Giá Như Đừng Gặp Gỡ

Chương 1



Đêm muộn, tôi xách theo hai túi to túi nhỏ nặng nhọc lê bước trở về nhà. Giờ ấy đường phố cũng chẳng còn mấy ai qua lại, thỉnh thoảng chỉ có mấy chiếc xe ba gác chở hàng hối hả chạy qua, hoặc vài cơn gió lạnh thổi đến làm mấy chiếc lá khô trên vỉa hè bay xào xạc. Tôi co rụt hai vai vào trong áo ấm, nhanh chóng rảo bước rẽ vào một con ngõ nhỏ, vừa mới qua góc khuất thì thấy một người đàn ông đứng tựa sát vào tường, hơi thở phả ra mấy làn khói trắng.

Nghe thấy tiếng động, anh lập tức ngẩng đầu lên, gương mặt yếu ớt như bừng sáng:

– Em về rồi đấy à?

– Vâng. Sao anh lại đứng ngoài này? Em đã dặn là không phải chờ em mà. Đêm muộn sương xuống, lỡ ốm thì sao?

Bao giờ cũng vậy, mỗi ngày tôi đi làm về, dù muộn đến mấy thì anh vẫn đợi tôi, biết rõ tôi sẽ càm ràm, nhưng vì lo tôi về khuya gặp người xấu nên đêm nào anh cũng ra ngoài ngõ đợi.

Trung nhẹ nhàng nở một nụ cười coi như xí xóa, đi lại gần đỡ mấy túi đồ trên tay tôi:

– Để anh.

– Em xách được mà.

– Đừng lúc nào cũng coi anh như bệnh nhân nằm liệt giường thế, đi làm vất vả cả ngày rồi, mấy việc lặt vặt này cứ để anh.

Tôi chẳng còn cách nào, đành đưa cho anh. Trung vừa nhận lấy thì lập tức nâng lên đặt xuống mấy lượt, sau đó liền cau mày:

– Sao lại xách nặng thế này?

– Vâng. Hôm nay có mấy mâm khách đặt, đồ ăn còn dư nhiều lắm, chị chủ quán bảo em xách về, bỏ đi thì phí. Mà toàn đồ người ta chưa ăn đến thôi. Không phải ăn thừa đâu. Chỗ này cất tủ lạnh phải ăn được một tuần đấy.

Anh không nói gì, chỉ có gương mặt càng lúc càng trở nên chật vật. Tôi thì không muốn Trung phải xấu hổ vì ăn loại đồ ăn này, cho nên vừa cười vừa nói thêm:

– Bây giờ thời buổi kinh tế lạm phát, tiết kiệm được tý nào hay tý ấy anh ạ. Nhiều nhà còn không có nổi cơm mà ăn ấy. Mình sống thế này là tốt hơn nhiều người rồi.

– Ừ. Hôm nay làm việc mệt rồi phải không? Anh nấu nước nóng rồi, vào nhà tắm rửa rồi đi ngủ sớm thôi. Ngoài này sương xuống, lạnh lắm.

– Vâng. Sau anh cũng đừng đứng ngoài này chờ em nữa, người đã không khỏe, hứng sương không tốt. Nhỡ ốm ra đấy thì em lại lo.

– Không đến đón em được thì phải chờ em về chứ. Đừng lo, anh không yếu ớt thế đâu. Đứng ngoài trời một tý không ốm được đâu mà.

– Nhưng cũng không tốt.

– Anh biết rồi, biết rồi mà. Bên này có vũng nước đấy, đi sang bên phải anh đi.

– Vâng.

Trong con ngõ nhỏ vừa dài vừa tối, tiếng cười đùa của chúng tôi khe khẽ vang lên, không gian hiu quạnh lạnh lẽo cũng trở nên ấm áp hơn rất nhiều.

Mấy năm rồi, mối quan hệ của chúng tôi vẫn luôn hòa thuận êm ấm như vậy, mỗi đêm tôi về nhà sẽ có người đợi tôi, trong phòng tắm luôn có nước nóng được chuẩn bị sẵn, thậm chí trên bồn rửa mặt cũ kỹ cũng luôn có một cốc nước và một chiếc bàn chải đánh răng đã có sẵn kem. Trung đối xử với tôi chu đáo và ân cần đến mức mẹ tôi ở quê còn nói:

– Nếu nó không bệnh tật thì nó sẽ là một người chồng hoàn hảo đấy. Mày lấy được thằng Trung là có phúc lắm đấy con ạ. Chỉ tiếc là …

Chỉ tiếc là anh đã bị suy thận đến giai đoạn 4, cơ thể và sinh mạng đều yếu ớt như một ngọn đèn đang lung lay trước gió. Tôi và mẹ nợ ân tình của anh nên mấy năm qua dù Trung bệnh tật thế nào thì tôi vẫn luôn ở bên cạnh anh, đi làm kiếm tiền chữa trị cho anh, thậm chí tôi đã từng thề sẽ không trở lại Hà Nội nữa, nhưng vì bệnh tình của Trung trở nặng, mà ở quê không đủ điều kiện chạy chữa nữa nên tôi vẫn phải thất hứa và quay trở lại nơi đây, làm rất nhiều nghề chỉ để có tiền chạy thận cho anh hàng tuần.

Đôi bên đều có tình như thế, chỉ là… nhiều năm như vậy, tôi vẫn không thể nào rung động trước anh. Đã không ít lần tôi định mở lòng để thử yêu anh một lần, nhưng thật đáng buồn, tới giờ vẫn chưa có lần nào tôi làm được.

Tắm rửa xong, tôi mệt nên đặt lưng xuống ghế sofa là nhắm mắt ngủ luôn. Đến nửa đêm, bỗng dưng cảm giác được người nào đó chạm vào nên tôi giật mình tỉnh giấc. Quay sang bên cạnh thì thấy Trung đang loay hoay chèn chăn lại cho tôi.

Hình như anh phát hiện ra tôi tỉnh giấc nên mới khẽ quay sang:

– Anh đánh thức em à?

– Sao giờ này anh vẫn chưa ngủ?

– Ngày hôm nay ngủ nhiều rồi, không ngủ được nữa. Anh ra uống nước, thấy em đạp chăn, sợ em cảm lạnh nên đắp chăn lên cho em.

– Anh cứ như ông cụ non ấy. Em lớn thế này rồi, cảm lạnh sao được mà cảm lạnh.

Anh sờ sờ mấy vết chai trong lòng bàn tay tôi, giọng nói rất chậm rãi từ tốn:

– Linh này…

– Dạ.

– Ở đầu ngõ có cửa hàng sửa xe máy đang tuyển thợ, anh định ra đó xin việc.

Nghe đến chuyện anh muốn đi làm, tôi lập tức bật dậy, tròn xoe mắt nhìn anh:

– Sao tự nhiên anh lại muốn đi làm? Với cả sửa xe vất vả lắm, anh đang ốm nữa, không làm được đâu. Anh cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe đi, khi nào khỏi hẳn bệnh rồi thì đi làm sau cũng chưa muộn anh ạ.

– Ở nhà mãi cũng chán, cứ để anh đi làm, biết đâu lại khỏe ra. Với cả để mình em đi làm vất vả thế mãi cũng không được. Anh là đàn ông, không giúp được em cái gì thì cũng phải phụ em tiền ăn uống chứ. Cứ dựa mãi vào em sao được.

– Anh đã giúp em nhiều rồi, em đi làm mấy việc kia thì vất vả gì. Bao nhiêu tiền của anh cho em còn không tiếc, ít tiền em đi làm này có thấm vào đâu đâu. Anh đừng đi làm, em vẫn còn lo được, anh chỉ cần dưỡng bệnh thật tốt thôi.

– Tay phải của em phải giữ gìn, em cứ làm thế này, sau không vẽ tranh được nữa.

Có lẽ do hôm nay thấy tôi xách nặng, trong lòng anh đã khó chịu từ lúc đó nên mới không ngủ được. Tôi biết anh không đành lòng nhìn tôi phải vất vả bươn chải từ sớm đến khuya, anh muốn tôi giữ đôi tay sau này còn vẽ tranh. Còn tôi, tôi không hy vọng gì ở đôi tay này nữa, cũng chẳng trông đợi ở một tương lai khấm khá hơn nên đã từ bỏ ước mơ ấy từ rất lâu rồi.

Tôi nắm chặt bàn tay gầy gầy xương xương của anh, cố nặn ra một nụ cười:

– Em không thích vẽ tranh nữa, giữ gìn tay cũng có làm gì đâu. Với cả việc của em ở nhà hàng cũng nhàn ấy mà, chỉ ngồi nhìn khách cả ngày thôi, đến nhặt rau cũng chẳng mấy khi phải làm ấy chứ. Mỗi tội phải về muộn một tý thôi. Hôm nay anh thấy em xách nặng nên lại suy nghĩ phải không?

– Em cứ vất vả thế này mà anh không giúp được gì, anh khó chịu lắm.

– Ai bảo anh không giúp được gì. Này nhé, ngày nào em về nhà cũng có sẵn nước nóng, sáng dậy có anh làm đồ ăn cho em, đêm còn có anh ngủ cùng nhà, không lo bị trộm, không cần phải sợ ma. Anh giúp em nhiều thế còn gì. Mấy cô hàng xóm còn khen anh mãi đấy, bảo em hơi bị có phúc, có người yêu vừa hiền lành lại vừa chiều em.

Trung hơi cúi đầu, nở một nụ cười bất đắc dĩ:

– Nếu là thật thì tốt nhỉ?

– Sẽ là thật chứ.

Nghe xong câu này, anh lập tức ngước lên nhìn tôi, ánh mắt như ngời sáng. Tôi biết, nhiều năm như vậy, Trung vẫn luôn chờ đợi một cái gật đầu như tôi, anh luôn tôn trọng và kiên nhẫn trong mọi chuyện, khi tôi chưa đồng ý, ngay cả một nụ hôn chúng tôi cũng chưa từng.

Tôi không đợi anh nói đã lên tiếng trước:

– Đợi anh ghép thận xong, khỏe lại thì em sẽ suy nghĩ đến việc làm bạn gái anh. Thế nên nếu anh muốn em đồng ý thì cứ nghe em, đừng đi làm nữa, ở nhà nghỉ ngơi cho có sức, có sức khỏe thì mới làm phẫu thuật được.

– Có được thương lượng không?

– Không thương lượng.

– Thế được rồi, anh nghe em. Không đi làm nữa.

– Vâng.

– Muộn rồi, em ngủ đi. Ngày mai anh nấu cháo cho em ăn nhé?

– Vâng, em biết rồi. Anh cũng ngủ đi. Nhớ vào phòng là ngủ luôn đấy nhé, đừng thức khuya nữa đấy. Bác sĩ bảo thức khuya không tốt đâu.

– Ừ, ngủ ngon nhé.

– Anh cũng ngủ ngon.

Bữa sáng của chúng tôi rất đơn giản, chỉ là mấy miếng thịt tôi mang về từ hôm qua, băm ra nấu thành một nồi cháo, hai người ngồi bên nhau nói mấy câu chuyện nhỏ nhặt xung quanh cuộc sống. Ví dụ như hôm qua ở nhà hàng tôi làm có một chị mới sinh con, ví dụ như bà hàng xóm chiều qua mang sang biếu chúng tôi mấy quả mướp hương từ quê lên. Không khí rất đầm ấm vui vẻ.

Ăn sáng xong, tôi lại lếch thếch bắt xe bus đi làm. Bình thường tôi làm công việc phụ lặt vặt trong bếp cho một khách sạn, lúc đầu lên Hà Nội xin việc, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay mà loay hoay mãi chẳng xin được vào công ty nào, với cả hàng tuần tôi cũng phải nghỉ 1 đến 2 ngày để đưa Trung đi chạy thận, thời gian bấp bênh, lại cần tiền gấp nên tôi đành xin vào đây.

Mấy chị nhân viên phục vụ bếp thấy tôi trẻ mà chịu làm mấy công việc chân tay này nên hay đùa bảo:

– Mày đẹp gái thế này tội quái gì mà phải làm phụ bếp, ra xin quản lý làm phục vụ bàn như mấy con bé ngoài kia kìa. Làm phục vụ bàn thì mới được tiếp xúc với nhiều đại gia chứ, rúc ở trong xó bếp này thì biết ai với ai đâu.

– Thôi, em ở trong này cũng được mà. Với cả có các chị nói chuyện hàng ngày mới vui chứ.

– Ôi giào, bọn chị lấy chồng hết rồi nên mới vào đây, mày thì …

Một chị khác nghe thế mới chen vào:

– Ơ mà nghe nói cái Linh cũng lấy chồng rồi phải không? Trước chị nghe chị trưởng bếp nói mày hay nghỉ vì đi bệnh viện chạy thận với chồng đúng không?

Để khỏi phiền phức, tôi luôn điền vào hồ sơ là mình đã có chồng. Tôi cười bảo:

– Vâng, em có chồng rồi ạ.

– Ôi trẻ thế mà đã lấy chồng. Thế chồng mày bị suy thận à?

– Vâng.

– Khổ, mày đúng là hồng nhan bạc phận. Đẹp gái như hoa hậu thế này mà lấy chồng sớm, còn không may chồng lại bị thế nữa.

Tôi cười cười không đáp, những chuyện này một mình bản thân hiểu là được rồi, không cần nói nhiều để đổi lấy lòng thương hại của người khác, mà tôi cũng không thích mọi người biết quá nhiều về chuyện của tôi.

Các chị trong bếp bắt đầu tặc lưỡi kể chuyện này chuyện kia, rồi nói gì đó đến có người quen bị suy thận, chạy chữa tốn bao nhiêu tiền rồi cũng chỉ được mấy năm.

Tôi không biết nói sao nên chỉ ậm ừ cho xong, đang định kiếm cớ lảng đi chỗ khác thì tự nhiên chị quản lý chạy xồng xộc từ trên nhà hàng xuống, thở hổn hển nói:

– Linh, ra đây chị bảo.

– Vâng. Sao thế hả chị?

– Hôm nay con Thu phục vụ phòng 103, mà tự nhiên nó vừa gọi điện báo là bị ngã xe, giờ vào viện rồi, không đến được. Mà hôm nay đứa nào cũng kín lịch hết rồi, không xếp được người phục vụ phòng riêng nữa, mày đẹp gái nhất ở đây, mày vào phục vụ phòng 103 đi.

– Nhưng em chưa kinh nghiệm phục vụ phòng, em sợ làm mất lòng khách ấy chị ạ.

– Ôi giời, mày khéo thế, tao định cho mày lên làm phục vụ phòng từ lâu rồi ấy chứ. Hôm nay tiện có dịp, cứ thử đi cho chị xem.

– Nhưng mà…

– Nhưng nhị cái gì, 15 phút nữa khách đến rồi, ở đó nhưng nhị gì nữa. Mày cứ vào phòng, sắp xếp bát đũa, lấy giấy ăn, mở thức ăn cho người ta dùng, thấy đứa nào bưng đồ ăn vào thì chạy đến xếp xuống bàn cho người ta. Xong cứ đứng trong phòng đấy, khách cần gì thì mày báo nhà bếp. Dễ mà, có khó gì đâu.

– À… vâng, để em thử xem.

– Ừ, thế đi thay quần áo đi. Trong phòng thay đồ có mấy bộ S với M mới đấy, mày vào xem cái gì vừa thì mặc nhé. Mà người mày bé tý như thế, chắc mặc size S thôi chứ mấy.

– Vâng, chắc thế ạ.

– Đi, nhanh lên, 15 phút nữa đến giờ đặt bàn rồi đấy.

– Vâng.

Khách sạn tôi làm là một khách sạn 5 sao, ngoài phòng nghỉ còn có một nhà hàng riêng, phục vụ cả khách bên ngoài. Mấy nhân viên trẻ trẻ thường thích phục vụ ở trên nhà hàng, vì ở đó có cơ hội gặp được đại gia nhiều hơn, tôi thì không tơ tưởng gì đến mấy gã đàn ông con nhà giàu nên chỉ xin phụ bếp.

Hôm nay tự nhiên phải lên nhà hàng nên tôi đành thay đồng phục phục vụ, sau đó đi theo chị quản lý lên phòng 103. Loay hoay sửa soạn lại phòng ốc, đồ ăn một lúc xong thì mới nghe tiếng bước chân ngoài hành lang đi đến.

Tôi nở sẵn một nụ cười thật tươi, lịch sự mở cửa phòng rồi cúi đầu nói:

– Kính chào quý khách ạ!

Không có tiếng người đáp, cũng chẳng có tiếng bước chân đi tiếp. Tôi thấy hơi kỳ lạ, ngẩng đầu lên thì nụ cười trên môi ngay lập tức cứng ngắc.

Tôi cứ nghĩ cả đời này mình sẽ không gặp lại anh ta nữa, nước Mỹ đã ở rất xa tôi, thế nhưng thật buồn cười, trái đất này hình như vô cùng tròn thì phải, đã rời khỏi Mỹ sáu năm rồi mà vẫn gặp lại cố nhân ở thủ đô hoa lệ này.

– Anh yêu, có chuyện gì thế?

Nghe người phụ nữ bên cạnh hỏi vậy, anh ta mới thu lại ánh mắt nhìn tôi, sau đó nở một nụ cười xấu xa, tiếp tục ôm eo cô ta đi vào bàn ăn:

– Thấy em gái đó đẹp nên nhìn một tý ấy mà, em ghen à?

– Ghen chứ sao không, em đi với anh mà anh còn nhìn người khác. Tý nữa phải trói tay anh vào thành giường, hành anh một trận mới được.

– Tối qua hành anh đến gần sáng vẫn chưa chán à?

Gò má cô gái đó hơi ửng đỏ, nép chặt vào lòng anh ta, ngượng ngùng đáp:

– Hành thế mà anh vẫn tranh thủ đi tìm người khác, anh yêu, sức khỏe anh đúng là tốt thật đấy.

Khánh lịch sự kéo ghế cho cô ta, kiên nhẫn dỗ dành:

– Anh đến chỗ em nhiều nhất còn gì.

– Thế hôm nay ở với em cả ngày nhé? Em mới mua mấy bộ đồ chơi hay lắm.

– Kích thích không?

Cô ta bẽn lẽn nở nụ cười:

– Có ạ.

– Thế thì nghe em.

Tôi đứng chôn chân tại chỗ nghe câu chuyện của bọn họ một lúc lâu, chẳng rõ trong lòng nếm ra mùi vị gì, chỉ biết mọi cảm xúc gần như tê liệt, chẳng cảm nhận được cảm giác gì cả.

Mãi đến khi nghe cô gái kia gọi, tôi mới giật mình:

– Ơ cái cô phục vụ bàn kia, không thấy bọn tôi ngồi rồi đây à?

– À… vâng. Xin lỗi chị ạ.

Tôi hít thật sâu một hơi rồi đi lại gần, tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra, cũng không nhìn người đàn ông kia. Chỉ chăm chú chuẩn bị bát đĩa và mở đồ uống, cô gái đó đòi uống nước ép cam, tôi rót xong mới quay sang hỏi Khánh:

– Xin hỏi quý khách dùng gì?

Anh ta nhếch môi, ngữ điệu nhàn nhạt:

– Rượu vang.

– Vâng.

Rót xong đồ uống, tôi vẫn mỉm cười lịch sự hỏi bọn họ còn cần dùng gì nữa không, chẳng ai trả lời, mà tôi cũng không dám rời khỏi phòng nên đành đứng ở một góc đợi.

Tôi không muốn nghe trộm, nhưng từng lời họ nói cứ liên tục lọt vào tai tôi. Cô gái kia hình như chẳng bận tâm đến việc có người lạ ở trong phòng nên vẫn thản nhiên hỏi Khánh tối qua có thích không, bộ váy áo đó thế nào, sau đó lại bóng gió nói đến một hãng thời trang nổi tiếng vừa ra một chiếc túi rất đẹp.

Anh ta ăn một thìa súp, tỏ ra rất hào phóng:

– Mua hai cái đi, mỗi thứ một màu.

Ánh mắt cô gái kia lập tức sáng bừng lên, cuống quít hỏi lại:

– Thật hả anh? Được mua hai cái thật ạ?

– Anh đã thất hứa bao giờ chưa?

Cô ta cười tươi rói như hoa, lập tức chạy sang chỗ Khánh, ngồi hẳn lên đùi anh ta, không ngại ngần hôn chụt một cái lên má người đàn ông đó:

– Cảm ơn anh yêu, yêu anh nhất trên đời.

– Nào nào, lau miệng đi. Đang ăn mà còn hôn, dơ ch.ế.t đi được.

– Tại yêu anh quá không kìm được đó.

Anh ta mỉm cười dịu dàng, rút khăn tay lau miệng cho cô ta. Tôi không thể nhìn tiếp cảnh ấy nên đành quay đi chỗ khác, đuôi mắt chỉ trông thấy gương mặt kinh ngạc không thể tin nổi của cô gái kia.

Nhiều năm như thế, anh ta vẫn lịch thiệp và biết săn sóc phụ nữ như vậy, chẳng trách bao nhiêu cô gái không thể thoát khỏi lưới tình của anh ta, biết rõ người đàn ông ấy là thuốc p.hiệ.n, dây vào rồi chỉ có thể nhận lại một kết cục đau khổ, nhưng vẫn không nhịn được cám dỗ từ anh ta, vẫn lao vào Khánh như thiêu thân.

Thật buồn cười, ngay cả tôi khi xưa cũng vậy!

Tôi không biết mình đã làm sao để đứng trong phòng suốt cả buổi hôm đó, chỉ biết khi hai người bọn họ ôm eo ra về, tôi vẫn có thể trưng ra một nụ cười tiêu chuẩn, cúi đầu chào bọn họ như chào các vị khách bình thường khác.

Chỉ là đến khi người đàn ông đó đi rồi, tôi mới cảm nhận thấy một cảm giác hụt hẫng và nực cười giống như mình vừa mới xem một vở kịch, tôi là nhân vật chính trong vở kịch nhảm nhí đó, rõ ràng không thích nó, nhưng kết thúc rồi lại nuối tiếc mới buồn cười.

Phải rồi, chúng tôi đã kết thúc 6 năm rồi, anh ta chưa từng nhớ đến tôi, thậm chí hôm nay gặp lại cũng chỉ coi tôi như người dưng, tại sao tôi phải đau lòng hay nuối tiếc vì anh ta chứ? Loại người như thế không đáng để tôi phải bận tâm đến, tội gì tôi phải khó chịu vì người như vậy?

Nghĩ đến đây, tôi hít sâu vào mấy hơi rồi lẳng lặng quay lại bàn dọn bát đĩa, cố không nghĩ đến anh ta nữa, nhưng một lát sau bỗng dưng lại nghe thấy tiếng cửa phòng bật mở.

Quay đầu lại mới thấy Khánh đứng ở cửa, vẻ mặt anh ta lạnh tanh nhìn tôi:

– Quên điện thoại.

– À…

Lúc này tôi mới phát hiện mình cứ dọn đi dọn lại mấy chiếc bát, điện thoại của anh ta để ngay bên cạnh mà không nhìn thấy. Tôi không động tay vào, sợ làm bẩn điện thoại của anh ta nên chỉ đứng gọn ra một góc:

– Điện thoại của anh ở đây.

– Thấy rồi.

Anh ta đi lại gần, cầm lấy điện thoại dưới bàn. Tôi cứ nghĩ lấy xong Khánh sẽ đi luôn, nhưng anh ta bỗng dưng lại ngẩng lên nói:

– Cô vẫn giả vờ giỏi thật đấy!