Kiếm Lai

Chương 7: Chén nước



Ngõ Hạnh Hoa có một giếng nước tên là giếng Thiết Tỏa, một sợi xích sắt to như cánh tay đàn ông trai tráng rủ xuống miệng giếng năm này qua năm khác. Giếng nước và xích sắt này có từ bao giờ, lại do người nào làm chuyện vô vị và kỳ quái này, từ lâu đã không ai biết chân tướng, ngay cả cụ già lớn tuổi nhất trấn nhỏ cũng không biết được ngọn nguồn.

Theo lời đồn trong trấn nhỏ từng có người nhiều chuyện muốn kiểm tra xem xích sắt rốt cuộc dài bao nhiêu, bỏ qua lời khuyên của đám người già, không quan tâm đến quy tắc lâu đời được truyền miệng là “người kéo xích sắt ra khỏi miệng giếng, mỗi một thước sẽ giảm thọ một năm”. Kết quả trong thời gian một nén nhang gắng sức kéo ra một đống xích sắt lớn, nhưng vẫn không có dấu hiệu nhìn thấy đầu cuối.

Người nọ đã sức cùng lực kiệt, bèn để mặc cho đống xích sắt kia nằm vòng vèo bên cạnh ròng rọc giếng, nói rằng ngày mai lại tới, cứ khăng khăng không tin vào tà ma. Sau khi người này về đến nhà thì ngay hôm ấy thất khiếu chảy máu, chết bất đắc kỳ tử trên giường, hơn nữa còn chết không nhắm mắt, bất kể người nhà cố sức vuốt mắt thế nào thì thi thể cũng không nhắm lại được.

Cuối cùng có một cụ già nhiều đời sống ở gần giếng nước, bảo gia đình khiêng thi thể đến bên cạnh giếng, “mắt mở trừng trừng” nhìn cụ già thả xích sắt vào lại trong giếng. Đến khi xích sắt một lần nữa chui thẳng vào miệng giếng nước sâu, thi thể kia cuối cùng đã nhắm mắt lại.

Một già một trẻ chậm rãi đi về hướng giếng Thiết Tỏa kia. Người trẻ là một đứa bé còn thò lò mũi xanh, nhưng khi kể lại câu chuyện cũ này thì ăn nói rõ ràng, gọn gàng rành mạch, không giống như một đứa trẻ mới học vỡ lòng nửa năm. Lúc này nó đang ngẩng đầu lên, hai mắt rất to giống như hai quả nho đen, khẽ khịt khịt mũi khiến hai hàng nước mũi rút trở về. Nó nhìn vị tiên sinh kể chuyện dùng một tay cầm chén trắng lớn, vểnh môi nói: - Tôi kể xong rồi, ông cũng nên cho tôi xem trong chén của ông chứa thứ gì chứ?

Ông lão cười ha hả nói: - Đừng gấp, đừng gấp, chờ đến bên cạnh giếng nước ngồi xuống sẽ cho ngươi xem thỏa thích.

Đứa bé “có ý tốt” nhắc nhở: - Không được nuốt lời, nếu không ông sẽ chết không yên lành, vừa tới bên cạnh giếng Thiết Tỏa sẽ cắm đầu ngã xuống, đến lúc đó tôi cũng không vớt thi thể cho ông đâu. Còn không thì sẽ đột nhiên có sét đánh, vừa lúc đánh cho ông thành thành một cục than cốc, khi đó tôi sẽ cầm một cục đá gõ từng chút một cho vỡ ra...

Ông lão nghe đứa bé nói một tràng những lời xui xẻo ác độc mà không hề vấp váp, cảm thấy nhức đầu nên vội vàng nói: - Chắc chắn sẽ cho ngươi xem, đúng rồi, những lời này là ngươi học của ai?

Đứa bé nói như đinh đóng cột: - Học từ mẹ tôi!

Ông lão cảm khái nói: - Không hổ là người giỏi đất thiêng, đất lành sinh ra hiền tài.

Đứa bé đột nhiên dừng bước, nhíu mày nói: - Ông đang mắng người phải không? Tôi biết có một số người thích nói ngược những lời tán dương để châm biếm, chẳng hạn như Tống Tập Tân!

Ông lão vội vàng phủ nhận, sau đó đổi chủ đề hỏi: - Có phải trong trấn nhỏ thường xảy ra một số chuyện lạ không?

Đứa bé gật đầu.

Ông lão lại hỏi: - Nói nghe xem.

Đứa bé chỉ chỉ vào ông lão, nghiêm túc nói: - Ví dụ như ông cầm một cái chén trắng lớn nhưng lại không chịu để người ta bỏ tiền vào. Lúc ông còn chưa kể xong cố sự thì mẹ tôi đã nói ông kể không tồi, nghe giống như rơi vào trong sương mù, vừa nhìn đã biết là kẻ quen lừa gạt. Cho nên bảo tôi đưa cho ông mấy đồng tiền, nhưng ông lại nhất quyết không nhận, rốt cuộc trong chén có gì?

Ông lão dở khóc dở cười.

Hóa ra vị tiên sinh này lúc trước kể chuyện dưới cây hòe già, sau khi kể xong bèn bảo đứa bé này dẫn mình đến ngõ Hạnh Hoa xem giếng nước kia. Ban đầu đứa bé không thích, ông lão mới nói cái chén trắng lớn này của ông ta có chứa những thứ hay ho hiếm lạ, đáng để tìm tòi.

Đứa bé kia trời sinh hoạt bát hiếu động, bị cha mẹ nói là lúc đầu thai quên mọc cái mông nên không ngồi yên được, lúc còn rất nhỏ nó đã thích theo đám lông bông Lưu Tiện Dương đi lang thang khắp nơi. Nhưng khi muốn câu một con lươn hay cá chạch, đứa bé nghịch ngợm này có thể ngồi yên phơi nắng nửa canh giờ dưới ánh mặt trời, kiên nhẫn đến khác thường.

Cho nên khi ông lão nói trong chén trắng kia có chứa thứ gì đó, đứa bé lập tức cắn mồi mắc câu.

Dù lúc đầu ông lão đưa ra một yêu cầu kỳ quái, nói rằng muốn thử nhấc nó lên xem rốt cuộc nặng đến đâu, có được bốn mươi cân hay không, đứa bé không hề do dự gật đầu đáp ứng, dù sao bị người ta nhấc mấy cái cũng không mất miếng thịt nào.

Nhưng chuyện khiến đứa bé liên tục trợn trắng mắt lại xảy ra, ông lão dùng lòng bàn tay trái nâng chén, tập trung hết sức dùng tay phải thử nhấc nó năm sáu lần, nhưng không lần nào thành công nhấc lên.

Cuối cùng đứa bé liếc nhìn tay chân mảnh khảnh của ông lão, lắc đầu nghĩ thầm sao Trần Bình An nghèo rớt mồng tơi kia cũng gầy như que củi, nhưng sức lực lại lớn hơn lão già này nhiều vậy. Có điều nghĩ đến mình còn chưa được nhìn thấy thứ bên trong chén trắng, đứa bé giống như trời sinh đã thông hiểu từ sớm này lại nhẫn nại, không nói những lời khiến ông lão bẽ mặt.

Nên biết tại khu vực ngõ Nê Bình và ngõ Hạnh Hoa này, xét về cãi nhau chửi bới, nhất là nói chuyện kỳ quặc thì đứa bé này có thể xếp thứ ba, thứ nhì là người trí thức Tống Tập Tân, thứ nhất lại là mẹ của đứa bé này.

Ông lão đi đến bên cạnh giếng nước, nhưng cũng không ngồi lên miệng giếng.

Giếng cổ được xây bằng gạch xanh.

Bất giác hô hấp của ông lão trở nên trầm trọng.

Đứa bé đi đến bên cạnh giếng nước, quay lưng về phía miệng giếng nhảy ra sau, cái mông vừa khéo ngồi trên miệng giếng.

Ông lão nhìn thấy cảnh này mồ hôi lạnh chảy ròng ròng, nếu không cẩn thận thì thằng nhóc kia sẽ ngã thẳng xuống, với ngọn nguồn lịch sử của cái giếng cổ này thì muốn nhặt xác cũng khó.

Ông lão chậm rãi đi tới trước mấy bước, nheo mắt lại cúi người nhìn kỹ xích sắt kia, thấy một đầu xích gắn chặt vào dưới đáy ròng rọc giếng.

“Phong thủy thắng cảnh, giáp ở một châu.”

Ông lão nhìn quanh, nhiều cảm xúc lẫn lộn, nghĩ thầm: “Không biết cuối cùng món bảo khí này sẽ rơi vào nhà ai?”

Ông lão vươn tay trái để không ra, nhìn chăm chú vào lòng bàn tay.

Đường chỉ tay loang lổ phức tạp.

Nhưng lại xuất hiện một đường chỉ tay mới đang từ từ kéo dài, giống như vết nứt trên đồ sứ.

Thần tiên xem tay, như nhìn non sông.

Có điều hiện giờ ông lão này chỉ đang nhìn bản thân mà thôi.

Ông lão nhíu mày thở dài nói: - Chỉ nửa ngày ngắn ngủi quang cảnh đã u ám như vậy, chẳng lẽ là mấy vị kia?

Đứa bé đã đứng lên miệng giếng, một tay chống nạnh còn một tay chỉ vào ông lão, lớn tiếng thúc giục: - Rốt cuộc ông có có cho tôi xem chén trắng hay không?

Ông lão bất đắc dĩ nói: - Ngươi mau xuống, mau xuống, ta sẽ cho ngươi xem chén trắng lớn ngay.

Đứa bé nửa tin nửa ngờ, cuối cùng vẫn nhảy khỏi miệng giếng.

Ông lão do dự một lúc, sắc mặt trang nghiêm: - Bé con, ngươi và ta có duyên, cho ngươi xem sự huyền diệu của cái chén này cũng được. Nhưng sau khi xem xong ngươi không được nhắc tới với người ngoài, kể cả vị mẫu thân kia của ngươi. Nếu như ngươi làm được thì ta sẽ để ngươi mở mang kiến thức, còn nếu không làm được thì dù có bị bé con ngươi nói xấu sau lưng cũng không cho ngươi xem chút nào.

Đứa bé chớp chớp mắt: - Bắt đầu đi.

Ông lão trịnh trọng đi đến bên cạnh miệng giếng, vừa cúi đầu thì phát hiện lúc này đứa bé đã đổi thành dang hai chân ngồi trên miệng giếng, lão hơi hối hận vì đã dây vào thằng nhóc coi trời bằng vung này.

Ông lão ngừng suy nghĩ lung tung, nhìn về phía miệng giếng, năm ngón tay cầm đáy chén trắng lớn, lòng bàn tay bắt đầu hơi nghiêng, biên độ nhỏ đến mức gần như không thể nhận ra.

Đứa bé có cảm giác mình đã chờ rất lâu, nhưng vẫn không thấy cái chén trắng trên đầu kia có động tĩnh gì, ông lão cũng luôn giữ nguyên tư thế kia.

Ngay khi hai hàng nước mũi của đứa bé sắp chảy đến bên miệng, không còn kiên nhẫn được.

Chợt thấy một dòng nước to bằng ngón tay từ trong chén trắng trút xuống, đổ vào sâu trong giếng nước mà không phát ra tiếng động nào.

Đứa bé há miệng lộ cả răng, đang muốn chửi ầm lên.

Nó đột nhiên kinh ngạc ngậm miệng lại, một lát sau sắc mặt đã từ kinh ngạc biến thành ngỡ ngàng. Sau đó đứa bé bắt đầu sợ hãi, đột nhiên lấy lại tinh thần, trong thoáng chốc nhảy xuống khỏi miệng giếng chạy về hướng nhà mình.

Hóa ra lượng nước mà ông lão dùng cái chén trắng kia đổ vào trong giếng đã hơn cả một lu lớn rồi.

Nhưng vẫn còn nước từ trong chén trắng đổ ra ngoài.

Đứa bé cảm thấy mình chắc chắn là gặp quỷ giữa ban ngày rồi.

---------

Lưu Tiện Dương tiện tay bẻ một nhánh cây vừa đâm chồi ven đường bắt đầu luyện kiếm, cả người xoay tròn điên dại giống như bánh xe chuyển động, không hề thương tiếc đôi giày mới dưới chân, khiến con đường nhỏ bốc lên vô số bụi bặm.

Thiếu niên cao lớn ra khỏi trấn nhỏ, từ phía bắc đi về phía nam, chỉ cần băng qua chiếc cầu mái che do Tống đại nhân bỏ tiền xây dựng, đi thêm ba bốn dặm đường là sẽ đến tiệm rèn của cha con họ Nguyễn. Thực ra Lưu Tiện Dương luôn tự cao tự đại, nhưng Nguyễn sư phụ chỉ dùng một câu nói đã khiến thiếu niên bội phục sát đất: “Chúng ta đến đây chỉ để mở lò đúc kiếm.”

Đúc kiếm thật tuyệt, vừa nghĩ tới tương lai mình có thể sở hữu một thanh kiếm thật, Lưu Tiện Dương lại không kìm được hưng phấn, hắn ném nhánh cây đi, bắt đầu vừa chạy vừa hét như quỷ khóc sói gào.

Lưu Tiện Dương nhớ đến mấy quyền thế mà Nguyễn sư phụ lén lút truyền thụ, lại bắt đầu luyện tập, cũng có hình có dạng, hổ gầm gió nổi.

Thiếu niên càng lúc càng đến gần cầu mái che.

Trên bậc thang ở phía bắc cầu mái che có bốn người đang ngồi. Một phu nhân xinh đẹp đẫy đà tư thái thướt tha, ôm một đứa bé trai mặc áo choàng màu đỏ vào lòng. Thằng bé kia hất cằm lên cao, giống như một vị tướng quân vừa mới giành được đại thắng. Phía bên kia bậc thang có một ông lão cao lớn đầu tóc bạc trắng đang ngồi, nhỏ giọng dỗ dành một bé gái đang tức giận. Cô bé trắng ngần như búp bê bằng sứ tinh xảo nhất trên đời, nước da non nớt lóng lánh dưới ánh mặt trời chiếu rọi, đến nỗi có thể nhìn thấy rõ ràng từng đường gân mạch dưới da.

Hai đứa bé vừa cãi nhau xong, bé gái ứa mắt muốn khóc, còn bé trai thì càng đắc ý.

Ông lão có vóc người cao lớn giống như một ngọn núi nhỏ. Phu nhân bên cạnh đưa mắt nhìn sang như muốn xin lỗi, nhưng ông lão uy nghiêm lại làm như không thấy.

Phía dưới bậc thang còn có một người trẻ tuổi họ Lư đang đứng, đó là cháu đích tôn của gia chủ họ Lư, tên là Lư Chính Thuần. Có lẽ đúng là đất đai khác nhau thì nuôi dưỡng ra người khác nhau, những người sinh trưởng ở trấn nhỏ tướng mạo nhìn chung đẹp hơn nam nữ xứ khác. Có điều Lư Chính Thuần từ lâu đã bị tửu sắc mài mòn cơ sở, rơi vào mắt bốn người ngồi ở bậc thang thì càng khó coi.

Lò gốm mà Lư gia sở hữu dù là số lượng hay quy mô đều nổi bật trong trấn nhỏ, cũng là dòng họ có con cháu trong tộc rời khỏi trấn nhỏ đi nơi khác sinh sống nhiều nhất. Trước đây Lư Chính Thuần rất uy phong ở trấn nhỏ, nhưng lúc này vẻ mặt thận trọng, sắc mặt tái nhợt, cả người căng thẳng, giống như chỉ hơi sơ suất sẽ bị người ta tịch thu tài sản tru di cửu tộc.

Thằng bé nói ngôn ngữ mà dân chúng trấn nhỏ nghe không hiểu: - Mẹ, tổ tiên của con sâu nhỏ họ Lưu này thật sự là vị kia...

Khi nó vừa định nói ra tên họ, phu nhân lập tức bịt miệng con mình lại: - Trước khi ra cửa cha đã dặn con bao nhiêu lần rồi, ở chỗ này không được tùy tiện chỉ mặt gọi tên bất cứ ai.

Thằng bé đẩy tay của phu nhân ra, ánh mắt nóng bỏng, thấp giọng hỏi: - Nhà hắn thật sự đời đời truyền thừa bảo giáp và Kiếm Kinh?

Phu nhân cưng chiều sờ đầu con thơ, dịu dàng nói: - Họ Lư dùng nửa gia phả để bảo đảm, hai món đồ còn giấu trong nhà thiếu niên kia.

Thằng bé đột nhiên làm nũng nói: - Mẹ mẹ, chúng ta có thể đổi một ít bảo vật với nhà Tiểu Bạch không, bảo giáp mà chúng ta định lấy thật sự quá xấu. Mẹ nghĩ thử xem, đổi thành bộ Kiếm Kinh kia có thể dùng phi kiếm lấy đầu trong mộng, đúng là thần không biết quỷ không hay, chẳng phải lợi hại hơn nhiều so với một cái mai rùa sao?

Không đợi phu nhân giải thích ngọn nguồn nguyên do trong đó, cô bé ở gần bên đã nổi giận đùng đùng nói: - Chỉ bằng ngươi mà cũng muốn nhúng tay vào bảo vật trấn sơn thất truyền đã lâu của chúng ta? Lần này chúng ta tới đây là danh chính ngôn thuận vật về với chủ, không giống như một số kẻ không biết xấu hổ đi làm cường đạo trộm cắp, thậm chí là làm ăn mày!

Thằng bé quay đầu sang làm mặt quỷ, sau đó cười nhạo nói: - Nha đầu thối ngươi cũng đã nói rồi, đó là bảo vật trấn “sơn”, dựa vào vai vế sơn môn mà thôi, giỏi lắm à?

Thằng bé đột nhiên đổi sang vẻ mặt cười đùa, từ trong lòng phu nhân đứng dậy, ánh mắt thương hại nhìn xuống bé gái, giống như thầy giáo đang răn dạy đám trẻ ngây thơ còn chưa mở mang đầu óc: - Đại đạo trưởng sinh, làm việc nghịch thiên, chỉ ở chữ “Tranh”. Ngay cả đạo lý này mà ngươi cũng không hiểu, sau này làm thế nào thừa kế gia nghiệp, lại làm sao tuân thủ tổ huấn? Hậu duệ núi Chính Dương các ngươi, cứ cách ba mươi năm thì các đời con cháu cần phải nâng cao núi Chính Dương ít nhất một trăm trượng. Nha đầu thối, ngươi tưởng rằng từ ông nội đến cha ngươi làm được rất dễ dàng sao?

Cô bé có phần thua về khí thế, sắc mặt ủ rũ cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào bé trai kia.

Ông lão cao lớn đầu tóc bạc trắng trầm giọng nói: - Phu nhân, tuy rằng trẻ con nói chuyện thiếu suy nghĩ, nhưng lỡ may làm hại đạo tâm của thiếu chủ nhà ta bị che mờ, vậy các người cũng nên cân nhắc hậu quả.

Phu nhân cười quyến rũ, kéo đứa con thơ sắc mặt âm trầm vào lại trong lòng, nói giống như trong bông có kim: - Trẻ con cãi nhau mà thôi, Viên tiền bối cần gì phải phóng đại như vậy, đừng phá hư tình hữu nghị ngàn năm của hai nhà chúng ta.

Không ngờ tính khí của ông lão rất rắn rỏi, đáp thẳng lại một câu: - Núi Chính Dương ta khai sơn hai ngàn sáu trăm năm, có ân báo ân ngàn năm cũng không quên, có oán báo oán chưa từng để qua đêm!

Phu nhân chỉ cười cười, cũng không muốn tranh khí thế.

Lần này đến trấn nhỏ mọi người đều gánh vác trọng trách, nhất là bà đã đặt cược cả tính mạng của gia đình mình, tiền đồ của con trai và tài sản của nhà mẹ đẻ, một ván được ăn cả ngã về không.

Vị phu nhân này mặc dù quần áo giản dị nhưng khí khái lại ung dung, có điều dân chúng trấn nhỏ chưa từng thấy qua việc đời, không biết được huyền cơ mấu chốt trong đó.

Từ đầu đến cuối Lư Chính Thuần vẫn quay lưng về phía bậc thang của cầu mái che.

Lúc trước lần đầu tiên nhìn thấy những khách quý này ở nhà lớn họ Lư, em trai ruột của mình chẳng qua là trẻ tuổi bốc đồng không đủ định lực, nhất thời quên mất lời răn của ông nội, không nhịn được liếc trộm bộ ngực của phu nhân xinh đẹp kia. Ông nội giận đến toàn thân run rẩy, lập tức bảo người kéo hắn ra dùng gậy đánh chết ngay trong sân.

Trong miệng hắn nhét đầy vải bông giống như khi hành hình, do đó Lư Chính Thuần tiếp tục theo ông nội nghị sự trong phòng lớn, không nghe được tiếng kêu thê thảm của em trai, cũng không thấy được hình ảnh máu thịt đầm đìa. Đợi đến khi thương nghị xong, cùng nhau ra ngoài tìm kiếm thiếu niên họ Lưu, Lư Chính Thuần sải bước ra khỏi ngưỡng cửa phòng khách, mới phát hiện vết máu trong sân đã sớm được rửa sạch.

Bốn vị khách từ xa đến kia, kể cả đôi trẻ như Kim Đồng Ngọc Nữ đều thờ ơ với chuyện này, giống như đây là một chuyện hiển nhiên vậy.

Tại khoảnh khắc đó Lư Chính Thuần đã ngỡ ngàng.

Chết một người, sao giống như còn không bằng chết một con chó?

Huống hồ người đó còn là họ Lư, khuya hôm qua còn cùng với người anh trai này của hắn uống rượu tăng thêm can đảm, nhảy nhót tung tăng, nói rằng sau này nhất định phải thăng quan tiến chức, rạng danh cửa nhà, hai anh em không làm ếch ngồi đáy giếng nữa, phải hợp sức mở mang một cõi ở bên ngoài.

Đến sau khi rời khỏi nhà lớn Lư gia, đầu óc Lư Chính Thuần vẫn trống rỗng.

Sau đó Lư Chính Thuần bắt đầu nảy sinh sợ hãi, khi đám quý nhân xa lạ hỏi thì giọng nói của hắn sẽ run rẩy, lúc dẫn đường bước chân cũng lâng lâng. Hắn biết dáng vẻ này của mình sẽ làm trò cười cho thiên hạ, làm ông nội thất vọng, khiến gia tộc xấu hổ, nhưng người trẻ tuổi thật sự không kiềm chế được sự sợ hãi của mình, giống như trong xương cốt toàn thân đều rỉ ra khí lạnh.

Vào cuối năm ngoái ông nội đã dẫn anh em bọn họ vào một gian mật thất, nói với bọn họ một tin tức, không lâu sau Lư gia sẽ phải làm việc cho một số quý nhân, đó là phúc phận rất lớn, nhất định phải cẩn thận làm việc. Xong việc Lư gia sẽ dùng thù lao làm nước cờ đầu bồi dưỡng hai anh em, chỉ cần quý nhân chịu gật đầu thì sau này dưới chân anh em bọn họ sẽ xuất hiện một con đường rộng rãi, một bước lên mây, cuối cùng có được vinh hoa phú quý không thể tưởng tượng. Khi đó hắn mới hiểu được vì sao mình và em trai từ nhỏ phải học tập nhiều ngôn ngữ địa phương kỳ lạ hiếm thấy như vậy.

Lư Chính Thuần nhìn Lưu Tiện Dương càng lúc càng đến gần cầu mái che, hắn đột nhiên rất căm hận người này. Cái tên nghèo rớt mồng tơi này từng bị mình dẫn người chặn trong ngõ nhỏ, nằm dưới đất như chó chết. Nếu không có một thằng khốn chạy đến đầu ngõ bên kia la lên chết người rồi, hắn và mấy đồng đảng vốn đã định làm theo giao hẹn, cởi quần tưới một cơn mưa rào lên đầu tên thiếu niên không biết điều nằm dưới đất kia rồi.

Cho tới giờ Lư Chính Thuần vẫn không hiểu tại sao những quý nhân ngồi tít trên cao này lại nhìn Lưu Tiện Dương với con mắt khác. Còn về những thứ mà bọn họ nói như bảo giáp, Kiếm Kinh, núi Chính Dương, trường sinh đại đạo, còn có tranh cơ duyên, giành số mệnh gì đó, hắn giống như nghe hiểu được hết, thực ra lại chẳng hiểu gì.

Nhưng Lư Chính Thuần có thể xác định một chuyện, đó là hắn rất mong Lưu Tiện Dương chết ở đây.

Còn như nguyên nhân thật sự, Lư Chính Thuần không dám thừa nhận cũng không muốn suy nghĩ sâu xa.

Từ tận đáy lòng, Lư Chính Thuần tuyệt đối không muốn Lưu Tiện Dương hèn mọn như chó, nhìn thấy thiếu gia họ Lư ăn ngon mặc đẹp như mình suy bại đến mức thấp kém như họ Lưu hắn.

Không có chuyện gì nhục nhã hơn chuyện này.

Phu nhân xinh đẹp nhìn về hướng kia, lẩm bẩm nói: - Tới rồi.

Thiếu niên cao lớn vừa đánh quyền vừa đi tới, đến lúc sau xuất quyền nhanh chóng và mãnh liệt, càng đánh càng nhanh, đến mức thân hình thiếu niên cũng bị quyền thế cuốn theo hơi loạng choạng.

Dưới con mắt người trong nghề, trong quyền ý vừa mới thành hình đã lộ ra một chút phong phạm đại thành cương nhu bổ trợ.

Con đường võ đạo quyền pháp có một câu khẩu quyết nhập môn: “Không có chân ý quyền, trăm năm vẫn tay ngang. Ngộ được chân ý quyền, mười năm đánh quỷ thần.”

Phu nhân xinh đẹp như trút được gánh nặng, quả nhiên thiếu niên họ Lưu này là người mà bọn họ muốn tìm. Thiên phú đúng là không tầm thường, cho dù ở trong những phủ đệ tiên gia của bọn họ thì căn cốt tư chất của hắn cũng không thể xem thường.

Đương nhiên trong thế giới rộng lớn của phu nhân xinh đẹp và ông lão tóc bạc cao lớn, loại người này cũng là nhiều nhất.

Phu nhân xinh đẹp đứng lên, dặn dò Lư Chính Thuần phía dưới bậc thang: - Ngươi đi nói với thiếu niên kia, hỏi xem hắn muốn gì mới đồng ý lấy ra hai món đồ gia truyền là áo giáp và bộ sách.

Khi Lư Chính Thuần xoay lại thì đã cúi đầu khom người, cũng trả lời bằng một loại tiếng địa phương mà dân chúng trấn nhỏ chắc chắn nghe không hiểu: - Vâng thưa phu nhân.

Phu nhân hờ hững nói: - Nhớ kỹ, lúc ngươi và thiếu niên kia nói chuyện phải vui vẻ hoà nhã, chú ý chừng mực.

Bé trai đưa ngón tay ra, giống như đứng trên cao nhìn xuống, nghiêm nghị nói: - Nếu làm hỏng chuyện lớn bản công tử sẽ lột da rút gân ngươi, còn luyện hồn phách của ngươi thành tim đèn, trước khi đèn tắt ngươi lúc nào cũng sẽ sống không bằng chết!

Lư Chính Thuần sợ đến giật mình, càng khom lưng xuống thấp, lo lắng bất an nói: - Tiểu nhân tuyệt đối sẽ không làm hỏng việc!

Bé gái cuối cùng cảm thấy có cơ hội giành lại khí thế, bèn chế giễu: - Trước mặt những phàm phu tục tử này thì đầy uy phong, không biết là ai trên đường tới đây bị người đồng đạo mắng thẳng trước mặt là con hoang, nhưng cũng không dám đánh lại.

Thực ra ngay từ đầu ông lão cao lớn đã có ấn tượng không tốt về đôi mẹ con nịnh hót này, vì vậy bổ sung một câu: - Tiểu thư nói sai rồi, đâu phải là không dám đánh lại, rõ ràng là không dám cãi lại.

Bé trai mặc bộ áo choàng đỏ tươi nghiến răng nghiến lợi, sắc mặt âm trầm nhìn chằm chằm vào bé gái, nhưng cũng không nói lời độc ác nào, cuối cùng lại nhoẻn miệng cười rất tươi sáng.

Ánh mắt của phu nhân thì vẫn luôn tập trung vào con đường phía trước, sắc mặt bình thản ung dung, còn như trong lòng bà có khó chịu hay không thì có trời mới biết.

Bé gái hừ lạnh chạy xuống bậc thang, ngồi xổm bên khe suối, cúi đầu nhìn cá lội trong nước.

Thỉnh thoảng có từng đàn cá chép bơi qua trước mắt cô bé, số lượng không đồng đều, có đủ hai màu xanh đỏ.

Một số cụ già lớn tuổi trong trấn nhỏ khi tán gẫu dưới cây hòe già, thường nói trong thời tiết dông bão, lúc bọn họ đi ngang cầu mái đều từng thấy dưới cầu có một con cá chép vàng rực bơi qua.

Chỉ là có cụ già nói kích thước của con cá chép vảy vàng kia lớn bằng bàn tay, cũng có người nói con cá chép kỳ lạ kia rất lớn, ít nhất phải dài đến nửa thân người, đúng là sắp thành tinh rồi.

Nhiều cách nói khác nhau khiến đám người già tranh cãi, đến nỗi đám trẻ nhỏ nghe kể chuyện cũng không tin là thật.

Lúc này bé gái nhìn chăm chú vào khe suối nhỏ trong suốt thấy đáy kia, hay tay nâng cằm nhìn không chớp mắt.

Ông lão tóc bạc ngồi xổm xuống bên cạnh cô, nhẹ giọng cười nói: - Tiểu thư, nếu như Lư gia không nói láo, phần cơ duyên lớn này đã rơi vào túi người khác rồi.

Cô bé quay đầu sang, nhếch miệng cười nói: - Viên gia gia, nói không chừng có đến hai con!

Thế là cô lộ ra hình ảnh thiếu một chiếc răng cửa trông rất khôi hài.

Cô bé nhanh chóng nhận ra điều này, vội vàng đưa tay che miệng lại.

Ông lão nín cười giải thích: - Họ nhà giao long còn chưa qua sông thì rất coi trọng phân chia địa bàn, không cho phép đồng loại đến gần. Vì vậy...

Cô bé ồ lên, lại quay đầu đi, hai tay nâng cằm ngẩn ra, lẩm bẩm nói: - Ngộ nhỡ có thì sao.

Ông lão luôn có vẻ hiền hậu khi ở bên cạnh bé gái, lần đầu tiên lộ ra vẻ mặt uy nghiêm của bề trên, đưa tay khẽ ấn đầu cô bé, trầm giọng nói: - Tiểu thư hãy nhớ lấy, hai chữ “ngộ nhỡ” này quả thật là tử địch số một của chúng ta, quyết không thể ôm lòng cầu may! Tiểu thư cô tuy là cành vàng lá ngọc...

Cô bé rút một tay ra cố sức vẫy vẫy, hồn nhiên oán trách: - Biết rồi, biết rồi, Viên gia gia, lỗ tai của cháu sắp chai rồi.

Ông lão nói: - Tiểu thư, ta đi xem động tĩnh bên kia. Mặc dù đối phương là đồng minh trên danh nghĩa của núi Chính Dương chúng ta, nhưng tính cách phẩm hạnh của người trong gia tộc kia, à thôi đi, tránh làm bẩn tai của tiểu thư.

Cô bé chỉ phất tay xua đuổi.

Ông lão đành phải bất đắc dĩ rời đi.

Ông lão cường tráng thân phận giống như tôi tớ này buông hai tay xuống đầu gối, lúc đi đường lưng hơi khom giống như đang vác nặng.

Bé gái bên bờ suối đột nhiên ra sức dụi dụi mắt.

Cô phát hiện mực nước trong khe suối nhỏ rõ ràng bắt đầu dâng lên từ từ, dùng mắt thường có thể thấy được!

Nếu là ở ngoài trấn nhỏ, ví dụ như núi Chính Dương hoặc bất kỳ nơi nào ở quê nhà, cho dù là cả dòng nước của khe suối nhỏ trong nháy mắt khô cạn, cô cũng sẽ không ngạc nhiên chút nào.

Cô bé nghi hoặc nói: - Không phải ở nơi này thiên nhiên đóng kín tất cả huyền thuật, thần thông và đạo pháp? Hơn nữa tu vi càng cao thâm thì cắn trả càng mạnh sao? Viên gia gia từng nói, cho dù là người trong truyền thuyết kia ở chỗ này lâu dài, hôm nay cũng lâm vào tình cảnh khó khăn lo cho mình còn không xong, rất khó ngăn cản người khác ra tay tranh đoạt...

Cuối cùng cô lắc lắc đầu, không muốn suy nghĩ vấn đề này nữa.

Cô bé quay đầu nhìn bóng lưng cao lớn của Viên gia gia.

Cô vui vẻ thầm nghĩ, chờ nơi này hoàn toàn xóa bỏ lệnh cấm, cô sẽ thỉnh cầu Viên gia gia mang đỉnh núi tên là Phi Vân kia đi.

Mang về quê nhà làm vườn hoa của cô.