Hoàng Kim Đài

Chương 74: Không ngủ



Mùa hè trôi qua, nóng ẩm dần biến mất, để chuẩn bị cho Trường Trì đế tháng chín đến Giang Nam, Nghiêm Tiêu Hàn được phái tới Kim Lăng trước, lo liệu các công việc phòng vệ hành cung.

Một ngày trước khi đi, hắn bàn giao công vụ cho nhóm Ngụy Hư Chu xong xuôi, về nhà ngồi ở hành lang, nhìn đám hạ nhân tất bật thu gom hành lý, chán nản gẩy gẩy đóa hoa tú cầu trắng bên cạnh. Hoàng hôn nơi chân trời rọi xuống những tia nắng vàng, Nghiêm đại nhân đứng trước gió thở dài thườn thượt, cảm giác mình mà còn tiếp tục thế này nữa thì có khi sẽ mở miệng ngâm ra mấy câu kiểu như “Chiều tà hiu hắt nước mênh mang”.

(Câu thơ trong bài “Vọng Giang Nam” của Ôn Đình Quân, diễn tả nỗi lòng người thiếu phụ mong ngóng chồng đi xa trở về )

Phó Thâm viễn chinh Tây Nam đã hơn ba tháng, cũng không phải Nghiêm Tiêu Hàn lo lắng cho an nguy của y, mà chẳng qua là cảm thấy hoảng loạn. Phân ly đằng đẵng, tương tư dày vò, lúc ở Kim Lăng đã nếm đủ tư vị rồi, bây giờ lại phải nếm trải lần nữa, may mà hắn nhẫn nại tốt, lý trí vẫn giữ được, không thì đã mặc kệ Trường Trì đế, quẳng gánh mà đi vạn dặm tìm chồng rồi.

“Lão gia!” Quản gia từ gian trước vội vàng chạy tới, cầm một phong thư mỏng manh, hai tay trình lên, thưa, “Lão gia, vừa có quân lính đến nhà đưa thư, nói đây là thư quốc công gia gửi từ Tây Nam về.”

Tay Nghiêm Tiêu Hàn run lên, hoa tú cầu bỗng dưng bị ngắt trụi mất một mảng, cánh hoa rơi lả tả đầy đất. Tai hắn tràn ngập tiếng tim mình đập liên hồi, gương mặt cố làm ra vẻ trấn định: “Đưa ta xem.”

Phong thư rất mỏng, miệng dán kín, bên trong chỉ có một tờ giấy mỏng dính, lúc lấy ra Nghiêm Tiêu Hàn còn sợ mình mạnh tay làm rách giấy.

Tại sao chỉ có một tờ giấy? Năm ấy chỉ sáu chữ “Vợ ta có bình an không” mà vẫn in sâu trong lòng hắn, lần này cách ngàn núi vạn sông, y sẽ viết gì đây?

Đến khi mở bức thư ra, Nghiêm Tiêu Hàn vẫn giữ nguyên tư thế cầm thư, cả người hoàn toàn cứng ngắc lại.

Cái gì thế này?

Chẳng có đôi câu vài lời, chỉ có một đống ngoằn nghoèo y như bùa vẽ quỷ. Nghiêm Tiêu Hàn căng mắt nhìn một lúc lâu, mới phân tích được bút pháp hào phóng cuồng dã của Phó Thâm bằng trí tưởng tượng nghèo nàn của mình.

Đen là lưng, trắng là bụng, đằng trước nhô ra là mỏ, đằng sau vểnh lên là móng, vết mực nghiêng nghiêng hai bên là….. cánh?

Không đúng, thứ gì mà có bốn cánh chứ?

Phó Thâm tốt xấu gì cũng là công tử thế gia, thư họa mặc dù không thể lưu truyền cho đời sau nhưng cũng phải cho người ta nhìn ra được mình vẽ cái gì, nhưng mớ đen xì này là cái quái gì đây?

Nghiêm Tiêu Hàn hoàn toàn không ý thức được, bộ dáng vừa dở khóc dở cười vừa nghiến răng nghiến lợi này vô cùng dọa người, hắn như đứa trẻ bị hấp dẫn bởi một món đồ chơi mới, chăm chú kiếm tìm đáp án, hoàn toàn không xét đến khả năng tranh này là tiện tay quẹt bậy, chẳng có bất cứ ý nghĩa gì.

Đương nhiên, Phó Thâm sẽ không gửi thư từ ngàn dặm xa xôi chỉ để trêu hắn, mà vẽ được như thế này, y cũng đã cố hết sức rồi.

Nghiêm Tiêu Hàn nghiên cứu cả buổi, nhìn xuôi nhìn ngược, rốt cuộc phát hiện ra vừa rồi mình đoán sai, đằng trước nhô ra không phải mỏ mà là hai cái đầu chim, đằng sau vểnh lênh cũng không phải móng mà là đuôi, bốn vết mực là hai đôi cánh, kết hợp với lưng đen bụng trắng, đáp án cuối cùng vô cùng sống động.

Trên giấy vẽ….. một đôi chim nhạn.

Khoảnh khắc hiểu ra ý nghĩa bức tranh, ánh mắt hắn bỗng chốc trở nên dịu dàng, như đột nhiên bị thứ gì đó đánh trúng trái tim, khóe môi cong lên, trong đôi mắt như có sóng nước dập dềnh.

Thư được gửi về cùng quân báo, vì sợ bị trộm mất nên Phó Thâm không thẳng thắn tỏ lòng, đành dùng cách này, gửi cho hắn một phong “nhạn thư”.

“Hồng nhạn” rốt cuộc có ý nghĩa gì, đó là sự ngầm hiểu chỉ hai người mới biết được.

Nhạn là loài chim trung trinh, suốt kiếp chỉ có một bạn đời, sải cánh cùng bay khắp chân trời.

Đêm hôm ấy, khi Nghiêm Tiêu Hàn trằn trọc không yên vì bức thư gửi về nhà này, thì ở một đầu khác của kinh thành, trong phủ Tiết thượng thư, cũng có người không ngủ được.

Gần đây Đô Sát viện tố cáo hai quan viên lục bộ, sau khi hoàng thượng xem tấu chương, liền theo lệ cho phép hai kẻ này tạm thời từ chức, đóng cửa tự kiểm điểm bản thân, vụ án giao cho Đại Lý tự điều tra. Đây vốn là quy trình bình thường, cái gọi là “tố cáo” chẳng qua chỉ là mấy tật xấu nho nhỏ, chẳng ai xem là chuyện to tát. Nhưng không ngờ, Đại Lý tự lại điều tra ra ngọn nguồn —— Tìm được chứng cứ hai kẻ kia thu hối lộ trái phép!

Lỗ hổng một khi bị vạch ra thì không thể ngăn cản được nữa. Đại Lý tự khanh Chu Xán là người liêm chính nổi tiếng trong triều, mềm không được cứng chẳng xong, dù biết hai người này thuộc đảng Giang Nam nhưng vẫn không hề có ý định buông tha. Chẳng bao lâu sau, tấu chương của Đại Lý tự được trình lên, Trường Trì đế tức giận, cho phép bộ Hình tống giam hai kẻ này, chờ mùa thu thẩm án xong sẽ hành quyết.

Tiết Thăng bỗng dưng mất đi hai kiện tướng đắc lực, tình cảnh trở nên vô cùng khốn đốn, gần đây thái độ của Trường Trì đế với ông ta cũng hơi lạnh nhạt. Đêm nay nhà ông ta có khách tới, là học sĩ thị giảng Trịnh Đoan Văn, hữu thị lang bộ Lễ cùng xuất thân từ Giang Nam, mang đến cho ông ta một tin không biết là tốt hay xấu.

“Chiều hôm nay, người đưa tin mang quân báo từ Tây Nam đến, đại quân đã đóng quân ở ngoài thành hơn một tháng, hai bên chưa từng giao đấu thăm dò, Tĩnh quốc công viết trong quân báo rằng, Đoàn Quy Hồng nhiều lần phái sứ giả đến doanh trại cầu kiến chủ soái, mấy hôm nữa y sẽ gặp Tây Bình quận vương để nói chuyện chiêu hàng.”

“Hoàng thượng xem xong quân báo, sắc mặt không thể nào nhìn nổi, giận đến run người, hỏi ta ‘Trẫm năm lần bảy lượt phái người đến Tây Nam, lão ta cáo ốm không chịu gặp, sao Phó Thâm vừa đến thì lập tức đon đả nhắc lại tình xưa? Lão ta có oan khuất gì trẫm không thể xử lý hay sao mà phải cần tới trước mặt Phó Thâm mới nói được?"”

Tiết Thăng là người đầu tiên tán thành Trường Trì đế chinh phạt Tây Nam, vậy nên mỗi khi có tình báo từ Tây Nam, Trường Trì đế đều gọi ông ta vào cung thương lượng. Nhưng giờ ông ta dính vết nhơ này, làm lỡ mất cơ hội, để Trịnh Đoan Văn ra mặt trước hoàng thượng —— Nghe nói hoàng đế còn khá tin tưởng hắn.

Việc can hệ trọng đại, Trịnh Đoan Văn không quyết định chắc chắn được, bèn cẩn thận nói: “Vân Bình huynh, huynh nghĩ, hoàng thượng đang bất mãn với Tây Bình quận vương, hay là…… có ý kiến với vị nào đó?”

Đảng Giang Nam xưa nay luôn coi Tĩnh quốc công Phó Thâm là tâm phúc đại địch. Người này chẳng những nắm trọng binh trong tay mà năm xưa trên Hoàng Kim đài còn suýt quét sạch sĩ tộc Giang Nam ra khỏi triều đình, đám Tiết Thăng phải thi thoảng can gián mấy câu kiểu như công cao chấn chủ, kiêu căng ngạo mạn trước mặt Trường Trì đế. Bây giờ Trường Trì đế hễ nhắc đến Phó Thâm là sẽ không hòa nhã, quá nửa là nhờ công của đám người này.

Tiết Thăng thầm cười lạnh, thu hồi lại tâm tư đang hỗn loạn, không vội trả lời, mà hỏi: “Phương Đức ứng đối ra sao?”

“Chuyện này……” Trịnh Đoan Văn ngập ngừng, “Đệ chỉ nói Đoàn Quy Hồng đại nghịch bất đạo, kẻ này dù có chiêu hàng thì về sau cũng chưa chắc sẽ không mưu phản nữa, Tĩnh quốc công làm như vậy thật có phần thiếu sáng suốt.”

Tiết Thăng vuốt râu, sâu xa nói: “Phương Đức còn nhớ năm ấy sứ giả Thát Chá đến Kim Lăng, muốn nghị hòa với triều ta chứ? Lúc đó Nghiêm Tiêu Hàn và Phó Thâm cùng ở tiền tuyến, trên tấu chương gửi về chỉ có bảy chữ ‘Thà chiến tử cũng không nghị hòa’. Sao bây giờ chỉ đối mặt với một quận vương mà y lại sợ đầu sợ đuôi rồi?”

“Ý huynh là……”

“Đoàn Quy Hồng đúng là bộ hạ cũ của Bắc Yến, nhưng đó là giao tình xa lắc từ đời cha đời chú rồi. Phó Thâm và lão ta làm gì có tình đồng bào cũ cơ chứ? Chỉ là kiếm cớ mà thôi.” Tiết Thăng nói, “Mặc kệ lý do của y là gì, Phó Thâm không chịu dùng vũ trang với Đoàn Quy Hồng, đây là việc mà không ai có thể chối bỏ. Triều ta dùng kẻ như vậy để đối đầu với quân địch, lỡ như y nội ứng ngoại hợp với Đoàn Quy Hồng thì chẳng phải là đại loạn hay sao?”

Nhưng chẳng phải huynh cố hết sức xui khiến bệ hạ phái y đến tiền tuyến Tây Nam ư?

Trịnh Đoan Văn nhận ra sát ý từ trong lời nói của ông ta, lưng chợt lạnh ngắt: “Vân Bình huynh, ý của huynh là….. Phó Thâm và Đoàn Quy Hồng cấu kết muốn mưu phản? Đây là tội lớn đáng chém đầu! Y đâu đến mức độ đó?”

“Không phải y ‘đâu đến mức độ đó’, mà là chúng ta ‘đâu đến mức độ đó’,” Tiết Thăng bình tĩnh nói, “Trong triều rõ ràng có kẻ đang nhắm vào chúng ta, nếu còn không làm gì thì  người tiếp theo không gánh nổi mũ quan chính là đệ và ta. Phó Thâm có mưu phản hay không không quan trọng, chỉ cần hoàng thượng tin rằng y mưu phản là được.”

“Chỉ cần lật đổ được y, liên minh phương Bắc tất nhiên sẽ tan rã, không cần chúng ta ra tay, bọn chúng sẽ tự nội chiến với nhau, lúc đó mới là cơ hội để chúng ta hành động.”

Đêm hè oi bức, nhưng một giọt mồ hôi lạnh vẫn lăn xuống từ thái dương Trịnh Đoan Văn.

Đúng là hắn đứng về phe Tiết Thăng, nhưng bao năm qua cũng nghe ca tụng Bắc Yến thiết kỵ dẹp tan ngoại địch, bảo vệ biên giới. Kết đảng là một chuyện, nhưng sao lại đến nông nỗi phải mưu hại công thần, phải giết chết Phó Thâm bằng được mới vừa lòng?

“Chỉ cần hoàng thượng tin rằng y mưu phản là được”, đây chẳng phải là….. có lẽ có hay sao?

(Thời Tống, gian thần Tần Cối vu cho Nhạc Phi là mưu phản, Hàn Thế Trung bất bình, bèn hỏi Tần Cối có căn cứ gì không, Tần Cối trả lời “Có lẽ có”. Về sau từ này dùng để chỉ lời bịa đặt không có căn cứ.)

Trịnh Đoan Văn hoảng hốt từ biệt Tiết Thăng, được quản gia dẫn đường, đi qua tiền viện, ra tới cổng lớn.

Đêm đã khuya, nhưng ngoài cổng vẫn có tiếng người. Hai người đi tới cổng trước, phát hiện dưới bậc thang có một thanh niên vóc dáng không cao đang đứng đó, nheo mắt ngó nghiêng, miệng mắng chửi tục tĩu, gác cổng cầm côn gỗ trong tay, hung dữ quát: “Mau xéo về đi! Nếu còn dám ngang ngược thì coi chừng ta báo quan bắt ngươi vào đại lao!”

Trịnh Đoan Văn tỉnh táo lại, trưng ra uy nghiêm của quan lại, chậm rãi nói: “Sao đêm hôm rồi còn ở đây ầm ĩ thế này?”

Quản gia Tiết phủ nhíu mày, lập tức cười thưa với Trịnh Đoan Văn: “Hạ nhân thô lỗ, sau này tiểu nhân nhất định sẽ quản giáo nghiêm, mong đại nhân lượng thứ.”

Thanh niên nọ bỗng nhìn về phía Trịnh Đoan Văn, hỏi không chút khách khí: “Ngươi từ bên trong đi ra, có biết Tiết Thăng không? Bổn công tử muốn gặp ông ta, ngươi mau vào thông báo đi. Chớ nói nhảm làm trễ đại sự, sau này đừng trách ta không nhắc nhở ngươi.”

Trịnh Đoan Văn đường đường là thượng thư bộ Lễ mà lại bị sai khiến như gia nô, lập tức nổi giận. Nhưng hắn vừa tiến lên một bước, đang định quở trách thanh niên kia, ánh mắt bỗng nhìn quần áo trên người thanh niên nọ, lời chưa kịp nói ra khỏi miệng đã nuốt lại, hỏi: “Ngươi là ai? Tìm Tiết đại nhân có việc gì?”

Thanh niên sốt ruột nói: “Cho ta vào, đi vào rồi đương nhiên sẽ nói cho ngươi.”

Quản gia không nhìn nổi nữa, đang định gọi gia đinh đuổi thằng nhãi này đi, Trịnh Đoan Văn lại đột nhiên giơ tay ngăn lại, nói: “Đi vào thông báo cho Tiết đại nhân”. Rồi bảo với thanh niên: “Ngươi đi theo ta.”

Quản gia lấy làm khó hiểu, song không thể trái lời hắn, đành đi vào bẩm báo với Tiết Thăng, lát sau Trịnh Đoan Văn dẫn thanh niên kia vào trọng, ghé vào tai Tiết Thăng thì thào mấy câu.

Tiết Thăng lộ vẻ kinh ngạc, sau đó quay sang thanh niên kia, lịch sự hỏi: “Hạ nhân thất lễ, mong công tử chớ trách. Chẳng hay đêm khuya ghé thăm là vì chuyện gì?”

“Bảo người khác lui xuống hết đi,” Thanh niên lạnh lùng nói, “Chỉ chừa ông và ta.” Lại chỉ vào Trịnh Đoan Văn: “Hắn cũng ở lại.”