Giấc Mộng Thanh Xuân

Chương 20: Cùng thầy đến nhà Văn Hoàng



Vì không để cho Duy Tùng bị Văn Hoàng trả thù nên cô hiệu phó đã nhờ bác bảo vệ đưa cậu ta về nhà. Chuyện hôm nay được mọi người bàn tán xôn xao, không ai ngờ Văn Hoàng lại dám bỏ về trước mặt các thầy cô. Nhưng mọi người cũng thấy vui khi không còn gặp cậu ta nữa. Việc cậu ta bỏ học chỉ làm lớp thiếu đi một người, lớp tôi mỗi năm đều sẽ thiếu hụt đi vài bạn nên cảm thấy nó khá bình thường. Thậm chí còn là một chuyện mừng.

Trước khi về thầy nhìn tôi mà lại không nói gì, dường như thầy không vui. Thầy từng nói với tôi muốn cảm hóa Văn Hoàng, muốn cậu ta ngoan hơn chút. Không học cấp ba cũng được nhưng ít nhất nên tốt nghiệp cấp hai. Gia đình Văn Hoàng thuộc hộ nghèo, để cho cậu ta học đến năm lớp chín đã rất khó khăn. Giờ mà nghỉ thì sự cố gắng của mẹ cậu ta mấy năm qua đều đổ sông đổ biển. Nhưng Văn Hoàng vốn không quan tâm đến gia đình của mình cho nên tôi cũng không rảnh mà bận tâm hộ cậu ta.

Khi đến tối dù rất muốn rất muốn nhắn tin với thầy mà tôi lại không dám. Dù biết rằng thầy sẽ không trách mình, dù biết đó không phải là tội lỗi gì. Nhưng đối với tôi để cho một người mà mình kính trọng phải thất vọng thì đó là việc làm vô cùng sai trái, dù làm đúng cũng thành sai.

Tôi không thể nghĩ ra bất cứ từ ngữ nào để nhắn tin, vào nick của thầy rất nhiều lần đến cuối cùng lại thoát trong vô thức. Mỗi lần như vậy tôi đều trách bản thân đang phức tạp hóa vấn đề và lo lắng thái quá. Định bụng để ngày mai bình tĩnh lại rồi mới nhắn với thầy, thế mà sau 5 phút thầy lại nhắn tin trước.

Tôi hồi hộp mở dòng tin nhắn ra xem [Em có đang bận việc gì không?]

[Dạ không.] Để trả lời tin nhắn của thầy mà trái tim của tôi đã đập loạn nhịp không biết bao nhiêu lần, trong lòng vừa thấp thỏm vừa lo âu.

[Em có thể nói chuyện với tôi một lúc được không?]

[Sao vậy ạ?] Thầy ấy chỉ chủ động nhắn tin cho tôi đúng một lần, về sau tôi không nhắn thì thầy cũng im lặng. Lần này thầy tự nhiên nhắn tin nói chuyện với tôi, chắc rằng đã có tâm sự gì đó.

[Không sao, chỉ đơn giản là muốn nói chuyện với em.]

[Em không tin đâu, chắc chắn rằng thầy đang không vui. Có phải lại là vì người đó nữa đúng không?]

[Không, tôi chỉ là đang nghĩ đến chuyện ban sáng.]

Lòng tôi đầy bất an mà nhắn tin hỏi thầy [Là vì cả lớp tự chủ trương tố cáo Văn Hoàng nên làm thầy không vui?]

[Tại sao em có suy nghĩ như vậy? Đúng là việc lớp tố cáo Văn Hoàng khiến tôi hơi bất ngờ nhưng tôi chưa từng cảm thấy không vui vì điều đó.] Không biết có phải do tôi tưởng tượng ra hay không mà lại cảm nhận được sự gấp gáp trong từng câu từ mà thầy gửi đến.

[Tại vì lúc sáng thầy đột nhiên lại nhìn em, làm em tưởng thầy đang không thoải mái.]

[Sự thật là tôi rất không vui. Nhưng không phải vì điều đó.]

Vậy là tôi lần nữa lo lắng thừa thãi. Mà dù sao thì thầy không cảm thấy khó chịu thì tôi cũng nhẹ lòng hơn.

[Thầy không vui vì chuyện gì vậy ạ?] Tâm trạng của tôi được thả lỏng hơn nên khi nhắn tin cũng nhanh gọn.

[Tôi không vui vì bản thân tuy là giáo viên chủ nhiệm nhưng không hề hay biết lớp học của mình mất đoàn kết đến vậy. Và tôi cũng phải xin lỗi em, em là học trò của tôi mà tôi lại không giúp gì được cho em. Để em bị bạn bè bắt nạt.]

[Sao thầy phải xin lỗi em? Thầy có làm gì sai đâu, nếu không có Văn Hoàng thì sẽ còn rất nhiều bạn khác nữa. Thầy cũng không thể nào thời thời khắc khắc ở trên lớp để giúp đỡ em.]

Tôi thấy rất vui vì có một người thầy lại lo nghĩ cho học trò của mình nhiều đến vậy, thầy ấy là người thầy tốt. Nhưng không ai hiểu được thầy, chính tôi cũng như vậy. Lần nào bị phạt thì tôi cũng đều oán giận thầy. Trách thầy không công bằng, bây giờ mới biết chính mình mới là kẻ suy nghĩ thiển cận.

[Nhiều bạn khác? Tại sao tôi lại chưa từng nghe em nhắc đến?] Thầy ấy lại để ý từng chữ một, đang lẽ tôi không nên nói ra.

[Em sợ làm phiền thầy, vả lại nếu em liên tục nói với thầy thì chắc chắn sẽ bị lớp đặt cho biệt danh là mách lẻo.]

[Tôi hiểu rồi, tôi sẽ chú ý hơn.] Chú ý hơn là có ý gì? Thầy ấy tại sao luôn nói mấy câu khó hiểu? Tôi suy nghĩ kiểu gì cũng không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa trong câu nói đó.

Thầy không đợi tôi trả lời mà gửi tiếp một tin nhắn nữa với nội dung [Em có biết nhà Văn Hoàng ở đâu không?]

[Thầy lại muốn đến khuyên nhủ cậu ta ạ?]

[Tôi đã từng hứa với phụ huynh của Văn Hoàng rằng sẽ giúp đỡ em ấy thuận lợi tốt nghiệp. Có lẽ đây sẽ là lần cuối, nếu em ấy vẫn không hối cải một mực muốn bỏ học thì tôi cũng không còn cách nào khác.]

[Em chỉ biết ngõ vào nhà Văn Hoàng thôi, còn chính xác là nhà nào thì em không biết.] Tôi và cậu ta ở cùng làng, lần nào về cũng thấy cậu ta đi vào một con ngõ nhỏ nên tôi đoán nhà cậu ta ở đó.

[Biết ngõ cũng dễ tìm nhà hơn. Chủ nhật em có phải làm gì không? Tôi muốn em đi cùng chỉ đường cho tôi.]

[Không, em rảnh lắm.]

[Ừ, vậy thì sau khi từ nhà Văn Hoàng trở về. Tôi sẽ dạy học cho em.]

Tôi lại nói thừa nữa rồi, lần sau nhất định phải rút kinh nghiệm. Trước đó thầy cũng không nói phải học cả chủ nhật nên làm tôi hơi chủ quan. Thật sự dù đã thích thầy hơn trước nhưng tôi vẫn rất muốn nghỉ chủ nhật, muốn lười biếng nằm ườn trong phòng vừa ăn vừa chơi.

Sáng chủ nhật, thầy đích thân sang nhà để hỏi bố mẹ của tôi. Mà khi đó tôi vẫn đang ngủ đến quên luôn cả thời gian, mẹ phải vào tận nơi để gọi thì tôi mới giật mình tỉnh giấc.

Tôi ngồi đằng sau xe máy của thầy và chỉ hướng cho thầy đi đến ngõ nhà Văn Hoàng, trước khi vào trong thầy đã dừng lại hỏi một người đi đường. Nhà của cậu ta không ở quá sâu bên trong nên rất dễ để tìm thấy.

Đến trước nhà Văn Hoàng, tôi xuống xe thăm dò nhìn ngôi nhà. Trước mắt là hai cánh cổng sắt đã bị hoen rỉ và tróc sơn, chỉ còn vài chỗ vẫn chưa bị tróc để thấy được cánh cổng từng có một màu xanh lá cây. Bức tường bị nhuốm bẩn sớm không còn nhận ra màu sắc nguyên bản của nó. Một vài chỗ xi măng trát trên tường còn bị vỡ ra, có thể thấy rõ bên trong là gạch đỏ làm bằng đất nung đã có từ rất lâu. Bức tường có hiện nhiều vết nứt lớn nhỏ, ở trên thì dải vô số mảnh thủy tinh sắc nhọn. Chỉ nhìn bên ngoài đã đủ biết ngôi nhà này đã có từ lâu đời và luôn không được sửa sang.

Cổng không đóng nên tôi vào trước và đứng chờ thầy dắt xe, vào trong tôi không bất ngờ lắm. Ngay từ đầu tôi đã biết nhà Văn Hoàng thuộc hộ nghèo nên sớm hình dung ra khung cảnh của ngôi nhà. Vì nhà này vốn có từ thời xưa nên sẽ không xây liền một căn như những ngôi nhà hiện đại bây giờ mà chia thành hai gian nhà và một vườn rau tạo thành hình chữ U. Một gian là phòng khách kiêm phòng ngủ còn gian nhà kia có lẽ là khu vực bếp và nhà vệ sinh.

Hè trên nhà chính xây dựng khá thấp, không có bậc thềm. Sàn nhà trát xi măng nên tôi và thầy không cần bỏ giày dép. Tuy chưa đi vào, chỉ mới đứng ở bên ngoài cũng đủ để thấy phòng khách được chia làm ba. Nhìn từ bên tay trái có bộ bàn ghế gỗ không chạm khắc cũng không có hoa văn tinh xảo vừa thô sơ vừa cũ kĩ. Chính diện là bàn thờ cùng với tủ thờ ở dưới nhưng theo tôi biết ở những nhà khác trong đó có nhà tôi đều sẽ đặt một cái phản lớn phía dưới bàn thờ để sắp mâm cúng cho các ngày giỗ ngày lễ tết mà nhà Văn Hoàng thì không có, cảm giác vừa trống vừa thiếu. Khi tôi nhìn sang bên phải còn một chỗ trống cho chiếc giường không quá lớn. Bên cạnh có thêm một cánh cửa, tôi đoán sau cánh cửa đó là phòng ngủ.

Có lẽ vì nghe thấy tiếng động bên ngoài nên Văn Hoàng mở cửa phòng ngủ và đi ra. Nhìn thấy cậu ta thì tôi mới thoáng chốc bị làm cho bất ngờ, cậu ta mặc trên mình bộ quần áo đá bóng màu xanh lá. Trông không được gọn gàng lắm, tóc tai thì bù xù không vào nếp. Ra ngoài còn không quên ngáp một cái, đoán trừng bây giờ đã hơn 9 giờ sáng. Không ngờ cậu ta còn có thể ngủ đến bây giờ, bình thường được nghỉ tôi cũng chỉ ngủ đến 6 giờ, muộn lắm thì 7 giờ kém là tỉnh và không thể ngủ tiếp được nữa. Cậu ta cả đêm không ngủ hay sao? Mà đến tận bây giờ vẫn còn ngái ngủ.

Nhìn thầy đứng ngoài cửa, Văn Hoàng không tỏ vẻ ngạc nhiên. Mà ánh mắt lộ rõ sự tức giận, cậu ta thong dong đi đến trước mặt thầy. Vừa khó chịu gãi đầu vừa nói.

"Em chào thầy, mẹ em bây giờ không có nhà ạ."

Thầy không để ý sự khó chịu của cậu ta mà bước chân đi vào trong, tôi đi đằng sau thầy. Thầy ấy ngồi xuống thì tôi cũng ngồi theo.

Văn Hoàng theo phép lịch sự rót hai chén trà, thầy cầm chén trà lên nhấp một ngụm rồi mới nói "Mẹ em đi đâu?"

"Chắc mẹ em đang ở ngoài đồng. Để em đi gọi mẹ em về." Cậu ta lạnh nhạt đáp lời.

"Ừ."

Văn Hoàng đi ra ngoài nhưng không có vẻ gì là đang vội vàng, vừa đi vừa nhìn ngang liếc dọc. Có lẽ cậu ta biết rõ thầy đến là vì cái gì hoặc là cậu ta nghĩ bản thân không còn đi học nữa nên không cần lo lắng gì nhiều. Dù là vì lý do gì thì tôi cũng dám cá rằng thầy sẽ không thể nào khuyên được cậu ta.

Bố Văn Hoàng đã mất từ lâu, trong nhà chỉ còn mẹ cậu ta gánh vác bán rau để nuôi lớn hai anh em Văn Hoàng. Cậu ta còn một cô em gái kém tuổi, trái ngược với Văn Hoàng. Em gái cậu ta lại là một người ngoan ngoãn lễ phép, học lực khá. Lý do tôi khẳng định như vậy cũng vì lần đầu tôi gặp em của Văn Hoàng là lúc em ấy vô tình đá trái cầu vào người tôi và ngay lập tức em ấy đã chạy đến xin lỗi tôi trước rồi mới nhặt lại trái cầu. Còn Văn Hoàng luôn làm sai nhưng một câu xin lỗi cũng chưa từng nói.

"Thầy đến nhà không biết là có việc gì vậy? Có phải thằng Hoàng nó lại đi gây chuyện nữa." Mẹ của Văn Hoàng vội vội vàng vàng từ ngoài đi vào và niềm nở chào hỏi thầy.

Tôi cẩn thận quan sát mẹ cậu ta, bác ấy mặc trên người áo sơ mi màu xanh rêu nhưng vì quá cũ nên đã bị phai màu, đi kèm là một chiếc quần vải dài màu đen. Tay áo và ống quần đều bị ướt, có lẽ trước khi vào nhà bác gái đã rửa qua. Tuy nhiên vẫn có thể nhìn rõ vết bùn đã loang ra trên cổ tay áo. Bác vừa vào trong nhà vừa không ngừng cầm chiếc nón lá phe phẩy quạt. Trên khuôn mặt đen sạm đó đang chảy ra vô số giọt mồ hôi, làm ướt sũng phần cổ áo phía trước.

Thầy đứng dậy chào hỏi bác ấy "Dạ, xin lỗi vì tôi đã đến đột ngột mà không báo trước."

Tôi cũng theo thầy đứng dậy mỉm cười nói "Cháu chào bác." Nhưng bị giọng của thầy đã lấn áp nên bác ấy không nghe thấy, tôi lại còn nói khá nhỏ.

"Ấy, không cần phải đứng dậy đâu. Thầy với cháu ngồi xuống uống chén trà." Mẹ Văn Hoàng nói với giọng gấp gáp.

Thầy ngồi thì tôi cũng ngồi xuống, còn bác gái ngồi trên chiếc ghế dài phía đối diện nhưng vẫn không quên cầm nón lá quạt liên tục vào mặt.

"Cháu uống nước đi." Bác gái tươi cười nhắc nhở tôi, có lẽ vì thấy chén trà trước mặt tôi vẫn còn nguyên.

"Dạ vâng." Tôi trả lời cho có lệ, tôi không thích uống trà nên cũng không động vào chén.

Thầy bỗng quay ra nhìn tôi và nói "Em ra ngoài đợi tôi."

Tôi chỉ chờ mỗi câu này của thầy nên không trì trệ mà ngay lập tức đứng dậy hơi khom người nói với bác gái "Cháu xin phép ạ."

"Ừ đi đi, cái Liên đang chơi ở ngoài sân. Cháu ra ngoài đấy mà chơi với nó."

"Dạ."

Tôi ra ngoài nhìn thấy em ấy không biết đã ở đó từ bao giờ mà đang chơi một mình phía góc sân. Em vừa nhảy lo cò vừa ném hòn sỏi, có lẽ là đang chơi ô con thỏ. Tôi đứng quan sát một lúc mà vô tình bị em ấy nhìn thấy nên tôi ngại ngùng lấy chiếc điện thoại từ trong túi quần ra đứng dựa vào xe của thầy để chơi.

Em cũng không nhìn nữa mà tiếp tục trò chơi của mình.