Cả Hans Hubermann lẫn Alex Steiner đều không được gửi ra tiền tuyến. Alex được gửi sang Áo, đến một bệnh viện quân y ở ngoại ô thành phố Vienna. Vì là một chuyên gia trong lĩnh vực may vá, ông được giao cho một công việc mà ít nhất cũng có phần nào tương tự với chuyên môn của mình. Rất nhiều xe đẩy chứa đầy đồng phục, vớ và áo sẽ được chuyển đến mỗi tuần và ông sẽ chữa lại những gì cần phải chữa, thậm chí ngay cả khi chúng chỉ có thể được dùng làm đồ lót cho các quân nhân đang phải chịu trận ở Nga.
Mỉa mai thay, ban đầu Hans được chuyển đến Stuttgart, và sau đó là Essen. Ông được giao cho một trong những vị trí ít được mong muốn nhất ở hậu phương. Đơn vị LSE.
MỘT GIẢI THÍCH CẦN THIẾT
LSE
Luftwaffen Sondereinheit -
Đơn vị không lực đặc biệt.
Công việc của LSE là ở trên mặt đất trong thời gian xảy ra những cuộc không kích và dập tắt lửa, đỡ cho những bức tường của các tòa nhà khỏi sụp đổ và cứu sống bất cứ ai bị mắc kẹt trong khi cuộc không kích xảy ra. Như Hans sẽ sớm phát hiện ra, thì sẽ còn có một định nghĩa khác cho mấy chữ viết tắt này. Những người trong đơn vị đã giải thích cho ông vào ngày đầu tiên ông nhập hội, rằng thực ra nó là chữ viết tắt của cụm từ Leichen Sammlereinheit - Những người thu nhặt xác.
Khi ông đến, Hans chỉ có thể đoán mò xem những người này đã làm gì để đến nỗi phải nhận một nhiệm vụ như vậy, và ngược lại, họ cũng thắc mắc điều tương tự nơi ông. Người chỉ huy bọn họ, trung sĩ Boris Schipper, đã hỏi thẳng ông điều này. Khi Hans giải thích về miếng bánh mì, những người Do Thái và trận đòn bằng roi da, viên trung sĩ có gương mặt tròn trĩnh ấy cười một tiếng gọn lỏn. “Ông vẫn còn sống là may đấy.” Đôi mắt ông ta cũng tròn xoe, và cứ chốc chốc ông lại lấy tay dụi chúng. Cặp mắt ấy vừa mệt mỏi, vừa ngứa ngáy, hoặc là đầy khói và bụi. “Chỉ cần nhớ rằng ở đây kẻ thù không phải ở đằng trước anh đâu.”
Hans sắp sửa hỏi thêm cho rõ thì một giọng nói đã vang lên sau lưng ông. Gắn cùng với giọng nói đó là gương mặt hốc hác của một thanh niên trẻ với nụ cười như một cái nhếch mép nhạo báng. Đó là Reinhold Zucker. “Với chúng ta,” anh ta nói, “kẻ thù không phải ở phía bên kia đồi hay ở bất cứ phương hướng cụ thể nào cả. Nó ở xung quanh ta.” Nói rồi anh ta lại tiếp tục tập trung vào lá thư đang viết dở. “Rồi ông sẽ thấy.”
Vài tháng sau, Reinhold Zucker sẽ chết. Anh ta sẽ bị giết bởi chỗ ngồi của Hans Hubermann.
Khi cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt hơn trên toàn nước Đức, Hans sẽ biết được rằng mỗi người trong kíp làm việc của ông đều bắt đầu theo cùng một kiểu. Người ta sẽ tập hợp lại ở chỗ xe tải để được truyền đạt ngắn gọn về cái gì đã bị trúng bom trong lúc họ đang nghỉ ngơi, nơi nào sẽ có nhiều khả năng là mục tiêu oanh kích kế tiếp nhất, và ai sẽ làm việc với ai.
Ngay cả khi không có cuộc oanh kích nào diễn ra, vẫn sẽ có một khối lượng công việc lớn cần phải hoàn thành. Họ sẽ phải lái xe qua những thị trấn đổ nát, để dọn dẹp. Trong xe tải sẽ có mười hai người lúc nào cũng ở tư thế ngồi xổm, tất cả đều nảy lên rồi lại rơi xuống cùng với nhịp điệu mấp mô của mặt đường.
Ngay từ ban đầu thì rõ ràng là tất cả đều sở hữu một chỗ ngồi. Chỗ của Reinhold Zucker là ở giữa hàng bên trái.
Hans Hubermann ở mãi tận đằng sau, nơi ánh sáng ban ngày như đang vươn rộng ra. Ông nhanh chóng học được cách để mắt đến bất cứ thứ rác rưởi nào được vứt đi từ bất cứ nơi đâu ở bên trong xe tải. Hans đặc biệt chú ý đến những mẩu đuôi thuốc lá, vẫn còn âm ỉ cháy khi chúng bay vèo qua.
MỘT LÁ THƯ HOÀN CHỈNH GỬI VỀ NHÀ
Rosa và Liesel thân mến của ta, mọi thứ ở đây vẫn ổn cả.
Bố hy vọng cả hai mẹ con đều khỏe.
Thương nhiều, Bố.
Vào cuối tháng Mười một, lần đầu tiên ông được nếm vị khói của một cuộc oanh kích thực sự. Cái xe tải chở đơn vị ông bị tấn công bởi đám gạch đá vụn, và có rất nhiều người chạy qua chạy lại, la hét. Có những ngọn lửa đang cháy và những tòa nhà đổ nát chồng chất lên nhau thành từng đống. Những cột nhà xiêu vẹo. Những quả bom tỏa khói nghi ngút đứng trên mặt đất như những que diêm, hun đầy khói vào hai buồng phổi của thành phố.
Hans Hubermann đang ở trong một nhóm bốn người. Họ xếp thành một hàng. Trung sĩ Boris Schipper đi đầu, đôi tay ông ta biến mất trong làn khói mịt mù. Sau ông là Kessler, kế đến là Brunnenweg, rồi cuối cùng là Hubermann.
Khi viên trung sĩ tưới vòi nước vào đám cháy, thì hai người kia tưới vòi nước vào viên trung sĩ, và để cho chắc ăn, thì Hubermann tưới vòi nước vào cả ba người bọn họ.
Đằng sau ông, một tòa nhà rên lên rồi ngã xuống.
Nó ngã sấp mặt xuống, chỉ cách gót chân ông có vài mét. Mùi bê tông còn mới toanh, và bức tường vữa lao thẳng vào họ.
“Gott verdammt[1]! Hubermann!” Một giọng nói chật vật thoát ra từ những ngọn lửa. Theo ngay sau nó là ba người đàn ông. Cổ họng họ đã chất đầy những phần tử của tro tàn. Thậm chí khi họ đi vòng qua góc phố, cách xa khỏi trung tâm của vụ đổ nát ấy, thì làn sương mù của tòa nhà đổ nọ vẫn cố gắng bám theo họ. Nó có màu trắng, ấm áp, và nó bò theo sau lưng họ.
[1] Khốn kiếp thật! (tiếng Đức)
Khi đã tạm thời an toàn, có rất nhiều tiếng ho và chửi thề được phát ra. Viên trung sĩ lặp lại câu cảm thán trước đó của mình. “Khốn kiếp thật, Hubermann.” Ông cào cào môi mình, để làm da nó tróc ra. “Cái quái gì thế?”
“Tòa nhà ấy đã đổ sập xuống, ngay đằng sau chúng ta.”
“Tôi biết chuyện đó rồi. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nó to bằng chừng nào thế? Hẳn là tòa nhà ấy phải cao mười tầng chứ chả vừa.”
“Không, thưa ngài, tôi nghĩ là chỉ có hai tầng thôi.”
“Lạy các đấng Jesus…” Một cơn ho. “…Maria và Joseph.” Lúc này ông ta đang khều cái dung dịch nhớp nháp gồm mồ hôi và vữa trát tường từ trong hõm mắt của mình ra. “Anh không thể làm được gì nhiều với nó cả.”
Một trong hai người đàn ông còn lại vuốt mặt và nói, “Tôi muốn được có mặt ở đó khi chúng oanh kích một quán rượu, dù chỉ một lần thôi, vì Chúa. Tôi thèm một cốc bia đến chết được.”
Từng người một nằm ngả ra đằng sau.
Tất cả đều có thể nếm được cốc bia ấy, họ khạc những đám cháy trong cổ họng mình ra, và làm mềm khói trong đó đi. Đó là một giấc mơ đẹp, và là một giấc mơ hão huyền. Tất cả đều nhận thức được rằng bất cứ cốc bia nào chảy ra từ những con đường như thế này thì sẽ chẳng còn là bia nữa, mà trở thành một loại sữa lắc hay cháo đặc nào đó thì đúng hơn.
Cả bốn người đều bị phủ đầy một lớp bụi dày màu xám và trắng. Khi họ đứng thẳng dậy để quay trở lại với công việc bạn chỉ có thể nhìn thấy những mảng nhỏ trên bộ đồng phục của họ mà thôi.
Viên trung sĩ bước đến chỗ Brunnenweg. Ông ta lấy tay phủi mạnh lên ngực người đồng đội của mình. Vài cú phủi. “Tốt hơn rồi đấy. Anh dính chút bụi ở đây này, anh bạn.” Khi Brunnenweg bật cười, viên trung sĩ quay sang người tân binh của mình. “Lần này anh đi đầu nhé, Hubermann “
Họ dập lửa trong vòng vài giờ đồng hồ, và họ đã làm bất cứ điều gì có thể để thuyết phục một tòa nhà đứng trụ lại. Trong một vài trường hợp, khi những cạnh bên đã bị hư hại, thì những cạnh còn lại của tòa nhà chìa ra như mấy cái khuỷu tay vậy. Đây là điểm mạnh của Hans Hubermann. Ông gần như thích thú với việc tìm ra một thanh xà đang cháy âm ỉ hay một phiến bê tông nham nhở để chống hai khuỷu tay lên đó, cho chúng có cái gì đó mà tựa vào.
Đôi tay ông bị bám chặt bởi những mảnh vụn, và hàm răng ông như đóng khuôn với đám cặn bẩn. Đôi môi ông phủ dày một lớp bụi ẩm đã cứng lại, và chẳng có cái túi nào, một sợi dây nào hay một nếp vải gấp nào trên người ông mà không bị che phủ một lớp phim mỏng do bầu không khí nặng nề ấy để lại.
Phần tệ hại nhất của công việc này là những con người.
Thỉnh thoảng lại có một con người đi lang thang một cách ngoan cường qua làn sương mù, hầu hết bọn họ chỉ nói ra có một từ. Họ luôn hét lên một cái tên nào đó.
Đôi khi cái tên đó là Wolfgang.
“Anh có thấy Wolfgang của tôi đâu không?” Những dấu tay họ sẽ lưu lại trên áo khoác của ông. “Stephanie!”
“Hansie!”
“Gustel! Gustel Stoboil!”
Khi mật độ những tiếng kêu giảm bớt, thì loạt điểm danh những cái tên ấy đi khập khiễng qua những con đường gãy nát, đôi khi kết thúc bằng một cái ôm đầy tro, hay một tràng rú đau thương ở tư thế quỳ. Chúng cứ chất đống lại, như những giấc mơ ngọt ngào hay chua xót đang chờ xảy ra vậy.
Những mối nguy hiểm hòa nhập lại làm một. Bột và khói và những ngọn lửa dữ dội. Những con người bị tổn thương.
Cũng giống như những người còn lại trong đơn vị, Hans cần phải luyện tập đến mức hoàn hảo cái nghệ thuật của sự lãng quên.
“Anh thế nào rồi, Hubermann?” Có lúc viên trung sĩ hỏi ông như thế. Một đốm lửa đang cháy trên vai ông ta.
Hans gật đầu, một cách gượng gạo, với cả hai.
Khi ca làm việc đã trôi qua một nửa, có một ông già lảo đảo bước qua những con phố, không còn chút mảy may sức lực nào để tự vệ. Sau khi Hans cố định cho vững một tòa nhà xong, ông quay lại và nhìn thấy ông già ấy đằng sau lưng mình, đang chờ đến lượt. Trên mặt ông vẫn còn vương một vệt máu. Nó chảy dài xuống họng và cổ ông. Ông mặc một áo sơ mi màu trắng có cổ màu đỏ bầm, và ông ôm lấy cẳng chân mình như thể nó đang ở bên cạnh ông vậy. “Bây giờ anh có thể đỡ tôi dậy được không, chàng trai?”
Hans đỡ ông già dậy và dìu ông ra khỏi làn bụi mù mịt.
MỘT LƯU Ý NHỎ, ĐÁNG BUỒN
Tôi đã ghé thăm con phố của thị trấn nhỏ ấy, khi ông già nọ vẫn còn đang ở trong vòng tay của Hans Hubermann.
Bầu trời có màu xám của một con bạch mã.
Mãi đến khi ông đặt ông già xuống một mảng cỏ phủ đầy bụi bê tông, thì Hans mới nhận ra rằng ông ta đã chết.
“Cái gì vậy?” Một trong những người đồng đội của Hans hỏi.
Hans chỉ có thể chỉ tay vào ông già ây.
“À.” Một bàn tay kéo ông ra chỗ khác. “Hãy làm quen với việc này đi, Hubermann ạ.”
Trong phần còn lại của ca làm việc đó, ông tự ném mình vào công việc. Ông cố gắng lờ đi những tiếng vọng xa xa của những con người đang cất tiếng gọi.
Sau khoảng chừng hai giờ đồng hồ, ông lao ra từ một tòa nhà đến trước mặt viên trung sĩ và hai người đồng đội khác. Ông không nhìn xuống đất, và vấp ngã. Chỉ khi ông quay lại và thấy những người khác đang nhìn một cách đau đớn vào chướng ngại vật mà ông đã vấp phải, thì Hans mới nhận thức được toàn bộ sự việc.
Cái xác chết ấy đang nằm sấp mặt xuống đất.
Nó nằm trên một tấm mền được dệt bởi bột vữa và bụi và nó đang ôm chặt lấy đôi tay của mình.
Đó là một thằng bé.
Chừng mười một hay mười hai tuổi gì đó.
Cách đó không xa lắm, khi họ đang đi trên phố, họ tìm thấy một người đàn bà đang gọi cái tên Rudolf. Bà ta như bị hút về phía bốn người đàn ông nọ, và bắt gặp họ trong làn sương mù. Cơ thể bà trông rất yếu đuối và đang cong gập lại vì lo lắng.
“Các ông có thấy con trai tôi đâu không?”
“Thằng bé mấy tuổi?” viên trung sĩ hỏi.
“Mười hai.”
Ôi, lạy Chúa, lạy đức Chúa bị đóng đinh trên cây thập ác. Tất cả đều nghĩ như thế, nhưng viên trung sĩ không làm sao mà nói cho người đàn bà ấy biết được, hay chỉ lối cho bà ta đi được.
Khi người đàn bà cố gắng len qua lối họ đi, Boris Schipper giữ lấy lưng bà lại. “Chúng tôi vừa ra khỏi con phố đó,” ông ta cố làm cho bà ấy tin. “Bà sẽ không tìm thấy con mình ở đằng đó đâu.”
Người đàn bà cong queo ấy vẫn bám víu lấy chút hy vọng mỏng manh. Bà gọi với qua vai mình khi bà nửa đi, nửa chạy về hướng khác. “Rudy!”
Và rồi Hans Hubermann nghĩ về một thằng Rudy khác. Thằng Rudy trên phố Thiên Đàng. Hãy làm ơn đi, ông nói với một bầu trời mà ông không thể nhìn thấy, hãy phù hộ cho Rudy được an toàn. Một cách tự nhiên thôi, những suy nghĩ của ông tiếp tục hướng về Liesel và Rosa và gia đình Steiner, và Max.
Khi nhóm của họ về được chỗ tập trung, ông ngã phịch xuống và nằm ngửa mặt lên trời.
“Dưới đó thế nào rồi?” ai đó cất tiếng hỏi.
Phổi của Bố đầy bầu trời.
Vài giờ đồng hồ sau, khi đã tắm rửa, ăn uống và nôn xong, ông thử viết một lá thư nhiều chi tiết hơn để gửi về nhà mình. Dường như ông không thể kiểm soát được đôi tay mình, và nó buộc ông viết một lá thư ngắn. Nếu có thể, thì phần còn lại của lá thư sẽ được nói bằng miệng, khi và trong trường hợp ông về được đến nhà.
Gửi Rosa và Liesel yêu quý, ông bắt đầu.
Ông phải mất nhiều phút đồng hồ để viết những chữ này xuống mặt giấy.