Khi Chúng Ta Lớn Lên

Chương 17



Hết giờ thi, Chinh ôm đồ ra trước cổng hội họp cùng mọi người.

Ai nấy đều rạng rỡ sau khi thi xong, hào hứng kể cho bạn của mình nghe cảm nhận như thế nào về phòng thi, về chủ đề vẽ. Tiếng nói chuyện rôm rả hẳn lên cho tới khi thầy tổng phụ trách thông báo dẫn đoàn học sinh đi ăn cơm trưa trước khi trở về thị trấn.

Chinh không có bạn bè nào cả, cô đi theo hai thầy cô rồi kiếm một góc ngồi ăn. Cô mĩ thuật sợ Chinh buồn nên cô ngồi cùng bàn Chinh, hai cô trò chuyện trò đôi lát rồi mới bắt đầu dùng cơm.

"Chinh nè, thi cũng thi xong rồi. Giờ mình đợi kết quả thôi em. Mình không cần áp lực quá đâu vì còn nhiều kỳ thi quan trọng khác phía sau nữa." Cô mĩ thuật an ủi Chinh khi thấy cô bé có vẻ sa sút tinh thần sau khi ra khỏi phòng thi.

Chinh gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Cô mĩ thuật thấy cô bé không nói gì nữa, vỗ vai Chinh vài cái rồi mới chính thức ăn cơm.

Ăn xong, học sinh lục tục lên xe, theo lộ trình cũ trở về trường.

Lúc này ở trường, các cổ động viên cũng đã chờ sẵn. Thuyên cầm biểu ngữ và khi thấy đoàn xe dừng lại Chinh đi ra, cậu đã giơ lên và hét lớn để cô có thể nhìn về phía mình:



"Chinh! Làm tốt lắm!"

Trên biểu ngữ là dòng chữ chúc mừng Chinh do tập thể lớp 3.4 bí mật làm. Cô bất ngờ lắm vì ở lớp Chinh ít khi nói chuyện cũng không có nhiều bạn vậy mà mọi người lại dành cho cô điều vui nhất, khiến tâm trạng vốn ủ dột vì vẽ bài không tốt dần tiêu giảm. Cô mỉm cười rạng rỡ, bước từng bước lại phía Thuyên cùng những bạn học của mình.

"Cảm ơn mọi người. Tôi rất vui."

Lớp đi không nhiều nhưng Chinh thật sự cảm động.

Thuyên dẫn đầu mọi người nói:

"Tôi tin Chinh sẽ được giải cao!"

Chinh mỉm cười, lắc đầu nhưng không nói thêm gì sau đó nữa.

Vì là thứ bảy nên sau khi đón xong các bạn, học sinh các lớp có bạn dự thi lần lượt ra về. Chinh trở về cùng Thuyên và ông ngoại Thuyên. Hai đứa trẻ líu lo như hai chú chim nhỏ suốt dọc đường đi còn ông ngoại Thuyên thì cười phụ họa theo những câu chuyện hai đứa kể.

Tuần tới, khi lớp học đang diễn ra, thầy tổng phụ trách đến lớp để xin Chinh ra khỏi lớp một lát vì có thầy trong hội đồng thi vẽ tìm.



Chinh đến gặp thầy ở văn phòng tổng phụ trách. Cô không biết lý do nên rất khẩn trương. Bài vẽ của Chinh liệu có vấn đề gì hay sao? Hay nó đã bị hủy vì không dùng màu mà dùng chì vẽ để tô? Đủ loại câu hỏi, tình huống xấu nảy lên trong tâm trí cô bé. Thầy tổng phụ trách thấy Chinh sợ hãi bèn trấn an:

"Em không cần lo. Thầy ấy đến hỏi em một số thứ thôi."

Chinh dạ nhưng vẫn níu lấy đồng phục đến nhăn lại để bình tĩnh. Đầu ngón tay trắng bệch nhưng Chinh vẫn chưa dám bỏ ra.

"Rồi, hai thầy trò nói chuyện đi nhé!" Thầy tổng phụ trách dẫn Chinh đến văn phòng rồi trở ra, để lại không gian riêng cho hai người.

"Em ngồi đi, đừng căng thẳng. Tôi chỉ muốn hỏi em một vài thứ liên quan đến bài thi thôi." Thầy lên tiếng.

Chinh dạ vâng rồi ngồi đối diện thầy lắng nghe.

Lý do hôm nay thầy hội đồng đến đây là vì bài vẽ của Chinh đã gây tranh cãi trong hội đồng chấm thi. Chủ đề là "Gia đình" nhưng bức tranh cô bé vẽ lại là đôi mắt và trong đôi mắt ấy lại có hai hình ảnh trái ngược nhau. Một bên là gia đình đổ vỡ còn một bên là gia đình hạnh phúc. Bản thân ông cảm thấy bức tranh này rất sâu sắc xứng đáng đoạt giải cao nhất nhưng các thầy cô khác trong hội đồng lại không đồng ý vì tranh cô bé không tô màu mà vẽ chì và nếu cho giải nhất, chắc hẳn sẽ khiến đại đa số người không tán thành và gây tranh cãi khi bài thi mặc dù không ra quy định bắt buộc tô màu nhưng mọi người đều ngầm nhận định phải lên màu mới hợp lệ.

"Vì sao em lại vẽ hình ảnh hai gia đình trong đôi mắt?"

Kỳ thi vẽ để học sinh thỏa sức sáng tạo nhưng ngược lại với đại đa số học sinh khác, các em có người vẽ nhà có bốn người, gia đình đi bãi biển, cắm trại hay vẽ chân dung một thành viên trong nhà thì cô bé đứng trước mặt thầy hội đồng lại vẽ hai gia đình trái ngược nhau.

"Gia đình của em.." Chinh im bặt một lúc mới có cảm xúc nói tiếp: "Em không có một gia đình trọn vẹn để vẽ."

Thầy hội đồng hơi sững sờ trước câu trả lời của Chinh.

"Xin lỗi em."

Chinh lắc đầu tỏ vẻ không sao, dừng một lát cô mới tiếp tục nói lý do vì sao bản thân lại vẽ như thế.

Chinh vẽ hai gia đình, một là gia đình trong hồi ức năm năm tuổi, gia đình còn lại là Thuyên cùng ông bà ngoại đang ăn cơm chiều. Mặc dù hình ảnh ấy cô chưa bao giờ tận mắt thấy nhưng nghe Thuyên kể, cô dường như mường tượng ra được khung cảnh hạnh phúc đến nhường nào. Ngoài trời mưa, còn trong nhà thì ấm áp. Thuyên cùng ông bà ngồi ăn bữa cơm đạm bạc dân quê. Trên khuôn mặt mỗi người là nụ cười vui vẻ, sự quan tâm của ông bà dành cho Thuyên.

Chinh lúc nào cũng ao ước điều giản đơn ấy. Khi sống trong nhà cũ, cô làm gì được ăn cơm như thế. Chỉ khi nào cha và mẹ kế đã ăn cơm xong, em trai ăn cơm xong cô mới được ăn. Phần cơm nguội lạnh còn thức ăn bị đũa xốc lên, trộn lấy trông chẳng khác nào cám lợn. Nhưng Chinh chỉ có thể cắn chặt răng mà ăn, cô không khóc vì nếu khóc cũng chẳng ai thương hại ngược lại còn bị đánh đòn nặng hơn nữa. Sau khi ở cùng với dì, vì hiểu chuyện nên Chinh sẽ tự nấu cơm, đợi dì về làm đồ ăn rồi hai dì cháu ăn vội những bữa cơm để còn làm việc. Chinh sẽ phụ dì cắt chỉ thừa của những tấm vải se lai được mang từ xưởng về nhà làm để kiếm thêm tiền.

Ít ra, ở với dì hạnh phúc hơn ở nhà cũ dù đó không phải là một gia đình.