứng sát sau lưng người và nói với vua:– Đại vương, đây là Angulimala đã được trao truyền giới pháp xuất gia và đã trở nên một vị khất sĩ sống đời phạm hạnh từ nửa tháng nay.Quốc vương Pasenadi sợ dựng tóc gáy.
Bụt nói:– Đại vương đừng sợ, khất sĩ Angulimala bây giờ hiền hơn cục đất.
Bây giờ mọi người gọi vị khất sĩ này là đại đức Ahimsaka.Vua nhìn đại đức Ahimsaka trong một giây, và từ từ tiến tới trước mặt đại đức.
Vua chắp tay xá thầy.
Vua hỏi:– Bạch đại đức, ngài xuất thân từ gia đình nào? Thân phụ ngài tên gì?– Tâu đại vương, thân phụ tôi tên là Gagga, thân mẫu tôi tên là Mantan!– Xin đại đức Gagga Mantanniputta nhận nơi đây niềm thành kính của trẫm và xin đại đức cho phép trẫm cúng dường ngài y áo, thực phẩm và thuốc men.Đại đức Ahimsaka đáp lễ:– Tâu đại vương, tôi đã có đủ ba y áo, thực phẩm thì mỗi ngày đều có thí chủ cúng dường trong giờ đi khất thực, còn thuốc men thì hiện giờ tôi không cần đến, xin tạ ơn đại vương.Vua cúi đầu chào đại đức một lần nữa rồi trở về đứng trước mặt Bụt.
Vua làm lễ Bụt và nói:– Bạch đức Thế Tôn, đạo đức của người thật là mầu nhiệm.
Thế Tôn dập tắt được những gì rất khó dập tắt, an ổn được những gì rất khó an ổn, điều phục được những gì rất khó điều phục.
Những gì không giải quyết được bằng binh lực và bạo động, Thế Tôn đã giải quyết được bằng đức độ của người.
Trẫm xin ghi ơn đức Thế Tôn, bây giờ trẫm xin từ giã.Vua từ giã Bụt và các vị khất sĩ.
Ngay sáng hôm đó các đơn vị quân đội và cảnh sát được lệnh trở về vị trí cũ..