Tàn dư của loạn 16 sáu nước vẫn còn kéo dài đến 19 năm sau khi Đại Hạ thành lập, nhưng dân số vẫn không thể hồi phục lại được như trước kia.
“Những nữ tướng có tiếng tăm lừng lẫy đại đa số đều xuất hiện vào thời gian này.” Khương Bồng Cơ nói, “Giá trị của bọn họ chỉ nằm ở việc không ngừng sinh con đẻ cái, cống hiến cho việc gia tăng dân số hay trở thành một món ăn chống đói cho những kẻ xung quanh thôi sao? Ta lại nhìn ra được một điều khác biệt.”
Từ Kha lắc đầu phủ nhận: “Đương nhiên là không, công lao của phụ nữ trong việc gia tăng dân số là không thể bỏ qua…”
“Chỉ như thế thôi sao?” Khương Bồng Cơ lại nói, “Mười sáu nước đồng loạt thành lập, đến năm thứ 6, tại huyện Vu có thổ phỉ đến đánh cướp, đúng lúc đó có một người phụ nữ tên Xương Bồ đã dùng mưu kế giết được thủ lĩnh của bọn thổ phỉ hơn nữa còn thu phục đám đạo tặc còn lại, bảo vệ được cả một vùng đất yên bình… Giá trị của bà ấy chỉ nằm ở khả năng sinh sản thôi sao?”
Từ Kha nghĩ nghĩ rồi lại lắc đầu nói: “Theo như ghi chép, Xương Bồ bẩm sinh đã là thạch nữ*, không thể có con, nhưng lại có một người chồng, hai vợ chồng rất hạnh phúc.”
*Thạch nữ: là người đàn bà không sinh đẻ được. Từ này cũng được dùng để chỉ người phụ nữ không có âm đ*o hoặc dị tật âm đ*o (màng trinh quá dày, ống âm đ*o dính chặt...) nên không thể sinh hoạt chăn gối bình thường và không thể sinh con đẻ cái.
“Đại Hạ Kỳ Dị Lục có chép lại một chương thế này, trên bầu trời quận Mai có dị tượng Kim Phượng giáng thế, đúng lúc đó cũng có một bé gái được sinh ra. Người đời nói rằng người con gái đó có danh xưng Kim Phượng, sau này sẽ là mẫu nghi thiên hạ… Hiếu Dư còn nhớ chương này chứ?” Khương Bồng Cơ lại hỏi.
“Lang quân đang nói đến một trong những công thần khai quốc của Đại Hạ, vị nữ tử truyền kỳ nổi danh cùng với Mạnh Công, sau này được truy phong tước hiệu Quan Nội Hầu – Hứa Công?”
Cuối cùng cô tổng kết: “Từ đó có thể thấy, phụ nữ cũng có thể tạo ra những công tích vĩ đại không thua gì đàn ông, vậy thì tại sao vị trí của phụ nữ hiện tại càng lúc càng thụt lùi so với thời kỳ loạn 16 nước? Ta nghe những lái buôn kể rằng, hiện nay Trung Chiếu đang thịnh hành một cuốn sách tên là Nữ Giới* nội dung cũng thú vị lắm, Hiếu Dư có thể đọc thử xem.”
*Nữ Giới: Ban Chiêu những năm cuối đời trông thấy nhiều phụ nữ không có lễ nghi phép tắc, làm nhiều điều càn quấy, bèn sáng tác Nữ Giới (女诫) gồm 7 điều răn dạy về lễ tiết, đạo vợ chồng để giảng dạy cho các quý nữ con nhà lương gia. Được xem là cuốn sách gối đầu cho các phụ nữ thời cổ đại, lấy yếu đuối, khiêm nhường, Tam tòng, Tứ đức làm tiêu chuẩn cho cái đẹp của phụ nữ.
Từ Kha: “…”
Nữ Giới! Vừa nghe tên là đã biết để cho phụ nữ đọc rồi, cậu đọc làm cái gì?
“Ta mua được một quyển Nữ Giới từ tay một người lái buôn, sau khi đọc xong ta chỉ có một suy nghĩ duy nhất, không biết là đứa bại não nào viết ra?” Khương Bồng Cơ khinh bỉ, lại nói tiếp, “Sau đó hỏi thăm cẩn thận, không ngờ quyển sách đó lại do chính hoàng hậu của Trung Chiếu viết ra nhằm giáo hóa nữ tử trong thiên hạ, thậm chí bên Trung Chiếu còn có nho sinh dâng tấu chương nói hành vi của Hứa Công là đồi phong bại tục, mong có thể thu hồi lại truy phong Quan Nội Hầu của bà.”
Từ Kha nghe xong liền nổi bão: “Cái thứ hủ nho ngu si, thế mà lại dám làm như thế! Sự dũng mãnh của Hứa Công không thua gì Mạnh Công của Thương Châu! Nếu không phải là con cháu của Hứa Công không đông, lại không thích tranh giành nơi triều đình thì bây giờ nhà họ Mạnh nào dám phô trương như thế?”
Mạnh Công và Hứa Công năm xưa được xưng là song hùng trong quân, sau này đều trở thành một trong Ngũ Tướng.
Nhưng Mạnh Công yêu rượu, có một lần uống rượu trong lúc hành quân, suýt chút nữa gây ra đại họa, cuối cùng nhờ có Hứa Công mang binh đến cứu mới tránh được tổn thất.
Thế cho nên, nhà họ Mạnh từ trên xuống dưới đều không thích vị Hứa Công được truy phong tước Quan Nội Hầu này. Tước này vốn dĩ phải phong cho người ta lúc còn sống, nhưng mà Hạ Thái Tổ bị trở ngại bởi bầu không khí triều đình lúc đó, cùng với việc nể mặt Mạnh Tinh, thế nên liền kéo dài, mãi cho đến khi người ta qua đời rồi mới truy phong.
“Nhưng ở Trung Chiếu lại có không ít học giả tán thành với ý kiến này.” Khương Bồng Cơ cười đầy mỉa mai, “Người ta là công thần khai quốc, nhưng khổ nỗi vì là phụ nữ mà công lao chinh chiến cả đời coi như không, lúc còn sống không được phong hầu, chết rồi còn bị đám hậu nhân gào mồm đòi lại tước hiệu đã truy phong. Đây là cái thể loại gì? Tư tưởng không tiến bộ mà lại còn thụt lùi về trước cả thời kỳ loạn 16 nước?”
Từ Kha cẩn thận ngẫm nghĩ, mấy năm nay hình như đúng là như thế thật.
Cho dù có là một nước phóng khoáng như Đông Khánh cũng đang dần dần trở nên câu nệ.
Này rốt cuộc là tiến bộ hay là đang thụt lùi đi đây?
Từ Kha hỏi: “Vậy ý của lang quân là?”
“Chuyện sắp xếp cho Lộng Cầm chính là ý nghĩ của ta hiện giờ.” Khương Bồng Cơ nói, “Sau khi Đại Hạ thành lập, dân số quả thật cũng khôi phục lại được không ít. Nhưng kể từ khi thiên hạ tách thành năm nước, trải qua nhiều cuộc phân tranh, dân số vừa mới khởi sắc lại có chiều hướng sụt giảm.”
Đã thế rồi, cái vị Hoàng hậu Trung Chiếu kia còn bày ra cái trò Nữ Giới, yêu cầu phụ nữ chỉ được lấy một chồng, giữ trinh tiết không được tái giá.
Dân số mà tăng lên được thì đúng là gặp quỷ, đã thế đám người Trung Chiếu cũng bại não không kém, cảm thấy nó rất có lý, về nhà bắt nữ quyến nhà mình học tập và làm theo những gì trong Nữ Giới dạy.
Cách làm đúng đắn bây giờ phải là nghỉ ngơi lấy sức, phát triển nông nghiệp, khích lệ hôn nhân và ban hành những chính sách thích hợp chứ?