Hiệp Khách Hành

Chương 40: Mấy Chiêu Sở Học Lại Ăn Người




Ðinh Bất Tam chống kiếm tiến lại la lên:
-Lão tứ! Ngươi hãy lùi lại buộc vết thương rồi sẽ đánh cũng chưa muộn.
Ðinh Bất Tứ bản tính cương cường hiếu thắng, lão lớn tiếng hỏi:
-Làm gì mà bị thương? Trong mình ta có bị thương đâu? Thằng lỏi con đó kiếm pháp đã ra gì mà lại đả thương được ta bằng thanh kiếm gì ư?
Ðinh Bất Tam cười ha hả vung kiếm đâm Bạch Vạn Kiếm đánh véo một tiếng. Miệng lão quát lớn:
-Gã họ Bạch kia! Ngươi lắng tai mà nghe cho rõ. Bây giờ ta với ngươi tỉ đấu lấy một chọi một. Ðinh lão Tứ cũng một mình đấu với ngươi, chứ không khi nào lại hai anh em ta hiệp lực giáp công một mình ngươi. Ðinh lão Tứ bảo ta đừng ra tay, nhưng ta không chịu, ta bảo y hãy lùi lại. Mà y cũng không muốn nghe ta. Ta coi ngươi ngứa mắt lắm, muốn cho ngươi một bài học. Y thấy ngươi cũng phát ghét, muốn đánh cho ngươi mấy cái tát tai. Chúng ta phận ai người ấy làm, chứ không chịu để kẻ khác nói là Ðinh thị Song hùng hai người chọi một rồi tiếng tăm đồn đại ra ngoài giang hồ thì trái tai lắm đó.
Miệng lão la um sùm mà tay không ngừng chút nào. Lão ra chiêu cực kỳ lợi hại. Bạch Vạn Kiếm bị hai người giáp công mà Ðinh lão Tam lại nói lấy một chọi một thì bụng bảo dạ:
-Bây giờ một mình lão đấu với ta, Ðinh Bất Tứ cũng một mình đấu với ta. Như thế thì có khác gì hai người giáp công?
Bạch Vạn Kiếm trong lòng nghĩ vậy nhưng tính khí nghiêm trang trước nay vẫn không ưa tranh hơi cãi lẽ với người, tuy trong lòng vẫn không phục tính nết vô lại của anh em họ Ðinh. Hơn nữa hắn phải giáp kích với hai tay cao thủ, không thể phân tâm trả lời Ðinh Bất Tam được, mà phải để hết tâm thần phòng thủ cho nghiêm mặt cùng tìm cơ hội phản kích nên hắn không nói một câu nào.
Cuộc giao đấu đang lúc dữ dội, thanh trường kiếm của Ðinh Bất Tam đụng vào thanh trường kiếm của Bạch Vạn Kiếm.
Bạch Vạn Kiếm thấy cánh tay tê chồn. Nội lực của đối phương đánh tới kịch liệt, hắn vội vận nội lực hướng ra ngoài để chống lại. Lúc xoay kiếm phạt ngang, bỗng chân phải hắn đau nhói lên. Hắn đành lùi lại hai bước, chân bước loạng choạng cơ hồ muốn té.
Một tên đệ tử phái Tuyết Sơn la lên:
-Không được hại sư ca ta!
Gã chống kiếm tiến vào trợ chiến, nhưng chân trái vừa bước tới trong mà Ðinh Bất Tam đã vạch ra thì trước mắt ánh bạch quang loé lên. Thanh trường kiếm đã đâm suốt qua ngực Gã bị Ðinh Bất Tam phóng kiếm đâm chết.
Hai tên đệ tử khác của phái Tuyến Sơn kinh hãi vừa tức giận song song tiến vào tập kích.
Ðinh Bất Tam quát to một tiếng, người lão nhảy vọt lên không. Thanh trường kiếm từ trên bổ xuống. Ðồng thời tay trái lão đánh ra một chưởng.
Một tên đệ tử phái Tuyến Sơn bị chém từ vai bên hữu chéo sang nách bên trái đứt thành hai đoạn. Còn phát chưởng tay trái vào đỉnh đầu tên đệ tử kia. Gã chỉ kịp rên lên, một tiếng rồi ngã lăn xuống đất, đầu gã ngẹo ra đằng sau vì xương cổ bị gẫy rồi thế là gã cũng chết tốt.
Mới trong khoảng khắc Ðinh Bất Tam đã giết luôn ba mạng người.
Thạch Phá Thiên đứng nấp đằng sau một gốc cây thấy thế thì sợ vỡ mật.
Ðinh Bất Tam sức mạnh còn dư. Thanh trường kiếm của lão múa lên như vũ bão chém tới tấp vào Bạch vạn Kiếm.
Bỗng nghe hai tiếng rắc rắc. Cả hai thanh trường kiếm đồng thời bị gãy rời. Cả hai người đồng thời cầm thanh kiếm gãy nhằm liệng vào đối phương. Hai người cùng cúi đầu lùn thấp người xuống. Hai thanh kiếm cụt cùng lướt qua trên đầu hai người băng đi và chỉ cách đầu người chừng nửa thước.
Hành động của hai người giống nhau, mau lẹ ngang nhau và cũng gặp nguy hiểm như nhau. Nếu không phải là lúc mạng sống như treo đầu sợi tóc thì họ đã nhìn rõ đối phương ghê gớm đến thế nào!
Bạch Vạn Kiếm bị thương ở chân phải cất bước không được thuận tiện. Hắn lại mất binh khí. Lập tức hắn lâm vào tình trạng chỉ còn chống đỡ, khó có đường đất phản công.
Hai tên đệ tử phái Tuyết Sơn biết rõ là mình tiến vào vòng tròn nhất định phải chết không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng cũng không thể dương mắt nhìn sư huynh bị hai tay hung ác liên thủ đánh chết. Chúng liền chống kiếm xông vào.
Ðinh Bất Tam la lên:
-Lão tứ! Ngươi hãy phát lạc hai gã kia giờ bữa nay ta đã giết đủ ba mạng rồi.
Ðinh Bất Tứ cười ha hả nói:
-Thế là đã đến lúc lão ta phải cần đến ta ra tay rồi đây.
Lão nói vậy rồi không xoay mình, chân đá hất về phía sau trông tựa như lừa ngựa đá người. "Bốp bốp" hai tiếng! Hai chân lão đều đá trúng ngực hai gã. Hai gã đệ tử này bị đá băng ra xa mấy trượng, té huỵch xuống đất không kịp rên lên một tiếng.
Nguyên hai gã bị trúng cước của Ðinh Bất Tứ chết ngay lập tức.
Hai anh em họ Ðinh nổi tính hung tàn không đếm xỉa gì đến đạo nghĩa giang hồ nữa. Chưởng phóng chân đá bằng những thủ đoạn cực kỳ tàn độc nhằm công kích Bạch Vạn Kiếm.
Bạch Vạn Kiếm đã què một chân phải gắng gượng đối phó lùi từng bước một ra ngoài vòng. Ðột nhiên hắn khẽ rên lên một tiếng. Vai bên phải hắn cơ hồ không cất lên được nữa.
Thạch Phá Thiên thấy vậy thì bầu máu nóng sủi lên sùng sục chàng la lớn:
-Cuộc này thật là bất công.
Chàng liệng A Tú xuống đất, rút con dao chặt củi đã han dỉ ở sau lưng ra. Chàng lại quát lên:
-Hai người đánh một như thế còn ra nghĩa gì?
A Tú bị chàng liệng xuống khá mạnh, nàng buột miệng la lên một tiếng:
-Úi chao!
Thạch Phá Thiên đang lúc vội vàng, quay lại nói:
-Xin lỗi Tú muội.
Mấy cái nhô lên hụp xuống, chàng đã bước vào trong vòng.
Ðinh Bất Tứ vẫn không quay đầu lại hất chân đá ngượcvề phía sau.
Thạch Phá Thiên điểm chân xuống nhẹ nhàng nhảy qua đầu Ðinh Bất Tứ rồi hạ mình xuống trước mặt lão.
Ðinh Bất Tứ chân đá vào quãng không. Trước mắt lại xuất hiện thêm một người. Lão sửng sốt la lên:
-Ðại Tống Tử ! Té ra là mi đấy ư?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Phải rồi! Chính tại hạ đây. Các vị hai người ... hai người đánh một người thì thật là bất công! Chàng liếc mắt nhìn Ðinh Bất Tam trống ngực đánh thình thình. Chàng thấy lão giết ba tên đệ tử phái Tuyết Sơn, xác còn nằm lăn dưới đất. Chân chàng dẵm phải, máu me loang lổ, nên càng kinh hãi hơn.
Ðinh Bất Tam nói:
-Thằng lỏi kia! Hôm ấy ở trên thuyền để mi trốn thoát. Té ra mi ẩn núp ở đây. Bây giờ mi còn chường mặt ra làm chi?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Tại hạ ra khuyên hai vị lão gia nên bớt gây thù oán. Hai vị đã thắng rồi, hễ tha người được hãy tha ngay. Hà tất phải tàn sát nhiều người.

Ðinh Bất Tam và Ðinh Bất Tứ bất giác bật lên tràng cười hô hố.
Ðinh Bất Tứ nói:
-Lão tam! Không hiểu thằng lỏi này học được ở đâu mấy câu thúi thế ? Gã nói năng đã không hoạt bát mà lại còn đến khuyên can lão gia.
Thạch Phá Thiên dùng con dao chặt củi hất một thanh kiếm tung về trước mặt Bạch Vạn kiếm chàng nói:
-Bạch sư phó: Các vị ở phái Tuyết Sơn cần phải có kiếm.
Bạch Vạn Kiếm lẩm bẩm:
-Mình sắp mất mạng dưới móng vuốt của anh em họ Ðinh không ngờ gã tiểu oan gia Thạch Trung Ngọc này lại nhảy ra giúp đỡ, làm cho mình càng khó chịu.
Thanh trường kiếm mà Thạch Phá Thiên hất lại cho Bạch Vạn Kiếm là của một tên đệ tử bị chết về tay Ðinh Bất Tam còn bỏ lại Bạch Vạn Kiếm tự nhủ:
-Mình chỉ cần có thanh kiếm trong tay là tinh thần phấn khởi gấp mười.
Bạch Vạn Kiếm nghĩ vậy rồi không nói nửa lời, giơ tay ra đón lấy thanh kiếm.
Ðinh Bất Tam cất tiếng mắng Thạch Phá Thiên:
-Gã họ Bạch kia đã bắt được mi rồi toan giết đi. Nếu hôm ấy không có ta đến cứu thì liệu mi còn sống được nữa chăng?
Thạch Phá Thiên gật đầu đáp:
-Ðúng thế! Tại hạ cũng khuyên cả vị Bạch sư phó kia hễ tha người được hãy tha ngay.
Ðinh Bất Tứ chỉ sợ Thạch Phá Thiên nói huỵnh tẹt câu chuyện chàng đã đả bại lão ở trên thuyền, lão muốn phóng chưởng đánh chết chàng ngay đi, liền quát lên:
-Mi nói năng gì thế?
Rồi lão vung chưởng đánh luôn. Lần này không có Sử bà bà ở bên cạnh, lão không còn uý kỵ điều tiếng gì nữa. Lão phóng chiêu "Hắc vân mãn thiên" là một chiêu chưa từng dạy chàng. Bạch Vạn Kiếm không muốn để Thạch trung Ngọc bị chết về chiêu thức hiểm độc của Ðinh Bất Tứ. Hắn vung trưởng kiếm ra chiêu Lão thụ hoành tà" đâm chéo sang.
Thạch Phá Thiên cũng vung con dao chặt củi lên sử chiêu Trưởng giả chiết chi chém vào tay Ðinh Bất Tứ.
Lạ thay! Chiêu đao và chiêu kiếm này vốn xung khắc nhau, nhưng hợp nhau lại sử dụng thì uy lực lại càng ghê gớm! Chỉ trong chớp mắt Ðinh Bất Tứ bị vây bọc vào giữa hai làn đao quang và kiếm quang.
Ðinh Bất Tam la lên:
-Phải cẩn thận đấy!
Ðao quang kiếm thế lợi hại vô cùng, tuy lão muốn xen vào trợ chiến, nhưng hai bàn tay không thì khó lòng xông vào được giữa làn đao kiếm dầy như lưới.
Ðinh Bất Tứ cũng giật mình kinh hãi. Lão thấy nguy cấp liền lăn người đi mấy cái trốn ra ngoài vòng chiến.
Lúc lão đứng lên thì thấy bên cạnh đao kiếm của đối phương đang nhảy múa không biết bao nhiêu là sợi tơ trắng.
Lão sờ xuống cằm thì thấy chòm râu của mình đã bị hớt mất một mảng.
Ðinh Bất Tứ vừa kinh hãi vừa tức giận còn Ðinh Bất Tam cũng sợ hãi thất sắc.
Bạch Vạn Kiếm cũng không khỏi ngạc nhiên. Chỉ có Thạch Phá Thiên lại không hiểu chiêu thức vừa rồi là do nội lực hùng hồn, đao pháp tinh diệu của mình mà ra. Chàng đã làm cho ba tay cao thủ hiện thời phải chấn động.
Ðinh Bất Tam nói:
-Ðược rồi! Bây giờ chúng ta cùng dùng binh khí!
Lão lượm hai thanh trường kiếm dưới đất lên, đưa một thanh cho Ðinh Bất Tứ rồi bảo lão:
-Ngươi còn phải nghĩ ngợi gì nữa? Chúng ta đồng thời tiến lên đi!
Mũi kiếm rung lên nhằm đâm vào Thạch Phá Thiên.
Thạch Phá Thiên không có tài ứng biến. Chàng thấy kiếm đâm tới thì rất đỗi hoang mang, không biết sử chiêu nào để giải khai cho dúng.
Bạch Vạn Kiếm ra chiêu "Song đà tây lai" đỡ giúp mé bên.
Chiêu kiếm này nhắc nhở Thạch Phá Thiên sử chiêu "thiên quân áp đà". Chàng dùng sống đao từ trên không đè xuống. Con đao chặt củi tuy đã cùn nhụt nhưng có áp lực nặng đến ngàn cân.
Ðinh Bất Tam lập tức cảm thấy chiêu kiếm của mình bị ngưng trệ. May có Ðinh Bất Tứ lại cứu kịp.
Bạch Vạn Kiếm sử chiêu "Phong xa mãng mãng" .
Thạch Phá Thiên liền phóng ra chiêu "Ðại hải trần sa".
Một đao một kiếm phối hợp nhau thành dầy khít không một kẽ hở. Bên trên như bão táp đè xuống, bên dưới tựa hồ biển cả sóng nổi ba đào đẩy lên.
Ðinh Bất Tam và Ðinh Bất Tứ đều la hoảng.
Thạch Phá Thiên nội lực cực kỳ thâm hậu mà võ công chàng học được cũng tinh diệu vô cùng. Có điều chàng còn ít luyện tập lại không kinh nghiệm ứng chiến lúc bên địch ra đòn chàng không biết dùng chiêu thức nào để đối phó.
Chàng đã học Kim ô đao pháp, từ chiêu tối hậu không kể, còn bất luận chiêu nào cũng đối chiếu với kiếm pháp phái Tuyết Sơn mà thi triển.
Khi Sử bà bà truyền thụ đao pháp cho chàng, đã chỉ điểm luôn cả kiếm pháp của phái Tuyết Sơn.
Lúc này trong lòng Thạch Phá Thiên đã hoang mang, chàng không kịp suy nghĩ gì nữa, hễ thấy Bạch Vạn Kiếm ra chiêu nào là chàng lại sử chiêu phản ứng. Tỉ như Bạch Vạn Kiếm ra chiêu "lão chi hoành tà". Chàng liền sử chiêu "Trưởng giả chiết tri" . Bạch Vạn Kiếm ra chiêu "Song tây lai", chàng liền sử chiêu Thiên quân áp đà".
Ngờ đâu Kim ô đao pháp tuy là khắc tinh đối với Tuyết Sơn kiếm pháp. Nhưng chính vì chỗ tương khắc đó mà lúc liên thủ với nhau đồng thời thi triển, thì chiêu số hai bên liên lạc với nhau không một chỗ hở mà thành ra một thứ võ công uy lực vô cùng mãnh liệt.
Bạch Vạn Kiếm trong lòng xiết nỗi kinh nghi, nhưng hắn là người võ công trác tuyệt, chỉ trong mấy chiêu hắn biết ngay đao pháp của Thạch Phá Thiên mà liên lạc với kiếm pháp của mình thì bất luận vật gì cứng rắn đến đâu cũng phải tan vỡ.
Hắn nghĩ bụng:
-Thằng lỏi họ Thạch này có một nội lực hữu chất vô hình dần dần phát triển mãi ra không ngớt mới thật là tuyệt.
Ðinh Bất Tam cùng Ðinh Bất Tứ bản lãnh và kiến thức còn cao hơn Bạch Vạn Kiếm thì dĩ nhiên nhìn nhận ra sớm hơn. Có điều cả hai lão đều bản tính hung hăng kiêu ngạo, tuy cũng biết thế mà chẳng chịu thua. Hai lão còn mong Thạch Phá Thiên thi triển đao pháp cổ quái, song chiêu số cũng chỉ có hạn, hai anh em lão phấn khởi tinh thần cố sức chống đỡ để chờ cơ hội.
Bạch Vạn Kiếm cũng lo thay cho sức lực của Thạch Phá Thiên cũng như Trình Giảo Kim chỉ được ba buá đầu. Cuộc đấu kéo dài sẽ bị anh em họ Ðinh đoạt mất thượng phong. Tình thế trước mắt lợi ở chỗ đánh mạnh và đánh mau.
Hắn liền sử chiêu "ám hương sơ ảnh" huy động thanh trường kiếm. Kiếm quang lờ mờ như có như không. Ðây là một chiêu rất tinh vi trong Tuyết Sơn kiếm pháp, diệu ở chỗ đối phương bị thương lúc nào biết để mà phòng.

Thạch Phá Thiên cầm con dao chặt củi phạt ngang rồi rung động luôn mấy cái. Ðó là chiêu "bão ngư chi tứ". Nội lực từ bốn mặt tám phương ào ạt tràn vào.
Bỗng nghe hai tiếng la "ối ối"! Vai Ðinh Bất Tứ bị trúng đao, cánh tay Ðinh Bất Tam bị trúng kiếm. Hai lão đột nhiên xoay mình nhảy ra ngoài vòng.
Ðinh Bất Tam xoay tay lại nắm lấy Ðinh Ðang lôi đi rất mau ẩn vào trong khu rừng phía Ðông.
Ðinh Bất Tứ cũng chạy trốn về mé Tây.
Dưới đất còn lại từng vũng máu và năm xác chết lăn trên đống cỏ.
Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn ngơ ngác nhìn nhau, thảy đều ôm mối hoài nghi.
Bạch Vạn Kiếm ngoảnh đầu nhìn Thạch Phá Thiên vừa xấu hổ lại vừa kinh ngạc.
Nhưng trong lòng hắn còn có ý cảm kích, vì nếu chàng không tham dự cuộc đấu thì mười mấy người phái Tuyết sơn phải chết hết.
Hắn lại nghĩ tới vừa rồi hai anh em họ Ðinh ra tay một cách lợi hại phi thường thì trong lòng hãy còn kinh hãi.
Hắn thở phào một cái rồi cất tiếng hỏi Thạch Phá Thiên :
-Những đường đao pháp đó ai đã dạy cho ngươi ?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Ðó là Sử bà bà đã truyền thụ cho tại hạ. Ðao pháp này có bảy mươi ba đường. So với Tuyết sơn kiếm pháp nhiều hơn chỉ có một đường. Những chiêu số đao pháp đều xung khắc với Tuyết sơn kiếm pháp.
Bạch Vạn Kiếm hắng giọng một tiếng, hỏi tiếp:
-Những chiêu số đao pháp đó đều xung khắc với Tuyết sơn kiếm pháp ư? Khẩu khí khá lớn đấy! Sử bà bà là ai?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Sử bà bà là tổ sư sáng lập ra phái Kim ô. Bà là sư phụ tại hạ, còn tại hạ là đại đệ tử phái Kim ô đời thứ hai.
Bạch Vạn Kiếm nghe chàng nói câu này, bất giác hầm hầm nổi giận, xẵng giọng hỏi:
-Ngươi đã không nhìn nhận sư môn nữa thì thôi, sao cứ đi làm mon hạ phái Kim ô gì gì đó? Phái Kim ô... ta chưa từng nghe thấy. Trong võ lâm chẳng có môn phái nào tên hiệu như thế.
Thạch Phá Thiên chưa biết Bạch Vạn Kiếm đã nổi giận. Chàng tiếp tục giải thích:
-Sư phụ tại hạ bảo Kim Ô là mặt trời. Mặt trời mọc lên thì tuyết trên đỉnh núi phải tan rữa. Vì thế mà đệ tử phái Tuyết Sơn chạm trán phái Kim ô thì chỉ còn đường... còn đường...
Chàng muốn nói còn đường dập đầu van lạy xin tha mạng. Nhưng tuy chàng không am hiểu nhân tình thế thái, song cũng không phải là hạng ngu ngốc. Chàng lập tức ngưng lại không nói nữa vì chàng biết câu này không nên, nói trước mặt bọn đệ tử phái Tuyết Sơn.
Bạch Vạn Kiếm sắc mặt xám xanh lớn tiếng hỏi:
-Ðệ tử phái Tuyết Sơn mà ta chạm trán phái Kim Ô thì sao? Chỉ còn đường gì?
Thạch Phá Thiên lắc đầu đáp:
-Câu này nói ra làm cho Bạch sư phó không được hài lòng. Vả tại hạ cũng cho là lời sư phụ nói không đúng.
Bạch Vạn Kiếm gặng hỏi:
-Có phải mụ bảo chỉ còn đường chạy tháo thân không?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Lời nói của sư phụ tại hạ có ý kiến tương tự như vậy. Bạch sư phó bất tất bực mình làm chi. Ðó là tệ sư phụ nói đùa, mình chẳng nên cho là lời nói thật.
Ðùi bên phải và vai bên phải Bạch Vạn Kiếm đều bị cườm tay Ðinh Bất Tứ chém trúng. Thời gian càng kéo dài lại càng thêm đau đớn. Hắn lại nghe những lời nói của Thạch Phá Thiên thấy câu nào cũng xỉ nhục đến thanh danh bản môn thì còn nhẫn nại làm sao được?
Hắn vung thanh kiếm, thét lên:
-Ðược lắm! Ta muốn lãnh giáo mấy cao chiêu của phái Kim Ô, thử xem chiêu số đao pháp của phái đó xung khắc với chiêu số của phái Tuyết Sơn ra sao?
Nhưng hắn vừa giơ kiếm lên, cảm thấy bả vai đau nhức, mặt tái đi, thanh trường kiếm suýt nữa rời khỏi tay.
Một tên đệ tử phái Tuyết Sơn tên gọi Bảo vạn Diệp chống kiếm tiến ra hai bước nói:
-Thằng lỏi con họ Thạch kia! Dĩ nhiên ngươi không địch nổi sư ca ta đâu, vậy ta thử tiếp mấy chiêu thức cao thâm của ngươi coi.
Bạch Vạn Kiếm nghiến răng chịu đau nói:
-Bảo sư đệ!... Ngươi... ngươi...
Hắn định nói: Ngươi không đấu với gã được đâu. Nhưng người võ lâm coi trọng nhất là thể diện. Hắn liền đổi chiều:
-Ngươi để ta tiếp gã hay hơn.
Bạch Vạn Kiếm đưa sang tay trái rồi hô:
-Thạch tiểu tử! Tiến lên đi!
Thạch Phá Thiên nói:
-Bạch sư phó đã bị thương ở bả vai và ở đùi, chúng ta bất tất tử đấu làm chi nữa. Vả lại... vả lại... tại hạ nhất định không địch nổi Bạch sư phó đâu.
Bạch Vạn Kiếm hỏi:
-Ngươi đã có gan buông lời khinh mạn phái Tuyết Sơn ta, sao lại không có gan cùng ta đấu kiếm?
Dứt lời, Bạch Vạn Kiếm liền vung kiếm ra chiêu "Mai tuyết tranh xuân". Kiếm quang vọt ra thành nhiều điểm chụp xuống đầu Thạch Phá Thiên.
Hắn sử kiếm bằng tay trái tuy không linh hoạt bằng tay phải, nhưng về phần mãnh liệt vẫn không suy giảm chút nào.
Thạch Phá Thiên vung con dao chặt củi lên trả đòn bằng chiêu "Tuyết mai phùng hạ".
Quả nhiên chiêu này nhằm đánh vào những chỗ sơ hở của đối phương. Nó đúng là khắc tinh của chiêu "Mai tuyết tranh xuân" trong Tuyết sơn kiếm pháp.
Bạch Vạn Kiếm thấy vậy thì trong lòng không khỏi kinh hãi. Hắn không chờ chiêu "Mai tuyết tranh xuân" đi đến hết mức độ của nói, tay kiếm vội biến sang chiêu "Minh nguyệt lộng địch". Thạch Phá Thiên cũng biến sang chiêu "Xích nhật kim cổ".
Bạch Vạn Kiếm lại một phen kinh hãi. Hắn thấy rõ đối phương cầm con dao chặt củi chém đúng vào yếu điểm chiêu thức của mình, hắn liền hốt hoảng biến chiêu. May mà Thạch Phá Thiên chưa hiểu được đến chỗ ảo diệu của nó, chàng vừa thấy đối phương biến chiêu cũng biến đổi liền.
Thực ra chiêu " Xích nhật kim cổ" của chàng đã chiếm được thượng rồi. Bất luận Bạch Vạn Kiếm biến chiêu cũng vậy mà không biến chiêu cũng thế, nếu chàng tiếp tục đâm thẳng tới, thì lập tức đối phương phải thối lui đến ba bước. Nhất là lúc này chân Bạch Vạn Kiếm đã bị thương mà phải thối lui tới ba bước thì không tài nào kịp được, chỉ còn đường buông kiếm chịu thua.
Thạch Phá Thiên không hiểu được đến chỗ kỳ diệu thành ra bỏ lỡ mất cơ hội tốt nhất, thực là đáng tiếc!
Bạch Vạn Kiếm la thầm:
-Thật là nhục nhã !
Bạch Vạn Kiếm qua khỏi được cơn nguy này, nhưng về sau hắn còn gặp nhiều trường hợp hung hiểm nữa. Kim ô đao pháp quả thực là kỳ, chiêu nào cũng để phá thế Tuyết sơn kiếm pháp. Bất luận Bạch Vạn Kiếm, kiếm pháp cao siêu đến đâu, sử thanh trường kiếm kỳ diệu đến mực nào cũng đều bị lưỡi đao chặt củi của Thạch Phá Thiên làm mất hết chỗ hay chỗ ảo diệu để chiếm lấy thượng phong.
Sau khi hai bên đã qua lại hơn ba chục chiêu, Thạch Phá Thiên bỗng vung con dao chặt củi chém xuống gần đến vai bên tả Bạch Vạn Kiếm.
Kể ra Bạch Vạn Kiếm có thể phóng cước đá vào cổ tay Bạch Vạn Kiếm để giải khai, nhưng vì chân hắn đã bị thương hắn vừa giơ chân thì vết thương đau nhói thấu xương, đầu gối hắn khuỵ ngay xuống. hắn vội chống bàn tay phải xuống đất cho khỏi ngã.
Giả tỷ Thạch Phá Thiên chém xuống thì Bạch Vạn Kiếm không còn cách nào chống đỡ được nữa. Chẳng ngờ chàng không hạ đao, dừng lại nói:
-Chiêu này bỏ đi không kể.
Bạch Vạn Kiếm đẩy mạnh chân trái một cái, đứng phắt dậy. Trong lòng hắn xoay chuyển nhiều ý nghĩa rất mau:
-Thằng lỏi này đáng lý có thể thắng ta rồi mà sao gã không sử hết chiêu đó để hạ ta? Dường như gã chưa học Tuyết sơn kiếm pháp thì phải? lúc này rõ ràng gã thắng rồi sao gã lại cố ý nhường ta ? Thằng lỏi Thạch Trung Ngọc trước nay là một đứa hung tài, gã mà phóng đao chếm chết ta rồi thì cả bọn sư đệ ta chẳng còn ai địch nổi gã nữa? Tại sao đột nhiên gã lại nảy lòng từ thiện ? Vì lý do nào... gã không hạ độc thủ?... Hay là... gã không phải là Thạch Trung Ngọc thiệt chăng?
Bạch Vạn Kiếm nghĩ tới đây rồi, hắn rung trường kiếm phóng ra một chiêu rất tầm thường, chẳng có chỉ kỳ dị. Ðó là chiêu "Triều thiên thế" đâm kiếm về phía trước.
Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn lấy làm lạ đều "ồ" lên một tiếng. Nguyên chiêu "Triều thiên thế" này chưa được kể vào một trong bảy mươi hai chiêu của Tuyết Sơn kiếm pháp, mà nó chỉ là một trong mười hai thế của kể nào mới nhập môn cũng phải tập để làm cơ bản luyện gân cốt mà thôi. Những chiêu sơ học này giản dị dễ nhớ, tuy nó rất hữu ích cho việc luyện công, song nó tầm thường quá không thể dùng vào chuyện đối phó lúc làm địch để thủ thắng được.
Bọn sư đệ Bạch Vạn Kiếm thấy hắn sử chiêu "Triều thiên thế" đều giựt mình kinh hãi, vì chúng cho rằng sư huynh bị thương kiệt lực mất rồi không còn sức để sử kiếm mối đâm liều những thế sơ học đó.
Ngờ đâu Thạch Phá Thiên thấy vậy lại đứng thộn mặt ra vì chàng chưa từng thấy chiêu này bao giờ. Sử bà bà lúc dạy chàng Kim Ô đao pháp, không nói gì đến cách phá giải chiêu đó cả, chàng khong biết đối phó thế nào, đâm ra luống cuống. Nhưng đứng trước thanh trường kiếm của Khí Hàn Tây. Bắc ai đã ngẩn người ra một chớp mắt là nguy rồi.