Hôm Nay Học Huynh Cởi Áo Choàng Chưa

Chương 23



Một khi núi Kinh Gia vào thu, thời tiết chẳng mấy chốc sẽ hoàn toàn lạnh xuống.

Khu viện phía nam đã xây dựng gần xong, ngoài những phòng tắm và nhà ăn đã được quyết định từ đầu, Kha Hồng Tuyết còn lệnh cho người xây thêm vài phòng tự học, để nếu có học sinh muốn đọc sách vào ban đêm, cũng không cần phải đặc biệt đi vòng đến tàng thư lâu, tránh được nguy cơ bị gió lạnh làm cho bị cảm dọc đường.

Sau vài trận mưa, nhiệt độ giảm mạnh, Mộc Cảnh Tự bèn xin nghỉ dài hạn, ngày ngày tĩnh dưỡng tại Thanh Mai Viên.

Việc Lý Văn Hòa giao bài văn đã được Kha Hồng Tuyết thu hồi lại, mỗi tháng một bài sách luận, cùng với một số thư từ của chưởng viện và Kha Thái Phó, đều do Kha Hồng Tuyết tự mình giao tới.

Kha Văn Thụy và chưởng viện tiên sinh luôn có thư từ qua lại, Kha Hồng Tuyết đã giao nhiều năm, chưa bao giờ có ý nghĩ lén xem thư của người khác.

Nếu không phải ngày lập thu nghe được đoạn hội thoại trước cửa chưởng viện, có lẽ thêm vài năm nữa, hắn cũng sẽ không nghĩ đến việc mở thư ông nội viết cho tiên sinh.

Đương nhiên cũng sẽ không nhìn thấy bốn chữ cuối thư của Kha Thái Phó: 【Điện hạ khoẻ không?】

Thái phó Đại Ngu cần phải hỏi chưởng viện tiên sinh của Lâm Uyên học phủ xem vị điện hạ nào có khỏe không?

Kha Hồng Tuyết cũng đã từng nghĩ đây có thể là một cái bẫy, ông nội và tiên sinh cùng nhau dàn dựng, cố ý tạo ra một cái lồng giam hắn, dẫn hắn vào bẫy, cam tâm tình nguyện bị Mộc Cảnh Tự lợi dụng.

Nhưng suy đoán này thật quá nực cười, ông nội không cần hại hắn, và chưởng viện cũng không phải loại người như vậy.

Cho nên chỉ còn lại một lời giải thích: Mộc Cảnh Tự chính là Thịnh Phù Trạch.

Kha Thái Phó nói tên chữ của hắn là do chưởng viện tiên sinh đặt, hai người bọn họ tham gia lễ trưởng thành của hắn với tư cách là sư trưởng, tự tay đặt quan lên đầu hắn..

Đó vốn là một việc bình thường và giản dị, nhưng nhìn lại quá khứ mới phát hiện ra rằng từ nhiều năm trước chỉ có mình hắn chẳng hay biết gì.

Chữ là do điện hạ đặt, thư là do chính hắn truyền.

Thái phó và chưởng viện đều biết rõ tính cách của Kha Hồng Tuyết, cho rằng hắn sẽ không bao giờ làm ra hành động hèn hạ như lén đọc thư của người khác, nên cứ thế mà công khai hỏi thăm sức khỏe của tam điện hạ suốt mấy năm qua ngay trước mắt hắn.

Khó mà nói không tức giận, Kha Hồng Tuyết thực sự cảm thấy bực bội, nhưng khi cơn giận tan biến, chỉ còn lại niềm vui sướng khi tìm lại được thứ đã mất và sự may mắn sau cơn hoạn nạn.

Hắn không định lật bài ngửa, vì ông nội đã cố ý lừa hắn, Kha Hồng Tuyết coi như mình đã bị lừa, cũng không có gì xấu.

Học huynh không thể hỏi rõ ràng, ông nội cũng sẽ không đề cập đến, theo cách này, Kha Hồng Tuyết thậm chí có thể mượn danh nghĩa của Kha Thái Phó để nói vài lời. Ví dụ như ông nội bảo hắn chịu đòn thỉnh tội, ví dụ như cây trâm ngọc mà hắn đã tự tay tặng.

Chỉ tiếc rằng cái cớ này không thể sử dụng quá nhiều lần, nếu không học huynh mà sinh nghi, thì hắn chỉ có nước chịu thua.

- Mặc dù Kha Hồng Tuyết nghĩ rằng, Mộc Cảnh Tự đã sinh nghi.

-Đêm qua có một trận mưa, không khí trên núi đều mang theo mùi ẩm ướt, Kha Hồng Tuyết che một chiếc ô vàng, đi về phía Thanh Mai Viên.

Trên đường có người hỏi hắn tại sao lại che ô, Kha Hồng Tuyết cười nhẹ, dịu dàng đáp: "Sợ ướt quần áo.”

Hành động này có chút kiểu cách, ngay cả các tiểu thư trong khuê các dưới núi cũng hiếm khi che ô trong thời tiết như thế này.

Dù có đi một vòng trên đường núi, dính chút sương sớm, nhiều nhất chỉ làm ướt lông mi và quần áo, vào nhà hong khô là được.

Nhưng người nói câu này là Kha Hồng Tuyết, người hỏi vô thức cúi đầu, nhìn hộp gấm trong tay hắn, nuốt cả nghi vấn và câu trả lời vào trong bụng.

Sợ ướt quần áo là giả, lo lắng sách luận gửi đến cung bị ẩm ướt, chữ nhòe mới là thật.

Kha Hồng Tuyết không phủ nhận, chỉ mỉm cười gật đầu, tiếp tục bước vào viện của chưởng viện.

Tiên sinh bề bộn nhiều việc, không chỉ cần xử lý các việc ở Lâm Uyên học phủ, đôi khi còn được mời xuống núi giảng dạy, không phải lần nào Kha Hồng Tuyết đến Thanh Mai Viên cũng tìm được ông.

Nhưng hắn vốn cũng không tìm tiên sinh.

Kha Hồng Tuyết vào hành lang, thu ô giấy dầu lại, đứng cạnh tường khẽ rũ áo, phủi những hạt sương đọng lại trên người sắp ngưng tụ thành giọt nước, đứng trước cửa một lúc mới gõ cửa.

Bàn đá trong viện ít người ngồi, trên mặt bàn có vài chiếc lá ngô đồng khô vàng rơi xuống, trời âm u mờ mịt, trong thư phòng đã thắp đèn, giữa phòng đốt một bồn than.

Kha Hồng Tuyết vào phòng, đóng cửa lại, ánh sáng thoáng sáng lên rồi lại tối xuống, hắn đứng cạnh bếp lửa một lúc, hong khô hết những hạt sương trên người rồi mới đặt sách luận lên bàn, tư thế cực kỳ tự nhiên: "Dạo này sức khỏe học huynh có tốt không?”

Mộc Cảnh Tự đang ngồi sau bàn đọc sách, thấy hắn vào, động tác dừng lại một chút, lấy thêm một chén trà rót cho hắn, đáp: "Tốt.”

Mấy ngày trước mưa thu rơi gấp, nhiệt độ giảm quá nhanh, một đêm gió thổi mở cửa sổ mà không kịp đóng, hôm sau Mộc Cảnh Tự phát sốt, phải dưỡng bệnh nhiều ngày mới khá lên.

Những ngày đó Kha Hồng Tuyết ngày nào cũng đến, đưa thuốc, đưa áo, đưa sai vặt, chăm sóc hỏi han, tìm đại phu, nhưng đến khi y khỏe lại, người này lại không mấy khi đến.

Đây là lần đầu tiên Kha Hàn Anh bước vào tiểu viện này từ sau khi Mộc Cảnh Tự khỏi bệnh, thời tiết đã sắp đến mùa đông.

Hắn ngồi xuống đối diện Mộc Cảnh Tự, cầm lấy chén trà nhấp một ngụm, tùy ý nói: " Tỷ tỷ của Lý Văn Hòa sinh con, hắn xin phép phu tử về nhà.”

Mộc Cảnh Tự: "Là việc vui.”

“Ừ. "Kha Hồng Tuyết nói: "Sắp vào đông rồi, Lý Văn Hòa nay đã trưởng thành, lần này xin phép dường như xin thêm một khoảng thời gian, cha hắn muốn dẫn hắn đi thăm một số quan viên.”

Việc kính băng, kính than là tục lệ ngầm giữa các quan viên, Nhân Thọ đế không có lệnh cấm rõ ràng, Đại Lý tự và Ngự Sử đài cũng sẽ không cố ý đi tra.

Quan viên giữa các cấp còn qua lại biếu tặng, kính biếu người trên, lại thu lại ít bạc từ cấp dưới về. Đến nhà thương nhân như nhà Lý Văn Hoà mỗi dịp lễ tết cũng phải mang tiền ra biếu tặng.

Lý viên ngoại dẫn Lý Văn Hòa đi, một là có ý nghĩ nếu sau này đỗ cử nhân làm quan, cũng có chỗ dựa trong triều, hai là sợ rằng nếu không làm được gì, học hành không ra gì, sau này tiếp quản sản nghiệp gia đình cũng không đến nỗi lúng túng, lạ lẫm.

Những điều này Kha Hồng Tuyết nhìn rất rõ, Mộc Cảnh Tự cũng hiểu: "Ừ.”

Đã hiểu rõ nhưng không muốn bàn luận về cách làm người của người khác, chỉ nói sơ qua coi như xong chuyện.

Kha Hồng Tuyết mỉm cười, mở hộp gấm mình mang đến, lấy ra sách luận bên trong đưa cho Mộc Cảnh Tự.

Người sau nghi ngờ nhìn về phía hắn, Kha Hồng Tuyết nói: "Từ xưa đến nay thương nhân có thân phận thấp kém, danh tiếng không tốt, đặc biệt là mỗi khi triều đại mới được thành lập, đều coi trọng nông nghiệp và ức chế thương nghiệp, giảm thuế cho nông dân và hạn chế sự phát triển của thương nhân.”

Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng lý do trực tiếp nhất có lẽ là tân hoàng cần sự ủng hộ. Sĩ nông công thương,  dù ở triều đại nào cũng có số lượng nông dân lớn, hoàng quyền cần họ để củng cố; còn đối với Nhân Thọ đế, người giành được quốc gia qua chiến tranh thì lại càng muốn tăng dân số, nông dân phải có nhiều lương thực mới dám sinh con.

Hơn nữa, tư tưởng Nho gia từ xưa đến nay luôn cho rằng thương nhân coi trọng lợi ích, là những người không đáng tin cậy.

Phía sau mỗi một chính sách đều là kết quả của sự đấu tranh, đều có trăm ngàn năm kinh nghiệm truyền thừa, điều Kha Hồng Tuyết muốn nói cũng không phải cái này.

Hắn nói: "Nhưng hiện tại, Đại Ngu đã ổn định, nội các có người đề nghị giảm thuế cho thương nhân, chuyển sang khuyến khích thương nghiệp, cố gắng để người dân có dư tiền bạc, nhằm đối phó với một số tình huống bất ngờ, tránh để thương nhân cảm thấy triều đình thiên vị, khắt khe với họ.”

“Mấy ngày trước ông nội bảo ta rằng, bệ hạ muốn nghe ý kiến của ta, lệnh cho ta viết một bài sách luận, vài ngày nữa gửi vào cung." Kha Hồng Tuyết cười nói: " Nếu học huynh có thời gian, phiền giúp ta xem qua được không?”

Nói một cách nghiêm túc, Mộc Cảnh Tự không phải học huynh của hắn, về kiến thức hai người khó mà phân cao thấp, bài văn của Kha Hồng Tuyết viết không cần Mộc Cảnh Tự chỉ dạy.

Nhưng bài sách luận này, khác với những bài hắn viết trước đây.

Quả nhiên, vừa nói xong, Mộc Cảnh Tự nhíu mày, không nhận lấy bài văn, mà hỏi ngược lại: " Ngươi viết bài này với tư cách gì?”

Kha Hồng Tuyết có nhiều thân phận, cháu đích tôn của Thái phó, học sinh hạng nhất của học phủ, con trai duy nhất của thương nhân giàu có nhất…

Mỗi thân phận đều quyết định góc nhìn của hắn khi viết bài văn, và có những thân phận không thể viết bài sách luận này.

Kha Hồng Tuyết cười, rót thêm nửa chén trà, thản nhiên nói: "Ta viết với thân phận gì không quan trọng, quan trọng là hoàng đế muốn ta là thân phận gì.”

Là con trai của Kha Học Bác, viết một bài sách luận về chính sách thuế của thương nhân, phía sau không chỉ liên quan đến tiền đồ của một học sinh chưa ra làm quan của Lâm Uyên học phủ.

Viết tốt, thương nhân cả thiên hạ cảm tạ hoàng ân; viết dở, Kha gia bị coi là gian xảo, con cháu nuôi dưỡng cũng là kẻ ích kỷ vì tư lợi.

Kha Hàn Anh thoạt nhìn phong quang vô hạn, được hoàng ân mênh mông cuồn cuộn, được hoàng đế ưu ái, nhưng thực tế những năm qua từng chữ hắn viết ra đều phải suy nghĩ kỹ lưỡng, cân nhắc đi cân nhắc lại.

Số lượng bài sách luận gửi vào cung quá nhiều không phải là chuyện tốt, nếu một ngày nào đó Kha gia suy yếu, hoặc quá nổi bật, hoàng đế muốn loại bỏ, trong những bài văn Kha Hồng Tuyết viết, chọn đại một hai bài đều có thể khiến hắn chết trong ngục tù văn tự, mãi mãi không thể ngóc đầu lên.

Nhưng Kha Hồng Tuyết dường như không để ý, thậm chí còn hứng thú ăn một miếng mứt hoa quả, đôi mắt hoa đào nhẹ nhàng nâng lên, gần như lười biếng nhìn Mộc Cảnh Tự.

Mộc Cảnh Tự nhíu mày, nhìn hắn một lúc, cuối cùng cũng nhận lấy sách luận.

Công bằng mà nói, viết rất tốt.

Kha Hồng Tuyết học đạo trung dung rất khá, không đưa ra đề nghị rõ ràng, cũng không khiến người đọc cảm thấy qua loa.

Hắn phân tích lợi và hại của từng đề xuất, nếu có một hai điểm sơ suất không đáng kể cũng không sao, ngược lại phù hợp với thân phận của hắn.

Bài văn viết cho hoàng đế, hắn nắm rất tốt chừng mực, không đến mức gây họa sát thân.

Nhưng lông mày Mộc Cảnh Tự lại vẫn không buông lỏng, y không rõ mục đích Kha Hồng Tuyết cho y xem bài sách luận này là gì.

Người này dường như không có mục đích gì, nói chuyện với y vài câu, rồi trước khi rời đi lại hỏi y một câu khác: "Học huynh không thích cây trâm ta tặng sao, sao không thấy huynh dùng?”

Mộc Cảnh Tự hơi sững người, ánh mắt vô thức liếc sang góc phòng, Kha Hồng Tuyết thấy rõ nhưng không vạch trần, chỉ mỉm cười nói: "Phiền học huynh giúp ta chuyển sách lược cho tiên sinh, cảm ơn.”

Lúc hắn ra khỏi sân, mây đen chất chồng ở phía bắc, dường như lại sắp mưa.

Kha Hồng Tuyết ngẩng đầu nhìn, im lặng nở nụ cười.

Học huynh dù thế nào cũng không thể hiểu rằng, thực ra mình đang uy hiếp y..Lấy tính mạng Kha Hồng Tuyết, uy hiếp Mộc Cảnh Tự.

Đánh cược rất lớn, nhưng hắn không thể không đánh cược.-Kha Hồng Tuyết xuống núi mấy ngày, nghe nói là bị triệu vào trong cung.

Những năm trước cũng có những lúc như vậy, thường là khi những gì hắn viết khiến hoàng đế hài lòng, triệu hắn vào cung hồi đáp.

Thời điểm trận tuyết mùa đông đầu tiên trong kinh hạ xuống, xá viện mới tu sửa phía nam Lâm Uyên học phủ khánh thành, ngày đầu tiên Mộc Cảnh Tự dọn vào, thấy có người gióng trống khua chiêng chuyển đồ đi về phía tây sương phòng.

Kha Hàn Anh mặc áo bông đỏ, đi đôi giày da cừu thêu kim tuyến, đi lại trong chiếc áo choàng tung bay, vẻ ngoài quý phái.

Gió tuyết làm nền phía sau, Kha Hồng Tuyết mỉm cười, che ô đi đến trước mặt Mộc Cảnh Tự, hỏi: "Nghe nói học huynh thông minh hơn người, cầm kỳ thi họa đều tinh thông, không biết học huynh có biết khắc dấu không?”

Hắn giơ tay lên, trong lòng bàn tay là một con dấu bằng ngọc trắng không chữ, đã được chôn dưới đất cùng với một đống quần áo chôn năm năm, đến nay vẫn sáng óng ánh, dường như chưa từng bị bóng tối che phủ.

Năm ấy trên du thuyền trên sông Kim Phấn tâm tư thiếu niên bí mật không nói ra, hiện giờ trần trụi phơi bày giữa hai người.

Phía sau là tuyết bay đầy trời, Kha Hồng Tuyết đứng dưới bậc thềm, ngẩng đầu nhìn Mộc Cảnh Tự.

Hắn cười đến ưu nhã lại ấm áp, là thiếu niên tuấn tú nhất trên đời này.

“Làm giao dịch đi học huynh. "Hắn nói," Huynh khắc cho ta một con dấu, ta tặng Kha gia cho huynh.”