“Trần… Trần Triều.” Miêu Gia Nhan cất tiếng, giọng nói không giấu nổi những tiếng thở hổn hển, nép mình sau cánh cổng nhìn vào trong sân.
***
Ngày hai ba tháng chạp, vậy là năm cũ sắp qua rồi.
Tuyết rơi phủ trắng xóa nền đất, không biết xe đạp của ai đổ chỏng chơ dưới đất, bị tuyết vùi kín chỉ còn chừa lại nửa cái ghi đông. Từng bông từng bông hoa tuyết lả lướt rơi xuống, đập vào màn bạt phát ra những âm thanh xào xạc.
Miêu Gia Nhan kéo thùng xốp đựng mầm hoa ra ngồi, lấy tay chống cằm rồi ngồi thừ người một lúc lâu, nếu không phải thi thoảng đôi mắt vẫn chớp thì chẳng khác nào đang ngủ gật.
Trang trại vắng ngắt không một bóng người, lúc này mọi người đều đã về nhà đón Tết rồi.
Các bác gái bao giờ cũng vậy, tuy làm việc nhưng vẫn buôn chuyện không ngớt, chuyện ông đầu làng chuyện bà cuối xóm, chuyện cũ đã qua vẫn cứ nhắc lại cho mới, lắm lúc kể chuyện kích động quá còn bỏ đồ trong tay xuống mà khua tay khua chân minh họa cho thật sống động. Nhưng rồi dần dần, những tiếng nói cười cũng ngớt dần, ngoài tiếng tuyết rơi xào xạc ra thì không còn âm thanh nào khác.
Yên ắng quá chừng.
Miêu Gia Nhan đã ngồi ở đây một lúc lâu rồi, sáng nay dùng bữa sáng xong là cậu đội mũ tới đây. Sắp sang năm mới, thành thử trong nhà cũng đông người hơn bình thường, so với ở trong căn nhà ồn ã, cậu thích tới đây ngắm hoa hơn nhiều.
Nhà cậu trồng bông, hè về Miêu Gia Nhan thường phải lặn lộn ra ruộng bông, chỉ khi đông về không trồng bông nữa cậu mới tới trang trại hoa nho nhỏ này.
Trong trang trại chủ yếu trồng thu hải đường trường sinh, loài hoa này rẻ bèo, bán cũng chẳng được mấy đồng bọ. Chỗ cậu không có những loài hoa đắt đỏ, đắt quá sẽ không bán được, thành thử chỉ có loài hoa thường thấy trong chợ như thu hải đường trường sinh là dễ bán nhất.
Thực ra cậu tới trang trại ngồi như vậy cũng chẳng phải vì yêu thích nơi này gì cho cam, nơi này độ ẩm không khí rất cao, lúc nào cũng cảm thấy nhớp nháp khó chịu.
“Ôi trời đất quỷ thần thiên địa ơi!” Bỗng đâu có một âm thanh vang lên, khiến Miêu Gia Nhan đang ngồi ngây như phỗng giật bắn mình đứng dậy.
“Ôi chao, ra là Tiểu Nhan đó hả con?!” Bác Lâm đeo chiếc khăn màu xám đậm, cẩn thận che kín mít trên đầu, chỉ chừa ra gương mặt. Một tay bác cầm đôi găng tay bằng bông ấm áp, tay còn lại thì vỗ ngực bôm bốp, nói một tràng như bắn liên thanh, “Con làm bác hết hồn, sao lại ngồi đực ra đó không ho he tiếng nào thế hả con?”
Thật tình là chính Miêu Gia Nhan cũng bị bác ấy dọa một vố, bởi ngồi bật dậy mà thùng xốp bị đổ vật ngửa ra, cậu cũng vô tội mà: “Con ngồi một mình thì lên tiếng làm gì chứ…”
“Thì ít nhất con thấy bác tới cũng phải đánh tiếng chứ, con xem bác sợ tim muốn rớt ra ngoài luôn đây này!” Bác Lâm phủi găng tay, đi vào trong trang trại, vừa đi vừa hỏi thăm: “Sao con còn chưa về? Chưa có người gọi con về ăn cơm à?”
“Con về đi cho sớm, bác qua đây lấy chìa khóa nhà kho, đấy, không cẩn thận đánh rơi ở đây mất.” Bác Lâm vừa nói một tràng dài, vừa đi men theo hàng chậu hoa tìm chìa khóa.
Miêu Gia Nhan đút tay vào trong túi, cũng giúp bác tìm một tay.
Chìa khóa bị rơi xuống vị trí trước đó bác làm việc, bác Lâm nhặt chùm chìa khóa lên, đoạn hỏi Miêu Gia Nhan: “Con có về cùng bác không?”
Miêu Gia Nhan nhìn bác, lắc đầu trả lời: “Con chưa về vội ạ.”
“Tết nhất mà con còn ngồi đây làm gì, cứ như đang giận dỗi ai không bằng,” Bác Lâm nói tới đây thì dừng lại, nhỏ giọng hỏi, “Ba mẹ con về à? Họ mắng con à?”
Miêu Gia Nhan lắc đầu trả lời, “Không ạ.”
Bác Lâm rất thân với bà nội, cũng hiểu rõ hoàn cảnh nhà cậu, bác nhìn Miêu Gia Nhan, tiến lên vỗ vai cậu thở dài: “Vậy con còn ngồi đây làm gì, ba mẹ và cô con về nhà ăn Tết, con nên về để cả nhà đoàn tụ mới đúng.”
Miêu Gia Nhan là một cậu bé ngoan ngoãn, không có chuyện dỗi hờn cáu kỉnh, nói chuyện cũng nhỏ nhẹ dễ nghe, thành ra mọi người trong trang trại đều rất quý cậu bé.
“Dù sao hết Tết họ cũng đi thôi, ai nói gì con thì con làm như không nghe thấy.” Bác Lâm an ủi cậu, “Đừng cãi lời bố mẹ, không họ lại đánh con.”
Bác Lâm dặn dò vậy thôi chứ cũng không nói cậu nữa, vội vàng về nhà chuẩn bị nấu nướng, chỉ dặn cậu: “Thế bác không làm phiền con nữa, con cũng mau về sớm đi, đừng để người nhà tới gọi.”
Miêu Gia Nhan đang định trả lời thì nghe thấy bác Lâm lẩm bẩm: “Ban nãy bác tới thấy một chiếc xe lái tới, không biết có phải hai đứa nhà ông Trần về rồi hay không….”
Miêu Gia Nhan vốn đang đứng tại chỗ, nghe vậy thì quay đầu nhìn bác Lâm.
“Chắc là hai đứa nhà ông ấy về rồi, không thì nhà ai vào đây nữa.” Bác Lâm xỏ đôi găng vào, lại quàng khăn che kín đầu, “Vậy bác đi đây, con nhớ khóa cửa nhé.”
Bác Lâm đẩy cửa lọc cọc chạy về nhà, Miêu Gia Nhan vẫn còn giữ nguyên tư thế ban nãy, hai mắt vẫn cứ trợn tròn.
Bàn tay đút trong túi đã ướt nhẹp mồ hôi từ lúc nào, trở nên nhớp nháp bết dính. Miêu Gia Nhan không còn để ý tới mấy người trong nhà, trong đầu cũng không còn nghĩ vẩn vơ, bấy giờ chỉ còn đọng lại một suy nghĩ không ngừng xoay vần——
Trần Triều trở về rồi.
“Ai vậy?” Trong sân nhà họ Trần, bà Trần lọ mọ chạy ra cửa, trong tay vẫn còn cầm theo bó cải thảo chưa nhặt xong, “Ai gõ cửa vậy?”
“Là con đây bà ơi.” Cậu chàng ngoài cửa đáp, “Trần Triều ạ.”
“Ôi, thằng cháu bà về rồi!” Bà Trần nghe tiếng cháu trai thì vội vàng chạy ra mở khóa cửa, nhìn cậu nhóc đứng bên ngoài cao hơn mình một cái đầu, vui vẻ cười tít mắt lại.
Trần Triều xách hai chiếc vali trong tay, bà Trần muốn đón lấy nhưng hắn đã kịp nghiêng mình tránh ra, vừa bước vào cửa vừa bảo với bà: “Để cháu cầm ạ.”
“Bố cháu đâu?” Bà vui vẻ giơ bàn tay không cầm cải thảo lên xoa đầu cháu trai, “Sao mới đó mà đã cao thế rồi?”
“Bố cháu đang đi đỗ xe rồi.” Trần Triều đặt đồ xuống trước cửa nhà, xoay người đi về phía khác, “Trong xe vẫn còn đồ, để cháu ra lấy đã.”
Bà nội lật đật khoác áo bông muốn theo cháu trai ra lấy đồ, bị Trần Triều cản lại: “Trời lạnh như vậy, lại xa nữa.”
Nhà họ ở sâu trong con ngõ nhỏ, nên chỉ có thể đỗ xe ở bãi đằng xa, lúc Trần Triều đi ra bố đã đỗ xe xong xuôi, đang lấy đồ đạc xuống.
“Ông bà có nhà không?” Trần Quảng Đạt hỏi.
“Con không thấy ông nội,” Trần Triều nhấc ba chiếc hộp xuống, đeo balo trên lưng, hỏi bố: “Còn gì nữa không ạ?”
“Chỗ còn lại để bố cầm cho, đi thôi.” Trần Quảng Đạt đóng cốp xe, xách đồ khệ nệ theo sau Trần Triều, bảo rằng: “Vẫn được, ban nãy mãi mà không thấy bóng dáng anh đâu, bố còn tưởng anh còn không tìm thấy chứ.”
Trần Triều ngoái đầu nhìn bố, còn chưa đợi hắn trả lời, bố đã phì cười bảo: “Kể cũng đúng, giờ anh còn quen nơi này hơn cả bố anh rồi.”
Trần Triều từng ở đây ba năm, mãi đến hè năm ngoái mới chuyển đi.
Còn trước đó số lần hắn về có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, gần như không về quê bao giờ. Hắn vốn được sinh ra và lớn lên giữa chốn đô thị phồn hoa, lúc mới trở về không thể hòa nhập với vùng quê hẻo lánh.
“Ngày xưa khu này cũng từng là địa bàn tung hoành của bố anh đấy, hồi bố bằng tuổi anh, bố làm trùm nơi này.” Dạo này Trần Quảng Đạt đã bắt đầu phát phì, Trần Triều bê đồ nhẹ như bẫng, còn ông đi theo sau con trai nói chuyện cũng thở hổn hển.
Trần Quảng Đạt đổi tay cầm đồ, phì cười nói với con trai: “Bây giờ mấy đứa đàn em của bố không ở đây nữa, giả mà còn thì cũng dễ bề sai khiến hơn.”
“Tết mà cũng không về ạ?” Trần Triều đi tới con hẻm nhà bà nội, hôm nay tâm trạng hắn không tồi, còn có hứng thú bắt chuyện với bố, “Đại ca đã về rồi mà đàn em không ở nhà đón tiếp à? Thế còn ra thể thống gì nữa.”
Trần Quảng Đạt vừa đi vừa cười, tới sân cất cao giọng gọi: “Bố ơi! Con không cầm nổi nữa rồi, giúp con một tay với!”
“Khỏi phải gọi, bố anh có ở nhà đâu.” Bà lại khoác chiếc áo bông nhỏ đi ra, muốn đón đồ trong tay con trai, Trần Triều dặn bố mình: “Đừng để bà cầm.”
“Đấy, thằng cháu trai bà không cho,” Trần Quảng Đạt cười nắc nẻ, lại lấy sức xách đồ tiếp tục vào trong sân, ông đặt đồ xuống bàn đá, thở hắt một hơi: “Nặng quá.”
“Lúc gọi điện mẹ đã dặn hai đứa rồi, không cần mang đồ về, mấy món hai đứa ăn bố mẹ ăn không quen! Hai đứa cũng có ăn được mấy đâu, mấy nữa đi rồi, lại nhét vào tủ chật cứng cả năm.” Bà phàn nàn trước mặt con trai và cháu trai, chỉ là trên mặt không ngớt môi cười.
“Bố con đâu rồi ạ?” Trần Quảng Đạt chuyển đồ vào trong nhà kho ở sau bếp, mệt đến nỗi thở hổn hển.
“Ông ấy đi mua cá rồi, chê là con trước đó mua không to.” Bà quay đầu nhìn Trần Triều kỹ hơn, trên mặt không giấu nổi sự tự hào, bà cảm thán: “Cháu bà đẹp trai quá.”
“Có mỗi thế thôi mà, vẫn còn kém con hồi đó một chút.” Trần Quảng Đạt đứng bên cạnh tiếp lời.
Trần Triều và bà nội không thèm đoái hoài tới ông.
Phòng của Trần Triều vẫn như trước kia, không có ai động vào, cũng không chất đồ thừa trong phòng cậu, lúc chú hai và cô về quê, bà cũng không chịu cho họ vào phòng cháu cưng ngủ.
Lần này trước khi về bà còn cẩn thận dọn dẹp phòng một lượt, thay bộ ga giường mới giặt, ngăn bàn cũng được lau bóng loáng.
Trần Triều ném balo lên bàn, động tác quen thuộc giống như ngày xưa mỗi khi tan học về nhà.
“Hai hôm trước thằng Thao nó tới đây, hỏi năm nay cháu có về ăn Tết không, nói là muốn rủ cháu chơi cùng.”
Thằng Thao là thằng nhóc con nhà ông Đinh, hồi cấp hai học cùng một lớp với Trần Triều, ngày nào hai cậu nhóc cũng tíu tít với nhau.
Trần Triều hỏi: “Nó lên cấp ba được không bà?”
“Lên chứ sao không.” Bà cười khúc khích, “Nó ấy à, cứ dăm ba bữa lại bị bố nó tẩn cho một trận, đi học không chịu học hành cho tử tế, còn bày đặt yêu với chả đương, bị giáo viên bắt được.”
Trần Triều phì cười, không nói gì. Trong phòng ấm hơn bên ngoài nhiều, thế là Trần Triều cởi áo khoác ra.
“Tiểu Miêu cũng hỏi thăm cháu mấy lần, sau đó không hỏi han gì nữa.” Bà kể, “Thằng nhỏ không thích nói chuyện.”
Trần Triều khoác áo lên thành ghế, nghe thấy bên ngoài có tiếng vang, ông nội đã về rồi.
“Bố về rồi à, để con xem cá bố mua to đến đâu nào!” Trần Quảng Đạt ra cổng đón, nhận lấy cái túi đen trong tay ông cụ.
“Ông nội cố ý đi mua cá đù vàng về cho cháu đấy, để tối bà hấp cho hai bố con.” Bà nói với Trần Triều.
Trần Triều ngoan ngoãn đáp “Vâng”, cất đồ xong thì ôm vai bà ra khỏi phòng.
“Ôi ai mua áo bông đỏ cho bố thế kia, trông được ra phết.” Trần Quảng Đạt to tiếng, ông đứng ngoài sân nói gì trong phòng cũng nghe thấy hết.
Dường như ông nội rất thích chiếc áo bông đỏ này, ông cười sang sảng trả lời: “Trông bố anh quắc thước hẳn ra ấy nhỉ.”
“Bố con lúc nào mà chẳng quắc thước chứ.” Trần Quảng Đạt dõi mắt nhìn ra cổng, hỏi: “Ơ, con nhà ai đây?”
Miêu Gia Nhan chạy một mạch tới đây, lúc này vẫn còn thở hổn hển. Mùa đông hít phải gió lạnh sẽ khiến phổi ê buốt.
Cậu đứng nem nép sau cánh cửa, rụt rè nhìn vào trong sân thăm dò.
Ông cụ quay đầu nhìn, bảo: “Miêu Nhi đấy à, vào đi con.”
Miêu Gia Nhan đang định lên tiếng chào mọi người, nhưng vừa mở miệng thì trông thấy một cậu chàng cao kều theo chân bà Trần ra khỏi phòng, ánh mắt Miêu Gia Nhan lập tức dán chặt về phía đó.
“Trần… Trần Triều.” Miêu Gia Nhan cất tiếng, giọng không át nổi những tiếng thở hổn hển, nép mình sau cánh cổng nhìn vào trong sân.
Vốn là Trần Triều không nhìn thấy cậu, nhưng vừa nghe thấy tiếng cậu gọi, lập tức đảo mắt nhìn sang, trông thấy Miêu Gia Nhan.
Ánh mắt lạnh lùng xa cách khiến câu chào còn chưa kịp thốt ra đã bị Miêu Gia Nhan nuốt ngược trở về.
Cậu chớp mắt nhìn Trần Triều, đứng sững sờ trước cổng. Bởi ban nãy chạy hớt hải cả dọc đường, mái tóc cũng bị gió thổi loạn, mấy sợi tóc rối rơi xuống, từ thái dương vắt qua sống mũi. Đôi môi khô nứt vì gió lạnh, trên môi hằn những vết nứt nho nhỏ do sáp nẻ của cậu bị đứa em trai giẫm nát.
Cậu nhìn Trần Triều một lúc lâu, dần dà nỗi thất vọng giăng đầu trong đôi mắt.
Trần Triều không trả lời, thậm chí còn không nhìn cậu.
“Tiểu Miêu à qua đây, vào nhà ngồi một lúc.” Bà niềm nở vẫy tay gọi cậu.
Miêu Gia Nhan nhìn bà, rồi lại nhìn Trần Triều, bờ môi nứt nẻ khẽ mím lại, rụt rè giúp họ đóng cửa vào rồi bỏ chạy.
Lời tác giả:
Đã lâu không gặp, lại một khởi đầu mới ha.
Lần này vẫn là thể loại chậm nhiệt như trước, mình cùng đón mùa hạ bên bờ biển.