“Đại phu, đại phu, cái thai của con dâu nhà ta không sao chứ...”
Từ khi Khương Bồng Cơ công bố pháp lệnh mới, dân chúng vừa bồn chồn vừa vui mừng.
Họ không hiểu vì sao chủ công lại muốn để phụ nữ từ hai mươi lăm đến ba mươi tuổi sinh đẻ, đứa trẻ sinh ra tuổi sẽ sàn sàn với cháu họ, không thấy dị sao?
Nhưng thầy thuốc đều nói ý này của chủ công rất đúng.
Dân chúng chỉ biết mê muội hùa theo, bị dư luận dắt mũi rất dễ dàng.
Về lĩnh vực sinh nở và chữa bệnh thì còn ai đáng tin hơn thầy thuốc chứ?
Thầy thuốc nói phụ nữ sinh nở khi tuổi còn nhỏ, đứa con sinh ra sẽ yếu, cơ thể mẹ cũng bị ảnh hưởng, câu này khiến mọi người suy nghĩ rất nhiều.
Bọn họ chỉ biết lấy vợ sớm rồi sinh con, có nhà ai không chửa mấy lứa, sinh bảy tám đứa không?
Nhưng rốt cục thì sao?
Có bao nhiêu đứa trẻ bình an trưởng thành?
Loại trừ các nhân tố như vứt con, chết đói, chỉ tính riêng những đứa trẻ sinh ra đã yếu đuối rồi chết yểu thôi đã khiến họ sợ hãi vô cùng.
Thời này chưa có biện pháp tránh thai nào có hiệu quả, cứ chửa là đẻ thôi, ai cần biết thời gian giữa hai lần mang thai là bao lâu đâu.
Suy nghĩ theo hướng này, dân chúng đều sợ run người, vợ nhà nào chẳng sinh con từ năm mười mấy tuổi, nếu không chết vì khó sinh, thì cứ sòn sòn bảy tám đứa, cuối cùng chỉ có tầm hai ba đứa là sống sót.
Rủi mà gặp tai nạn thì khéo chỉ còn mỗi một đứa con độc đinh, hoặc nghiêm trọng nữa thì không có đứa trẻ nào còn sống.
Đúng là con cái sinh lúc tuổi già thì khỏe mạnh hơn, họ còn tưởng do cải thiện chất lượng cuộc sống nên mới được như vậy.
Nhà nào có vợ đang mang thai thì đứng ngồi không yên, kéo đến vây kín cửa tiệm thuốc.
Thầy thuốc đã gặp quá nhiều kiểu mẹ chồng lo không được bế cháu như người trước mắt này.
Ông thầm than, xui thế nào hôm nay đúng ngay ông trông tiệm chứ?
“Con dâu bà vẫn khỏe, nếu dưỡng thai tốt, đừng suy nghĩ nhiều, thì tất nhiên sẽ sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh.”
Bà lão nói: “Nhưng con dâu ta năm nay mới mười sáu tuổi.”
Thầy thuốc thầm bĩu môi, đừng nói mười sáu tuổi, mười ba tuổi mà có thai thì cũng thế thôi, chẳng lẽ phá thai được đấy?
Ai học y mà không biết, cơ thể mẹ mang thai khi tuổi còn quá nhỏ, đứa con sinh ra sẽ rất yếu.
Nhưng ông không nói câu này ra được, lấy vợ về là để sinh con nối dõi tông đường, trong mắt mấy bà mẹ chồng chỉ chăm chăm bế cháu thì lo lắng gì vấn đề đấy. Phụ nữ nhà người ta ấy à, không sinh con được là có lỗi, sinh con ra mà không nuôi nó sống được cũng là có lỗi.
Ai cũng có lỗi, chỉ có mẹ chồng là không có lỗi thôi.
Thầy thuốc cảm thấy nẫu hết ruột, nhưng miệng thì đáp rất nhẹ nhàng: “Sinh con đẻ cái phải có trước có sau. Dù ban đầu thể chất yếu đuối nhưng sau này cố nuôi dưỡng cũng có thể bù lại phần nào, chỉ là hơi vất vả thôi. Ta thấy sắc mặt của con dâu bà không tốt cho lắm, xem mạch thì thấy nặng nề, hẳn là có nhiều tâm sự. Bà đừng quá lo lắng mà gây áp lực cho con dâu. Tinh thần phải thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, tâm trạng vui vẻ mới sinh con khỏe được, bà thấy ta nói có đúng không?”
Thầy thuốc đã nhận được lệnh, họ phải giữ vững ý kiến sinh con sớm, con dễ chết yểu, nhưng không được nói là chắc chắn sẽ chết. Tuy trẻ con mới sinh ra sẽ rất yếu, nhưng sau này mà nuôi nấng cẩn thận thì vẫn khỏe mạnh như thường, người lớn phải theo dõi chặt chẽ, không được lơ là.
Tiệm thuốc mà Khương Bồng Cơ mở là cơ quan chuyên hút fans.
Tiền mua dược liệu và thuê thầy thuốc đều được sảnh chính vụ trợ cấp đặc biệt, như vậy dân chúng sẽ tốn kém ít hơn khi khám chữa bệnh, thầy thuốc phụ trách tiệm thuốc sẽ chú tâm hơn vào công việc của mình mà không cần lo những việc khác.
Ai bị đau đầu hay cảm sốt đều có thể tới khám, chi phí không cao, tiền thuốc cũng không đắt. Để chăm sóc cho các bệnh nhân nữ, tiệm thuốc còn có các nữ quân y thay ca luân phiên nhau. Gần một năm nay, tiệm thuốc huyện Tượng Dương đã tạo ấn tượng cực kỳ tốt đẹp trong lòng dân chúng.
Thầy thuốc đã nói thế rồi, dân chúng ngơ ngác một lát rồi chấp nhận pháp lệnh mới của Khương Bồng Cơ ngay.
Phụ nữ hai mấy tuổi mới mang thai tuy có hơi muộn nhưng sinh con dễ hơn, đứa con sinh ra khỏe mạnh mới là quan trọng!
Quận Phụng Ấp chào đón một đợt sinh nở cao đến đỉnh điểm, hòa tan bầu không khí nặng nề nơi đây, khiến dân chúng trong vùng cũng có chút phấn khởi.
Năm nay, phía Bắc hạn hán nghiêm trọng, đất đai khô cằn, thời tiết nóng bức, đâu đâu cũng trong tình trạng thiếu nước.
Không có đồ ăn thì cũng lắm là đói bụng thôi, đến lúc đói quá thì bùn, vỏ cây hay rễ cỏ đều ăn được hết, nhưng không có nước thì cùng lắm chỉ chịu được ba bốn ngày. Thế lực Thanh Y Quân tan vỡ đầu tiên, do chúng chỉ biết phá hoại mà không biết sản xuất và cai trị, vì sống còn mà lính đào ngũ càng lúc càng nhiều.
Lính đào ngũ nhiều cũng có nghĩa là bạo dân, nạn dân càng ngày càng tăng.
Hồng Liên Giáo thì tốt hơn, chúng bám vào tín ngưỡng để đánh trận và cai trị dân chúng. Phương Bắc hạn hán nghiêm trọng, chúng còn dẫn người dân đi cầu nguyện với thần linh, mặc dù không có tác dụng gì nhưng cũng phần nào làm giảm khủng hoảng tinh thần cho dân chúng.
Trong tình hình ấy, công cuộc xây dựng quận Phụng Ấp đã đi vào nề nếp, ba huyện Mậu Lâm, Thành An và Giác Bình bị tàn phá nặng nề cũng đang dần bừng lên sức sống, nhiều nạn dân tìm về đến nơi còn tưởng mình đi nhầm, đây là quê hương của họ sao?
Ngày nào cũng có nạn dân tràn vào quận Phụng Ấp, ngoài thành có rất nhiều dân chúng xếp hàng chờ đến lượt kiểm tra và sắp xếp.
Tuy vẫn còn nghèo nhưng chỉ cần có nhiều người thì còn sợ không phát triển được ư?
“Thời tiết hiện nay cực nóng, nước giếng cứ giảm dần, suối đã có dấu hiệu khô cạn...” Khuôn mặt tròn vành vạnh của Dương Tư đã gầy đến mức hiện rõ V-line, râu trên mặt gã còn chưa kịp cạo: “Trong mương có phủ gạch xanh, nhưng mực nước cứ giảm không ngừng, tình trạng ở cả ba huyện khác đều như vậy cả... Phải làm thế nào bây giờ?”
Thư đồng không còn học nấu ăn ở chỗ đầu bếp nữa mà bị tiên sinh nhà mình kéo về xử lý công văn.
Thư đồng nói: “Không thì hạn chế mức dùng nước sinh hoạt hàng ngày?”
Vệ Từ lắc đầu: “Không được, nếu làm thế sẽ khiến dân chúng lo sợ, nhà nào cũng đua nhau tích trữ nước, vậy thì nguy to.”
Ngày nào cũng có lưu dân dạt tới đây, giờ mà truyền ra tin trong thành thiếu nước thì sẽ loạn cào cào lên mất.
Thư đồng nhăn nhó: “Vậy làm sao giờ?”
Vệ Từ nghĩ: “Hay là đổi cách khác.”
Cùng là hạn chế dùng nước nhưng phải sử dụng cách thức tuyên truyền khác, hiệu quả cũng sẽ không giống.
Dương Tư ngạc nhiên hỏi lại: “Đổi cách nào?”
Vệ Từ đáp: “Hiện giờ có rất nhiều lưu dân đang ở ngoài thành, phương Bắc đều chịu cảnh hạn hán, nhiều người không có nước mà uống, thậm chí có người còn chết khát. Nếu đã vậy, chúng ta thông báo cho dân chúng trong và ngoài thành, chỉ ra tình hình nghiêm trọng ở phía Bắc, để họ biết rằng tuy trong huyện không thiếu nước, nhưng các hộ gia đình phải trân trọng tình hình như hiện nay, phải biết tiết kiệm nước, giảm thiểu lãng phí không đáng có...”
Dân chúng ngoài kia còn không có nước mà dùng, dân ở đây cứ lãng phí mà không thấy xót ruột sao?
Mục đích của Vệ Từ và thư đồng là như nhau, nhưng cách của thư đồng sẽ gây hoang mang, khiến dân chúng tán loạn hết lên, Vệ Từ thì khiến dân chúng tự biết thẹn mà chủ động tiết kiệm nước, thậm chí có thể làm họ càng thêm biết ơn Khương Bồng Cơ hơn.
Vì nếu không có cô thì sao họ được như ngày hôm nay?