Con bé ngồi lại trên những bậc cấp, đợi Bố, nhìn đám tro tàn và thi thể của những quyển sách bị thu gom lại. Mọi thứ đều trông thật buồn bã. Những cục than màu cam và đỏ trông như những viên kẹo bị từ chối, và hầu hết đám đông đã tản ra. Nó nhìn thấy mụ Diller ra về (với vẻ rất thỏa mãn), và Pfiffikus (tóc trắng, một bộ đồng phục Quốc xã, vẫn đôi giày cũ rích ấy và một tràng huýt sáo đầy hân hoan). Giờ chẳng còn gì khác ngoài công việc dọn dẹp, và không lâu nữa, sẽ chẳng có ai hình dung được là điều đó đã xảy ra.
Nhưng bạn có thể ngửi được nó.
“Con đang làm gì thế?”
Hans Hubermann đến được chỗ mấy bậc cấp nơi nhà thờ và cất tiếng hỏi.
“Chào Bố.”
“Lẽ ra con phải ở đằng trước tòa thị chính mới phải chứ?”
“Xin lỗi Bố.”
Ông ngồi xuống bên cạnh nó, chia đôi chiều dài cơ thể mình trên những bậc cấp bằng bê tông và mân mê một lọn tóc của Liesel. Những ngón tay của ông vén chúng thật gọn gàng ra sau tai con bé. “Liesel, có chuyện gì vậy?”
Trong một lúc, con bé không nói gì cả. Con bé đang tính toán, dù đã biết trước kết quả rồi.
MỘT BỔ SUNG NHO NHỎ
Từ cộng sản * một đống lửa lớn * một bộ sưu tập gồm
những lá thư chết * những nỗi khốn khổ của mẹ nó *
cái chết của em trai nó * Quốc trưởng
Quốc trưởng.
Ông ta chính là người ta mà Hans và Rosa Hubermann đã nói đến vào buổi tối hôm đó khi lần đầu tiên con bé viết thư cho mẹ nó. Con bé biết điều này, nhưng nó vẫn buộc phải hỏi.
“Mẹ con có phải là một người cộng sản không?” Một cái nhìn chằm chằm. Một câu hỏi trực diện. “Lúc nào họ cũng tra hỏi bà việc này việc nọ, trước khi con được đưa đến đây.”
Hans ngồi thẳng dậy một chút, nói ra những câu chữ đầu tiên của một lời nói dối. “Bố cũng không biết nữa – bố chưa bao giờ gặp bà ấy.”
“Có phải Quốc trưởng đã bắt bà ấy đi rồi không?”
Câu hỏi này đã làm cả hai bố con ngạc nhiên, và nó đã buộc Bố phải đứng lên. Ông nhìn những người khác mặc áo nâu đang xúc đống tro tàn với những cái xẻng. Ông có thể nghe thấy họ đang xục xẻng vào đó. Một lời nói dối khác đang lớn dần lên trong miệng ông, nhưng ông thấy không thể nói ra được. Ông nói, “Bố cho là có thể ông ta đã làm như thế thật đấy.”
“Con biết điều đó.” Những từ ngữ được ném xuống các bậc cấp và Liesel có thể cảm nhận được cơn giận dữ đang sôi lên sùng sục trong dạ dày nó. “Con ghét Quốc trưởng,” con bé nói, “con căm thù ông ta.”
Còn Hans Hubermann?
Ông đã làm gì? Ông đã nói gì?
Ông có cúi xuống và ôm lấy đứa con gái nuôi của ông, điều mà ông muốn làm khi đó không? Ông có nói với nó là ông rất tiếc về những điều xảy ra cho nó, cho mẹ nó, cho điều đã xảy ra với em trai nó không?
Không hẳn.
Ông nhắm chặt mắt lại. Sau đó mở mắt ra. Ông tát thẳng vào mặt Liesel Memingern.
“Đừng bao giờ nói điều đó!” Giọng của ông rất khẽ, nhưng đanh thép.
Khi con bé khóc rung lên bần bật và nằm gục xuống chỗ bậc cấp, ông ngồi xuống cạnh nó, lấy tay ôm mặt. Thật dễ để ta nói rằng ông là một người đàn ông cao lớn đang ngồi trong một tư thế kỳ cục khốn khổ và kiệt sức trên bậc cấp của nhà thờ, nhưng không phải như vậy. Lúc ấy, Liesel không hề biết rằng cha nuôi của nó, Hans Hubermann, đã rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan nguy hiểm thuộc vào loại bậc nhất mà một công dân Đức có thể rơi vào. Không chỉ có vậy, ông ấy đã phải đối mặt với nó suốt gần một năm trời.
“Bố ơi?”
Sự ngạc nhiên trong giọng nói của nó đẩy nó tới trước, và nó nói lên sự vô dụng của con bé. Con bé muốn bỏ chạy nhưng không thể. Giờ thì đôi bàn tay đã rời khỏi khuôn mặt của Bố khi ông tìm thấy lòng quyết tâm để mở miệng cất tiếng nói lần nữa.
“Con có thể nói điều đó trong nhà của chúng ta,” ông nói, nhìn chằm chằm vào má của Liesel. “Nhưng con không bao giờ được nói điều đó ngoài đường, ở trường, ở BDM, không bao giờ!” Ông đứng trước nó và xốc nách nó lên. Ông lắc người nó. “Con đã nghe bố nói chưa?”
Với đôi mắt mở trừng trừng, Liesel gật đầu ra ý đã hiểu.
Việc này, xét trên thực tế, là một bài diễn tập của một bài thuyết giảng trong tương lai, khi tất cả những nỗi sợ hãi tệ hại nhất của Hans Hubermann xảy ra ở phố Thiên Đàng vào giai đoạn sau đó trong năm, vào một buổi sớm tháng Mười một.
“Tốt.” Ông đặt con bé xuống đất. “Bây giờ, chúng ta hãy thử xem… Ở bậc cấp cuối cùng, Bố đứng thẳng người và giơ tay lên. Chéo bốn mươi lăm độ. “Hitler vạn tuế.”
Liesel đứng dậy và cùng giơ tay lên. Với một sự khốn khổ đến cùng cực, nó lặp lại câu nói. “Hitler vạn tuế.” Đó thật là một cảnh tượng đáng xem – một đứa bé gái mười một tuổi, đang đứng ở bậc cấp của nhà thờ, cố không bật khóc, chào mừng Quốc trưởng khi những giọng nói qua vai của Bố rơi phịch xuống và va vào bóng tối trên bức tường đằng sau.
“Chúng ta vẫn là bạn chứ?
Chừng mười lăm phút sau. Bố cầm một điếu thuốc tượng trưng cho hòa bình trong lòng bàn tay ông – mở giấy gói và lá thuốc mà ông vừa nhận được.
Không nói không rằng, Liesel vươn người tới trước một cách ủ dột và bắt đầu vê điếu thuốc ấy.
Hai bố con cứ ngồi cùng nhau như thế một lúc lâu.
Khói trèo lên vai Bố.
Mười phút sau, những cánh cửa của việc ăn cắp sẽ hơi hé mở một chút, và Liesel Meminger sẽ mở chúng rộng ra một chút nữa và lách người qua.
HAI CU HỎI
Những cánh cửa sẽ đóng lại sau lưng con bé chứ?
Hay liệu chúng sẽ có ý tốt, để nó quay ngược trở ra?
Như Liesel sẽ khám phá ra, việc trở thành một tên trộm cừ khôi đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Sự lén lút. Lòng can đảm. Tốc độ.
Dù vậy, hơn bất cứ điều gì trong số này, lại là một yêu cầu cuối cùng.
Sự may mắn.
Thực ra.
Hãy quên mười phút đi.
Những cánh cửa giờ đã mở rồi.
QUYỂN SÁCH CỦA LỬA
Bóng tối phủ xuống từng chút một, và vài điếu thuốc đã được hút xong, Liesel và Hans Hubermann bắt đầu đi về nhà. Để ra khỏi quảng trường, họ cần phải đi ngang qua chỗ đống lửa và một đoạn vỉa hè ngắn nữa mới đến được phố Munich. Nhưng họ không đi xa được đến chừng ấy.
Một người thợ mộc luống tuổi tên là Wolfang Edel cất tiếng gọi. Ông là người đã đóng cái bục cho những nhân vật quan trọng trong đảng Quốc xã đứng trong suốt buổi đốt lửa, và lúc này ông đang hạ nó xuống. “Hans Hubermann đấy phải không?” Ông có đôi hàng tóc mai kéo dài đến tận gần miệng, và một giọng nói tối tăm. “Hansie!”
“Chào, Wolfal,” Hans đáp. Ông giới thiệu đứa bé gái, và một câu Hitler vạn tuế. “Tốt lắm, Liesel.”
Trong vài phút đầu tiên, Liesel ở yên trong vòng ban kinh năm mét của cuộc nói chuyện. Những câu nói lướt qua tai nó, nhưng con bé không để ý đến chúng lắm.
“Có nhiều việc làm không?”
“Không, bây giờ cái gì cũng khó khăn cả. Anh biết hoàn cảnh bây giờ thế nào rồi đấy, đặc biệt là khi anh không phải một đảng viên.”
“Anh bảo với tôi là anh sắp vào Đảng rồi mà, Hansie.”
“Tôi đã cố, nhưng tôi đã phạm sai lầm – tôi nghĩ là họ vẫn còn đang cân nhắc.”
Liesel bước vẩn vơ về phía đống tro tàn. Nó ngồi đó như một cục nam châm, như một con quái vật. Nó là một thứ cám dỗ không thể cưỡng lại với những đôi mắt, cũng giống như con phố của những ngôi sao vàng.
Cũng như với sự thôi thúc phải nhìn thấy cái đống bùng cháy lên trước đó, con bé không thể nhìn đi chỗ khác được. Chỉ có một mình, nó không bị ai buộc phải giữ một khoảng cách an toàn. Cái đống ấy hút nó về phía mình và an toàn. Cái đống ấy hút nó về phía mình và con bé bắt đầu đi vòng quanh.
Trên đầu nó, bầu trời đang hoành thành nốt quy trình tối dần đi của nó, nhưng đằng xa, trên sườn núi, vẫn có một vệt sáng mờ mịt.
“Pass auf, Kind” một bộ đồng phục cất tiếng nói với nó như thế. “Coi chừng đấy, nhóc,” khi ông ta lấy xẻng xúc thêm một ít tro tàn lên xe đẩy.
Phía gần tòa thị chính, dưới một cây đèn, có vài bóng người đứng đó trò chuyện, rất có thể là đang hả hê vì thành công của đống lửa. Từ chỗ Liesel đang đứng, giọng nói của họ chỉ là những âm thanh . Con bé chẳng thể nghe được từ nào cả.
Trong vài phút, con bé quan sát người ta lấy xẻng xúc dần cái đống đó, ban đầu làm làm cho nó trông nhỏ hơn ở phần rìa, để cho nó đổ sụp xuống thêm nữa. Họ cứ đi tới rồi đi lui từ chỗ một chiếc xe tải, và sau ba chuyến quay đi quay lại như thế, khi cái đống đã được dọn đi gần tới đáy, một phần nhỏ của một thứ gì đã chưa cháy hẳn rơi ra từ bên trong đống tro tàn.