Đường Xưa Mây Trắng

Chương 68: Ba Cánh Cửa Nhiệm Mầu





Rời miền biển, Bụt trở về Pataliputta, ghé Vesali và đi lên hướng Tây Bắc, quê hương của người.

Khi tới Samagama, thuộc nội địa vương quốc Sakya, Bụt nghe nói vị giáo chủ của giáo phái Nigantha là Nathaputta đã qua đời, và giáo đoàn du sĩ Nigantha đã bị chia rẽ trầm trọng làm hai cánh.

Hai bên chống đối nhau rất kịch liệt về mặt giáo lý cũng như về mặt tổ chức khiến cho giới đệ tử tại gia của họ rất đau khổ, không biết theo ai.Chú sa di Cunda thị giả của đại đức Sariputta đã tới gặp đại đức Ananda và kể lại những chuyện trên, vì trong khi an cư ở Pava, chú đã nghe hết mọi chi tiết.

Thầy Ananda liền đem câu chuyện chia rẽ của giáo phái Nigantha bạch lên Bụt.

Thầy nói, giọng rầu rầu:– Lạy Bụt, con mong sau khi người diệt độ, sẽ không có sự chia rẽ trong hàng ngũ giáo đoàn khất sĩ như thế.

Con không ưa sự chia rẽ và tranh chấp một chút nào hết.Bụt vỗ vai Ananda:– Này Ananda, thầy có thấy các vị khất sĩ trong giáo đoàn ta tranh chấp và cãi vã nhau về nội dung các pháp môn như Tứ Niệm Xứ, Chánh Cần, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề và Bát Chánh Đạo không?– Lạy Bụt, con chưa thấy có vị khất sĩ nào tranh chấp và cãi cọ về nội dung giáo lý, nhưng con nghĩ khi Bụt còn tại thế, nhờ đức của Bụt ai cũng nương tựa vào Bụt, nghe lời Bụt và tu học yên ổn không có vấn đề gì, nhưng một khi Bụt trăm tuổi, họ có thể bắt đầu tranh chấp với nhau về giới luật và về cách thức sinh hoạt và hoằng hóa.

Nếu điều này xảy ra thì nhiều người sẽ buồn lắm và sẽ mất tin tưởng ở đạo pháp.Bụt an ủi Ananda:– Đừng lo ngại, Ananda, chừng nào mà có sự tranh chấp và cãi cọ trong giáo đoàn về nội dung giáo lý, về các pháp môn tu tập như Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề, Bát Chánh Đạo… thì lúc đó ta mới nên e ngại, còn những tranh chấp về tổ chức, về giới luật và về lề thói sinh hoạt, tuy có thể xảy ra, nhưng cũng không đáng ngại lắm đâu.Tuy được Bụt trấn an, đại đức Ananda vẫn không tươi tỉnh lắm.

Thầy mới nghe tin là tại Vesali, đại đức Sunakkhata, ngày xưa từng làm thị giả cho Bụt, nay đã rời bỏ giáo đoàn khất sĩ vì những bất mãn riêng tư.

Thầy ấy đã bắt đầu tổ chức những cuộc diễn giảng chống lại Bụt và giáo đoàn.

Đi tới đâu Sunakkhata cũng nói: Sa môn Gotama cũng chỉ là người thường thôi, không có gì đặc biệt hơn ai và giáo pháp của sa môn Gotama chỉ đem tới sự giải thoát cá nhân, chẳng có ích lợi gì cho xã hội.

Sunakkhata đã bắt đầu gây hoang mang trong quần chúng.

Điều này chính đại đức Sariputta cũng đã biết.Đại đức còn biết rằng mầm chia rẽ đã manh nha trong giáo đoàn ở thủ đô Rajagaha.Một nhóm các vị khất sĩ tại Rajagaha trong đó có đại đức Devadatta đang âm thầm tổ chức một giáo đoàn khất sĩ độc lập với giáo đoàn của Bụt.

Cộng tác với thầy Devadatta có nhiều thầy cũng thuộc hạng giỏi như các đại đức Kokalita, Katamoraka Tissa, Khandadeviputta và Samuddadatta.Thầy Devadatta vốn là một trong những người đệ tử lớn, thông minh và tài giỏi nhất của Bụt.

Chính sư huynh Sariputta đã từng khen ngợi đại đức Devadatta ngay giữa các đám đông vùng Rajagaha.


Đã có lúc đại đức Sariputta tiếp xử với đại đức Devadatta như là một người bạn tri kỷ.

Vậy mà không biết vì lý do nào Devadatta gần đây đã nảy ý ganh ghét, ngay cả với Bụt.

Thầy Ananda không biết là đã có ai trình lên Bụt các vụ này chưa.

Riêng thầy, thầy rất ái ngại phải nói để Bụt nghe những chuyện đau buồn như thế.Mùa mưa năm sau, Bụt lại về Savatthi và an cư tại vườn Cấp Cô Độc.

Đầu mùa an cư, người giảng kinh Pháp Ấn.Hôm đó, tại giảng đường Kỳ Thọ, Bụt nói:– Có pháp ấn mầu nhiệm, quý vị có biết không? Hôm nay tôi muốn nói cho quý vị nghe về pháp ấn ấy.

Quý vị hãy tháo bỏ mọi tri kiến để cho tâm hồn thanh tịnh thì mới nghe, hiểu và tiếp thụ được.Các vị khất sĩ! Pháp ấn là con dấu chứng thực tích cách chân xác của chánh pháp.

Có ba con dấu tất cả.

Bất cứ một giáo lý nào, một pháp môn nào mà không có dấu vết của ba con dấu ấy, thì không phải là giáo lý của tôi nói.

Ba con dấu là không, vô tướng, và vô nguyện.

Ba con dấu ấy cũng là ba cánh cửa để đi vào thế giới của giải thoát.

Vì vậy pháp ấn cũng được gọi là ba cánh cửa giải thoát, hay tam giải thoát môn.Các vị khất sĩ! Con dấu thứ nhất là không (sunnata).Không ở đây có nghĩa là rỗng không, không có tự ngã riêng biệt.

Không ở đây không có nghĩa là không đối với có.

Như các vị đã biết, chấp có và chấp không là hai kiến chấp sai lầm.

Vậy không ở đây có nghĩa là không có một tự ngã riêng biệt, không có một sự tồn tại riêng biệt.

Vạn pháp nương vào nhau mà có mặt, không có pháp nào có thể phát sinh và tồn tại một cách độc lập.

Các pháp sinh khởi và tồn tại trong liên hệ nhân duyên chằng chịt, cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.

Do đó, bản chất của không là duyên khởi.

Này các vị! Các vị phải tập nhìn vạn pháp trong liên hệ nhân duyên của chúng để thấy được rằng trong một pháp có mặt tất cả vạn pháp, để thấy rằng trong cái một có cái tất cả và ngoài cái một, cái tất cả không thể nào tồn tại.

Quán chiếu mười tám giới là sáu căn, sáu trần và sáu thức, quán chiếu năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, các vị sẽ thấy được rằng không có giới nào cũng như không có uẩn nào có tự thể riêng biệt, rằng tất cả đều nương vào nhau mà đứng.

Thấy được tính không ấy rồi thì thấy được tính không của vạn pháp.

Thấy được tính không ấy rồi thì các vị không còn ước muốn theo đuổi hoặc trốn chạy bất cứ một pháp nào nữa và các vị sẽ đồng thời vượt thoát những tham đắm, phân biệt hoặc kỳ thị đối với tất cả các pháp.

Quán chiếu về tính không tức là mở ra một cánh cửa để đi vào thế giới của tự do.

Vì vậy không là cánh cửa giải thoát thứ nhất.Các vị khất sĩ! Con dấu thứ hai là vô tướng (animita).

Vô tướng tức là vượt thoát những khuôn khổ của tri giác và của nhận thức phân biệt.

Vì không thấy được tự tính duyên khởi của các pháp, vì không chứng đắc được tính không của các pháp, cho nên người đời thường nhìn các pháp như những hiện tượng riêng biệt, độc lập, cái này tồn tại ngoài cái kia, cái này có mặt độc lập với tất cả cái kia.

Nhìn các pháp như thế cũng giống như là lấy thanh gươm của nhận thức phân biệt để chặt thực tại ra từng mảnh nhỏ rời rạc, và như thế là không thấy được tự thân của thực tại.

Này các vị! Vạn pháp tùy thuộc vào nhau, cái này có trong cái kia, cái này lồng trong cái kia, trong một cái có tất cả mọi cái.

Đó là ý nghĩa hai từ tương nhập và tương tức.


Tương nhập là đi vào trong nhau; tương tức là nương vào nhau.

Cái này đi vào trong cái kia, cái kia đi vào trong cái này; cái này là cái kia, cái kia là cái này.

Quán chiếu như thế các vị sẽ thấy rằng trigiác của chúng ta đầy dẫy sai lầm.

Con mắt của cảm giác không thấy được vạn hữu rõ ràng và chính xác bằng con mắt quán chiếu của trí tuệ.

Có khi nhìn sợi dây, con mắt của cảm giác và của tri giác có thể nhận lầm là con rắn, nhưng dưới con mắt của quán chiếu, tự thân của sợi dây được hiển lộ rõ ràng và hình bóng con rắn sẽ tự nhiên tiêu diệt.Các vị khất sĩ! Các tướng trạng như có, không, sinh, diệt, một, nhiều, còn, mất, tới, đi, dơ, sạch, thêm, bớt… đều là những tướng trạng mà tri giác và nhận thức phân biệt úp chụp vào thực tại.

Đối với đệ nhất nghĩa đế, thì tự thân thực tại không bị giam nhốt trong những phạm trù phân biệt đó, không bị khuôn khổ trong các tướng trạng đó của nhận thức phân biệt.

Vì vậy cho nên vạn pháp được gọi là vô tướng.

Quán chiếu để làm tan rã những ý niệm có, không, sinh, diệt, một, nhiều, còn, mất, tới, đi, dơ, sạch, thêm, bớt… các vị sẽ đạt tới giải thoát.

Vô tướng vì vậy là cánh cửa mầu nhiệm thứ hai mở ra để ta đi vào thế giới của tự do.

Vô tướng là cánh cửa giải thoát thứ hai.Các vị khất sĩ! Con dấu thứ ba là vô tác, hay là vô nguyện (appanithita).

Vô nguyện là không đuổi theo bất cứ một cái gì.Tại sao thế? Thói thường người ta hay muốn trốn chạy khỏi một pháp để đuổi theo một pháp khác.

Người đời ưa trốn chạy sự nghèo khổ để đuổi theo sự giàu sang.

Người tu đạo ưa trốn chạy sinh tử để đuổi theo giải thoát.

Nhưng nếu các pháp có mặt trong nhau, nếu các pháp là nhau, thì ta còn cần trốn chạy pháp nào và đuổi theo pháp nào? Trong sinh tử đã có Niết bàn, trong Niết bàn đã có sinh tử, Niết bàn và sinh tử không phải là hai thực thể riêng biệt.

Vậy thì ruồng bỏ sinh tử để chạy theo Niết bàn tức là chưa chứng nhập được thể tính duyên sinh của vạn pháp.

Chưa chứng nhập tự tính không và vô tướng của vạn pháp.

Quán chiếu vô nguyện là để chấm dứt ngay sự tìm cầu và theo đuổi.Giải thoát và giác ngộ không phải là những pháp có mặt ở ngoài ta.

Chỉ cần mở mắt để chiêm nghiệm, thì ta thấy được ta chính là bản thân của giải thoát và giác ngộ.

Tất cả các pháp, tất cả chúng sinh đều có sẵn tự tính giác ngộ tròn đầy trong tự thân mình.

Các vị đừngđi tìm tự tính ấy ở bên ngoài.

Nếu biết xoay ánh sáng quán chiếu vào tự thân, tự khắc các vị thực hiện được giác ngộ.

Các vị khất sĩ! Tất cả các pháp trong vũ trụ không pháp nào tồn tại độc lập ngoài nhận thức của các vị, trong đó kể cả Niết bàn, kể cả Giải thoát.

Các vị không cần đi tìm cầu những thứ ấy ở đâu nữa.

Các vị nên nhớ rằng đối tượng nhận thức không tồn tại độc lập với nhận thức.

Không đuổi theo một pháp nào, kể cả Phạm Thiên, Niết bàn và Giải thoát, đó là ý nghĩa của vô nguyện.

Các vị đã là cái các vị đang đi tìm.Vô nguyện, do đó, là cánh cửa mầu nhiệm thứ ba mở ra để ta đi vào thế giới của tự do.Vô nguyện là cánh cửa giải thoát thứ ba vậy.Các vị khất sĩ! Đó là giáo lý pháp ấn, đó là pháp môn ba cánh cửa giải thoát.

Tam Giải Thoát Môn là pháp môn rất vi diệu, rất mầu nhiệm, các vị nên hết lòng học hỏi và thực tập.

Tu tập theo pháp này chắc chắn quý vị sẽ đạt tới tri kiến thanh tịnh, và thực hiện được giải thoát.Bụt nói xong kinh Pháp Ấn, đại đức Sariputta đứng dậy đảnh lễ Bụt.


Đại chúng thấy thế đều đứng dậy và lạy xuống để tạ ơn Thế Tôn.Đại đức Sariputta tuyên bố với đại chúng là ngày hôm sau sẽ có một buổi trùng tuyên và học hỏi về kinh này.

Đại đức nói đây là một kinh thâm diệu vô cùng, phải đem hết sinh mạng và tâm chí ra mà học hỏi và thực tập mới mong có thể hiểu được.

Đại đức Svastika thấy kinh này có liên hệ tới kinh Không mà Bụt dạy năm ngoái.

Bụt đã hướng dẫn các đệ tử của người từ những giáo lý đơn giản đến những giáo lý càng ngày càng huyền nhiệm.

Thầy thấy các vị trưởng thượng như Mahakassapa, Sariputta, Punna, Moggallana… ai nấy đều tỏ vẻ sung sướng cực kỳ khi được nghe kinh này.

Thầy nhớ năm ngoái khi Bụt giảng xong kinh Không, thầy Sariputta cũng đã lên lạy Bụt, và tất cả các vị trưởng thượng trong giáo đoàn cũng đã lên bắt chước đại đức Sariputta.

Tình thầy trò thật rất thắm thiết.Chiều ngày hôm sau, các đại đức Yamelu và Tekula đến tìm Bụt ở tịnh thất của người.

Hai đại đức này đều xuất thân từ dòng dõi Bà la môn.

Đó là hai anh em ruột.

Họ nổi tiếng là lão thông văn chương, cú pháp và nhất là cổ ngữ.

Giọng phúng tụng và xướng tán của họ rất thanh tao, trong như tiếng chuông và hùng mạnh như tiếng trống.

Gặp Bụt, hai đại đức lạy xuống.

Bụt mời họ ngồi:Đại đức Yamelu nói:Thế Tôn, chúng con muốn xin phép Thế Tôn để trình bày về vấn đề chuyển ngữ trong công cuộc hoằng pháp.

Bạch Thế Tôn, trong khi Thế Tôn thuyết pháp, người thường dùng ngôn ngữ Magadhi, ở Magadha hay ở Kosala cũng vậy.

Nhưng trong giới khất sĩ có nhiều vị không sử dụng được tiếng Magadhi, và ở những miền họ hành đạo dân chúng cũng không biết tiếng Magadhi.

Vì vậy pháp âm của người đã được chuyển dịch thành rất nhiều thứ tiếng của nhiều giống dân khác nhau.

Thời chưa xuất gia, chúng con đã may mắn học được nhiều sinh ngữ, và chúng con nhận xét rằng ở nhiều nơi người ta đã làm sai lệch và méo mó pháp âm vi diệu của người bằng cách diễn dịch pháp âm ấy thành nhiều thổ ngữ.

Chúng con xin Bụt cho phép chúng con đem tất cả các kinh giáo của người viết thành ngôn ngữ Sanskrit cổ điển.

Nếu các vị khất sĩ bốn phương đều học thuộc pháp âm người qua cổ ngữ ấy thì chắc chắn chúng ta tránh được cái nạn làm méo mó và sai lệch tiếng nói của Bụt.Bụt im lặng một lát rồi ngửng lên nhìn hai vị đại đức:– Các vị làm như thế không tiện, đạo pháp là một thực thể linh động, ngôn ngữ để chuyên chở giáo pháp phải là những sinh ngữ đang được sử dụng.

Tôi không muốn giáo lý của chúng ta được trình bày bằng một cổ ngữ, trừ những người trí thức, ít ai hiểu và cảm được giáo lý qua một cổ ngữ.

Các thầy Yamalu và Tekula, tôi muốn nói rõ với quý vị là giới môn đệ của tôi, xuất gia cũng như tại gia, đều phải học hỏi và thực tập giáo pháp bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình.

Như vậy giáo pháp mới linh động và dễ hiểu.

Giáo pháp phải được thích ứng với đời sống hiện tại và phải được trình bày như thế nào để thích hợp và dễ hiểu với văn hóa địa phương.Hiểu được ý Bụt, hai đại đức Yamelu và Tekula đảnh lễ người và rút lui..