Kẻ Trộm Sách

Chương 9



NHỮNG LÁ THƯ CHẾT

Một thời gian sau, trong tầng hầm, vào tháng Chín năm 1943.

Có một đứa bé gái mười bốn tuổi đang viết gì đó vào một quyển sách bìa đen. Đứa bé ấy có vóc người gầy gò nhưng thực ra rất khỏe và đã nhìn thấy nhiều thứ. Bố nuôi nó ngồi đó, cây đàn xếp đặt dưới chân.

Ông nói, “Con biết không, Liesel? Bố suýt nữa đã viết một lá thư hồi âm cho con và ký tên mẹ ruột con.” Ông gại gại chân chỗ trước đó dính đầy vữa trát tường. “Nhưng bố không thể, bố không tài nào làm thế được.”

Có vài lần, trong quãng thời gian còn lại của tháng Giêng và suốt cả tháng Hai, khi Liesel lục lọi hòm thư để tìm lá thư hồi âm, điều này gần như đã làm tan nát trái tim của bố nuôi nó. “Bố rất tiếc,” ông thường bảo con bé. “Chắc là thư không tới hôm nay đâu nhỉ?” Khi nghĩ lại, con bé thấy toàn bộ những điều nó làm quả thực chẳng di đến đâu cả. Nếu mẹ có thể liên lạc với nó, thì bà đã liên lạc với người ở trung tâm trẻ mồ côi, hay liên lạc trực tiếp với nó, hay liên lạc với gia đình Hubermann rồi. Đằng này lại chẳng có gì hết.

Như để xát thêm muối vào vết thương, vào giữa tháng Liesel được một khách hàng khác của mẹ nó đưa cho một lá thư, đó là nhà Pfaffelhurvers sống trên phố Heide. Hai người họ đứng thẳng người nơi bậc cửa, chào nó bằng một giọng u buồn. “Cái này để gửi cho mẹ của cháu,” người đàn ông vừa đưa cho nó cái phong bì vừa nói “Hãy bảo bà ấy là chúng ta rất tiếc. Hãy bảo bà ấy là chúng ta rất tiếc.”

Đêm ấy không phải là một đêm vui vẻ gì trong quãng thời gian nó sống ở nhà Hubermann.

Ngay cả khi Liesel đã chui xuống tầng hầm để viết lá thư thứ năm gửi cho mẹ nó (ngoại trừ lá thư đầu tiên, thì tất cả đều chưa được gửi đi), con bé vẫn có thể nghe thấy tiếng Rosa chửi thề và lải nhải về hai cái lỗ đít nhà Pfaffelhurver, cũng như thằng cha Ernst Vogel tồi tệ nọ.

“Feuer solln’s brunzen fur einen Monat!” nó nghe tiếng Mẹ quát to. Dịch nghĩa: “Cầu cho bọn chúng đái ra lửa trong suốt một tháng!”

Liesel lại tiếp tục viết.

Khi sinh nhật con bé đến gần, nó chẳng nhận được món quà nào cả. Không có quà vì không có tiền, và đúng lúc đó thì Bố lại hết thuốc lá.

“Tôi đã bảo ông rồi mà.” Mẹ chỉ tay vào mặt bố và nói. “Tôi đã bảo ông là đừng có đưa cho nó cả hai quyển sách hồi Giáng sinh rồi kia mà. Nhưng mà không. Ông có nghe lời tôi không? Dĩ nhiên là không!”

“Tôi biết rồi!” Ông lặng lẽ quay sang nhìn nó. “Bố xin lỗi. Liesel. Chúng ta hết tiền để mua quà cho con rồi.”

Liesel không thấy phiền lòng. Con bé không kêu la khóc lóc, cũng không dậm chân thình thịch. Nó chỉ đơn giản là nuốt nỗi thất vọng vào trong và đưa ra một quyết định nguy hiểm có tính toán — một món quà tự nó tặng nó. Con bé sẽ tập trung tất cả những lá thư gửi cho mẹ nó lại, nhét chung vào chung một phong bì, và nó sẽ chỉ dùng một phần nhỏ trong khoản tiền giặt ủi người ta trả cho mẹ nuôi nó để gửi cái phong bì đó đi. Sau đó, dĩ nhiên rồi, nó sẽ phải nhận một cái Watschen, rất có thể là ở trong nhà bếp, và con bé sẽ không hé răng phàn nàn lấy nửa lời.

Ba ngày sau, cơ hội thực hiện kế hoạch này đã đến với nó.

“Tiền bị thiếu mất một ít.” Mẹ đếm số tiền đến lần thứ tư, trong lúc Liesel đứng ở chỗ bếp lò. Nơi đó rất ấm, và khiến cho máu con bé chảy rần rật. “Có chuyện gì vậy, Liesel?”

Nó nói dối. “Hẳn là họ đã đưa cho con ít tiền hoen thường lệ.”

“Mày có đếm tiền không đấy?”

Con bé đầu hàng. “Mẹ à, con đã tiêu chỗ tiền ấy rồi.”

Rosa tiến đến gần hơn. Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Bà ta đã ở rất gần cái thìa gỗ rồi. “Mày đã làm gì kia?”

Trước khi con bé có thể trả lời, cái thìa gỗ đã trút xuống cơ thể Liesel Meminger như ơn mưa móc của Chúa trời. Những vết sưng đỏ như những dấu chân của Người đi trên da nó vậy, và chúng rát bỏng. Từ dưới sàn nhà, khi trận đòn đã qua đi, đứa bé gái ngước nhìn lên rồi giải thích mọi việc.

Tim nó đập thình thịch cùng ánh đèn vàng. Đôi mắt nó hấp háy. “Con đã gửi mấy lá thư đó.”

Điều tiếp theo đến với nó là sàn bếp bụi bặm, cảm giác quần áo như được đặt bên cạnh nó hơn là được mặc trên người nó, và cái nhận thức bất chợt rằng việc nó làm sẽ chẳng giải quyết được cái gì cả - rằng mẹ nó sẽ chẳng bao giờ hồi âm, và bà sẽ chẳng bao giờ gặp lại nó nữa. Thực tế phũ phàng này đã giáng cho con bé một cái Watschen thứ hai. Nó làm con bé đau nhói, và cơn buốt nhói ấy kéo dài suốt một lúc lâu.

Phía trên nó, Rosa như nhòe đi, nhưng con bé nhanh chóng thấy gương mặt nhàu nhĩ như giấy các-tông của bà hiện ra gần hơn. Bà đứng đó với dáng bộ phúng phính và rầu rĩ của mình, một tay cầm chiếc thìa gỗ buông thõng xuống như một cái gậy. Bà cúi xuống và nói khẽ: “Mẹ xin lỗi, Liesel.”

Liesel hiểu con người bà đủ rõ để biết rằng lời xin lỗi này không phải vì trận đòn.

Những vết tấy đỏ ngày càng lớn dần trên da con bé, trong lúc nó cứ nằm nguyên đó, nơi sàn bếp bẩn thỉu và dưới ánh đèn mờ mịt. Hơi thở của nó đã bình thường trở lại, và một giọt nước mắt vàng vọt lạc loài chảy dài trên gương mặt nó. Con bé có thể cảm thấy mình đang ở trên sàn bếp. Một cái cẳng tay, một cái đầu gối. Một cái cùi chỏ. Một gò má. Một bắp chân.

Sàn bếp lạnh lẽo vô cùng, đặc biết là chỗ má nó áp xuống, nhưng con bé không tài nào cục cựa được.

Nó sẽ chẳng bao giờ gặp lại mẹ nó nữa.

Trong suốt gần một giờ đồng hồ, nó cứ nằm dài dưới sàn bếp, cho đến khi Bố về nhà và chơi đàn xếp cho nó nghe. Chỉ khi đó nó mới chịu ngồi dậy và bắt đầu hồi phục.

Khi con bé viết lại về buổi tối hôm đó, nó không thù oán gì Rosa Hubermann, hay mẹ ruột nó vì việc ấy cả. Đối với nó thì họ chỉ là những nạn nhân của hoàn cảnh. Ý nghĩ duy nhất không ngừng tái hiện trong đầu nó là giọt nước mắt vàng vọt. Nó nhận ra rằng, giá như lúc đó trời tối, thì giọt nước mắt ấy đã có màu đen rồi.

“Nhưng lúc đó đúng là trời tối mà,” con bé tự nhủ với mình như thế.

Dù có cố tưởng tượng ra khung cảnh đó với ánh sáng mà nó biết là đã tồn tại lúc ấy bao nhiêu lần đi nữa, con bé vẫn gặp khó khăn trong việc hình dung ra nó. Nó đã bị đánh trong bóng tối, và nó vẫn nằm ở đó, trên một sàn nhà bếp lạnh lẽo và tối tăm. Ngay cả âm nhạc mà bố chơi cũng có màu của bóng tối.

Ngay cả âm nhạc của Bố.

Điều lạ là nó cảm thấy mình được xoa dịu một cách mơ hồ bởi suy nghĩ này, thay vì cảm thấy đau đớn vì nó.

Bóng tối, ánh sáng.

Có gì khác nhau đâu?

Những cơn ác mộng ngày càng rõ ràng hơn, khi kẻ trộm sách bắt đầu thực sự hiểu mọi việc đã diễn ra như thế nào, và chúng sẽ luôn như vậy ra sao. Lẽ ra thì nó đã có thể tự chuẩn bị. Có thể đó là lý do vào ngày sinh nhật Quốc trưởng, khi câu trả lời cho nỗi khốn khổ của mẹ nó bộc lộ hoàn toàn, nó đã có thể phản ứng lại, mặc cho cơn thịnh nộ và sự bối rối của nó.

Liesel Meminger đã sẵn sàng.

Chức mừng sinh nhật, Quốc trưởng vĩ đại.

Nhiều niềm vui hạnh phúc đã quay lại với nó.

SINH NHẬT CỦA HITLER, 1940

Dù không hy vọng, chiều nào Liesel cũng kiểm tra hòm thư trong suốt tháng Ba và sang đến tận tháng Tư. Dù đã có một chuyến ghé thăm của bà Heinrich, theo yêu cầu của Hans, và bà ta đã giải thích cho nhà Hubermann hiểu rằng trung tâm đã mất liên lạc hoàn toàn với Paula Meminger. Tuy nhiên, con bé vẫn cứ khăng khăng không chịu nghe, và như bạn có thể hình dung, khi nó kiểm tra thùng thư hằng ngày, thì thùng thư vẫn trống không.

Molching, cũng như phần còn lại của nước Đức, đang hối hả chuẩn bị cho ngày sinh nhật của Hitler. Cái năm đặc biệt ấy, với sự phát triển của chiến tranh và vị trí chiến thắng hiện thời của Hitler, các đảng viên Quốc xã ở Molching muốn nghi thức chào mừng phải có mức độ đặc biệt tương xứng. Sẽ có một cuộc diễu hành. Hành quân. Âm nhạc. Ca hát. Sẽ có một đống lửa.

Khi Liesel đi trên những con phố của Molching, giao và nhận đồ giặt ủi, thì các thành viên đảng Quốc xã đang đi thu gom nguyên liệu đế đốt. Có vài lần, Liesel tận mắt nhìn thấy những con người, cả đàn ông lẫn đàn bà, gõ cửa từng nhà, hỏi người ta xem họ có bất cứ thứ gì mà họ thấy cần vứt đi hay phải phá hủy không. Tờ Tin nhanh Molching của Bố đăng tin rằng sẽ có một đống lửa chào mừng được thắp lên nơi quảng trường

Trong vùng đều sẽ tham dự. Đống lửa sẽ là để kỷ niệm không chỉ sinh nhật của Quốc trưởng, mà còn để chào mừng việc chiến thắng những kẻ thù của ngài, và chiến thắng cả những trở ngại đã níu bước nước Đức lại kể từ hồi Thế chiến I. “Bất cứ thứ gì,” tờ tin nhanh nói, từ những thời điểm như vậy — báo chí, áp phích, sách vở, cờ quạt – và bất cứ sản phẩm tuyên truyền nào từ kẻ thù của chúng ta, đều phải được mang đến văn phòng của đảng Quốc xã trên phố Munich.”

Ngay cả phố Schiller — con phố của những ngôi sao vàng — con phỗ vẫn chờ được sửa chữa, cũng bị lục lọi một lần cuối cùng, để tìm cho ra một cái gì đó, bất cứ cái gì, để mà đốt trụi nhằm vinh danh Quốc trưởng. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu có những thành viên của đảng cho xuất bản hàng ngàn quyển sách hay áp phích tuyên truyền những điều độc hại, chỉ đơn giản là để đốt chúng ra tro.

Mọi thứ đã sẵn sàng để làm cho ngày 20 tháng Tư trở nên thật ý nghĩa. Đó sẽ là một ngày đầy những trò đốt phá và hò hét.

Và cả trộm sách nữa.

Trong gia đình Hubermann buổi sáng hôm đó, tất cả đều rết bình thường.

“Cái đồ lợn ấy lại nhìn ra cửa nữa rồi,” Rosa Hubermann chửi. “Ngày nào cũng vậy,” bà nói tiếp. “Lần này thì ông đang nhìn cái quái gì thế?”

“Ồ “ Bố rên lên, một cách đầy sung sướng. Lá cờ phủ xuống lưng ông từ chỗ trên cùng cửa sổ. “Bà nên nhìn cô nàng này một chút đi.” Ông đánh mắt qua vai và mỉm cười với Liesel. Tôi sẽ ra ngoài đó và đuổi theo cô ả. Cô nàng hơn đứt bà đấy, mẹ nó ạ.”

“Đồ lợn!” Mẹ vung vẩy cái thìa gỗ về phía ông.

Bố lại nhìn ra phía ngoài cửa sổ, về phía một người đàn bà tưởng tượng và một hành lang rất thực được tạo nên bởi những lá quốc kỳ Đức.

Hôm ấy, trên những con phố của Molching, mỗi ô cửa sổ đều được trang hoàng để chúc mừng Quốc trưởng. Ở vài nơi, như cửa hàng của mụ Diller chẳng hạn, cửa kính được lau đến sáng bóng lên, lá cờ sạch như li như lau, và cái chữ thập ngoặc trông như một món nữ trang trên tấm mền đỏ và trắng. Trên những ô cửa sổ khác, những lá cờ ủ rũ như một món đồ ướt đang được hong cho khô. Nhưng tất cả đều ở đó.

***

Trước đó, đã có một tai họa nho nhỏ. Nhà Hubermann không thể tìm thấy lá cờ của họ.

“Họ sẽ đến bắt chúng ta đấy,” Mẹ cảnh báo chồng bà. “Họ sẽ đến và bắt chúng ta đi đấy.” Cả hai đều nói. “Chúng ta phải tìm cho ra nó!” Có lúc tưởng như Bố sẽ phải xuống tầm hầm và vẽ một lá cờ trên một trong những tấm vải hứng sơn của ông. May sao, nó xuất hiện, bị che khuất bởi chiếc đàn xếp trong tủ chạn.

“Cái đàn xếp trời đánh ấy. Nó đã cản tầm nhìn của tôi!” Mẹ nói. “Liesel!”

Đứa bé gái được vinh dự gắn lá cờ lên khung cửa sổ.

Sau đó, Hans Con và Trudy về nhà để ăn chiều, cũng giống như hồi Giánh sinh, hay lễ Phục sinh. Có vẻ như lúc này đã là một thời điểm phù hợp để giới thiệu về họ một cách đầy đủ hơn.

Trudy, như người ta vẫn gọi là Trudel, chỉ cao hơn Mẹ có vài phân. Cô có dáng đi lạch bạch giống mẹ như hệt, nhưng xét các yếu tố còn lại thì cô nhẹ nhàng hơn mẹ mình nhiều. Là một người giúp việc trong một gia đình giàu có tại Munich, hẳn cô đã ngấy bọn trẻ con đến tận cổ, nhưng cô luôn xoay xở được ít nhất là vài lời kèm theo một nụ cười dành cho Liesel. Cô có một đôi môi mềm. Một giọng nói nhẹ nhàng.

Hans Con thừa hưởng đôi mắt của bố gã, và cả chiều cao nữa. Dù vậy, màu bạc trong đôi mắt gã chẳng hề ấm áp như mắt Bố chút nào – chúng đã bị Quốc trưởng hóa rồi. Có nhiều thịt dính trên xương của gã hơn, và gã có mái tóc vàng tua tủa và làn da có màu giống như màu sơn trắng bị xỉn.

Họ về nhà cùng nhau trên chuyến tàu từ Munich, và chẳng bao lâu sau thì những mối căng thẳng cũ đã lại được khơi lên.