3. Không tham gia những buổi họp mặt ở Trung tâm Thiếu niên Hitler.
Rắc rối trong hành động đầu tiên của Rudy là thói háu ăn. Đó là một buổi chiều ảm đạm như những buổi chiều khác vào giữa tháng Mười một năm 1941.
Trước đó, nó đã len lỏi qua những người đàn bà với tem phiếu của họ một cách hết sức khéo léo – gần như là, có thể nói như vậy, với một chút dáng dấp của một tên tội phạm thiên tài. Nó gần như đã hoàn toàn không bị để ý tới.
Dù vậy, vẫn kín đáo như thế, nó đã cố gắng tóm được củ khoai tây to nhất trong đống khoai – củ khoai mà vài người khác đang xếp trong hàng cũng đang nhìn một cách thèm thuồng. Tất cả đều nhìn thấy một nắm tay của một đứa trẻ mười ba tuổi giơ lên cao và nắm lấy nó. Một giọng nói ồm ồm như giọng ca trong dàn hợp xướng của bà Helga đã chỉ nó ra, và Thomas Mamer lao ra như bão táp về phía cái củ khoai dơ bẩn ấy.
“Mein Erdapfel,” lão ta nói. “Khoai của ta.”
Củ khoai tây vẫn còn nằm trong hai tay của Rudy (nó không thể giữ củ khoai tây ấy chỉ bằng một tay được), và những người đàn bà tụ tập xung quanh nó như một toán đô vật. Giờ là lúc mồm mép một chút.
“Gia đình cháu,” Rudy giải thích. Một dòng nước mũi tự nhiên bắt đầu rỉ ra từ lỗ mũi ns. Nó cố ý không quẹt dòng nước mũi ấy đi. “Cả nhà cháu đang chết đói. Em cháu cần một cái áo ấm mới. Cái cuối cùng đã bị lấy trộm mất rồi.”
Mamer không phải là một tên ngốc. Vẫn túm lấy cổ áo của Rudy, lão nói: “Và mày định cho nó mặc củ khoai tây này à?”
“Không, thưa ngài.” Nó liếc xéo về phía con mắt của người đã bắt quả tang nó mà nó có thể nhìn thấy. Mamer là một gã giống như một thùng thuốc súng, với hai cái lỗ đạn nhỏ để nhìn ra ngoài. Hàm răng của gã cứ như một đám đông khán giả trong sân bóng đá, đứng ngồi chen chúc vào nhau. “Chúng chau đã đổi lấy mọi thứ của cải trong nhà để lấy cái áo cho em cháu cách đây ba tuần, và bây giờ thì nhà cháu chẳng có gì để ăn cả.”
Gã chủ cửa hiệu tạp hóa nắm Rudy bằng một tay còn tay kia thì nắm củ khoai tây. Gã hô to cái từ ngữ đầy đe dọa cho vợ gã nghe. “Polizel[1].”
[1] Cảnh sát (tiếng Đức)
“Không,” Rudy van nài, “cháu xin ngài.” Sau này thằng bé sẽ nói với Liesel rằng nó chẳng hề sợ chút nào, nhưng lúc đó thì trái tim nó như muốn nổ tung ra, tôi chắc là như thế. “Đừng gọi cảnh sát, cháu xin ngài. Đừng gọi cảnh sát.”
“Polizel.” Mamer vẫn không mảy may rung động trong khi thằng nhóc quằn quại và vùng vẫy trong không khí.
Cũng xếp hàng trong cửa hiệu tạp hóa ngày hôm đó là một giáo viên, ông Link. Ông nằm trong số những giáo viên ở trường không phải là cha xứ hay ma xơ. Rudy tìm thấy ông trong đám đông và nhìn xoáy vào mắt ông.
“Thầy Link.” Đầy là cơ hội cuối cùng của nó. “Thầy Link, hãy nói cho ông ta đi, em xin thầy. Hãy nói cho ông ta biết là em nghèo thế nào đi.”
Người chủ cửa hàng đưa mắt nhìn vị thầy giáo nọ ra ý dò hỏi.
Thầy Link bước lên trước và nói. “Đúng thế đấy, ông Mamer ạ. Thằng bé này rất nghèo. Nó đến từ phố Thiên Đàng.” Đám đông, hầu hết là đàn bà, bắt đầu bàn bạc về điều này, họ biết rằng phố Thiên Đàng không phải là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống giản dị ở Molching. Nó nổi tiếng là một khu vực nghèo khổ. “Nó có tám anh chị em.”
Tám!
Rudy phải cố nén một nụ cười, dù nó vẫn chưa thoát nạn. Ít nhất thì người thầy nọ cũng đang nói dối vì nó. Làm thế nào đó mà ông đã thêm được ba đứa nữa vào danh sách những đứa con của gia đình Steiner.
“Nó thường đến trường với cái bụng lép kẹp vì chưa được ăn bữa sáng,” và đám đông phụ nữ lại nhao nhao lên bàn bạc một lần nữa. Nó cũng giống như một lớp sơn phủ lên tình thế hiện tại, bổ sung thêm vào một chút sức thuyết phục cũng như bầu không khí đáng thương hại.
“Thế có nghĩa là nó được phép ăn trộm những củ khoai tây của tôi à?”
“Củ to nhất nữa chứ!” một người đàn bà thốt lên.
“Im đi, bà Metzing,” Mamer cảnh cáo và ta, và bà vội vàng im bặt.
Ban đầu, tất cả đều hướng sự chú ý về Rudy và cái gáy bị tóm của nó. Sau đó sự chú ý ấy di chuyển tới lui, từ thằng bé cho đến củ khoai tây đến Mamer – từ người đẹp nhất đến xấu nhất – và chính xác thì điều gì đã làm cho fax chủ cửa hiệu quyết định tha cho Rudy vẫn là một bí ẩn.
Có phải là tình trạng đáng thương hại của thằng bé?
Phẩm cách của thầy Link?
Sự phiền phức của bà Metzing.
Dù nó là cái gì đi nữa, Mamer vẫn thả củ khoai tây lại vào đống khoai và lôi Rudy ra khỏi cửa hàng. Gã tống cho nó một cú đá bằng chân phải và nói. “Đừng có quay lại đây nữa.”
Từ bên ngoài, Rudy nhìn theo Mamer đi đến chỗ quầy hàng để phục vụ thức ăn kèm theo những lời mỉa mai cho vị khách hàng tiếp theo của gã. “Tôi tự hỏi là ông sẽ hỏi mua củ khoai tây nào,” gã nói, một mắt vẫn trông chừng thằng bé.
Phần Rudy, vẫn còn có một thất bại khác.
Hành động ngu ngốc thứ hai cũng có mức độ nguy hiểm tương đương, nhưng lại bắt nguồn từ những lý do khác. Sau trận đánh nhau này, Rudy sẽ có một con mắt bầm đen, xương sườn như muốn nứt ra và phải cắt tóc.
Một lần nữa, trong những buổi họp mặt tại Trung tâm Thiếu niên Hitler, Tommy Muller lại gặp rắc rối, và Franz Deutscher chỉ cần đợi Rudy vào cuộc. Gã không phải đợi lâu.
Rudy và Tommy lại được ban cho một bài tập đứng lên nằm xuống toàn diện khác trong khi những đứa khác tiếp tục học về các chiến thuật. Trong khi chạy trong bầu không khí giá lạnh, hai đứa có thể nhìn thấy những mái đầu và đôi vai ấm áp qua ô cửa sổ. Ngay cả khi chúng gia nhập cùng những đứa còn lại, thì các bài tập vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Khi Rudy ngồi sụp xuống góc nhà và cạo bùn ra khỏi tay áo ở chỗ cửa sổ, Franz đã hỏi nó câu hỏi ưa thích của Trung tâm Thiếu niên Hitler.
“Quốc trưởng Adolf Hitler của chúng ta sinh ngày nào?”
Rudy nhìn lên. “Sao cơ?”
Câu hỏi được lặp lại, và thằng Rudy Steiner vô cùng ngu ngốc, đứa biết rất rõ ràng đó là ngày 20 tháng Tư năm 1889, đã trả lời bằng ngày sinh của Chúa. Thậm chí nó còn nêm thêm vào chi tiết Bethlehem như là một mẩu thông tin bổ sung.
Franz miết đôi tay của hắn vào nhau.
Một dấu hiệu rất tồi tệ.
Gã bước về phía Rudy và ra lệnh cho nó quay trở ra ngoài để chạy thêm vài vòng sân nữa.
Rudy chạy những vòng sân một mình, và cứ sau mỗi vòng sân, nó lại được hỏi ngày sinh của Quốc trưởng. Nó phải chạy bảy vòng trước khi đưa ra được câu trả lời đúng.
Cái vấn đề chính xảy ra vài ngày sau buổi họp mặt ấy.
Trên phố Munich, Rudy nhận thấy Deutscher đang đi trên vỉa hè với vài người bạn và cảm thấy cần phải ném một viên đá vào hắn. Bạn có thể thắc mắc rằng thằng bé đang nghĩ cái quái gì trong đầu vậy. Câu trả lời là có thể nó chẳng nghĩ gì cả. Nó có thể sẽ nói rằng nó đang thực hiện cái quyền mà Chúa ban cho nó, ấy là quyền được ngu ngốc. Một trong hai điều đó, hay chính việc nhìn thấy Franz Deutscher, đã khiến nó thấy phải tự hủy hoại bản thân mình càng sớm càng tốt.
Viên đá đập vào gáy của tên kia, dù không mạnh như Rudy đã hy vọng. Franz Deutscher quay lại và trông rất vui vẻ khi thấy thằng nhóc đang đứng đó, cùng với Liesel, Tommy, và em gái của Tommy, Kristina.
“Chạy thôi,” Liesel giục nó, nhưng Rudy không hề nhúc nhích.
“Bây giờ chúng ta không phải ở Trung tâm Thiếu niên Hitler,” nó nói với con bé. Những gã kia đã đến nơi rồi. Liesel vẫn đứng bên cạnh con bạn nó, cũng như thằng Tommy đang co rúm người lại và con bé Kristina mỏng manh yếu đuối.
“Ông Steiner,” Franz nói, trước khi nhấc thằng bé lên và ném nó xuống vệ đường.
Khi Rudy đứng dậy, điều đó chỉ khiến cho Deutscher càng điên tiết hơn. Hắn lại vật nó xuống đất lần thứ hai, kèm theo một cú thúc đầu gối vào lồng ngực.
Một lần nữa, Rudy lại đứng dậy, và đám choai choai kia lúc này đã phá lên cười nhạo thằng bạn của chúng. Đây không phải là tin tốt lành nhất với Rudy. “Mày không thể làm nó đau được à?”, đứa cao nhất trong bọn này hỏi. Cặp mắt hắn có màu xanh và lạnh lẽo như bầu trời vậy, và những từ ngữ ấy là tất cả những lời khích lệ mà Franz cần. Lúc này hắn đã quyết định là Rudy sẽ phải đập người xuống đất và nằm nguyên ở đó.
Một đám đông lớn hơn đã vây quanh chúng, khi Rudy tung ra một cú đấm vào bụng của Franz Deutscher, và đấm hụt hoàn toàn. Đồng thời, hốc mắt bên trái của thằng nhóc rát bỏng lên vì một cú đấm trả. Cú đấm ấy đến cùng những ngôi sao lấp lánh, và thằng nhóc đã gục xuống đất trước khi có thể nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Nó lại bị đấm một lần nữa, cùng vị trí đó, và nó có thể cảm thấy vết thâm chuyển sang màu vàng, rồi màu xanh rồi màu đen cùng một lúc. Ba lớp của một cơn đau đầy vui vẻ.
Đám đông ngày càng đông, túm tụm lại và liếc mắt nhìn, để xem Rudy có lại đứng dậy được một lần nữa không. Không. Lần này, nó vẫn nằm nguyên trên mặt đất ẩm ướt và giá lạnh, cảm nhận được cái mặt đất ấy dâng lên qua quần áo của mình và tự loang rộng ra.
Những ngôi sao lấp lánh vẫn ở trong mắt nó, và nó không nhìn thấy gì cả, cho đến khi đã quá muộn, vì lúc này Franz đã đứng trên nó với một con dao bỏ túi mới toanh, đang chuẩn bị ngồi xuống và cắt nó.
“Không!” Liesel phản đối, nhưng gã trai cao lớn đã giữ nó lại. Những từ ngữ của gã này vang lên trong tai con bé, sâu sắc và già dặn.
“Đừng lo,” nó trấn an con bé. “Nó sẽ không làm thế đâu. Thằng này không có gan làm thế đâu.”
Gã đã sai.
Khi tiến đến gần Rudy hơn, Franz chuyển sang tư thế quỳ gối và thầm thì.
“Quốc trưởng của chúng ta sinh ngày nào?” Mỗi từ ngữ được phát âm thật cẩn thận và nhồi nhét vào tai thằng bé. “Coi nào, Rudy, người sinh ngày nào? Mày có thể nói cho tao biết, mọi chuyện ổn cả thôi, không có gì phải sợ.”
Và Rudy?
Nó đã trả lời thế nào?
Liệu nó có trả lời một cách khôn ngoan, hay nó đã cho phép sự ngu ngốc của mình nhấn nó chìm sâu hơn xuống vũng lầy?
Nó nhìn một cách hạnh phúc vào đôi mắt xanh nhợt nhạt cỉa Franz Deutscher và trả lời. “Ngày thứ Hai đầu tiên sau Phục Sinh.”
Chỉ trong vòng vài giây, con dao đã được dí vào mái tóc của nó. Đây là Buổi Cắt Tóc Thứ Hai trong giai đoạn này của cuộc đời Liesel. Mái tóc của một người Do Thái đã được cắt bằng một cây kéo hoen gỉ. Tóc người bạn thân nhất của con bé đã bị cắt với một con dao sáng bóng. Con bé không biết có ai sẽ trả tiền để được cắt tóc như thế này.
Phần Rudy, cho đến thời điểm này của năm, nó đã phải nuốt bùn, ngâm mình trong phân bón, bị tát cho vêu mặt bởi một tên tội phạm choai choai, và bây giờ mới là vố đau nhất – bị làm nhục một cách công khai trên phố Munich.
Gần như toàn bộ mái tóc của nó đã bị cắt một cách tự do thoải mái, nhưng với mỗi nhát cắt, luôn có vài sợi tóc bám víu lấy cuộc sống mến yêu để rồi bị giật ra hoàn toàn. Khi mỗi sợi tóc của nó bị nhổ ra, Rudy lại nhăn mặt, con mắt bầm đen của nó rung lên theo từng nhịp tim, và xương sườn của nó nóng dần lên vì đau đớn.
“Ngày hai mươi tháng Tư, năm một nghìn tám trăm tám mươi chín!” Franz dạy cho nó, và khi gã dẫn đầu đội quân của mình đi khỏi, đám đông khán giả liền giải tán, chỉ để lại Liesel, Tommy và Kristina với người bạn của chúng.
Rudy nằm im trên mặt đất, trong cái đầm lầy ngày càng dâng cao.
***
Chúng ta chỉ còn lại có hành động ngu ngốc thứ ba – không tham dự những buổi họp ở Trung tâm Thiếu niên Hitler.
Nó không ngừng đi thẳng tới trước, hoàn toàn chỉ là để cho Deutscher thấy rằng nó không sợ gã, nhưng sau một vài tuần Rudy đã ngừng tất cả mọi hành động chống đối của mình lại cùng một lúc.
Mặc bộ đồng phục của mình một cách đầy kiêu hãnh, nó bước ra khỏi phố Thiên Đàng và cứ thế đi tiếp, còn bề tôi trung thành của nó, Tommy, thì đi bên cạnh.
Thay vị tham gia vào buổi họp ở Trung tâm Thiếu niên Hitler, chúng đi ta ngoài thị trấn và đi dọc theo con sông Amper, chơi trò ném thia lia, bê những tảng đá rất to quẳng xuống nước và nói chung là làm đủ thứ trò quậy phá. Nó bảo đảm sao cho bộ đồng phục của mình đủ dơ bẩn để đánh lừa mẹ nó, ít nhất là cho đến khi lá thư đầu tiên về đến nhà. Đó là lúc mà nó nghe thấy tiếng gọi đầy đe dọa vọng lên từ dưới nhà bếp.
Ban đầu, cha mẹ đe dọa nó. Nó vẫn không chịu đi.
Họ van nài nó. Nó vẫn khăng khăng từ chối.
Sau cùng, cái cơ họi tham gia vào một bộ phận khác đã gây ảnh hưởng để Rudy đi theo đúng đường. Điều này là may mắn, vì nếu nó không chường mặt ở Trung tâm Thiếu niên Hitler sớm, nhà Steiner sẽ bị phạt vì sự vắng mặt của nó. Anh trai nó, Kurt, đã được hỏi xem Rudy có muốn gia nhập bộ phận Flieger không, đây là bộ phận chuyên đào tạ về máy bay và việc bay lượn. Chủ yếu là chúng sẽ chế tạo những mô hình máy bay, và sẽ không có gã Franz Deutscher nào cả. Rudy chấp nhận, và Tommy cũng tham gia. Đó là lần đầu tiên trong đời mà cách cư xử ngu ngốc của thằng bé đã mang lại những kết quả có lợi.
Trong bộ phận mới này, bất cứ khi nào nó được hỏi câu hỏi nổi tiếng về ngày sinh của Quốc trưởng, Rudy đều cười và trả lời, “Ngày 20 tháng Tư năm một889,” và sau đó quay sang Tommy, nó thì thầm một ngày khác, đại loại như ngày sinh của Beethoven, hay Mozart, hay Strauss. Chúng đã được học về tên của các nhà soạn nhạc trong trường học, nơi mà mặc cho sự ngu ngốc rõ rệt của mình, Rudy vẫn tỏ ra hết sức xuất sắc.
QUYỂN SÁCH TRÔI SÔNG
(PHẦN II)
Vào đầu tháng Mười hai, cuối cùng chiến thắng cũng đến với Rudy Steiner, dù không theo một cung cách bình thường.
Hôm ấy là một ngày giá lạnh, nhưng rất yên ả. Trời sắp có tuyết rơi.
Sau giờ học, Rudy và Liesel ghé qua cửa hàng của Alex Steiner, và khi về nhà, chúng nhìn thấy người bạn cũ của Rudy, Franz Deutscher, đang đi vòng qua góc phố. Liesel, như thói quen của con bé trong những ngày này, đang mang theo quyển sách Người huýt sáo. Con bé thích cảm nhận được quyển sách ấy trong tay mình. Dù là cái gáy sách trơn láng hay những cạnh giấy thô ráp. Con bé là người nhìn thấy gã trước.
“Nhìn kìa.” Nó chỉ cho Rudy thấy. Deutscher đang đi về phía cùng với một thủ lĩnh của Trung tâm Thiếu niên Hitler khác.
Rudy rụt mình vào vỏ ốc. Nó sờ con mắt đang bình phục của mình. “Không phải lần này.” Nó quan sát tìm kiếm con đường. “Nếu đi ngang qua nhà thờ, chúng ta có thể đi men theo con sông và bỏ qua lối đó.”
Không nói thêm lời nào, Liesel đi theo nó, và chúng đã tránh được kẻ hành hạ Rudy – để rồi đâm thẳng vào đường đi của một kẻ khác.
Ban đầu. chúng không nghĩ gì về việc này cả.
Cái nhóm đang băng qua cầu và hút thuốc ấy có thể là bất cứ ai, nhưng không phải như thế. Đã quá trễ để quay lại khi hai nhóm kịp nhận ra nhau.
“Ôi, không, chúng đã thấy ta rồi.”
***
Viktor Chemmel cười.
Gã nói một cách rất hòa nhã. Điều này chỉ có thể có nghĩa là gã đang ở trong trạng thái nguy hiểm nhất. “Nào, nào, đây chẳng phải là Rudy Steiner và con điếm ranh của nó đó sao.” Rất trơn tru nhẹ nhàng, gã gặp hai đứa và giật lấy quyển sách Người huýt sáo ra khỏi tay của Liesel. “Chúng đang dọc cái gì đây nhỉ?”
“Đây là chuyện giữa tao và mày.” Rudy cố gắng nói phải trái với gã. “Chẳng liên quan gì đến nó có. Nào, đưa quyển sách đây.”
“Người huýt sáo.” Gã kia lúc này đang nói chuyện với Liesel. “Có hay không?”
Con bé hắng giọng. “Không tệ lắm.” Không may thay, nó đã tự tố cáo mình. Qua đôi mắt nó. Chúng đã tỏ ra bối rối. Con bé biết chính xác khoảnh khắc khi mà Viktor Chemmel quyết định rằng quyển sách này là một chiến lợi phẩm.
“Tao bảo mày cái này nhé,” gã nói. “Với năm mươi mác, mày có thể lấy lại quyển sách này.”
“Năm mươi mác à!” Đó là Andy Scheikl. “Coi nào Viktor, mày có thể mua được cả ngàn quyển sách với số tiền đó.”
“Tao có mày nói không hả?”
Andy im lặng. Có vẻ như mồm của nó đã bị đóng sầm lại.
Liesel cố ra vẻ phớt tỉnh. “Vậy thì mày có thể giữ quyển sách ấy. Tao đã đọc nó xong rồi.”
“Thế chuyện gì xảy ra vào lúc cuối cùng?”
Khốn kiếp thật!
Con bé chưa đọc đến đoạn đó.
Con bé tỏ ra vẻ lưỡng lự, và Viktor Chemmel có thể giải mã được điều này ngay lập tức.
Lúc này Rudy đã lao vào gã. “Thôi đi, Viktor, đừng làm điều này với con bé. Tao là người mày muốn. Tao sẽ làm bất cứ điều gì mày muốn.” Gã kia chỉ gạt nó sang một bên, quyển sách được giơ lên cao. Và gã chỉnh lại lời nó.
“Không,” gã nói. “Tao sẽ làm bất cứ điều gì tao muốn,” và gã tiến về phía dòng sông. Mọi người đều theo sau, ở tốc độ vừa đủ để đuổi kịp gã. Nửa đi, nửa chạy. Có vài đứa phản đối. Có vài đứa giục gã tiếp tục.
Điều này diễn ra thật nhanh, và thoải mái. Có một câu hỏi, và một giọng nói thân thiện, nhạo báng.
“Nói tao nghe xem,” Viktor nói. “Ai là người đây vô địch môn ném đĩa trong kỳ Thế vận hôi, ở Berlin?” Gã quay người lại để đối mặt với bọn chúng. Gã khởi động cánh tay của mình. “Người đó là ai? Khốn kiếp thật, cái tên ấy đã nằm trên đầu lưỡi của tao rồi. Có phải là gã người Mỹ đó không, phải không hả? Cái gã tên là Carpenter hay gì đấy…”
Rudy: “Làm ơn đi mà!”
Nước bắn tung tóe.
Viktor Chemmel đã thực hiện một cú ném xoáy.
Quyển sách được thả ra một cách đầy vinh quang từ bàn tay gã. Nó mở ra và đập phành phạch, những trang giấy vỗ lạch xạch như thể nó đang che phủ cả mặt đất từ trên không trung. Một cách bất ngờ hơn mong đợi, nó dừng lại và có vẻ như bị hút về phía mặt nước. Quyển sách ấy vỗ tay khi chạm vào mặt nước và bắt đầu trôi xuôi theo dòng.
Viktor lắc đầu. “Không đủ độ cao. Một cú ném tồi.” Gã lại mỉm cười. “Nhưng vẫn đủ để chiến thắng, phải không hả?”
Liesel và Rudy không đứng yên đó để nghe tiếng cười của gã.
Rudy đã phóng xuống bờ sông, cố gắng xác định vị trí của quyển sách.
“Cậu có nhìn thấy nó không?” Liesel hỏi to.
Rudy chạy.
Thằng bé tiếp tục chạy dọc mép nước, chỉ cho con bé thấy quyển sách. “Kia kìa!” Nó dừng lại và chỉ tay rồi lại chạy xuống, để bắt kịp nó. Không lâu sao, nó lột áo khoác ngoài ra và nhảy xuống, lội ra giữa dòng sông.
Liesel, đã giảm tốc độ từ chạy thành đi, đã có thể nhìn thấy nỗi đau trong mỗi bước đi của mình. Cái lạnh đau xé da thịt.
Khi con bé đã đến đủ gần, nó nhìn thấy quyển sách trôi vượt qua vị trí của Rudy, nhưng thằng bé đã nhanh chóng bắt kịp. Tay nó thò ra và tóm lấy thứ mà giờ đây là một khối sũng nước gồm giấy bồi và giấy. “Người huýt sáo!” thằng bé nói to. Đó là quyển sách duy nhất trôi trên dòng sông Amper ngày hôm đó, nhưng thằng bé vẫn cảm thấy cần phải xướng nhan đề quyển sách lên.
Một điểm thú vị khác là Rudy không cố gắng rời khỏi làn nước lạnh buốt người ấy ngay lúc mà nó đã cầm quyển sách trong tay. Trong khoảng chừng một phút, nó đã ở nguyên đó. Thằng bé chưa bao giờ giải thích điều đó với Liesel, nhưng tôi cho rằng con bé đã biết rất rõ rằng có hai lý do để Rudy làm thế.
NHỮNG LÝ DO ĐÓNG BĂNG CỦA RUDY STEINER
1. Sau một tháng trời thất bại, khoảnh khắc này là cơ hội
duy nhất của nó để tận hưởng
một chút chiến thắng.
2. Một vị trí như vậy của tính không vị kỷ là một nơi phù
hợp để đề nghị Liesel ban cho nó
phần thưởng mà nó vẫn thường đòi hỏi.
Làm sao mà lần này con bé có thể
từ chối nó cho được?
“Một cái hôn thì sao hả, Đồ con lợn?”
Thằng bé đứng trong làn nước ngập đến ngực thêm một lúc nữa trước khi tròe lên bờ và đưa cho con bé quyển sách. Cái quần dài dính bết vào người nó, và nó vẫn không dừng lại. Sự thật là, tôi nghĩ thằng nhóc đã sợ. Rudy Steiner sợ nụ hôn của kẻ trộm sách. Hẳn là nó đã quá mong chờ nụ hôn ấy. Hẳn là nó đã yêu con bé vô cùng, yêu đến không bút nào tả xiết. Yêu nhiều đến mức nó sẽ không bao giờ yêu cầu con bé hôn mình một lần nữa, và sẽ đi xuống mồ mà vẫn không được hôn.