Kỳ nghỉ hè sắp tới hẳn sẽ không nằm ngoài hai chữ nhàm chán.
Bản thảo luận văn đã viết hơn nửa, công việc cũng chẳng có gì đáng lo. Mọi chuyện trong dự định đều thuận lợi mang đến cho người ta ảo tưởng rằng chỉ cần buông mình theo dòng nước là có thể lững lờ trôi đến bờ bên kia.
Bờ bên kia có phải điểm đến mong muốn hay không? Vương Tử Chu không mấy quan tâm.
Thuận nước giong thuyền đâu chẳng được, còn hơn ngơ ngác giữa lòng sông, cô vừa uống rượu vừa tản mạn nghĩ.
Rõ ràng mới đầu tháng bảy mà đã phải bật quạt số to nhất, ký túc xá ngột ngạt với mùi rượu quẩn quanh. Một đám người ngồi bên bàn bệt uống rượu, tán gẫu, nội dung đã lạc khỏi chủ đề ban đầu cả nghìn cây số.
Nói là CLB đọc sách chứ thực ra chỉ là một nhóm người lấy sách làm lí do để tụ tập, giao du ở Higashitake-ryo mà thôi.
Higashitake là một trong những khu sinh viên tự quản của ĐH K. Đây là một toà nhà hơn năm mươi năm lịch sử, mặt tiền trông còn tàm tạm chứ bên trong thì cũ kỹ, lộn xộn, bừa bãi. Có điều so với tiền thuê 5100 yên/tháng*, những khuyết điểm ấy chẳng đáng là bao.
*Tương đương 1 triệu VND.
Tuy nhiên với một người bị chung cư mini “chiều chuộng” như Vương Tử Chu thì không gian thế này chẳng liên quan đến hai chữ thoải mái cho lắm…
Cô nóng toát mồ hôi vì không có điều hoà, buồn ngủ vì không gian bí bách nhưng tiếng ồn ào cứ triền miên bên tai không ngừng.
Bỗng đồng hồ thông minh rung nhắc nhở ít vận động, cô quyết định tạm thời rời khỏi chầu rượu buồn tẻ này, ra ngoài hít thở không khí.
Hôm nay đàn chị cùng phòng nghiên cứu rủ cô đến đây nên trước khi đi Vương Tử Chu phải đánh tiếng với chị một câu rồi mới đứng dậy, rời khỏi căn phòng 16 chiếu* này.
*Chiếu: 16 chiếu xấp xỉ 26m2. Người Nhật tính diện tích các căn phòng truyền thống bằng số tấm chiếu tatami. 1 chiếu = 1.62m2.
Ngay khi cánh cửa vừa khép lại, xung quanh tối om, tiếng ồn ào của dàn đồng ca mùa hạ càng dữ dội hơn nữa.
Ánh đèn lờ mờ rọi qua hành lang dài và hẹp. Có vài cái giá kê sát tường cạnh cửa, bên trên chất đống đủ kiểu bát đũa, đồ dùng nhà bếp, có khi còn những thứ lặt vặt khác nhưng không thấy nổi. Đi thẳng về phía trước là nhà bếp công cộng, Vương Tử Chu tinh ý bắt được một chút vị quê xa xăm, cô rướn mũi lên ngửi…
Nào quế, nào hồi, cả lá nguyệt quế các kiểu quyện trong hương trà.
Cô tò mò ngó vào, gian bếp chật chội u ám, bếp tắt lửa, vắng tanh.
Mùi hương còn phảng phất thôi mà sao dễ dàng đánh thức con giun háu ăn trong bụng đến thế.
Vương Tử Chu đói.
Đến từ bảy giờ, nay đã gần mười giờ tối, mới lót dạ vài hớp rượu và ít đồ nhắm, chiếc bụng trống rỗng cả tối đang kêu gào được lấp đầy bằng chút gì đó ấm áp. Cô vô thức lần theo dấu vết của mùi hương ấy. Đi hết hành lang đến cầu thang, vòng xuống tầng một, rẽ phải vài bước là thấy hai chiếc tủ lạnh cũ kỹ, cao thấp khác nhau, rẽ phải tiếp mới ra tiền sảnh.
So với khi đến, tiền sảnh lúc này rõ ràng đã yên tĩnh hơn rất nhiều nhưng sự chật chội và lộn xộn không hề giảm bớt. Khắp nơi chồng chất thùng các-tông, bảng yết thị quá hạn, cả những khối gỗ cũ cao hơn đầu người – chắc dùng để đóng bảng yết thị, thậm chí trên đó còn vắt một chiếc quần đùi màu xanh và khăn tắm màu xám. Với Vương Tử Chu, điểm đến của tất cả chúng nó nên là bãi rác.
Toàn bộ Higashitake như một bãi rác khổng lồ, và cô đang kiếm tìm hương vị thức ăn trong đó.
Vô tình đụng phải một xô nhựa màu xanh lá cây, Vương Tử Chu cúi xuống dựng nó lên rồi ngó sang trái. Cửa kính dán chi chít thông báo, dán rồi xé, xé rồi lại dán, nham nham nhở nhở như tường cầu thang của một khu tập thể trên huyện không ai canh gác ở quê nhà. Sau cửa kính là căng tin nho nhỏ của Higashitake, sáng sủa sạch sẽ, trông tử tế hơn bên ngoài khá nhiều.
Căng tin đã đóng cửa từ lâu, bên trong không có ai và cũng không liên quan gì đến mùi hương mà Vương Tử Chu đang tìm kiếm. Cô đang định bước tiếp thì một cậu bạn luộm thuộm ôm chậu rửa mặt lướt qua, lê dép loẹt xoẹt hồn nhiên đi ngang, chắc chuẩn bị vào phòng vệ sinh tắm rửa.
Vương Tử Chu không biết phòng vệ sinh ở đâu và thật lòng cũng không muốn biết. Trên đường tiếp tục cuộc hành trình, cô nhìn thoáng qua chiếc đàn piano cũ bên trái. Hồi chiều, lúc mới đến, có người đang chơi piano, giờ thì nó vẫn lặng lẽ đứng đó nhưng không bị ai làm phiền.
Bên phải là một dãy thùng rác và một dãy…
Bàn.
Bàn?
Vương Tử Chu lập tức thấy tiêu điểm trên bàn.
Đó là một chiếc nồi khá “kì”.
Nó không to không nhỏ, hơi to cho một người nhưng hơi nhỏ cho hai người.
Bên trái nồi dựng một tấm bìa cứng với dòng chữ viết tay “本格中国茶葉卵 百円一つ 二百円三つ*”, ngay dưới là tiếng Anh “Tea egg (Chinese-style boiled eggs with tea, sauce and spices) ¥100 for one, ¥200 for three”. Nguyên liệu, cách làm và giá cả đều được giải thích kỹ càng, chi tiết.
*Trứng luộc nước trà chính thống Trung Quốc 100 yên (20k) 1 quả, 200 yên (40k) 3 quả.
Thấy rồi, tìm thấy nguồn gốc của hương thơm ấy rồi.
Vương Tử Chu bước tới mở nắp nồi ra, hơi bốc lên, tầm mười quả trứng tròn o nằm ươm mình trong thứ nước kho đậm đà.
Vương Tử Chu nuốt nước miếng cái ực.
100 yên một quả 200 yên ba quả.
Mua ba quả thì tiết kiệm hơn nhưng mình mình ăn không hết.
Những món thế này ăn một là đủ rồi.
Trong nồi có muỗng, cạnh nồi còn bày một chồng cốc giấy dùng một lần và một gói giấy ăn, rất chu đáo. Vì vậy, Vương Tử Chu chọn một quả trứng trà với đường rạn hoàn hảo, nhanh tay múc vào cốc giấy. Cô đang định ném đồng xu 100 yên vào hộp đựng đồ bên cạnh thì chợt nhận ra rằng mình không mang ví xuống dưới này…
Cô thất thần nhìn quanh.
Rồi dừng lại ở phía sau bảng yết thị màu mè, lộn xộn bên trái.
Quả nhiên có người ngồi đó.
Cậu ta cầm sách bằng một tay, cuốn sách che mất khuôn mặt chỉ để lộ mái tóc đen nhánh.
Kỳ lạ thay, đôi khi hành động sẽ đi trước ý thức.
Vương Tử Chu cầm cốc giấy đựng trứng trà bước về phía người nọ. Ở khoảng cách gần, nương theo ánh sáng ảm đạm trong phòng, cô mới nhìn rõ bìa sách.
“Quả chanh” của Kajii Motojiro.
Vương Tử Chu hơi cúi người.
Mí mắt cụp sau cuốn sách bỗng ngước lên.
Vương Tử Chu thấy đôi mắt ấy.
Cô sững sờ.
Không chào hỏi, không dùng tiếng Nhật, cô nói bằng tiếng Trung: “Mình không mang tiền mặt, có thể… thanh toán qua điện thoại được không?”
Cậu nhìn cốc giấy trên tay cô.
Đôi mắt ấy lại vùi sau cuốn sách, cậu bảo: “Tôi không mang theo điện thoại, bạn cứ mang về ăn đi.”
Tốt bụng ghê.
Tình đồng bào ở nơi đất khách quê người.
Thậm chí không chỉ là đồng bào.
Vương Tử Chu do dự giây lát. Chính cô cũng không hiểu tại sao mình phải do dự, nói chung là cô không muốn cứ thế quay đi, dẫu là tán gẫu dăm câu cũng được nhưng…
Thôi kệ đi.
Vương Tử Chu cầm cốc đi thẳng ra phía cầu thang, đến khi lên tầng cô mới nhận ra rằng ngay cả lời cảm ơn đơn giản nhất mình cũng chưa nói.
Mặc kệ, có phải định ăn quỵt đâu, lát lấy tiền mặt xuống trả là được.
Nghĩ như vậy, cô dừng lại trước khung cửa sổ hẹp trên bậc thềm giữa cầu thang, đặt cốc giấy lên bệ cửa sổ, lấy quả trứng trà đã thèm thuồng bấy lâu ra.
Chỉ cần gỡ một miếng là có thể dễ dàng bóc sạch vỏ, để lộ những đường vân màu hạt dẻ phủ trên lớp lòng trắng mịn màng.
Ấm áp, thơm ngon, là hương vị của quê nhà.
Vương Tử Chu cắn một miếng.
Nhai chầm chậm, nhấm nháp chút một.
Ngon.
Giỏi ha, biết nấu cả trứng trà cơ đấy.
Từ cửa sổ, ta có thể nhìn xuống sân trong của Higashitake, khoảng sân bị tòa nhà bao quanh phân nửa, không lắp đèn điện. Mọi người ngồi trong bóng tối uống rượu, chuyện trò, thỉnh thoảng vọng đến đôi ba tràng cười như một cơn gió lướt qua tai và chẳng để lại gì.
Vương Tử Chu từ tốn ăn trứng trà.
Bốn bề chỉ còn tiếng côn trùng kêu rả rích.
Nhộn nhịp ghê. Cô lắc lắc vỏ trứng trong cốc giấy, nghĩ xem phải xử lý hai loại rác này thế nào.
Loanh quanh tìm tòi một hồi, cuối cùng cũng thấy thùng phân loại rác trong phòng bếp chung, Vương Tử Chu tranh thủ vặn vòi nước rửa tay rồi trở về phòng ký túc xá vẫn náo nhiệt như lúc mình đi.
Sinh viên ngại gì khuya khoắt, uống say đỏ bừng cả mặt vẫn chuyện trò rôm rả. Đến tận khi có người gõ cửa phàn nàn rằng phòng này quá ồn thì buổi họp mặt nhạt nhẽo này mới đến hồi kết.
Mọi người chào tạm biệt và đổ dồn ra hành lang.
Vương Tử Chu xem đồng hồ, gần mười một giờ rồi cơ đấy. Cô vừa xuống lầu, vừa rút ví trong túi vải, lấy một xu 100 yên nắm gọn trong lòng bàn tay. Xuống tới tầng một thì trên bàn đã trống trơn, ngay cả mùi hương cũng không còn nữa là người ngồi sau bảng yết thị.
Thấy Vương Tử Chu đứng sững lại, người chị đi cùng kéo tay cô hỏi có chuyện gì không. Cô đáp không có gì rồi hòa vào dòng người bước ra khỏi cánh cửa dán đầy thông báo và áp phích. Mọi người lấy xe của mình ở bãi đỗ xe đạp trong sân rồi đường ai nấy đi.
Căn hộ cô thuê nằm trên tuyến đường sắt điện Keihan, rất gần ga Gion Shijo, có thể nhìn thấy sông Kamo từ ban công hướng Tây. Thế nên ra khỏi Higashitake, chỉ cần đi về hướng Tây hơn 200m rẽ trái rồi đạp xe dọc theo sông Kamo khoảng hơn một cây số là về đến nhà.
Đang mùa nước sông Kamo dâng cao, gió đêm trên sông man mát, hơi âm ẩm, hình như trời sắp mưa. Vương Tử Chu đạp vù vù tầm sáu, bảy phút đến nơi, đỗ xe lên nhà mà mồ hôi đã túa ra nhễ nhại.
Túi vải đặt trên kệ cạnh cửa, giày để ngoài hành lang. Phòng tắm ở ngay bên trái, Vương Tử Chu cởi luôn quần áo bước vào. Tắm vòi hoa sen cái ào, cả sấy tóc, lau mặt cũng chỉ mất hai mươi phút. Cô thay một chiếc áo phông sạch sẽ, đứng trước bồn rửa mặt đánh răng, bấm màn hình điện thoại bắt đầu tính giờ.
Hai phút hay ba phút thì cũng thế cả thôi, đánh răng luôn là một công đoạn dài dòng và buồn tẻ nhưng không thể không làm.
Vì vậy, cô nhấc điện thoại, vào Weibo.
Mới lướt được ba bốn bài đã thấy chán, tay cô bất giác nhấp vào khung tìm kiếm.
Do dự đôi ba giây, nhập một chuỗi ID và một tài khoản xuất hiện. Vương Tử Chu bấm vào.
Weibo mới nhất, nội dung là “Chia sẻ hình ảnh”, chỉ có hai bức ảnh hình vuông…
Bức thứ nhất là trứng trà nằm ngay ngắn trong nồi, góc chụp chín mươi độ từ trên xuống, mép nồi cân xứng với viền bức ảnh, bố cục có thể nói là hoàn hảo một cách khiên cưỡng. Bức còn lại là tám đồng xu 100 yên bày trên mặt bàn, xếp làm ba hàng ngang, ba hàng dọc thẳng tắp, có điều góc cuối cùng lại thiếu một một xu, nhìn rất khó chịu.
Lẽ ra phải thu chín xu nhưng chỉ nhận được tám.
Vương Tử Chu không biết phải trưng biểu cảm gì để đáp lại.
Cô nhổ bọt kem đánh răng, cắm bàn chải về chỗ cũ, bới chiếc quần trong giỏ thay đồ, móc ra đồng 100 yên chưa kịp trả.
Đoạn, cô phóng to hình ảnh trong điện thoại, đặt đồng xu vào vị trí mà lẽ ra nó nên ở đó.