Giấc Mộng Thanh Xuân

Chương 39: Sự phản kháng



Nghe nói Nguyệt xin nghỉ, do hôm qua bạn ấy uống nhiều bia đi về bị dính gió nên buổi sáng không dậy được. Anh Lâm Phong còn kể với tôi rằng bạn ấy bị bố mẹ trách mắng một phen, anh phải đến nhà giải thích thay cho bạn ấy thì bố mẹ Minh Nguyệt mới tha cho. Tôi lo lắng muốn đến thăm Nguyệt nhưng anh Phong nói bây giờ bạn ấy đang rất mệt không muốn gặp ai, ngay cả anh ấy vào thăm cũng bị đuổi ra.

Nỗi lo lắng của tôi lại càng tăng lên, tôi sợ bạn ấy nhớ ra chuyện ngày hôm qua nên mới không muốn gặp ai. Có thể là bạn ấy cảm thấy xấu hổ cũng nên. Nếu tôi là bạn ấy thì đương nhiên chỉ muốn ở một mình để lấy lại bình tĩnh và có thời gian quên đi sự xấu hổ đó.

Tôi đã lên lớp sau ba hồi trống, lớp hiện tại ổn định hơn. Có lẽ vì tiết học tiếp theo là của thầy chủ nhiệm. Thầy ấy chỉ cần đi từ xa mà nghe thấy tiếng ồn phát ra từ lớp là y như rằng cả lớp ngày hôm đó muốn học cũng không học được. Thế nhưng vẫn có người không muốn cho tôi ngồi vào bàn, nhìn những tác phẩm trên mặt bàn và trên ghế. Tôi đoán ít nhiều là do Văn Hoàng hoặc Duy Tùng. Mấy người đó viết phấn lên mặt bàn của tôi đã đành giờ còn cố tình đổ nước lên ghế của tôi không muốn cho tôi ngồi.

Trong lớp chỉ có duy nhất một cái khăn lau bảng nên tôi dùng khăn, lau đi vết phấn trên bàn rồi mang ra ngoài giặt sạch mới trả lại bàn giáo viên. Xong về chỗ của mình, lúc đầu tôi dự định lấy giấy nháp ra lau ghế nhưng mà tôi còn chưa kịp làm gì thì ghế đã sạch bong. Điều mà tôi lấy làm ngạc nhiên là trong lớp đâu ra người tốt bụng đến thể. Tôi rất tò mò muốn biết người đó là ai, là lớp trưởng hay là ai khác đây?

Tôi ôm hy vọng hỏi Huyền Trang đang ngồi ở bàn dưới "Mày có biết ai lau ghế cho tao không?

"Thằng Hoàng lau đấy, đợt trước mày bị mất cặp nó cũng đi tìm cho mày. Chắc nó thích mày rồi."

Nghe đến năm chữ cuối tôi thấy hơi phản cảm. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày Văn Hoàng giúp đỡ mình, đặc biệt là lần mất cặp bị tôi hiểu lầm mà cậu ta lại không giải thích gì. Tôi lén nhìn xuống chỗ của Văn Hoàng, cậu ta cũng nhìn thấy nhưng vờ như không mà quay hướng khác. Nhớ lại hôm đó giải vây giúp Liên có lẽ vì vậy mà cậu ta muốn trả ơn tôi thay cho em gái. Cơ mà dù Văn Hoàng có làm gì thì tôi vẫn không thích cậu ta, cậu ta bắt nạt tôi không phải ngày một ngày hai. Không cần biết cậu ta đã làm những gì, tôi cũng sẽ không nói lời cảm ơn với Văn Hoàng.

Chỉ mong là có thể tránh xa cậu ta, càng xa càng tốt.

Cho nên học xong là tôi đeo cặp đi về luôn trước khi bị mấy bạn nam bắt nạt. Thế mà dù ở nhà rồi, tôi lại không được thả lỏng tinh thần. Về đến nhà là tôi đã nhận ra vẻ mặt không tốt của bố mẹ. Nhìn thấy bố một nơi, mẹ một chỗ, tôi đã biết sẽ không có chuyện gì tốt xảy ra tiếp theo. Không ai nói với nhau câu nào mỗi lần muốn nói gì là lại sai tôi đi truyền lời, ở nhà mà sao tôi thấy áp lực quá? Nói sai câu gì là bố sẽ mắng tôi nhưng chủ đích là nói bóng nói gió mẹ của tôi. Nhiều lần tôi chỉ muốn hét lên với bố mẹ rằng "làm ơn tha cho con đi" mà chưa lần nào làm được. Tôi không có can đảm lớn tới vậy.

Nhìn cả bố và mẹ đều im lặng tôi lại thấy cứ như vậy sẽ tốt hơn.

Thế nhưng rất nhanh, nằm trong phòng tôi bỗng giật mình vì âm thanh ném vỡ bát của bố tôi. Bố tức giận quát tháo mẹ tôi, hất đổ cả mâm cơm, tôi sợ hãi không dám ra ngoài. Ngồi thu mình vào một góc, nước mắt dù đã kìm nén mà nó vẫn không ngừng chảy ra khỏi hốc mắt của tôi. Bao nhiêu tiếng nạt nộ chửi mắng đập đồ đạc đều xuất phát từ bố tôi, còn mẹ tôi bây giờ không im lặng chỉ cần bố nói mấy lời xúc phạm là mẹ cũng cãi lại.

Tôi... nghe rõ ràng tiếng roi vọt phát ra từ ngoài cửa. Giọng nói của mẹ lúc này không được rõ ràng, vì đang nghẹn ngào trong tiếng khóc. Chỉ ngồi trong phòng nhưng tôi cũng cảm nhận được sự đau đớn từ những vết thương trên người mẹ, tôi ôm chặt lấy mình dùng móng bấm chặt vào da thịt của cánh tay cho tới khi máu đã nhuốm đỏ móng tay của tôi, thế mà tôi lại không thấy đau. Dường như tôi đã không còn tâm trí để quan tâm tới bất cứ thứ gì, tôi đứng dậy đi mở cánh cửa mà tôi cứ nghĩ rằng nó sẽ luôn đóng cho tới khi bên ngoài không còn tiếng động.

Hiện tôi không có cái gì gọi là dũng khí cả, chỉ là sự đau lòng là tuyệt vọng. Tôi mở cửa ra và đến chỗ mẹ nhưng đi đến bất ngờ mà tôi đã phải hứng chịu một đòn roi của bố. Nó đau lắm, đau như bị dùng dao cứa vào da thịt. Mẹ của tôi phải chịu rất nhiều mà vẫn theo thói quen kéo tôi ra đằng sau, còn bố cũng bị hành động này làm cho bất ngờ nên đã dừng lại.

"Bố... bố đừng đánh mẹ nữa có được không?" Đôi mắt của tôi sớm đã bị một lớp nước mắt che phủ làm cho phai nhòa, không thể nào nhìn rõ được biểu cảm của bố. Nên tôi không còn bận tâm mà nói thật ra những lời tôi muốn nói bấy lâu nay "Từ bé cho đến giờ lúc nào ngày nào con cũng nhớ lại và phải nhìn thấy mấy cảnh bạo lực gia đình."

Tôi gần như đã hét lên "Tại sao lại sinh con ra làm gì? Tại sao lại không giết chết con ngay từ khi con mới được sinh ra? Con cũng chỉ mong mình sớm chết đi, đến lúc đó thì con mới được giải thoát. Con mệt lắm, con rất mệt."

Nói xong tôi không quan tâm đến biểu cảm bố hay cảm xúc của mẹ mà chạy vụt ra bên ngoài, tôi vẫn còn nghe rõ tiếng mẹ ở đằng sau gọi tôi quay lại. Nhưng giờ đây nơi mà tôi không muốn ở nhất chính là nhà của mình, cũng không thể nào sang nhà thầy nữa. Tôi lấy xe đạp và đi ra khỏi nhà.

Lạc lõng đạp xe trên đường không có điểm dừng, tôi không biết phải đi đâu. Nếu là trước kia thì chắc chắn tôi sẽ đến nhà của Thanh Linh. Nhưng hiện tại không biết phải đến nhà ai, tôi còn không mang điện thoại. Dừng xe lại ở một đoạn đường xi măng gồ ghề và bao quanh là những đồng ruộng ngập đầy nước chưa được cấy mạ, nhìn xung quanh thấy không có ai tôi vội dùng hai tay lau sạch nước mắt lăn trên má. Tôi dụi mắt rất nhiều lần để ngăn bản thân ngừng khóc. Và rồi, tôi hít thở thật sâu tự trấn tĩnh mình.

Bây giờ thì không thể về nhà được nữa nên tôi móc tay vào trong túi quần tìm kiếm xem có tiền bên trong hay không? Lục lọi một hồi thì rút ra được mấy đồng tiền lẻ. Nhớ lại trong quán của anh Hải Đăng có một loại nước vừa đủ với số tiền mà tôi đang có, có lẽ tôi sẽ nương nhờ ở quán vài tiếng.

Đang là giữa trưa nên quán vắng khách, không có mấy người. Ngay cả anh Hải Đăng cũng không ở đây, tôi cảm thấy nhẹ lòng khi không phải lo lắng bị anh ấy gọi cho thầy nữa. Nếu không phải vì tôi ít ra ngoài lại không biết những quán khác có cùng loại nước với mức giá đó hay không thì quán của anh Hải Đăng sẽ không nằm trong sự lựa chọn của tôi.

Gọi nước xong thì tôi chọn vào căn phòng ở trên tầng ba, căn phòng có ban công thoáng mát mà tôi luôn muốn vào. Vẫn là thiết kế cổ điển của những thập niên 70, 80. Chỉ khác là ban công được thiết kế tấm gỗ gắn liền với thành lan can tạo thành một chiếc bàn dài có thể ngồi được 4 đến 5 người. Tôi ngồi ở đó ngắm nhìn dòng người qua lại, rồi lại nhìn những đám mây trắng bồng bềnh trôi hững hờ trên bầu trời. Cảm giác thật trống rỗng.

Chờ khi nước uống được mang lên. Tôi lại ngồi nghĩ đến chuyện vừa xảy ra ở nhà mình, lúc này tôi chỉ cảm thấy hối hận mà thôi. Nếu mà được chọn lại tôi sẽ không làm như vậy, tôi sợ mẹ lo lắng mà đi tìm mình. Sợ những lời nói đó làm tổn thương đến bố mẹ. Nhưng dù là vậy thì tôi cũng biết rõ, sau ngày hôm nay sẽ không có gì thay đổi cả. May thay có thể tạm thời chấm dứt được mấy ngày chiến tranh lạnh.

Tôi dự định sẽ ngồi ở đây cho đến khi nào thực sự muốn về nhà.

Nhưng mà mấy phút sau,  trong lúc tôi vừa uống nước vừa chán nản với những suy nghĩ vu vơ thì bỗng có cảm giác ai đó đang đứng đằng sau. Tôi muốn quay lại nhìn, chỉ là chưa kịp nhìn thì đã bị một bàn tay đặt lên đỉnh đầu. Bàn tay đó đang vuốt nhẹ xuôi theo mái tóc dài của tôi.

"Mẹ em đang lo cho em đấy." Giọng nói trầm lắng đơn thuần này. Với tôi nghe như tiếng suối chảy bên tai, róc rách róc rách. Thật êm dịu.

Tôi ngẩng đầu lên, trong mắt như đang có một vì sao "Sao thầy lại biết em ở đây?"

"Hải Đăng nói với tôi." Thầy lấy ghế ngồi sát bên cạnh tôi.

"Em tưởng anh ý không có ở quán."

"Em xem đi." Thầy chỉ tay lên trần nhà, là camera. Tôi không để ý đến nó "Đăng kiểm tra camera thấy em chỉ ngồi một mình nên gọi điện hỏi tôi."

"Thầy vừa nói mẹ em đang lo cho em ạ?"

"Ừ, mẹ em sang nhà tôi tìm em. Còn muốn hỏi đường đến nhà bạn bè của em nhưng mà tôi không biết. Sau đó một lúc Hải Đăng gọi điện thì tôi đi thông báo với mẹ của em nên mẹ em cũng bớt lo hơn."

"Vâng." Ít ra mẹ còn biết tôi đang ở đâu, thế thì mẹ sẽ yên tâm hơn.

"Lúc nào em thấy thoải mái thì để tôi đưa em về được không?"

"Thầy không muốn hỏi hay khiển trách em điều gì sao?"

"Bởi vì tôi cũng như em, tôi sẽ không an ủi em. Tôi biết lúc này em chỉ cần yên tĩnh mà thôi."

Tôi khẽ nhìn thầy, mi tâm nhíu chặt mới dần giãn ra. Nghe được đáp án này tâm tình của tôi cũng thấy dễ chịu hơn "Em buồn ngủ, em có thể nắm tay thầy ngủ được không?"

Thầy ấy không trả lời tôi nhưng thầy vẫn đưa tay của mình ra. Tôi dùng hai tay nắm lấy bàn tay ấy và áp sát vào gò má của mình, tay của thầy giờ lại biến thành gối nằm cho tôi. Nằm bò ra bàn gương mặt tôi vẫn quay về hướng thầy, cảm giác an tâm này thật khó tả. Sức nhiệt ấm nóng truyền đến từ lòng bàn tay của thầy làm tôi càng ngủ yên giấc hơn. Cho tới lúc chìm trong giấc mộng đẹp, tôi không nghĩ ra được lý do làm tôi lại muốn nắm tay thầy nhiều đến vậy. Dường như trong lòng tôi vẫn luôn lưu luyến cái nắm tay lần đầu mà thầy dành cho tôi. Sự ấm áp giống như được đeo bao tay giữa mùa đông rét buốt.

Tôi đã ngủ một giấc rất ngon, như chưa bao giờ được ngủ ngon đến vậy. Vừa mới tỉnh tôi gần như đã quên mất chuyện xảy ra lúc vào trưa, nhìn lại bàn tay vẫn đang nằm dưới má của mình thì tôi mới bất giác ngồi bật dậy. Thầy ấy vẫn luôn để tay ở đó, tôi cứ tưởng rằng thầy sẽ rút tay ra khi mà tôi đã ngủ say.

Tôi len lén liếc nhìn thầy ấy đang nhấm nháp cốc cafe trên tay. Dường như tôi đã ngủ rất lâu. Thầy ấy đặt cốc xuống và nhẹ nhàng dùng tay kia nắn bóp bàn tay đã làm gối cho tôi, có lẽ tay của thầy bị tê cứng rồi. Thật có lỗi mà, vì yêu cầu vô lý của tôi mà làm khổ thầy. Cũng may là lúc đó tôi không ngủ chảy rãi.

"Em xin lỗi thầy." Không dám nhìn thầy nhưng cảm giác là một kẻ tội đồ đã ngập tràn trong đôi mắt tôi.

"Em không có lỗi, tôi thấy em ngủ ngon nên không nỡ đánh thức em thôi." Thầy lại đặt tay lên đầu của tôi "Bây giờ em muốn về không?"

Tôi bỗng sực nhớ ra là mình đang không ở nhà nên ngẩng đầu lên hỏi thầy "Mấy giờ rồi ạ?"

"Mới hơn 3 giờ thôi."

Vẫn chưa đến 4 giờ, từ đầu tôi dự định hơn 4 giờ mới về. Nên cũng yên tâm cụp mắt xuống.

"Thầy ơi, em sợ phải về nhà." Tôi rũ mắt buồn tủi nhìn xuống mặt bàn, cốc nước mà tôi gọi vẫn còn nguyên. Khi uống vào tôi không thấy gì ngoài vị đắng chát.

"Đừng lo, sẽ ổn thôi."

"Em có sai không? Em cãi lại bố mẹ, em rủa chính mình chết sớm. Em không biết bây giờ em phải làm thế nào, em cũng không muốn gặp lại bố mẹ nữa." Tôi khó khăn kể với thầy, lòng môi của tôi sớm đã bị tôi cắn chặt không buông.

"Sao em lại ngốc đến vậy?" Thầy chạm ngón cái vào môi của tôi để ngăn không cho tôi tự cắn môi. Cả gương mặt của thầy đều là dáng vẻ sầu lo, đôi mắt đen ảm đạm tựa như màn đêm u tối. Tựa như một không gian kín mít không có lối thoát ra.

"Cái sai lớn nhất của em là tự nguyền rủa chính mình. Em nghĩ rằng cái chết là kết thúc nhưng đó chỉ sự khởi đầu cho những đau thương sắp diễn ra." Chân mày của thầy sớm đã bị lời nói của tôi mà nhíu chặt lại với nhau.

"Em rất sợ những giọt nước mắt mình. Em càng sợ phải sống trong một gia đình bất hòa."

Trái tim trong tôi nhói lên từng cơn, tôi chưa bao giờ làm được gì. Ngoại trừ việc không ngừng rơi lệ. Sự u uất trong tôi không được thể hiện qua lời nói mà lại qua những giọt nước mắt trong suốt như thủy tinh. Vừa mỏng manh lại vừa dễ vỡ.

"Nước mắt của em rất thuần khiết. Nó chứng tỏ em có trái tim thật ấm áp, thật giàu tình cảm. Những giọt nước rơi ra từ đôi mắt của em mới là cảm xúc chân thật nhất, tôi không muốn em đánh mất nó. Và em cũng đừng suy nghĩ nhiều, dù thế nào thì người yêu thương em nhất vẫn là bố mẹ của em."

"Dạ."

Có lẽ là vậy, dù có không vui vẻ khi ở nhà nhưng bố mẹ vẫn bố mẹ. Tôi không thể oán thán hay than trách gì về những điều mà bố mẹ đã dành cho tôi.

Về tới nhà, tôi bịn rịn đứng ngoài cửa. Không phải không dám vào mà là trái tim ngập tràn tội lỗi của tôi không biết nên nói lời gì với bố mẹ. Để tự trấn an mình, tôi đặt một tay lên ngực và hít thở thật sâu. Và rồi tôi rón rén vào nhà, bước chân vừa dài vừa chậm để không phát ra thêm bất kì âm thanh nào.

Căn nhà chưa được bật đèn, mặt trời chỉ mới lặn phân nửa nhưng nhìn căn nhà không có sự soi rọi của bóng điện bỗng trông thật ảm đạm. Tôi đi vào bật đèn phòng khách lên. Tiếng xèo xèo lách cách phát ra từ trong bếp, nó cũng là căn phòng duy nhất có ánh sáng. Tôi đi vào trong đứng nhìn mà không nói gì, lúc này rất khó để tôi mở lời với mẹ. Còn bố tôi thì đang tắm trong nhà tắm.

Mẹ nhìn thấy tôi không khiển trách hay la mắng, chỉ nói tôi chuẩn bị ăn cơm. Bố cũng không nói gì với tôi. Tôi nhất thời buông bỏ hòn đá đang đè nặng ở trong lòng nhưng mà nhìn mỗi người một nơi trong lòng của tôi chỉ thấy trống rỗng.