Hà Hòa đã rất buồn rất buồn. Cô bảo mẫu an ủi bé rằng anh trai đang có việc bận phải về nhà, ai cũng có việc của mình hết, đến lúc cần thì phải dọn đi để tiện giải quyết công việc.
Bé bần thần gật đầu: “Con biết, con biết mà.” Bé chỉ là buồn bã mà thôi. Ai cũng có cuộc sống của riêng mình, cha mẹ đã nói thế, bây giờ anh trai cũng có cuộc sống của mình. Chỉ có bé là bị bỏ lại mãi ở nơi này thôi.
Anh A Dục, người duy nhất bảo vệ bé, chăm sóc bé, chơi đùa với bé cũng đi mất rồi.
Hà Hòa buồn lắm, nhưng cũng chỉ có thể buồn mà thôi.
Bé ngước nhìn cô bảo mẫu, xin cô làm cho mình một chiếc bánh kem. Sắp tới sinh nhật tám tuổi của bé rồi. Anh trai nói sẽ mừng sinh nhật cùng với bé, làm cho bé một cái bánh kem to thật to. Bây giờ anh đi rồi nhưng bé vẫn muốn mừng sinh nhật. Anh trai đã nói mình phải dũng cảm lên, muốn cái gì thì cứ nói ra, không cần phải uất ức giấu nhẹm trong lòng.
Cô bảo mẫu làm cho bé một cái bánh kem thật to thật đẹp, để cho bé tự tay vẽ hoa, vẽ ông mặt trời, còn vẽ thêm hai người que một lớn một nhỏ đang chơi đùa với nhau nữa.
Hà Hòa thích bánh kem vô cùng, bé muốn ôm bánh kem vào phòng ăn dần. Nào ngờ Hà Hòa bé nhỏ vừa bưng bánh kem leo lên cầu thang đã thấy cha mẹ đang cãi nhau kích liệt, đúng vậy, bé nhớ ra rồi, người đàn ông luôn đánh mắng bé gọi là cha, còn người thường hay lạnh lùng lườm nguýt bé gọi là mẹ.
Bọn họ cãi nhau kinh khủng lắm, cái gì mà ông bồ bịch ở bên ngoài có cả đống con riêng, tôi chỉ đi mang thai hộ hai đứa con thì làm sao, ông ăn chả thì tôi ăn nem. Cái gì mà bà không giữ nếp nhà, cưới bà về thật là sai lầm, không biết bà được nhà họ Hạ dạy dỗ thế nào nữa.
Tóm lại hai người kia cãi nhau đến long trời lở đất, vừa chửi rủa vào mặt nhau vừa xô đẩy đi về phía cầu thang. Hà Hòa đang đứng ngay gần cầu thang bị dọa sợ đến mặt mày trắng bệch. Bé định lách người đi sát mép tường để trốn về phòng nhưng xui xẻo thay người đàn ông đó đã thấy bé.
Không có gì thay đổi, gã ta vẫn nhìn bé giống như nhìn một thứ gì đó chỉ đáng bỏ đi. Đang cơn tức giận, gã bước tới túm cổ áo bé dằn mạnh rồi tiếp tục đứng sỉ vả người đàn bà kia. Thật ra bé không hiểu lắm, chỉ nghe được loáng thoáng gã ta nói chắc bé cũng không phải con ruột của gã đâu.
Bé sợ đến mức cố gắng hết sức giãy ra, người đàn ông như thấy phiền, cũng có lẽ là quen tay rồi nên không thèm để ý tới mà ném bé sang một bên.
Nhưng lần này không phải là ném trên mặt đất nữa.
Phía sau lưng bé là cầu thang.
Bé bị quăng ngã xuống cầu thang, sau đó lăn một đường thẳng xuống sàn.
Mặc dù đang là trong mơ, cũng không ý thức rõ quá trình ngã xuống, nhưng bé vẫn nhớ rõ mùi máu tươi và mùi bơ trên bánh kem trộn lẫn vào nhau, dính cả vào trong miệng bé, đó là ký ức cuối cùng của bé đối với bánh kem.
Từ đó trở về sau Hà Hòa không ăn đồ ngọt nữa, rõ ràng là vị ngọt nhưng sao ăn vào lại thấy đắng chát. Chỉ cần ngửi mùi bơ béo ngậy thơm lừng thì cậu liền buồn nôn, tiềm thức mách bảo phải chạy trốn khỏi nó.
…
“A Hòa, A Hòa. Em đừng làm anh sợ. Em mở mắt ra nhìn anh đi A Hòa.”
Hà Hòa dường như nghe thấy có ai đó gọi bên tai mình liên miên không dứt. Đó là giọng khàn khàn trầm ấm của một người đàn ông, nghe cứ như sắp khóc đến nơi.
Mí mắt Hà Hòa giật giật, cố gắng mở mắt ra, quả nhiên nhìn thấy được một khuôn mặt quen thuộc, chỉ là lúc này khuôn mặt ấy tiều tụy thấy rõ, râu ria xồm xoàm cũng không thèm cạo.
“A Hòa, em tỉnh rồi!” Chu Dục mừng đến nỗi như sắp nhảy cẫng lên la to sung sướng, thế nhưng anh vẫn không rời khỏi mép giường chút xíu nào.
Đôi mắt Hà Hòa cong cong, mỉm cười ngọt ngào với anh.
Sau khi bác sĩ kiểm tra thì thông báo Hà Hòa đã thoát khỏi nguy hiểm, chỉ là phần đầu bị chấn động mạnh nên cần phải tiếp tục nằm viện quan sát.
Chu Dục vẫn còn sợ hãi khôn nguôi, anh nắm chặt tay bạn đời, hốc mắt đỏ lên: “Em hôn mê tận hai ngày, anh sợ muốn chết…”
“Anh A Dục.” Hà Hòa đột nhiên gọi.
“Ừ anh…” Lời đã đến miệng đột nhiên khựng lại, Chu Dục ngẩn ngơ nhìn Hà Hòa. “Em gọi anh là gì?”
Hà Hòa nhoẻn miệng cười, gọi lại lần nữa.
“Em…” Chu Dục xoa xoa đầu cậu. “Nhớ ra rồi sao?”
“Vâng.” Hà Hòa cũng nhẹ nhàng đưa tay sờ lên băng gạc quấn trên đầu. “Nhờ lần này bị té mà nhớ ra được, cũng coi như trong cái rủi có cái may.”
“May cái gì mà may, cũng không phải chuyện quá quan trọng gì, quên thì quên đi. Anh thà em vĩnh viễn không nhớ ra cũng không muốn em bị thương thế này.”
“Không, nó rất quan trọng.” Hà Hòa kéo tay Chu Dục, nắm chặt lấy đôi tay của anh, chớp chớp mắt. “Đối với em nó vô cùng quan trọng.”
Chu Dục cảm thấy mắt mình cay cay: “Ừ, rất quan trọng. Em yên tâm, từ nay về sau chúng ta sẽ tạo ra càng nhiều hồi ức đẹp cùng nhau.”
…
Hà Hòa nằm nửa tháng thì được xuất viện, thật ra chỉ cần một tuần là có thể ra rồi, nhưng Chu Dục khăng khăng phải ở lâu một chút, đến lúc bác sĩ xác nhận không có gì đáng ngại nữa mới chịu thả cậu ra.
Về phần Hạ Tình, người gây ra họa hôm đó, đã bị cảnh sát mang đi, định tội cố ý hành hung người khác. Chu Dục đã mời luật sư khởi tố cô ta. Hạ Tình nhỏ hơn Hà Hòa bốn tuổi, vừa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, không còn tính là vị thành niên nữa. Hại Hà Hòa té đập đầu hôn mê, Chu Dục không thừa cơ cho cô ta nếm vài năm đau khổ thì anh không phải họ Chu.
Hạ Thiên Nhuế nhiều lần muốn tìm Hà Hòa năn nỉ cậu viết đơn bãi nại nhưng đều bị người của Chu Dục cản lại hết. Anh sẽ không để cho bất cứ người nhà họ Hạ nào tiếp cận Hà Hòa nữa.
Mà lúc khai khẩu cung ở đồn cảnh sát, Hạ Tình nói lý do mình đến tìm Hà Hòa chỉ vì muốn thể hiện trước mặt mẹ mình thôi, chứ cô ta hoàn toàn biết rõ Hà Hòa chắc chắn sẽ không giúp Hạ Thiên Nhuế và Hạ thị.
Còn vì sao cô ta lại gấp gáp muốn lấy lòng mẹ mình ư, lý do rất đơn giản. Hạ thị đã đấu đá đến mức loạn cào cào rồi, có lẽ không còn chống được bao lâu nữa. Lúc trước Hạ Thiên Nhuế nắm phần lớn cổ phần của Hạ thị nhưng qua đợt chinh chiến này bà ta còn lại bao nhiêu thì không biết được. Mà ngoài Hà Hòa ra bà ta còn hai đứa con nhỏ nữa, cả hai đều là con hợp pháp, đều có quyền thừa kế như nhau. Nhưng Hạ Tình tham lam, cô ta nghĩ rằng mình ngày đêm kề cận bên mẹ sẽ phải được ưu ái hơn anh trai ở nước ngoài suốt mới phải, mình nên được chia nhiều tài sản hơn.
Nhưng dù sao cô ta cũng là con gái, Hạ Thiên Nhuế có phần thiên về Hạ Hãn, muốn giao sự nghiệp cho cậu ta, thế là Hạ Tình nghĩ ra khổ nhục kế: gặp hoạn nạn mới thấy được chân tình.
Nếu trong thời điểm khó khăn này cô ta bất chấp mọi thứ giúp Hạ Thiên Nhuế thì cả đời bà ta sẽ nhớ mãi trong lòng, theo đó cô ta cũng có lợi thế hơn so với người anh trai đang đi du học ở trời Tây không giúp được gì kia.
Sau khi biết được những thủ đoạn này của Hạ Tình, Hạ Thiên Nhuế liền không có tâm tư nào đi chạy chọt giảm án cho cô ta nữa. Ngay cả đứa con trai vừa trở về gánh vác công việc với mẹ cũng cảm thấy đứa em này mưu mô nham hiểm, làm cậu ta phản cảm nên không còn yêu quý như xưa nữa.
“Đã cùng mẹ khác cha rồi mà còn không phải tự mình mang nặng đẻ đau sinh ra, ngoài phân nửa dòng máu từ người mẹ ra thì hai anh em đó có chỗ nào giống người thân của nhau đâu?”
Có người đánh giá Hạ Hãn và Hạ Tình như vậy. Lúc trước Hạ Thiên Nhuế khoe khoang hai đứa con mình mang thai hộ có được, có người còn hâm mộ bà ta, cũng muốn nhờ người mang thai hộ cho đỡ nặng nhọc. Nhưng bây giờ thì xem ra mình nên tự mình sinh con dưỡng cái thì hơn. Ai mà biết được đứa trẻ kia sinh ra sẽ thế nào, có gần gũi mình không.
Hơn nữa nếu sau này dạy dỗ không được thì trừ điểm máu mủ này ra có khác gì nhận nuôi một đứa bé từ bên ngoài đâu?
Vẫn là không thể nào bì được với con đẻ.
(Chỗ này thật ra mình không đồng ý lắm nếu đánh giá chung, nhưng nếu xét theo bối cảnh truyện thì nó cũng hợp lý, vì hai đứa con này được sinh ra vì sự ích kỉ của Hạ Thiên Nhuế chứ không phải vì tình thương và niềm mong mỏi của cha mẹ, mong các bạn hãy nhìn theo hoàn cảnh chứ đừng ném đá tác giả hay xét nét những người hiếm muộn mà tội họ.)
Có người còn chê cười Hạ Thiên Nhuế, bỏ bê đứa con ruột ưu tú không thèm quan tâm đến mà đi nâng niu con người khác sinh ra, bây giờ thì sao? Con trai lớn không muốn nhìn mặt bà ta, con gái thì tính toán lên cả mẹ mình, chỉ còn lại đứa con trai nhỏ, tuy không nhìn ra dã tâm gì nhưng nhìn cách hai người giao lưu với nhau không giống như mẹ con mà giống cấp trên cấp dưới hơn.
Mà dĩ nhiên lúc Hạ Thiên Nhuế bị châm chọc thì Hà Côn Minh cũng chẳng tốt hơn là bao. Hà Côn Minh có không ít con riêng, nhưng bọn họ chỉ biết mài tiền từ ông ta, lúc cần kíp thì không giúp được gì. Cuối cùng sau khi ba anh em nhà họ Hà chia gia tài xong thì ông ta được phần kém nhất. Vốn dĩ ông ta còn muốn cúp đuôi ôm tiền ra nước ngoài, lại chẳng ngờ kế hoạch bị đổ bể nửa đường. Chu Dục tìm người tố cáo ông ta tắc trách, không làm tròn nhiệm vụ, cảnh sát đến tận nơi dẫn ông ta đi hợp tác điều tra.
Những bằng chứng Hà Côn Minh bạo hành Hà Hòa ngày xưa nay đã không còn, nhưng để tìm được bằng chứng ông ta phạm lỗi trong lúc còn ở quân ngũ thì không phải việc khó khăn gì. Nói chung Chu Dục quyết tâm hành Hà Côn Minh cho lên bờ xuống ruộng thì thôi.
Những người thạo tin lại được một phen bàn tán, giễu cợt Hà Côn Minh có mắt không tròng, đắc tội với người không nên đắc tội, ngay cả con trai ruột hợp pháp cũng chướng mắt ông ta.
Hà Hòa nghe những bình luận này thì chỉ cười nhạt, vừa thoăn thoắt vẽ phác họa cho truyện mới vừa nói với Chu Dục: “Em nào có giỏi giang gì đâu, lúc trước là dựa vào tiền chia từ cổ phần, bây giờ thì được anh nuôi, mấy người đó đánh giá em cao quá rồi.”
Chu Dục vội vàng nịnh cậu nhà: “Em quên công ty mình mới mở rồi à? Anh nghe nói mấy dự án em đầu tư khả quan lắm, bắt đầu có lợi nhuận rồi. Em còn nổi tiếng là cậu ấm siêng làm từ thiện còn gì, cứ cho là đập tiền lấy tiếng đi thì thử hỏi trên đời có bao nhiêu người sẵn lòng cho đi tài sản của mình không đắn đo như vậy chứ?”
Hà Hòa liếc chồng một cái, đang định trêu anh thì đột nhiên di động vang lên. Cậu ngừng một chút rồi đi bắt điện thoại, nói vài câu thì cúp, khẽ thở dài.
Chu Dục hỏi: “Ai vậy em?”
“Em họ của em, Hà Kỳ Đa đó. Nó gọi điện tạm biệt em, cả nhà nó dọn ra nước ngoài định cư luôn.” Sau khi Hà thị bị nhà họ Từ thôn tính, những sản nghiệp còn lại của nhà họ bị ba anh em chia sạch sẽ, mỗi nhà được không nhiều nhưng ít nhất cũng đủ sống thoải mái, thậm chí nếu muốn thì cũng đủ vốn để đi làm ăn tiếp.”
Nhưng chắc là bọn họ đều cảm thấy mất mặt nên cả ba nhà không hẹn mà cùng lựa chọn dọn đi nơi khác sinh sống, à có Hà Côn Minh thì đi không lọt. Hà Hòa không có bình luận gì với kết quả này, chỉ là hơi tiếc Hà Kỳ Đa. Nhóc đi rồi không biết khi nào mới về lại đây nữa, lúc trước nhóc còn hô hào phải viết truyện người lớn cho Hà Hòa và Chu Dục nữa kìa.
Nhưng tiếc xong thì Hà Hòa lại cười rộ lên: “Nó nói ra nước ngoài cũng tốt lắm, tiểu thuyết bên đó đa dạng hơn, mà chính sách mảng này cũng khá lỏng lẻo, nó càng có không gian để sáng tác truyện người lớn.”
Lúc nói đến chuyện này Hà Kỳ Đa không có xíu xiu oán giận nào mà ngược lại còn thay mặt cha mình xin lỗi Hà Hòa.
Chu Dục cười thò tay véo yêu Hà Hòa: “Không phải càng tốt sao, cậu nhóc đó vừa ngây thơ vừa chân thành, chắc qua bên đó sẽ dễ chịu hơn. Mặc dù không ở gần nữa nhưng mà các em vẫn có thể liên lạc thường xuyên mà. Đúng rồi, em muốn mời ai đến dự hôn lễ của tụi mình nào?”
Hà Hòa bị câu hỏi của anh kéo theo, bắt đầu suy nghĩ sang chuyện hôn lễ. “Chắc chắn phải mời bạn học nè, mấy người trong văn phòng cũng mời, mời anh Văn Duyên nữa… Ừm, hình như hết rồi. Còn anh?”
“Anh hả? Chắc nhiều hơn em nhiều đó.”
Hai người liền ngồi trong phòng khách thảo luận danh sách khách mời, thảo luận một hồi thì nằm bò cả ra sàn hưởng thụ, ôm ấp quấn quýt nhau, vừa lúc nhìn ra cửa sổ ngắm hoàng hôn, ánh sáng chiếu đỏ rực cả căn phòng.