Gả Cho Nam Nhân Bệnh Lại Là Phúc Của Ta

Chương 41: Nhân duyên cũ



Mỗi ngày quan ông đều đến ngồi ở phòng ta một hai canh giờ. Khi thì trò chuyện cùng ta, khi thì chơi đùa cùng em Khải, không khí một nhà hòa hợp vô cùng. Mẹ ta cũng đã cử người điều tra chuyện đêm bão nhưng tiếc là sóng to gió lớn lại thêm lâu ngày trôi qua, nhà thuyền kia sớm đã dong buồm về xuôi. Không bằng không chứng, không biết thủ phạm là ai, chúng ta có muốn kêu oan cũng chẳng được. Đành nằm gai nếm mật, dù sao chuyển đến dưới chân thiên tử, người kia cũng chẳng dám làm càng.

Suốt cả một chặng đường chông gai sống gió, trải qua sinh tử ly hợp làm ta dường như kiệt sức. Lười biếng trên giường mấy ngày mới bắt tay vào viết thư cho người chị nơi Thuận Hóa. Ta kể về chuyện kinh thành phồn hoa ra sao, hưng thịnh thế nào, kể về nỗi nhớ nhung Thuận Hóa của mình ra:

"Thuận Hóa tuy là nơi thôn quê nhưng đất trời hòa thuận, khí hậu ôn hòa, cảnh vật nên thơ, mỗi khi nhàm chán còn có người chị em tốt như chị làm bạn, ta vui biết mấy. Bây giờ chuyển đến nơi xa hoa phú quý, tấp nập phồn vinh lại chỉ có thể ngày ngày đối mặt với bốn bức tường. Phủ Huỳnh mới ở kinh thành chỉ có một khoảng vườn nho nhỏ, trồng đôi ba cây cảnh, không được như chốn quê nhà có một vườn cây trái xum xuê. Hồng yên, ta thật sự rất nhớ chị, nhớ quê nhà của ta. "

Ta nắm chặt cán bút, nước mắt không tự chủ thấm vào trang giấy. Từ giờ sẽ không có ai lên tiếng bênh vực ta ở lớp khuê học, sẽ không có ai to gan đưa ta lẻn ra đồng ruộng thả diều, sẽ không có ai vài ngày lại mặt dày đến chia bớt phần cơm của ta. Thì ra nỗi nhớ đáng sợ đến thế này, ta yêu thương một người nhưng lại không thể gặp mặt, chỉ có thể gửi lòng vào trang giấy. Nếu ta là một nam nhi, sau này ra ngoài học tập, cơ hội gặp lại bạn bè còn rất nhiều, nhưng tiếc rằng ta chỉ là một cô gái sau này lớn lên lấy chồng, theo chồng, làm dâu làm vợ, ngày ngày nơi khuê phòng, hậu viện. Ta đưa tay lau nước mắt, chỉnh trang lại gương mặt sau đó lệnh cho Thược Dược mang thư đi gửi. Dạo này cả mẹ và ta đều vô cùng vừa mắt cô hầu này. Nàng ta thông minh khéo léo, lại biết trước biết sau, chưa từng quá phận. Đôi hôm trước mẹ ta đến kì nguyệt, bụng đau không ngừng, chính là chị ta đã hiến phương thuốc kỉ tử đường đen làm mẹ ta khen ngợi không ngớt.

Dì Nga từ khi đến kinh thành, hay lui tới chỗ của chúng ta, bà ấy không nói gì nhiều, đôi khi chỉ đến vui đùa cùng em Khải, uống một tách trà rồi quay về. Mẹ ta cũng vô cùng thương cảm cho dì Nga, cả đời này dì ấy phải sống cô độc không con cái, để bà ấy thân thiết với Văn Khải một chút, cho bà vơi đi nỗi buồn trong lòng. Hôm nay dì Nga lại đến, mang theo mấy cái bánh xu xê cho Văn Khải. Vân Nga đưa tay ôm Văn Khải vào lòng, xoa xoa cái đầu tròn của nó, ý cười trên mặt thoải mái vô cùng. Dì bồng em Khải đi một vòng, cho nó một cái bánh, nó nhoẻn miệng cười làm cả phòngr rộ cười theo. Mẹ ta đưa tay đón em Khải, dịu dàng nói

- Chị đừng chiều nó như thế, hư người, lớn rồi cứ đòi ẵm bồng!

Vân Nga ngồi xuống ghế, thân áo chàm uyển chuyển, bà che miệng cười

- Đừng la con, con còn bé, chiều nó một tí thì đã sao

....

Ông Văn Hậu về nhậm chức ở kinh đô, lần đầu diện kiến dung nhân thánh thượng không khỏi sợ hãi, chưa quen. Mỗi lần đi chầu vua đều không dám thở mạnh, thật may vua chúa nhà Trần nhiều đời gần gũi với quan dân, không mấy đáng sợ. Huỳnh học sĩ tốn mất nữa tháng thích nghi, cúi cùng cũng có thể thẳng lưng trong điện. Hôm nay vừa tan buổi chầu về nhà, ông đã thấy có xe ngựa trước cổng. Xuống ngựa bước vào trong, ông nhìn thấy một người phụ nữ trung tuổi, vận áo đối khâm màu mận đỏ, tóc búi chuy khế cài trâm ngọc, trên mặt có một nốt ruồi khá lớn. Người phụ nữ ngồi bên ghế khách đang trò chuyện cùng quan bà Hồ thị, phía sau là một thiếu niên khoảng chừng mười hai tuổi, dáng dấp cao ốm, nước da xanh xao đang đứng cúi gầm mặt. Ông Văn Hậu tiến vào, chắp tay thi lễ

- Chị Ngưu, lâu quá mới gặp lại chị

Người đàn bà ngừng nói, ánh mắt dời qua phía quan ông, bà vội đứng lên cười lớn, đưa tay đỡ lấy

- Nào nào, không cần rườm rà lễ tiết, cậu để chị xem - Người đàn bà gọi là chị Ngưu kia đi một vòng quanh ông Hậu, vỗ vai - Ôi chao, bây giờ cậu phong độ thế này, nếu chồng ta thấy được, chắc chắn sẽ rất vui mừng, đáng tiếc...



Quan ông dìu người phụ nữ lên ghế ngồi, tự mình rót trà cho bà Ngưu. Bà ta ngồi xuống ghế, đưa tay lên mi mắt, khóc than

- Thật tội nghiệp ông nhà ta đường đường là một Ngự sử đại phu, lại không may vắng số, mất lúc còn trẻ như vậy

Quan bà cầm tay bà Ngưu, vỗ về

- Chị Ngưu đừng buồn, không phải chị còn hai người con trai sao, nghe nói cậu cả mới đây đã nhậm chức tri châu Cửu Chân không phải sao, tôi còn chưa kịp chúc mừng chị

Bà ta nghe đến đây, không giấu nổi vui mừng, lau nước mắt cười đáp

- Phải phải, nhờ phúc của ông nhà ta để lại. Dự là cuối tháng này nhà chúng ta sẽ đi Cửu Chân! Có điều...có điều...

Thấy được sự ấp úp trong lời bà Ngưu, quan ông phất tay

- Chị Ngưu có khó khăn gì xin cứ nói, em xin giúp chị ngay

- Chuyện này...chuyện này... có chút khó nói...ta...ta... - Bà Ngưu ấp úng

- Chị cứ nói! Nếu ngày trước không có anh Ân giúp đỡ em nào có ngày hôm nay. Bây giờ chị nhờ, em nếu không hết lòng thiên hạ coi ra chi hử

Người đàn bà dường như chỉ chờ có câu này, vội đẩy người con trai đang đứng phía sau ra, giả lả cười nói

- Chị biết cậu là người ơn báo nghĩa đền mà! Chuyện là nhà ta theo con trai trưởng đi Cửu Chân, không biết ngày nào quay về. Đứa con này của ta theo nghiệp văn chương, ta không muốn nó đến miền xa đó lở dở học hành, liền tìm cách cho nó ở lại đây. Tìm rồi lại tìm, ta bỗng nhớ ra, trước đây không phải hai nhà ta có hôn ước hay sao. Ôi chao, lúc ông nhà ta cứu cậu, cậu cảm kích vô cùng, sau đó không phải nói sẽ đem con dòng chính gả cho con trai ta sao