Đêm nay là giáng sinh, khắp các con phố nhỏ và đường lớn nhộn nhịp tiếng cười nói hòa lẫn trong tiếng nhạc rộn ràng. Các cửa hiệu trang hoàng rực rỡ, ánh đèn nhấp nháy sáng lung linh.
Những đôi tình nhân tay trong tay, trao nhau ánh mắt đong đầy tình yêu thương. Những đứa trẻ nô đùa bên cha mẹ của mình, dường như không bận tâm đến cơn gió đang thổi giữa trời đông lạnh giá.
Giữa khung cảnh tươi vui ấy, Tú Cầu đứng lặng lẽ ngắm nhìn những chậu hoa cẩm tú cầu được xếp ngay ngắn ở phía sau hàng rào của ngôi biệt thự, những ngón tay mảnh mai mân mê những chùm hoa trong vô thức. Người qua đường thi thoảng lại ngoái nhìn cô, người ta chỉ thấy một cô gái nhỏ nhắn mặc chiếc áo khoác dày, đội chiếc mũ len điệu đà như đang chờ đợi ai đó, cô không vội vã, mà trên khoé môi đôi lúc khẽ nhếch lên như đang mỉm cười.
Tú Cầu đang mường tượng lại khung cảnh khi cô còn nhỏ, ngôi nhà cô ở tràn ngập sắc hoa của cẩm tú cầu. Mẹ cô rất yêu loài hoa này, nên bố đã đem hết tình yêu của mình mà thiết kế khu vườn chỉ có hoa cẩm tú cầu dành cho mẹ cô.
Nơi ấy tuy không phải là một ngôi biệt thư nguy nga lộng lẫy, nhưng nó tràn ngập tình yêu thương và tiếng cười. Nơi mà bố cô đã dành hết những gì tinh tuý nhất của mình để vun đắp lên đó. Nơi đã chào đón một công chúa bé bỏng ra đời, bố cô kể với cô rằng ngày hôm đó những chùm hoa cẩm tú cầu đã nở rực rỡ nhất, tỏa hương thơm khắp cả khu vườn.
Vì thế bố, mẹ đã quyết định đặt tên cho cô là Cẩm Tú Cầu, mong cho cuộc đời cô sau này sẽ luôn giống như sắc màu của chùm hoa cẩm tú cầu kia, tràn đầy sự mãnh liệt của màu đỏ, cùng những hi vọng không bao giờ tắt của màu xanh, sự thuần khiết của màu trắng và chung thuỷ của màu tím.
Cô lớn lên với tình yêu thương vô bờ của bố, và sự nghiêm khắc của mẹ, Tú Cầu rất giống bố, lúc nhỏ cô thường theo bố vào phòng làm việc của ông.
Bố cô là một kiến trúc sư tài hoa, ông thiết kế những công trình mà khiến cho tất cả mọi người đều ngưỡng mộ.
Khi nhìn thấy bố của mình cầm bút bên những bản thiết kế, Tú Cầu thấy mình thật sự ngưỡng mộ ông, và từ lúc nào đó cô luôn khao khát sau này sẽ được trở thành đồng nghiệp của bố.
Cô từng nói với ông, bố là một kiến trúc sư lỗi lạc thiết kế nên những tòa nhà lộng lẫy, và cô sẽ là một nhà thiết kế nội thất tài hoa sẽ thiết kế những đồ nội thất đẹp nhất để trưng bày trong những tòa nhà đó của ông.
Bố cô lúc đó đã cổ vũ cô hết mình, chỉ có mẹ là nghĩ khác, mẹ luôn nghĩ vẽ vời là thứ gì đó không thực tế, ở trong ngôi nhà này chỉ cần một người như bố cô thế là đủ. Còn bà luôn định hướng cho cô vào một ngôi trường danh tiếng, bà muốn cô sẽ trở thành một người phụ nữ giỏi giang, có thể đứng trên rất nhiều người, cô thì lại không muốn như thế.
Từ nhỏ mọi sinh hoạt của cô đều là mẹ tự lên kế hoạch, bà rèn rũa cô từ nết ăn, nết ngủ, đến cách đi, đứng, ngồi phải làm sao để cho toát lên được khí chất của một cô tiểu thư đúng chuẩn. Những buổi học đàn, học ngoại ngữ khiến cho Tú Cầu cảm thấy mất sức, cô chỉ khao khát được ngồi trong phòng làm việc của bố để được xem ông làm việc, để cô có thể cầm bút của ông mà thỏa sức sáng tạo trên những trang giấy.
Mẹ có vẻ rất phiền lòng về những lời than phiền của cô giáo năng khiếu về sự thiếu tập trung của Tú Cầu trong giờ học, đôi khi có lúc mẹ phạt cô phải ở trong phòng tự kiểm điểm mà không cho cô ăn hay uống gì. Lúc ấy khi mẹ đã đi ngủ bố sẽ thường lén mang đồ ăn cho cô, thật ra chẳng phải mẹ không biết mà bà chỉ lờ đi xem như không có chuyện gì mà thôi. Trong ngôi nhà này mẹ cô luôn là người ra quyết định còn bố và cô chỉ việc nghe theo mà thực hiện.
Có một lần Tú Cầu hỏi bố của mình tại sao bố không thể có quyền tự quyết, bố cô đã nói với cô rằng "Mẹ con là người vất vả nhất, mẹ đã từ bỏ thanh xuân, hi sinh mọi thứ để cho bố có ngày hôm nay. Mẹ con cũng rất vất vả để cho con đến được thế giời này, mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho gia đình của mình. Và quan trọng hơn mẹ con là vợ của bố, tất cả những gì mẹ con mong muốn bố sẽ đều thực hiện, thì bố đâu cần quyền tự quyết nữa."
Cho đến bây giờ cô mới hiểu được tình yêu của bố dành cho mẹ nhiều như thế nào, để rồi đến khi ông qua đời, trái tim của mẹ cũng chết từ ngày ấy.
Cô nhớ cũng vào đêm giáng sinh như năm nay và rất nhiều những năm sau này nữa. Gia đình cô đã cùng nhau đón giáng sinh cuối cùng như thế nào, bố đã đưa mẹ và cô đến ăn tối ở một nhà hàng sang trọng.
Cô vẫn có thể nhớ được màu khăn trải bàn lúc ấy là màu gì, những bức tranh treo trên tường như thế nào, và cây thông lúc đó được trang trí ra sao. Tất cả mọi thứ vẫn hiện ra mồn một như mới ngày hôm qua, ngày hôm ấy mẹ xinh đẹp trong chiếc đầm dự tiệc mà bố đã mua tặng cho mẹ. Còn cô giống như một cô công chúa nhỏ trong chiếc váy trắng bồng bềnh, trên đầu cài chiếc vương miện nhỏ đính đá thật đẹp mắt. Bố hãnh diện đi bên mẹ và cô trong ánh mắt ngưỡng mộ của những vị khách đang ăn tối ở đó. Tú Cầu thích thú ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, cho đến khi những món ăn được dọn ra cô đã không khỏi trầm trồ kinh ngạc, tại sao họ lại có thể làm ra món ăn đẹp mắt đến như thế, nếu như phải ăn thì thật là tiếc biết bao. Bố nhìn cô cười vui vẻ, còn mẹ nhìn cô với ánh mắt như muốn nói ở đây là chỗ đông người phải cư xử thế nào cho phải phép. Cô chỉnh lại tư thế rồi bắt đầu ăn, đồ ăn ở đây thật là ngon, Tú Cầu thích thú đôi tay cô thoăn thoắt đưa đồ ăn lên miệng mà không mấy để ý đến câu chuyện giữa bố và mẹ. Cô chỉ nghe loáng thoáng câu được câu không, rằng công việc của bố đang rất thuận lợi. Đợi đến khi bản thiết kế của bố hoàn thành thì cả nhà cô sẽ dọn đến một ngôi nhà mới khang trang hơn, và có thể đón bà ngoại đến ở cùng. Mẹ không tỏ ra quá vui mừng nhưng trong ánh mắt dành cho bố tất cả tình yêu mà bà có, cùng với niềm tự hào mãnh liệt.
Một tháng sau đó bố qua đời vì tai nạn giao thông, người ta nói bố bị nhồi máu cơ tim vì quá xúc động. Khi nghe tin mẹ không khóc, mẹ bình tĩnh một cách lạ thường, còn bà ngoại thì dỗ dành cô trong lòng lau những giọt nước mắt đang nhoè trên khuôn mặt cô, và cô càm nhận được giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống đôi tay của mình, bà ngoại cũng đang khóc. Nhưng mẹ thì không, cô đã thầm trách mẹ đã không có chút tình cảm nào cho bố, thật ra cô đã sai không phải nỗi đau nào cũng dùng nước mắt để đong đếm, có những nỗi đau quá sức chịu đựng của con người khiến cho họ dường như không thể khóc được nữa. Và đó là nỗi đau mà mẹ cô đang phải gánh chịu.
Sau đám tang của bố, mẹ và cô dọn về nhà bà ngoại ở ngôi nhà chật chội và cũ kĩ. Tú Cầu có hỏi về ngôi nhà mà cô đã từng ở với bố mẹ của mình, mẹ cô chỉ trả lời qua loa rồi không còn nhắc đến nữa. Đến khi lớn hơn cô có nghe bà ngoại kể, vì bố bị người ta lừa gạt nên ngôi nhà ấy đã bị người khác tịch thu rồi, đôi mắt bà ráo hoảnh nhưng từng câu nói như khiến cho bà đau lòng lắm.
Kể từ sau ngày bố mất, mẹ cô cũng dần trở thành người khác, bà không còn bận tâm đến việc cô sống như thế nào nữa, có lúc ngồi bần thần một mình, có lúc thì lại cười ngẩn ngơ. Cuộc sống của hai người đàn bà và một đứa trẻ ngày càng khó khăn hơn, gánh nặng một lần nữa lại đẩy lên vai của một bà già đã gần bảy mươi.
Sau mỗi giờ học Tú Cầu lại phụ bà ngoại dọn dẹp quán phở, nơi sau này đã nuôi cô và ước mơ của cô trở thành hiện thực. Chưa bao giờ cô ngừng nỗ lực để vượt qua mọi trở ngại của cuộc đời, những khao khát mãnh liệt cứ âm ỉ cháy. Cô muốn cho bố thấy cô đã làm tốt như thế nào, để không phải hổ thẹn với niềm tin của bố.
Ngày nhận được giấy báo nhập học không gì có thể diễn tả được niềm hạnh phúc của cô gái nhỏ bé kiên cường, cô đang tiến gần đến ước mơ của mình hơn, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì sự lo lắng lại ập đến. Được đi học nghĩa là cô phải xa bà ngoại, xa ngôi nhà thân yêu để đến một thành phố khác, náo nhiệt hơn và tấp nập hơn, mà bà đã già quá rồi, không thể cứ để bà phải lo cho cô mãi. Như hiểu được nỗi lòng của đứa cháu mà bà yêu thương, bà ôm cô vào lòng rồi động viên rất nhiều.
Đêm hôm ấy trong căn nhà nhỏ hai người một già, một trẻ cứ thể ôm nhau khóc.
Những ngày tháng học xa nhà với bao nhiêu bỡ ngỡ và lo lắng dần trôi qua, cô thích nghi rất nhanh với cuộc sống mới. Để bớt đi phần nào gánh nặng cho bà ngoại, Tú Cầu ra sức học để có thể lấy được học bổng, đồng thời cô chạy khắp nơi để xin việc làm thêm.
Trong khi những đứa bạn cùng lớp hàng ngày chỉ bàn về những chuyện hôm nay ăn gì, đi đâu, mua những gì, người yêu ra sao, thì cô chỉ có thời gian để nghĩ xem đi cách nào từ trường đến chỗ làm cho nhanh, hay tháng này cô sẽ kiếm được thêm bao nhiêu tiền để có thể mua được chiếc bút vẽ mới. Vì thế suốt mấy năm học đại học cô chẳng có lấy một người bạn thân thiết, đơn giản vì cô chẳng có thời gian để kết bạn.
Năm thứ ba ở trường do thành tích của cô tốt, lại bộc lỗ rõ năng khiếu, nên cô được thầy cô ưu ái có ai muốn làm cho con bàn học, giường ngủ. Hay lớn hơn là muốn bài trí lại ngôi nhà sao cho hợp thẩm mỹ thì đều gọi cho cô, cho nên cô cũng tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm.
Mấy năm học đại học cứ thế trôi qua không hẳn là bình lặng nhưng cũng không phải có song gió, ngày cô nhận được tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc cũng là ngày cô nhận được tin dữ bà ngoại ốm nặng sắp không qua khỏi.
Vẫn biết trước quy luật ở đời sinh, ly, tử, biệt là điều không thể tránh khỏi, nhưng cô chưa bao giờ muốn chuyện này sẽ đến với mình một lần nữa. Nuốt nước mắt vào trong cô đón ngay chuyến xe cuối cùng trong ngày để về nhà, có lẽ bà cố đợi đứa cháu gái đáng thương từ nhỏ đã sớm mồ côi mà không thể yên lòng cho đến phút cuối. Đôi bàn tay nhăn nheo cầm chặt tay cô, bà muốn nói gì đó nhưng không thể nói được gì, đôi mắt mờ đục không còn nước mắt, vì bà đã khóc quá nhiều cho mẹ cô và cho cả cô. Như hiểu được nỗi lòng của bà, cô ôm chặt bà vào lòng những giọt nước mắt trong ánh mắt chứa đầy sự đau khổ của cô cứ rơi mãi không ngừng.
Con đường của cô giờ đây chỉ còn mình cô bước tiếp, những tháng ngày phía trước sẽ chẳng dễ dàng, nhưng vì bố, vì mẹ, vì bà ngoại, những người mà cô yêu quý suốt cuộc đời này, cô sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay, Tú Cầu chợt nhớ đến công việc phía trước của mình.
Cô vội vàng bước nhanh trên con đường đông người qua lại, tiếng nhạc giáng sinh vẫn vang vọng trong đêm đông lạnh lẽo, dòng người đua nhau kéo về nhà thờ gần đó. Cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn mà không vì nỗi buồn của người này, hay vì niềm hạnh phúc của người kia mà dừng lại.